Showing posts with label - Sưu tầm: Văn Nghệ. Show all posts
Showing posts with label - Sưu tầm: Văn Nghệ. Show all posts

January 30, 2007

(7) Phở: Chiến thắng toàn cầu của người Việt

Thiết Trượng
(Bài viết tản mạn về Phở có trích dẫn một số bài, xin các tác giả được đề cập lượng thứ đã không xin phép trước. Người viết trân trọng cảm ơn những tác giả nêu tên, kể cả cơ quan ngôn luận đã đăng tải bài viết. Năm 2002 - Thiết Trượng)
******
Tổng Quan: 
Cuộc di cư 54 của người Bắc đã mang nhiều thứ khác lạ đối với dân miền Trung và Nam, kể cả đồ ăn thức uống. Trong đó món Phở hùng dũng Nam tiến đến tận cùng cõi Cà Mau. Sau 75, dân Việt di tản tứ tán trên quả địa cầu, hễ ở đâu tụ tập đông đảo một chút, thế nào cũng có thức ăn Việt Nam xuất hiện tại các hàng quán và một món ăn "bon chen" cho bằng được đó là Phở. Ngay thành phố cờ bạc Las Vegas cũng có quán bán phở, nào là Phở Chiến, Phở Đa Kao, Phở 2000...

Tôi cũng đồng quan điểm với một số người cho rằng, nói về phở nên đề cập đến phở bò mới đúng ý nghĩa nhất. Từ phở bò mới đẻ ra các loại phở biến thái khác như phở gà, phở ngầu pín, phở bò viên...


Tô phở ở VN là một tác phẩm nghệ thuật, tổng hợp đủ ngũ quan vị giác. Hài hòa về màu sắc của hội họa với nước dùng trong trong phủ lên màu trắng của bánh, tô phở có sắc nâu của thịt bò chín cộng với màu vàng bóng nhẫy nếu kèm theo tí mỡ gầu, chưa kể cái đỏ hồng của ớt ta xắt mỏng hay tươi màu máu của bò tái, rồi sắc xanh của hành ngò, đen xám của tiêu... Mãn nhãn chưa hết, khứu giác được đánh thức bởi mùi thơm nồng từ chỗ nồi phở đang được cô đọng với tô phở bốc khói trước mặt. Dịch vị như đang tiết ra trong miệng và bao tử của thực khách. Thính giác cũng vội vàng thu nhận các âm thanh qua tiếng húp sùm sụp hay xuýt soa vì nóng vì ớt của người chung quanh, chưa kể tiếng nói cao giọng của người hầu bàn báo ông đầu bếp loại phở khách gọi... Cuối cùng xúc giác chạm đến cái nóng ấm của tô phở được xê dịch đến đúng chỗ mà đôi đũa và cái muỗng sẽ làm tròn nghĩa vụ sau cùng của vị giác để đánh giá cái món "đệ nhất khoái" mà thực khách đang thưởng thức: cay, chua, mặn, chát, béo, bùi, ngọt, nhạt...

(6) MEN NỒNG TRONG THƠ VĂN (Updated)



Thiết Trượng (1998)
Xuân về, nhấp ly rượu đào, mấy ai nghĩ đến sự chuyển vận của đất trời, giao hòa của thời tiết để rồi bâng khuâng nhớ đến chất men nồng huyền diệu của người xưa đã khai sinh ra nó?

Lịch sử của rượu có lẽ cũng lâu đời và huyền hoặc không kém so với sự xuất hiện của thủy tổ con người.

Một nguồn tin lập đi lập lại hai năm nay từ các bậc “lương y như từ mẫu” phe Tây phương cho biết, nếu người ta muốn sống lâu hơn, có một cách mà bây giờ y học phải công nhận, là bà con cứ việc mỗi ngày... “vô một ly”! Nhưng thắc mắc của người viết là... “ly cỡ nào” mới được chứ? Một chung nhỏ, một ly cỡ lon bia, hay một ly cối cỡ một Pitcher của các bợm nhậu người Mẽo? Thôi thì, dù cỡ nào chăng nữa cuộc khảo cứu vừa qua của các nhà y học cũng làm mát lòng hả dạ con cháu Lưu Linh. Có thế mới công bằng cho một loại coi như “thánh dược” trong một số trường hợp.

Bản báo cáo được đăng tải trên New England Journal of Medecine cách đây một năm, tháng 1 năm 1998, dựa trên một sưu tầm gần 1/2 triệu người trong gần chục năm đã cho biết uống chừng mực một hay hai ly hằng ngày, 20 % các ông bà tuổi trung niên đã tránh được lưỡi hái tử thần so với những người không uống rượu. Nhưng tuổi thọ của các người uống rượu sẽ giảm sút nếu số lượng uống gia tăng trên mức đề cập. Mới nhất, gần đây ngày 6 tháng 1 năm 1999 trong báo cáo đăng tải của Journal of the American Medical Association cho biết uống điều độ một số lượng vừa đủ mỗi ngày, không cần biết là bia, vang hay rượu mạnh, sẽ giúp người ta giảm thiểu việc bị đứng tim (heart attacks), tránh bị “strokes” (ta hay cho là bị trúng gió khiến bị liệt bên người, méo miệng...). Hiệu ứng tốt này theo Bác sĩ Ralph L. Sacco của Columbia University College of Physicians and Surgeons, không áp dụng cho các người chưa quen dùng rượu.

(5) Đêm Thánh Vô Cùng

Gốc tích bản nhạc Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night)
LTS: Cách đây gần 200 năm (bài viết này đăng trong Reader's Digest cuối năm 1993), do một hoàn cảnh đặc biệt, một tu sĩ ở Áo đã phải soạn một bài nhạc thánh ca cho đêm Giáng Sinh năm 1818 để thay thế cây đại phong cầm trong nhà thờ bị hư. Bản nhạc đã bị lãng quên một thời gian dài và ngay chính tác giả đến khi chết đã không biết rằng bản nhạc của mình đã gieo vào lòng mọi người trên toàn cõi địa cầu một âm hưởng tuyệt vời an bình và thánh thiện.
Theo Per Ola và Emily D'Aulaire
(Dạ Ngọc chuyển dịch)

Tuyết đã nhẹ rơi xuống vùng Oberndorf, một làng gần tỉnh Salzburg nước Áo. Dân làng đang giăng đèn kết hoa, kể cả cây trái và các loại hột thực vật ăn được trên các cây thông còn tươi để sửa soạn cho đêm thánh huyền diệu sắp đến. Một chốc nữa, chuông của nhà thờ tân tạo Oberndorf sẽ đổ vang khởi báo cho cuộc thánh lễ nửa đêm bắt đầu, và các con chiên sẽ hát ca, cầu nguyện mừng ngày Chúa ra đời.(Hình:Ngôi nhà thờ bản nhạc được hát lần đầu tiên)

Tuy nhiên, trong nhà thờ Thánh Nicholas, có một người không cảm thấy vui thú tí nào về chuyện sắp đến trong chiều Giáng Sinh năm 1818 này. Linh mục phó xứ Joseph Mohr còn trẻ, 26 tuổi, mới chợt nhận ra cây đàn trong nhà thờ bị hư hại nặng. Đạp mạnh cách nào, cây đại phong cầm cũ kỹ này cũng cứ ì ra. Chàng chán nản quá. Chờ được ông thợ sửa đàn đến, có lẽ thánh lễ bế mạc từ khuya. Đối với tu sĩ phó xứ trẻ tuổi này, một lễ Giáng sinh mà thiếu nhạc là một điều không thể chấp nhận được.