February 4, 2007

(39) CỦ KHOAI của LÃNH TỤ

Thiết Trượng (Aug 1999)

Ông Dan Quayle hồi còn làm Phó TT nước Mỹ đã bị mang tiếng là i-tờ-rít khi đánh vần sai chữ CỦ KHOAI “POTATO” và ông đã bị chết dí với biệt hiệu diễu cợt này. 

Gần đây, Lãnh tụ Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) của Bắc Hàn, kế nghiệp nhà độc tài quá cố Kim Nhật Thành, vừa có một sáng kiến “siêu việt” để giải quyết nạn đói của dân bằng cách ra chỉ thị nỗ lực... trồng khoai. Nhu yếu phẩm của dân Đại Hàn từ xưa tới nay là gạo, nhưng dưới sự chỉ huy kinh tế của người cộng sản, thực phẩm này cũng trốn chạy đâu mất, khiến dân chúng đói meo. Trong vòng hai năm nay, cơ quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đã phải hô hoán ầm ĩ để thế giới chú tâm, rồi vận động kể cả áp lực để Bắc Hàn cho cơ quan thiện nguyện được đi vào xứ sở đóng kín hầu cứu các người trong vùng sắp chết đói, nhất là nhiều trẻ em đang trong tình trạng suy kiệt trầm trọng, nhờ vậy nạn đói giảm đi trông thấy. Kể từ 1995, người ta ước lượng khoảng 2 triệu người chết đói, còn tin tức năm 1998 cho biết vì không có thực phẩm, dân Bắc Hàn có nơi đã phải ăn thịt... người chết.

(38) THÚI... KHÔNG NGỬI ĐƯỢC !

Thiết Trượng (1999)

Ngày 2 tháng 8 năm 1999 là ngày lịch sử cho Thư viện Hungtington tại San Mario sau 71 năm thành lập vì số người đông đúc đến thăm nơi này. Họ chen chúc xếp hàng giữa cơn nóng mùa hè của Cali, chờ hai, ba tiếng đồng đồ để được chiêm ngưỡng một loại cây chỉ cao 6 foot, nhưng bông hoa thì to lớn, cao đến 5 foot và đặc biệt mùi hương thì... thối hoăng! Để “nhìn và ngửi” kỳ hoa dị thảo này người ta phải móc hầu bao $8.50 cho tiền vào cửa. Khoảng giữa trưa, ước lượng có 7,000 người đang “rồng rắn” để chờ đến phiên xem hoa. Có hai người đi coi bị ngất xỉu phải khiêng ra xe cứu thương. Phóng viên hỏi mấy người hiếu kỳ đi ra, cảm giác ra sao về “mùi thơm” đặc biệt này, người thì nói nó thối như chó bị cán chết trên đường, kẻ thì cho nó khắm như mùi thùng rác lâu ngày chưa đổ...
Loại cây này nguyên gốc từ Sumatra ở Nam Dương, dân địa phương nôm na gọi là cây hoa Tử Thi, tên khoa học của cây là Amorphophallus Titanum, có hoa thuộc loại to nhất và dễ tan rữa trên thế giới. Từ trước đến nay ở Hoa Kỳ, loại hoa này chỉ nở có 11 lần. Lần đầu tiên năm 1937, cây này nở hoa tại Vườn Bách Thảo Bronx cũng thu hút đông người xem. Vì hoa thuộc loại chóng tàn nên Thư viện Huntington ở Cali chỉ loan báo có hai ngày để coi hoa. Ông nhà báo của LA Times tường thuật vụ này không biết ngớ ngẩn hay giả vờ “ngây thơ cụ” khi đặt câu hỏi: tại sao người ta lại lũ lượt xếp hàng chầu chực đi xem một loại hoa hôi thối, đông hơn cả những lần vừa rồi khi triển lãm kỷ niệm của các vĩ nhân George Washington và Abraham Lincoln?

(37) SƯ TỬ HỐNG


Thiết Trượng (1999)

Chưa đầy một tuần lễ, vừa xong thỏa ước ký tạm cho mậu dịch giữa CS Hà nội và Hoa Kỳ vào ngày Chủ nhật thì bốn ngày sau vào Thứ Tư 27 tháng 7 năm 1999, Hạ viện Mỹ lại phê chuẩn Tối Huệ Quốc một lần nữa cho Trung Cộng. Điều này cho người ta thấy rằng không có một trở lực chính trị nào tại Hiệp chủng quốc có thể gây trở ngại cho giới Tư bản Mỹ khi họ đã đánh hơi và chĩa mũi vào mối lợi nào đó. Dù các tổ chức về nhân quyền trưng nhiều bằng cớ vi phạm nhân quyền hiện nay tại Trung Cộng và Việt Nam, chưa kể có bằng chứng Trung cộng đã ăn cắp bí mật chế tạo vũ khí nguyên tử của Hoa kỳ, kết quả ký kết buôn bán vừa rồi đủ thấy mối lợi đã làm mờ tối lương tri con người.
  

Trước đây khi đề cập về Trung Hoa, Thủ tướng Winston Churchill của Anh quốc lúc sinh tiền có cảnh cáo cho các nhà chính trị Tây phương một câu để đời: “Con sư tử đang ngủ yên, đừng đánh thức nó dậy”. Nước Nga, với vùng đất lạnh giá rộng lớn Sibérie có loại gấu to lớn dữ dằn sinh sống nên được gán danh là Gấu Bắc cực, từ thời Stalin cho đến các hậu duệ có thể vì biên giới sát nách với con Sư tử nên e dè canh chừng nó rất kỹ. Chỉ có Chim Ưng Hoa Kỳ, cách Á châu cả một đại dương, coi lời Thủ tướng xì gà Churchill không có ký-lô nào, nên năm 1971, TT Nixon và chuyên viên đi đêm Kissinger bắt đầu vỗ nhè nhẹ con Sư tử bằng hình thức ngoại giao bóng bàn. Kẻ ngái ngủ Trung Cộng còn được dàn xếp bước vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một cách chễm chệ oai hùng để đại diện cho một cường quốc gọi là Trung Hoa. Phần Đài Loan, hải đảo hùng cứ sót lại của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, bị đá ra rìa nơi cơ quan quốc tế này một cách tàn nhẫn. Số phận bàn cờ Đông Dương từ đó cũng được quyết định và người VN quốc gia của chúng ta cũng đã hứng chịu một chung cuộc không kém phần tàn nhẫn bi thương năm 1975.
 
Hình: Reagan - Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh năm 1984)
Sau khi Mao Trạch Đông chết, Trung cộng dưới thời Đặng tiểu Bình được hướng dẫn bằng con đường mới, theo chủ trương câu nói bất hủ của họ Đặng “mèo trắng hay mèo đen, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”.

(30) Mặt trận Điệp Báo

(Thiết Trượng 2002)


Trong KBC Hải ngoại tháng 11-2002, đọc xong “Từ cái chết của SVSQ Sử Xuân Vĩnh Lộc”, tôi bâng khuâng nhớ đến ngôi trường cũ của mình trên ngọn đồi 4648. Xuất thân khóa I Nguyễn Trãi, được một thời gian phục vụ tại quân trường mẹ, tôi có nhiều kỷ niệm buồn vui với nơi này.

Sau trận Tổng công kích đợt I Tết Mậu Thân 1968, trường Đại học CTCT ở Đalat dần dần mới tập họp đầy đủ các SVSQ đi phép Tết trở về. Tổng kết quân số, chúng tôi chỉ thiệt hại có một trong số SVSQ đi phép ở Huế, cộng thêm cái tang thân phụ của một SVSQ là Thượng nghị sĩ Trần Điền, cả hai bị Cộng sản giết hại trong đợt thảm sát ở Cố Đô.

(29) Đời sau, thường nhân làm sao hiểu?

Thiết Trượng (1997)

Tiểu bang Cali được dân Việt chạy trốn bác Hồ chọn là nơi ”ưu tiên một” vì khí hậu tốt, trợ cấp thơm, bắt Job tiền không tệ... rồi thủ đô tị nạn Little Saigon mới được gán cho vùng Orange County vì dân số người Việt tại đây đông nhất thế giới. Cái Saigon nhỏ bé nơi đất Mỹ này đã từng gây nhức nhối cho cả ta, cả bạn... lẫn địch về nhiều phương diện: văn hóa, chính trị, tôn giáo, xã hội. Nếu kể chi tiết trong từng lãnh vực vừa đề cập ở trên thời không bao giờ hết chuyện và đôi khi các vị cư ngụ lâu năm lại bĩu môi ”Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Ở đây chỉ nhắc đến ”Nỗi đau tị nạn” mới nhất mà dân Việt đồng cảnh ngộ xin chia sẻ với dân địa phương cùng hoàn cảnh: đó là cái luật của Cali cấm hút thuốc nơi trà đình, tửu quán và các chốn ăn chơi nhảy nhót, cờ bạc...
 
 (Hình - Trái: James Deans - Phải: Rita Hayworth)
Tôi đang tự hỏi con cháu của mấy ông bà ủng hộ cái vụ cấm đoán gắt gao trên, sau này giở văn học sử ra (điện ảnh cũng thuộc lãnh vực văn nghệ) tự nhiên thấy bản nhạc phổ câu thơ ”Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói buồn vương lên mây...” có lẽ tụi nhóc hậu sinh ”khả úy” sẽ nghệt mặt ra chả hiểu tại sao lại có hiện tượng quái lạ phải châm cái đồ ”độc địa” thuốc lá đó mới biểu trưng được cái nỗi nhớ nhà da diết. Chúng nó cũng sẽ thấy các cảnh phim ảnh mà người bạn mồi điếu thuốc rồi đặt lên môi người sắp chết sẽ không có gì là cảm động xót xa thân thiết, chia ngọt sẻ bùi. Cùng trong tâm trạng vui buồn hoạn nạn có nhau đó, cái cảm xúc tình người khoảnh khắc của không gian nhỏ bé sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi nơi chiến trận trong giờ phút mong manh giữa sinh và tử, hay giữa hoàn cảnh không một mảy may thoát vòng địa ngục nơi chốn lao tù lúc người ta chia sẻ một luồng khói thuốc cùng nhau... Biểu tượng người hùng trong tương lai của các phim cao bồi, chiến tranh, trinh thám hoặc gián điệp như James Bond 007 sẽ không có hình ảnh nhả khói trước hay sau khi hành động; cũng chẳng còn cảnh bật quẹt châm thuốc sau đoạn làm tình....

(36) THAM VÀNG PHỤ NGÃI


THẾ SỰ BỀNH BỒNG
Thiết Trượng

Câu nói của cổ nhân: “Trách ai tham vàng phụ ngãi” áp dụng cho những người ham tiền, phụ tình, phụ nghĩa để lấy kẻ “nhiều vàng lắm bạc” có lẽ vào năm cuối cùng của thế kỷ 20 không còn tuyệt đối đúng nữa. Lý do tiền tệ của những nước tiên tiến có khuynh hướng không còn căn cứ trên kim bản vị như trước, trong đó vàng là quí kim được toàn thế giới chọn lựa. Sự giàu có của người có vàng trong thời đại bây giờ sẽ giảm bớt vì vàng đang càng ngày càng mất giá.
(Hình: Tường dát vàng trong mộ cổ Ai Cập)

Bằng chứng mới nhất là ngày 7 tháng 7 năm 1999 vừa qua, Anh quốc đã bán ra đợt đầu 25 tấn (trong tổng số dự định 415 tấn) làm giá vàng xuống liền trong nội ngày hôm đó $6.80 một ounce, chỉ còn $257.80 mỗi ounce. Một con tính cho biết, nếu chín năm trước, bạn mua vàng “để dành” hồi tháng 1-1990, lúc đó giá vàng là $420.60 thì nay bạn đã lỗ $162.80. Còn hơn nữa, nếu tháng giêng năm 1980 (cách đây 19 năm), khi quân Nga tiến vào A Phú Hãn và cũng là lúc Hoa Kỳ bị nạn lạm phát trong khi giá dầu tăng vọt, bạn mua vàng lúc đó là cao điểm của quí kim này với giá $875 mỗi ounce, bạn đã lỗ to $517.20 mỗi ounce. Giản đơn, bạn mua 3 cây năm 1980, nếu phải bán năm nay, bạn mất béng 2 cây!

February 3, 2007

(25a) San Diego: Biệt thự nơi đờn hát của ma quỉ.


Thời Đại (11-1997)

Bạn đọc cư ngụ tại San Diego, California, nếu để ý góc đường 20 và K, sẽ thấy có một ngôi nhà kiến trúc hơi là lạ. Với cái tên gọi Villa Montezuma, hiện nay căn nhà này nằm trong danh sách được Hội Bảo tồn Lịch Sử của San Diego chăm sóc. Ngôi nhà cấu trúc hơi khác thường này có liên hệ nhiều đến một người tên Jesse Shepard, một nhà dương cầm đẹp trai, từng biểu diễn tài nghệ trước nhiều Vua Chúa của Âu châu.

Trong các cuộc phỏng vấn về đời mình, Shepard cho biết ông đã từng sống nhiều năm ở Nga sô, tại nơi đây ông đã tiếp xúc với nhiều nhà huyền bí và những người này có biệt tài giao cảm với những linh hồn thuộc cõi bên kia thế giới. Chính vì thế, khi trở lại San Diego năm 1887, ông đã nhanh chóng gia nhập vào nhóm nghiên cứu huyền bí tại thị trấn này. Với biệt tài về âm nhạc, chưa kể xuất sắc về thơ, Shepard mau chóng trở nên một người nổi bật của nhóm. Trong số hội viên huyền bí có hai tài phiệt chủ nông trại là John và William High. Hai người giàu có này đã bỏ tiền để xây dinh thự đặc biệt theo sự khuyến dụ của Jesse Shepard.


(23a) Đi xem Ma Quỉ nơi đất Mỹ


Thành phố San Juan Capistrano:
nơi Ma Quỉ nhiều nhất tại Orange County.
(Thời Đại - Oct 1997)
Hàng năm vào rằm tháng Bảy, Việt Nam ta coi đây là ngày Xá tội Vong nhân, dân chúng cúng quảy bố thí đồ ăn thức uống cho các hồn ma, bóng quế đói khát không có nơi nương tựa. Hình thức bác ái thương sót với thập loại chúng sinh đã chết chưa kể với cách hành sử nhân từ cả với kẻ thù còn sống sót của tổ tiên qua lịch sử có thể là một bài học tốt cho hậu sinh mà tôn giáo nào ở VN cũng khuyến khích tín đồ nên tuân theo.

Hoa Kỳ ảnh hưởng Thanh giáo, du nhập lễ ma quỉ cũng không ngoài mục đích nhắc nhở kẻ sống không nên lãng quên những linh hồn đang còn vất vưởng quanh ta.
  
Theo Pamela Hallan-Gibson (Hình dưới bên trái. Phải: Nữ Kỳ Bí), một "Ma sư" (*) và là tác giả truyện "Ghosts and Legends of San Juan Capistrano", cho thành phố cổ kính San Juan phía nam Cali này là một nơi có nhiều ma quỉ nhất ở Orange County. 

1 - NGƯỜI NỮ KỲ BÍ:
Khu vực nổi tiếng nhất, nên viếng đầu tiên, bạn sẽ nghe ma kêu quỉ hú là tại con đường Los Rio, nơi có một phụ nữ da trắng dật dờ tại khu đường rầy xe lửa bụi bậm hoang vu. Bóng người ma nữ này đôi khi thấy nhấp nhô chỗ vườn hoa vàng của dãy nhà thuộc lộ Rio hay thấp thoáng đảo qua chỗ dinh thự màu hồng nơi tiệm Moonrose.

(24a) Hồn ma nhà khảo cổ tại Bảo tàng viện



Hồn ma nhà khảo cổ Chester Stock tại Bảo tàng viện của LA County.
Có những người khi chết rồi, hồn ma họ còn vương vất cõi đời vì chưa hoàn thành một ý nguyện hay công việc nào đó. Hồn ma vẫn làm những hành động lúc sinh thời hằng ngày họ theo đuổi. Muốn giúp những linh hồn này được siêu thoát, người trong cuộc phải hiểu rõ nguyên do khiến kẻ khuất mặt còn lưu luyến nơi trần thế.

Như trong chuyện sau đây về cuộc tranh đấu nội tâm giữa lòng hiếu thảo và tình mẫu tử vì chen lẫn trong nó một mối cảm tình của đôi trai gái. 

Sau khi khám phá chàng trai hàng xóm, cạnh ngôi nhà mà Huyền Linh đang chăm sóc cho ông già bệnh hoạn là một hồn ma, Huyền Linh quyết tâm giúp người con trai dễ mến được siêu thoát khỏi sự kềm kẹp khắc nghiệt của bà mẹ, một hồn ma khác đang sống cùng ngôi nhà. Chàng trai trẻ chơi vĩ cầm mà Huyền Linh chuyện trò đã ân hận chuyện bỏ đi chốc lát rồi gặp tai nạn bị tử vong, không ai cho bà mẹ uống thuốc khiến bà cụ cũng qua đời. Người mẹ bịnh tật khi tỉnh táo mới được dìu lên xe lăn, cứ yên trí con đi chốc lát sẽ về, bà chờ và chờ... mãi cho đến khi cơn bệnh trở chứng không thể lết ra nơi chai thuốc được dùng cho lúc khẩn cấp. Lọ thuốc chỉ cách xa bà vài bước. Hồn ma chàng trai ân hận, cứ bị nỗi ám ảnh chỉ vì sự bỏ đi của mình mà mẹ qua đời, nên dù biết mình đã chết, nhưng vì linh hồn bà mẹ vẫn quanh quẩn trong ngôi nhà, chàng không dám bỏ đi. 

February 2, 2007

(35) NGƯỜI YÊU CỦA LÁ (Thơ Trào Phúng)



(Thân tặng chú Thòong)

Tối ngày mơ tưởng lá đa
Đến khi đa có lại la trách đời
Ngày Ba, đêm Bảy tơi người
Đến nay xanh mét, mèng ơi... bác Khường !
Bác than bác sợ.. cái giường !
Lỡ leo lên nó, hết đường ngủ yên.
Trong sở làm việc như điên,
Khuya về lại phải ô-vơ-thêm (overtime) mấy phùa !
Sức voi có lẽ còn thua,
Lao tù cải tạo cũng chưa cực bằng.
Ai ơi có thấu cho chăng ?
Ban đầu tưởng bở còn hăng ra gì.
Nay thì điện... yếu, bình.. xì.
Xạc hoài cũng thế, cứ... ỳ ra thôi !