Ác khẩu hại thân
(Riêng tặng đến khóa Nguyễn Trãi 2)
Các SQ Cán Bộ trước Tiểu Đoàn 2: Tr/uy Trần Đình Thản
cùng các Th/úy NT1 Nguyễn Mậu Lộc, Nguyễn ngọc Dậu, Nguyễn Thắng Nguyện
(Cấp bậc và chức vụ của các cá nhân đề cập trong bài
là vào thời điểm 1969-1970)
SVSQ NT2 Quang Tề đang phô bày động tác rất “sexy” là
chổng cái mông ‘trắng bóc “ cho anh Y tá Bệnh viện Tiểu Khu thay băng vì miểng
lựu đạn ghim lỗ chỗ vào phía sau “vòng số 2”. Những ngày lúc
vết thương chưa lành không được bận quần, anh là người “rất lịch sự” luôn luôn
có tầm mền che từ bụng xuống đến chân mỗi khi có nàng Kh. học sinh trường Bùi
thị Xuân đến thăm. Còn tôi thì nằm ngay đơ “cán cuốc” với một chân
đang bị bó bột vì B 2”. Những ngày lúc vết thương chưa lành không được bận quần, anh là người “rất lịch sự” luôn luôn có tầm mền che từ bụng xuống đến chân mỗi khi có nàng Kh. học sinh trường Bùi thị Xuân đến thăm. Còn tôi thì nằm ngay đơ “cán cuốc” với một chân đang bị bó bột vì Bác sĩ Đính đã vứt béng cái xuơng bánh chè nát ngướu của mình do một viên đạn AK 47 còn vướng vào đó. Tôi và anh Quang Tề bị thương vào rạng sáng ngày Cá tháng Tư (1 tháng 4 năm 1970) khi VC tấn công vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (DH CTCT). Chỗ anh Tề nằm, đêm hôm trước là của một cán binh Cộng Sản bị thương trong cuộc tấn công vào trường Võ Bị Quốc Gia. Thành thử phòng tôi nằm cho đến rạng sáng đã được Quân cảnh và an ninh canh gác. Nghe đâu toán đặc công bên đó vào được tận văn phòng của tướng Chỉ Huy trưởng nhưng chỉ lấy đi vài vật tượng trưng cho bằng cớ chúng xâm nhập vào địa điểm này.
Vài
kỷ niệm thời phục vụ tại Tiểu Đoàn SVSQ
Trở về quá khứ gần một năm trước, tôi và 7 chàng NT1
khác là những người đã chọn ĐH CTCT làm đơn vị đầu tiên để phục vụ trong quân
đội. Tôi dỡn với đám bạn “chúng mình là bát tiên quá hải lên non hành đạo”,
đừng trông đợi ai đó thương mình, nên tám thằng phải nương tựa và thương
lẫn nhau để sống với đời. Chả biết có chàng nào nghe không, còn tôi tự nhiên
làm thằng ngu “Sáu khổ” đi thu tiền anh em đưa cho “thằng sướng” lúc có tên nào
đó lấy vợ hay ghé vào tiệm vàng trong khu Hòa Bình đánh chiếc lắc cho con của
nó. Lúc tôi và NT1 Ngô Quang Minh (cùng bị thương trong biến cố trên), giã từ
ngọn đồi 4648, hai thằng chúng tôi vẫn cu-ki một mình. Hình như các NT1
Nguyễn Mậu Lộc, Lê mạnh Tưởng… thời gian đó chưa lập gia đình. Sáu ông NT1 còn
lại (Lục Cốc Đào Tiên) có ai tiếp tục làm cái việc ngà voi của tôi không?
Khi mãn khóa I, vào ngày chọn đơn vị, đúng ra tôi lựa
Tiểu đoàn 20 CTCT, nhưng hai thằng bạn thân tại quân trường khuyên lựa ĐH CTCT,
rồi đến phiên tụi nó, nếu được sẽ hoán đổi với nhau sau. Nhưng một thằng chọn
được Tổng Cục, quá tốt cho hắn khi gia đình ở ngay Gia Định, còn tên kia không
có cơ hội lựa đơn vị, bị lùa vào Sư Đoàn 5 (đông nhất: 39 SQ NT1). Sư đoàn 5
được Tổng Tham Mưu QL VNCH chọn làm thí điểm cho chương trình Chân Trời Mới khi
sử dụng các sĩ quan tốt nghiệp ĐH CTCT.
Thời buổi chiến tranh, để tránh tử vong hay thương
tích nên đa phần quân sĩ và thân nhân của họ mong được phục vụ tại đơn vị ở hậu
phương. Bây giờ nghĩ lại lúc tuổi trẻ, cá nhân tôi đúng là có những lúc
bốc đồng và “coi trời bằng vung”. Hết phép tốt nghiệp tôi là sĩ quan (SQ) đáo nhậm
đơn vị ĐH CTCT trễ nhất một tuần lễ. Khối khóa sinh được ưu tiên
“ẵm” 7 chàng SQ trẻ. Trưởng khối Khóa Sinh là Thiếu Tá Nguyễn Văn Năm sau
khi nghe tôi viện cớ “bố lếu, bố láo” lý do trình diện trễ vì ỷ lại Văn
phòng Liên lạc của trường tại Saigon có thể cho phương tiện máy bay lên ngay
Dalat như thời SVSQ, không biết sao bèn ra lệnh tôi lên lầu Bộ Chỉ
huy trình diện vị cao cấp thứ nhì của trường là Trung Tá Hoàng Đạo
Thế Kiệt. Sau màn nghi lễ quân cách phải có của tôi với cấp trên, chẳng cần dài
dòng, ông chấm dứt việc gặp gỡ khoảng một phút bằng vài câu vắn tắt: “Thiếu úy
đã xuất thân từ trường này chắc biết rõ tính của Đại tá Chỉ Huy Trưởng ra sao.
Thôi cứ về chuẩn bị đàng hoàng chờ lệnh”.
Liên Đoàn SVSQ có 2 Tiểu Đoàn. Mỗi tiểu đoàn có
hai SQ xuất thân NT1 làm ĐĐ (ĐĐ) Phó. Đại úy Nguyễn văn Quý, Tiểu đoàn
trưởng Tiểu Đoàn 1, kiêm ĐĐ trưởng ĐĐA đang chờ thằng SQ lên trễ làm ĐĐ Phó.
Lúc tôi trình diện xong, ông chi dặn dò “quần áo, giầy dép, tóc tai cho đàng
hoàng”.
Chừng khoảng tháng sau, ông báo, mày có giấy cảnh cáo
về tội trình diện trễ.
Một lần khác, ông Quý cũng khổ vì "tai nạn nghề
nghiệp" của tôi. Gia đình ông chú tôi có nhà gần sở Pasteur Đa Lạt,
nên tôi thỉnh thoảng về ngủ đêm tại đó. Một sáng thứ hai, đang lơn tơn cuốc bộ vào
trường gặp ngay Trung Úy Đào Ngọc Tố đi ra, quần áo bèo nhèo, mặt mày không
được tươi tắn có lẽ vì mất ngủ (do trực đêm?). Ông chận tôi lại và bảo, mày có
quần áo mới giặt thẳng thớm, giúp tao lát nữa dàn chào ông Trung tướng Úc đến
thăm trường.
Chuyện nhỏ đối với tôi, nhưng sau khi xong vụ chào
đón, ông Quý la tôi:
- Mày biết khi dàn chào lúc Trung tướng Úc sắp tới,
Đại tá Chỉ Huy Trưởng đứng trên lầu Bộ Chỉ Huy ngoắc tao lên và hỏi, ông Thiếu
Úy đứng chỉ huy dàn chào, tên gì, của Đại Đội nào. Tao nói mày và Đại Đội của
Tiểu Đoàn mình. Ông sỉ vả tao, dàn chào gì mà tóc tai Sĩ Quan dài như
vậy?
Thấy "Oan ôi! Ông Địa", tôi phải cãi với ông
Quý:
- Nhiệm vụ dàn chào có phải việc của tôi đâu.
Trung Úy Tố nhờ tôi làm mà.
Tức một cái là chờ một án treo khác và quần áo, tóc
tai lại phải để ý còn hơn thời SVSQ vì có thể bị gọi lên Bộ Chỉ Huy trình diện
bất tử. Nhưng ít lâu sau, ông Quý bình thản (đáng lẽ vui tươi mới phải) bảo
tôi:
- Ông Tánh ổng thương khóa I tụi bay hay sao
đó*. Mày chỉ bị cảnh cáo vì tóc dài trong vụ đón tướng Úc.
Thế là hai lần tưởng nếm mùi trọng cấm trong cuộc đời
nhà binh, rốt cuộc vẫn thoát.
Trước khi Thiếu úy Trần Văn May khóa 22A Võ Bị (chưa
lên Trung Úy) về làm ĐĐ Trưởng ĐĐ A, tôi phải “tà lọt” Đ/uy Quý để ‘học nghề”.
Ỷ lại là chức phó, thêm phần còn độc thân nên tôi cũng hơi lè phè và đôi
phần “vô trách nhiệm” trong công vụ. Chả bao giờ ban đêm tôi dành thời gian đi
kiểm soát SVSQ tại các phòng ngủ, hay tại các nơi “vi phạm” (Câu Lạc Bộ SQ,
hoặc một số địa điểm ngoài thị xã…) – thì giờ “dệt mộng” với các em còn chưa
đủ, hơi đâu đi gặp SVSQ làm gì cho khổ thân cả hai. Lúc ông May về nắm Đại
Đội, tôi vẫn còn ỷ lại là tay mơ mới ra trường, “bán cái” hết cho xếp và tiếp
tục “cà nhổng”.
Có lần, hai ĐĐ Trưởng TĐ 1 mới chấm dứt xong việc kiểm
tra trình diện của SVSQ và ban lệnh vào lớp học thì cũng là lúc tôi và Đ/U Quý
vừa về tới. Ông Tố nói với ông May, lúc còn đang đứng trước văn phòng Tiểu
Đoàn:
- Này, hay tụi mình cho thằng D. làm Tiểu Đoàn Phó đi.
Của đáng tội, tôi và Đ/U Quý vừa đi ăn sáng
ngoài thị xã về nên có mặt hơi trễ.
Có thể vì độc thân “vui tính” và hay la cà của tôi đôi khi đã “quyến rũ” vị
Tiểu Đoàn Trưởng thích đàn đúm khoái “đi hoang” với tôi. Hai ông ĐĐ Trưởng có
ngứa mắt tôi cũng đành chịu, vì nếu đặt tôi vào trường hợp của Đ/U Quý, tôi
cũng lựa một tên còn độc thân để đi chơi vi vút, hơn là bám theo hai anh có vợ
con lằng nhằng đàng sau, chả có mục gì ly kỳ hấp dẫn.
Thêm chút xíu, kể lại quá khứ không phải để khoe
khoang hay “lấy điểm” với đàn em (Tên này, giờ đã quá tuổi 'thất thập cổ lai
hy', có thể về chầu Ông Bà bất cứ lúc nào, cần gì làm chuyện tào lao này).
Nhiều cơ hội tôi có thể phạt nhưng đã không làm, vì sự việc nếu công khai chắc
sẽ không có SVSQ nào dám nhận, đương sự sẽ nghĩ bị “phạt” mút mùa và có thể bị
phê điểm xấu vào hồ sơ. Đơn cử một việc, lúc tôi đứng trước hàng quân, vì
tôi tuổi con gà, một anh SVSQ nhạo báng cất tiếng gà gáy. Tôi thừa sức với
cương vị của mình, truy hỏi cho ra đương sự có hành động thiếu tôn trọng
cấp chỉ huy trong hàng quân. Nếu không có đáp ứng, tôi sẽ ra lệnh phạt dạ chiến
tập thể triền miên cả tuần cho đến khi có người nhận, nếu tôi thù dai. Nhưng
tôi đã lờ đi, chỉ nhủ thầm "cứ gáy đi em, cả hai năm trong quân trường, sẽ
có ối người phạt đứa phá phách như em!"
Còn nữa, khi là SVSQ khóa I, không đủ
nước lạnh để tắm, nên tôi hiểu “nỗi khổ” của các chàng SVSQ ĐH CTCT. Có một NT1
đã mang ‘hỗn danh’ là rắn vì nước tắm đã thiếu, làm sao có nước để dội cầu, nên
đại tiện khô cứng để lại của một ai đó đã chọc vào mông chàng ta. Lúc chuyện
xảy ra là ban chiều chạng vạng, phòng tắm lại mất bóng không đèn, nên lúc hốt
hoảng tranh tối tranh sáng nhìn xuống thấy một khúc cuộn tròn đen đen đầu nhọn
hoắt, tưởng sắp bị rắn mổ lần nữa, chàng chỉ kịp kéo quần chạy ra la hoảng ‘có
rắn’.
Trong khóa NT1, tôi là thằng “chết nhát”, không dám lè
phè hay làm chuyện bê bối vì chẳng muốn SQ Cán Bộ nhớ mặt nhớ tên. Nên khi làm
SQ Cán Bộ tôi cũng chẳng có can đảm đi bắt một chàng SVSQ đang tắm trộm ở nơi
dành cho SQ, vì nơi này mới có đầy đủ nước tắm.
(Hình chụp tại khu Pasteur Dalat với NT2
Nguyễn Công Ngởi)
Một oái ăm khác, là trên vách của nhà vệ sinh lại có rất nhiều thơ vô danh. Chả
biết có SVSQ NT1 hay NT2 nào (hoặc quân nhân nhà trường) là tác giả của những
câu thơ sau:
Ba mươi tuổi rồi
Công chưa thành, danh chưa toại
Nên không muốn thành danh nữa.
Ba mươi tuổi rồi
Không giữ nổi người yêu
Nên không yêu nữa
Cà phê, thuốc lá
Cuộc đời tiêu hoang
Chưa kể, đại khái một bài khác có vẻ “hiện sinh, phản chiến” thuổng ý người nào
đó, than vãn với Mẹ:
“Mẹ ơi, con được dạy hôm nay
học sao để cầm súng giết người…”
Và cuộc đời tỵ nạn ở Cali, trong một dịp ngồi tại cà phê Gypsy với nhạc sĩ
Nguyễn Đức Quang, tôi xin lỗi trước nếu có gì ”dung tục”, có sự hiện diện của
các NT1 Phan Đắc Lập (cùng khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh với NĐ Quang) và Trần
Ngọc Dưỡng, tôi mới biết câu thơ bậy bạ viết trên tường nhà vệ sinh của khu SQ
ĐH CTCT hồi đó đã bị ghép từ thơ của một thi sĩ. Vì NĐ Quang nói, ông mà
đọc thơ này là Trần Dạ Từ đánh ông “vêu mỏ” đó. Tôi hỏi tại sao, NĐ Quang bảo
câu đầu là của Nhã Ca. Thực tình tôi có biết gi đâu. Thơ trên vách chỉ có
hai câu:
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
L… em anh thấy muốn đưa vô.
Thơ bậy bạ trên tường đâu phải chỉ có tiếng Việt. Bài sau đây hy vọng
không sai nguyên tác bao nhiêu:
If I die tonight
Please don’t cry
Hang me so high
In the star sky
Let my ball(s)… dry **
(Tạm dịch: Nếu tôi chết đêm
nay. Làm ơn đừng khóc than. Hãy treo tôi thật cao. Trên bàu trời đầy sao. Cho
Bi tôi khô ráo)
Chuyện thơ viết bậy trên tường nhà cầu mà tôi thấy và
nghi hoặc là của SVSQ thì có lẽ 99 phần trăm sai. Nhung chuyện này thì không
trật vào đâu được. Vào một ngày cuối tuần tôi làm SQ ngồi xe Jeep tuần tra
SVSQ đi phép. Đang nguợc dốc Minh Mang lên khu Hòa Bình, ngước sang Khải
Hoàn, thấy trên lan can, một SVSQ trong bộ đồ phép Worsted cầu vai đen, dáng
điệu nghênh ngang đang ngắm người qua lại dưới phố. Điên lên được, sao ‘ông
tướng’ này có vẻ vênh váo hãnh diện tại nơi chơi bời như vậy? Giải quyết nhu
cầu đâu có bị xét nét, làm ơn kín đáo một chút chứ. Tính cho lệnh xe dừng lại
để đich thân vào trong, nhưng sau lại thôi vì nghĩ “xấu mặt cả lũ”: Lớn
chuyện chỉ làm trò cười cả thị xã và quân trường bạn!
Trong khi tôi phớt lờ và chểng mảng bổn phận với việc
canh chừng, theo dõi săn sóc SVSQ thì cá nhân tôi đã là SQ lại bị 'chăm
sóc' rất kỹ lưỡng. Thế mới chán mớ đời!
Như đã kể bên trên, lúc trở lại trường trình diện,
người đầu tiên tôi khai báo là Th/Tá Nguyễn Văn Năm. Ông nói, hồ sơ SVSQ của
anh rất tốt, sao mới ra trường mà đã bê bối.
Sau vụ "tóc dài" lúc đón Trung tướng Úc,
hình như ngài Lạt Ma (NT1 đặt tên cho Th/Ta Năm) đã có vẻ phải để ý và theo dõi
công việc làm của tôi. Và ông đã tóm được một sự bê trễ không cãi vào đâu được.
Kể ra đức Lạt Ma cũng tài thật!
Chuyện như vầy, một trưa thứ hai, sau một cuối tuần
mệt nhọc, trong người không khỏe (dại gì mà kê khai lý do), nốc xong hai viên thuốc
cảm Optalidon, tôi tính 'ngủ nướng' một lúc rồi mới lên Tiểu Đoàn. Anh em cùng
phòng ngủ SQ độc thân đã lục tục lên làm việc hết trơn, trả lại sự yên tĩnh đáng quý mà tôi
cần. Đang mơ mơ màng màng, tôi giật mình choàng dậy vì tiếng nói hơi lớn
sát bên tai:
- Giờ này mà Th/úy D. còn ngủ trưa hả?
Th/tá Năm đứng cạnh đầu giường khi nào tôi không biết.
Xấu hổ quá, không cách chi biện minh, tôi chỉ còn nước thay quần áo lên văn
phòng Tiểu Đoàn và cũng chả kể cho ai chuyện này. Nghĩ cũng tức cười, hóa ra dù
là SQ, nhưng mình lại bị "canh chừng" còn hơn thời SVSQ nữa.
Ít lâu sau, NT1 Quách Dược Thanh cho biết đã đề
nghị tên tôi với Thiếu Tá Thạch, khi ông này nói cần một NT1 "ăn nói
được" cho bên Quân Huấn. Tôi nghĩ, với hồ sơ không sáng sủa lắm của tôi
chắc Th/tá Năm sẵn sàng đẩy tôi qua bên Quân Huấn. Nhưng kết quả theo tôi biết là Th/tá Năm sẵn sàng cho tôi đi với
điều kiện là bên Quân Huấn trao đổi cho hai SQ khác. Hóa ra vì nhu cầu phát
triển bên nào cũng đang cần nhân viên nên rút cục tôi vẫn “được làm SQ Cán Bộ”.
Trước đây Tr/uy Tố chắc thấy tôi có hành
động "cứu khổn phò nguy" (thay vụ chào Tr/tướng Úc) không
tệ với đồng ngũ nên cũng 'tha Tào' tôi một lần. Chả là Tết Canh Tuất
1970, tôi bị "dụ dỗ" khi nghe lời ngon ngọt của một đại diện NT2 (tôi
không nhớ tên) lên trình diện, nói lời "thống thiết" đây là buổi tiệc
cuối năm giữa đàn anh và đàn em, chứ không phải là giữa SQ và SVSQ, nên đêm
Giao thừa mời tôi tham dự.
Thế là sự 'yếu lòng' tai hại khiến tôi bị 'phục rượu'
(có lẽ 1/3 chai Whisky loại 1.75ml là quà của một thân nhân SVSQ gửi cho đương
sự) trong buổi tiệc được trải ra trên sàn của dãy phòng sau văn phòng Tiểu
Đoàn.
Đang ồn ào vui nhộn, bất chợt cửa phòng mở và một
giọng nói quen quen:
- Ai cho mấy anh làm ồn ào vậy?
Giọng Huế này của ông Tố chứ còn ai.
Tôi vừa ngoái đầu ra cửa ngó thì Tr/U Tố im lặng đóng lại không nói
gì thêm. Cuộc vui tiếp tục cho đến khi tôi loạng quạng vào giường nơi
văn phòng Tiểu Đoàn, và biết mình đã cho "chó ăn chè" cùng lảm
nhảm nhiều lời vô nghĩa. Sau đó, còn nhớ một SVSQ đã dìu tôi về phòng ngủ SQ
độc thân.
Sáng hôm sau, gặp Tr/U Tố tôi xin lỗi vụ đêm qua
không có báo cho các SQ Tiểu Đoàn, ông chỉ nói:
- Mày làm tao quê quá.
(Trong Viện Đại Học Dalat do một NT2 kích
đêm chụp)
Nhưng dù sao ông cũng biết, trước mặt ‘bá quan văn võ’
tôi là thằng biết trân trọng cấp trên khi làm việc. Vào một dịp tôi là SQ trực
Liên Đoàn, từ phòng Khối Khóa Sinh của Trung tá Năm thông báo có phái đoàn quân
sự bên trường Chỉ Huy Tham Mưu qua thăm, chỉ dặn dò đừng để xảy ra chuyện gì sơ
xuất. (Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã lên lon. Đ/u Nguyễn Thanh Nhung về làm Liên
Đoàn Trưởng it lâu sau cũng đã rửa lon lên Thiếu Tá) Tình cờ sau đó, tôi
phải giao đến tận tay Tr/Uy Tố một chỉ thị gì đó khi ấy đang chủ tọa một sinh
hoạt trong Đại Giảng Đường với Liên Đoàn SVSQ. Cũng vì thông báo có quan khách
và muốn cho thể diện của Liên Đoàn SVSQ thêm phần le lói nên thằng tôi dù là SQ
vẫn làm động tác bẻ góc, chào kính khi chuyển tờ giấy thông báo đến Tr/úy Tố.
Việc làm này, bây giờ nghĩ lại thấy thật xấu hổ vì hơi lố bịch nhưng chắc làm
ông Tố ‘phổng mũi’!
Khóa Tuyên Úy Quân Đội
Khi dãy nhà tiếp nối với Câu Lạc Bộ và khu Sĩ Quan
hoàn thành, chúng tôi được biết một số các vị lãnh đạo tình thần của Phật giáo,
Công Giáo và Tin Lành thuộc Nha Tuyên Úy sẽ lên thụ huấn về lãnh vực tuyên
truyền CTCT trong quân đội.
Cái không khí rộn ràng vui tươi mỗi chiều ra phố dạo
cảnh hay dùng cơm chiều của các Sĩ Quan Tuyên Úy, sau một vài tuần đã khiến một
số quân nhân trong trường dị nghị.
Qua đây, thời gian gần 50 năm, tôi cũng mong SQ nào
biết rõ chi tiết, xin bổ túc cho hai sự kiện sau.
Trước hết là lời đồn đãi không biết có đúng không về
chuyện một Sĩ Quan tuyên úy Phật giáo đã thuê phòng cho bạn gái tại khách sạn
Palace và không hiểu sao phí khoản lại gửi về ĐH CTCT và ngay sau đó vị tu sĩ
này đã được Bộ Chỉ Huy trả về Tồng Nha Tuyên Úy Phật giáo. Còn nữa, có vị đã
tung tẩy vui vẻ quá tự nhiên (kiểu giung dăng giung dẻ) với các phụ nữ, dạo
chơi ngoài khu chợ Hòa Bình.
Thứ hai là nhà trường cung cấp vũ khí cho các học viên
Tuyên Úy đã bị các vị này phản đối, kiện với Bộ Tổng Tham Mưu, viện cớ tu
hành không cần trang bị súng ống.
Còn sau đây là thắc mắc của cá nhân tôi với một quân
nhân canh gác nơi cổng ra vào Anh Đào, hỏi tại sao kiểm soát các vị Tuyên Úy có
vẻ lỏng lẻo và lơ là. Anh ta chán nản trả lời:
- Hỏi hoài mệt quá Th/úy ơi. Hết Cha đây, rồi Thầy đây
và Mục sư đây… Thôi thì để mấy ông tự do đi vào cho rồi!
An ninh như thế này thì chết một cửa tử rồi!
Đem mấy chuyện kể trên ra nói với một vài SQ
trong trường, tôi vẫn còn bực mình và buột miệng:
- Có lẽ đặt tên cho khóa Tuyên Úy này là Khóa Tiên Sư
Cha… cho rồi!
Bây giờ nghĩ lại vì bất bình và không kềm chế được
nóng giận cho vài hành động cá nhân, kể cả căn cứ vào lời than phiền của lính
gác, tôi thực sự quá vô lễ, đã xúc phạm tới tất cả các vị Tuyên Úy đã theo học
thời gian đó và sau đấy đã không còn cơ hội để bầy tỏ sự ăn năn xin thứ lỗi của
mình.
Nhân đây, tôi cũng xin phép được thắp nén hương lòng
dâng lên để tưởng niệm những vị Tuyên Úy, Sĩ Quan, SVSQ và quân nhân cơ hữu đã
hy sinh trong cuộc tấn công của Việt Cộng vào ĐH CTCT rạng sáng 1 tháng 4 năm
1970.
Cá nhân tôi có lẽ vì ác khẩu nên cũng đã chịu một hình
phạt là mất một “bánh chè” trong biến cố đó. Khiếm khuyết thương tật này, sáu
tháng sau tôi đã quyết định giã từ vũ khí trở về đời sống dân sự dù trước đó lúc
lên chào Trung tá Năm nói cứ ở lại và tình cờ từ biệt một sĩ quan khác là Trung
úy Khôi (lúc nào cũng bảnh chọe trong bộ quân phục, nghe nói từng là kỹ sư phục
vụ bên Nguyên Tử Lực Cuộc) lấy làm tiếc rẻ cho “công phu học hành” hơn 2 năm
của một SVSQ CTCT.
Sau hết với tính cách của một cựu SQ Cán Bộ, cám ơn
các NT2 (qua SVSQ Dân Vụ Xã Hội) đã tặng một cây thuốc lá Pall Mall màu đỏ khi
tôi đang dưỡng thương tại Y Viện Tiểu khu Tuyên Đức. Chỉ lúc chuyển lên học ở
Dalat, tôi mới chọn nhãn hiệu thuốc lá này do một sự quyến rũ riêng mà tôi cảm
nhận. Mùi hương của gói Pall Mall lúc mới bóc, bao giờ cũng được tôi đưa lên mũi ngửi, và có lẽ vì
thời tiết se lạnh của Dalat, thoáng như mấy
sợi thuốc lá nâu nhạt đã được tẩm chút dịu ngọt
thơm thơm của kẹo chocolat. Huống chi nằm trong bệnh viện, đi lại chưa được vì
chân đang bó bột mà tiết trời Dalat vẫn còn mùa Xuân ấm áp, ngồi trên giường rút
ra một điếu, đốt lên hít vào rực đỏ đầu thuốc mới thực thấm lòng “đồng môn
chiến hữu”:
Nhớ “trường” châm điếu thuốc (tạm thay chữ “nhà”)
Khói huyền bay lên cây
rồi
tưởng đến tiếng vọng reo vui của SVSQ vì sẽ được đi phép cuối tuần “hết trọi”:
- Th/úy Gà thanh tra tụi bay ơi!
hay
thoảng đâu đây hầu như có tiếng gáy cất lên bất chợt trong dãy hàng quân của
một con gà chả rõ ai nuôi.
Xuân Bính Thân 2016
Nguyễn
Ngọc Dậu
-------------------------
Ghi chú:
* Có thể sự thiếu
thốn quá nhiều của Khóa I trong quá khứ đã khiến ông không nỡ phạt:
Điển hình sau Tết
Mậu Thân, khi khóa I hết phép trở lại trường đầy đủ, cứ chiều tối, chúng tôi
phải khăn gói ra nằm hầm hố giao thông hào, ngủ bờ ngủ bụi mấy tháng trời. Có
lần một chiều mưa, Đại tá Chỉ Huy Trưởng đi thăm các anh em phòng thủ, nên chắc
ông cũng thấy thương mấy thằng SVSQ dại dột xung phong vào một quân trường quá
nghèo, thiếu thốn nhiều phương tiện. Hầm chúng tôi đào, rộng chứa ba thằng ngủ,
đã được dựng và che phía trên bằng các vỉ cây (palette gỗ) đi lượm mang về, phủ
bao cát và các mảnh đất có cỏ rồi lót Poncho để che mưa. Trời mưa nên quanh hầm
nước đọng, dẫm vào kêu lõm bõm. Đất sét gặp mưa dính vào giày nặng chịch, phải
cào đất ra khỏi giày khi vào hầm. Ông thấy chúng tôi vẫn mang bài vở vào hầm
học. Nhờ câu điện "không có phép" (may là chẳng có thằng nào bị tai
nạn do điện giựt), nên vẫn có ánh sáng để học ban đêm và còn dùng Resistance để
nấu mì, nấu bột Bích Chi, pha cà phê...
Thành thử khi VC
tấn công trường hồi tháng 5-1968, Khóa I đã sẵn sàng ra ngay giao thông hào và
công sự phòng thủ để tác chiến. Sau vụ thất bại này, nghe đâu chúng rải truyền
đơn 'thề san bằng đồi 4648'. Nếu VC tấn công vào trường trước Tết Mậu
Thân, chắc chắn chúng đã làm chúng ta thiệt hại nặng vì phòng thủ quá lỏng lẻo,
hàng rào còn không cản nổi thú đi hoang (Trong một phiên gác đêm, tôi chứng
kiến cả bày 5, 7 con bò thủng thẳng đi lên từ khu gia binh phía ấp Nghệ Tĩnh
qua vọng gác sau Tr/ Đội 6 rồi men theo kẽ hở của hàng rào xuống đường dốc Phan
Đình Phùng)
** Chữ Ball, tiếng
tục của Anh ngữ là "hòn dái” của phái nam.
---