December 23, 2016

TIỂU LUẬN hai lần viết

Tiểu luận, hai lần viết

Đại diện Khóa I nhắn  tôi sao không có gì cho Kỷ Yếu và nhớ gửi một số hình ảnh  Kỷ niệm 30 năm ngày ra trường của khóa nếu còn giữ. Bài viết này coi như hình thức lý lịch cá nhân “giản yếu”, còn hình ảnh Kỷ niệm chắc không có nhiều.

Các trang dưới đây chỉ là ký ức cá nhân về một ít dữ kiện chính trị thu lượm trong thời gian phải nộp tiểu luận tại quân trường và lúc theo học ngoài dân sự của một quân nhân đã giải ngũ.  Hy vọng đóng góp nhỏ vào Kỷ Yếu trong dịp cuối năm “O Mèo” (Tân Mão 2011) sẽ gợi nhớ cho chúng ta phần nào của quá khứ đáng yêu và đồng thời cũng là tưởng niệm đến những đồng ngũ đã vĩnh viễn rũ sạch nợ trần.

Khiếu nại để được đi lính:

Việc tình nguyện vào nhà binh của tôi thực ra cũng không được trơn tru dễ dàng như nhiều bạn. Khi đọc thông báo tuyển mộ Khóa I Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) cho Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (DH CTCT), dù sinh năm Ất Dậu 1945 qua cái tên rõ ràng thuộc 12 con giáp, nhưng xét trên giấy tờ tôi chưa đủ  21 tuổi (tháng 12 năm 1946), nên theo thông cáo phải có sự chấp thuận của phụ huynh.  Do đó, tôi đã trình ‘bố già’ tờ báo có đăng Nghị Định tuyển mộ (rất trịnh trọng trên trang nhất hẳn hoi của nhật  báo), với lời thuyết phục nhấn mạnh, con đi lính - tôi là út trong 6 anh em trai - nhưng vẫn tiếp tục được việc học như ngoài dân sự.

Saigon có thể là nơi đông thí sinh nhất dự tranh vào DH CTCT nên được lọt vào danh sách trúng tuyển đã là một “vui sướng” cho người trong cuộc. Nhưng niềm vui ấy đã không trọn vẹn với một số anh em thi đậu khi trải qua thủ tục khám sức khỏe tại Y Viện Cộng Hòa. Tôi gặp một anh rất đô con, ngon lành gần như lực sĩ đẹp “nhất nước” Nguyễn Công Án nhưng  mặt mày buồn hiu  vì đã “rớt đài”, hỏi ra…  tại  “cao máu”!  Anh khác mặt mày ủ rũ, cúi đầu uể oải đi ra cửa; chiếc lưng như còng hơn làm chiều cao khiêm nhường của anh thấp hẳn đi, tôi đoán có lẽ anh không đủ thước sáu như qui định. (Sau này vào Thủ Đức có “quan to” CTCT đến Đại Đội 19 đo lại, thế mà rút cục không hiểu tại sao vẫn có SVSQ lọt sổ: thế mới… tài!)  Nhìn bộ mặt thiểu  não của các thí sinh trúng tuyển nhưng lại trượt giám định y khoa mình cũng buồn dùm. Bây giờ nghĩ lại, có khi mấy người đó cuộc đời tiếp theo còn “hên” hơn đa số tụi này “ham hố” tranh nhau vào học khóa I CTCT.

Riêng trong nhóm tôi đang tiến hành thủ tục khám nghiệm sức khỏe có một chàng, tôi tính cà khịa vì khi nãy vừa lấy nước tiểu để thử, lúc đi ra khỏi phòng vệ sinh không biết tại sao lại vỗ vai mình. Đang nghi anh  chàng chơi “đểu” chùi tay bẩn vào vai nhưng nhìn nét mặt tươi tỉnh nói cười vui vẻ không có gì biểu lộ “âm mưu đen tối”, tôi đành bỏ qua vì nghĩ mình phán đoán sai. Lúc vào Thủ Đức tôi mới biết tên và lên Dalat có hỗn danh rất nổi (Xóa bỏ tên bạn đồng ngũ vì anh đã qua đời). Cuối cùng mọi kiểm nghiệm y khoa của tôi đều không trục trặc, trừ khám mắt…  tôi nổi cơn “khiếu nại”. 

Lý do phòng nhãn khoa cho biết đối với ứng viên hiện dịch mắt đo từ 6 độ cận thị trở lên… thí sinh sẽ bị loại. Không chịu thua, tôi xin gặp bác sĩ nhãn khoa và viện ra lý lẽ, dù mắt trái của tôi 6 độ nhưng mắt phải chỉ có 2, vậy đâu có thể cho tôi không đủ điều kiện sức khỏe.  Ông bác sĩ ghi nhận “khiếu nại” và bảo tôi ra về, sẽ cho biết kết quả sau. Thực ra tôi không lo “rớt đài” để trong tương lai ngắn bị kêu trình diện Thủ Đức vì tôi chưa đến hạn tuổi, dù đã rớt chứng chỉ 2 Luật năm ngoái, nhưng thấy luật lệ khám sức khỏe cho SVSQ hiện dịch có vẻ đòi hỏi quá khắt khe và bất công. Chẳng lẽ, những kẻ khiếm khuyết điều kiện sức khỏe so với tiêu chuẩn qui định  cho SVSQ hiện dịch DHCTCT sau này vào trừ bị Thủ Đức thì khi ra trường khả năng chiến đấu của họ sẽ thua  bên hiện dịch sao?

Sau đó, trong lúc đã quên vụ “có thể” không được làm lính “hiện dịch” tôi nhận được giấy trình diện ở trại Lê văn Duyệt để làm thủ tục lên Trung Tâm 3 Nhập Ngũ ngày 21 tháng 12 năm 1966. Nhân số SVSQ kiểm điểm lại lúc tôi bước chân vào Đại Đội 19 khóa 24 ở Thủ Đức chỉ có hơn 180 mạng; có thể vì vùng 3, trong đó có Saigon quá “gắt gao” với thủ tục khám sức khỏe đã loại bỏ một số thí sinh nên không đủ số dự trù 200 SVSQ, dù cho đã bù đắp cả những người đậu dự khuyết.

Đông Châu Liệt Quốc và tôi:

Hình chụp phía sau doanh trại ĐĐ 19 ở Thủ Đức
Các diễn tiến và biến cố chung trong học trình từ cuối tháng 12 năm 1966 cho đến 3 tháng 5 năm 1969 của khóa I SVSQ DHCTCT đã được nhiều bạn viết.  Riêng tôi muốn đề cập đến những ngày chuẩn bị ra trường tại Đà Lạt.

Cho có đầu đuôi câu chuyện,  xin tản mạn một chút. Khi chuyển từ Thủ Đức lên Đà Lạt được hơn nửa năm, một hôm trực Tiểu Đoàn tôi gặp Nguyễn văn Tri Vũ lúc đó là SVSQ Tiểu Đoàn Trưởng trong hệ thống tự chỉ huy, anh chàng tình cờ vui miệng nói “điểm mi đứng hạng nhất trong giai đoạn I của Đại Đội 19 ở Thủ Đức”, tôi nghe mà muốn bật ngửa.

Có lộn không đây mấy cha nơi trường Thủ Đức?  Truớc khi vào lính, tôi từng nghe nhiều chàng Thủ Khoa của Võ Bị với niềm kiêu hãnh võ nghiệp đã chọn các binh chủng oai hùng và một số đông lên “bàn thờ” rất sớm khi tuổi xuân phơi phới. DH CTCT cũng hiện dịch như bên Võ Bị, có khi Thủ Khoa cũng cùng chịu “huông” như vậy chăng? Còn tôi, đâu muốn giã từ cuộc đời này quá sớm khi cái ám ảnh trên thoáng qua. (Xin lỗi không mê tín dị đoan nhưng lúc ấy tôi chợt nghĩ đến điều tức cười đó).  Thế là tự nhủ, thôi cứ  “tà tà’ vậy, nhỡ  đậu cao có khi “bỏ mẹ”! 

Mà thực ra ở Thủ Đức tôi có chăm chỉ gì cho cam. Có lẽ chỉ là lúc làm bài tập, tôi đã cẩn thận hơn bạn bè chăng? Còn tác xạ thì dở như hạch. Với súng trường thay vì  bóp cò bằng tay phải, sau khi thấy không được chính xác vì thị giác, tôi đã chuyển sang thế bắn bóp cò bằng tay trái, dù tôi vốn không phải là người thuận tay này.  Chưa kể, tại quân trường của ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, có thời gian gần một tháng trước khi hết giai đoạn I của khóa 24, tôi còn phải “cà nhắc” lê cái chân đau nhức chạy quanh Vũ Đình Trường cùng Đại Đội khi Chuẩn Úy Thức phạt tập thể vì một anh chàng “chết nhát” nào đó không nhận lỗi (tôi quên không nhớ chi tiết). Vừa chạy vừa chửi thầm thằng bạn “khốn nạn” có lỗi không chịu nhận, vừa rủa sĩ quan cán bộ đã áp dụng kỷ luật “phạt tập thể” một  cách… bất công, vô nhân đạo. Thời gian đó chân trái tôi bị  đau nhức với cảm giác như từ bên trong ống quyển lan ra và đã tự chữa bằng dược thảo “tê thấp” mua ở tiệm thuốc bắc trong một dịp đi phép, sau khi khai với ông thầy đông y rằng có thể tôi bị phong thấp. Thuốc ngâm với rượu đế tiết ra màu vàng như nghệ được chứa trong một chai cỡ loại nước xá xị, lúc nào ra khỏi doanh trại cũng nằm trong ba lô, dùng để xoa bên bắp chân bị đau nhức. Uông Đại Lực một buổi tối có lần đã xin tôi một ít để xoa xoa…  cái gì tôi cũng không rõ.  Đấy là thời gian tôi “ốm như con mắm” vì ngoài việc để ăn ở phạn xá cho được 2 chén cơm với thời gian hạn định, tôi phải chan canh (cần có nước để lùa cơm cho kịp vì cố tật ăn chậm), tôi còn bị thiếu ngủ vì cái chân đau hành hạ thậm tệ.

Chính vì vậy, sức khỏe tôi giảm sút trầm trọng, nên trong một lớp học cảm thấy hoa mắt muốn xỉu và hình như Trần Ngọc Nhạc hay ai đó đã dìu tôi đến Y viện gần đó. Sau gần một tháng hành nghề “xoa bóp”,  chân bị đau nhức đã hết và cũng là thời gian sắp xong giai đoạn ăn nhờ ở đậu cho SVSQ DHCTCT. Tôi còn giữ được một bức ảnh với thân hình như “cò hương” trong quân phục đi phép của SVSQ Thủ Đức.

Nào đã hết chuyện đâu, cái này mới là tội nặng. Tôi từng được ngủ đêm tại “địa danh” 301 của trường Thủ Đức. Hầu hết sinh viên “đàng hoàng” của DH CTCT chỉ học ở Thủ Đúc 4 tháng có khi không rõ 301 là nơi nào. Các SVSQ bị tù một, hai đêm tại “nhà giam 301” đa số dính tội “nhảy dù” về Saigon do Quân Cảnh tóm được hoặc các tội danh khác mà Tiểu Đoàn gửi lên nhờ “nhốt”.

Tóm lại, học hành và hạnh kiểm như thế mà lại có điểm cao nhất của Đại Đội có phải là chuyện phong thần không? Nên cái lý do “nhỡ biết đâu đó” lại bất ngờ xảy đến khi ra trường ở DHCTCT khiến thằng tôi “tự thắng để chỉ huy” và từ đó tôi học hành cho có lệ. Đọc đến đây, khoác lác một chút cho vui, Thủ khoa Huỳnh Bé Em (Phù Quốc Thịnh) của khóa và các bạn chăm học giỏi giang khác thuộc nhóm đứng đầu bảng khi ra trường đừng có cười nhạt khinh bỉ cho rằng tên này ngạo mạn, vì tôi biết vài đồng khóa “lè phè tổ cha” mà điểm ra trường vẫn cao. Đặt trường hợp nếu họ chăm chỉ, thứ hạng của khóa sẽ như thế nào, chắc không như đã có?

Trở lại ngày gần ra trường tại Đà Lạt, SVSQ bắt buộc phải trình một tiểu luận.  Ngoài sách báo tự do tham khảo nơi Thư viện trong trường, có lúc SVSQ còn được nhà trường cho xe chở ra Thư viện bên ngoài thị xã “nghiên cứu”. Riêng tôi sau khi lựa được đề tài, trong giờ văn hóa lúc nào tôi cũng kè kè cuốn sách dày cộm “Đông Châu Liệt Quốc”.  Có bạn thắc mắc sao mày dám mang truyện để đọc, tôi chỉ nói ta viết đề tài chính trị xưa và nay mà. Thời gian cứ trôi qua và thật là “khoái tỉ” khi được đàng hoàng ngồi đọc từ ngày này qua ngày khác cho đến kỳ hết cuốn truyện hơn ngàn trang mà sĩ quan cán bộ không thể hoạnh họe. 

Cũng không ngờ lời ngụy biện “láo khoét” ban đầu của tôi với bạn bè khi ngày ngày ôm ở tay cuốn truyện Tàu dày tổ bố lại đúng là một liệt kê những xảo trá mưu thâm, chước quỷ; những tranh đua sử dụng mọi thủ đoạn “chính trị” bẩn thỉu để nắm quyền lực, giàu sang của đủ hạng người trong xã hội thời phong kiến trước Công Nguyên cả hai, ba thế kỷ. 

Thú thật nói ra cũng xấu hổ, “ấn tượng” sâu đậm nhất của cuốn truyện khi mang hoàn lại Thư Viện đối với tôi là nhân vật  Lao Ái với thành tích biểu diễn “kinh khủng” quay trục bánh xe bò bằng “dụng cụ” của chàng nơi hội chợ.  Các nhân vật liên hệ khác như Lã Bất Vi, Dị Nhân, Tần Thủy Hoàng và bà mẹ … chỉ là vài nét chấm phá tô điểm thêm cho nổi bật bức tranh bi thảm, xấu xa, quái dị dã man nơi chốn tuyệt đỉnh quyền sang. Vô số thủ đoạn áp dụng để có được quyền hành, danh và lợi… được phô diễn như thiên biến vạn hóa trong Đông Châu Liệt Quốc rất đáng để các “chính trị gia”  xưa nay phải quan tâm…  Nhưng thời gian này, chiến cuộc VN đi vào giai đoạn “khốc liệt” với CS, nên tôi phải chọn một đề tài sát thời cuộc và tạm bỏ qua các điều lý thú của Đông Châu Liệt Quốc để rồi chỉ sau này khi ra hải ngoại trong thời gian múa bút viết phiếm luận mới đề cập một vài chi tiết. Còn trong tiểu luận của tôi viết cái gì, xin xem… hồi sau sẽ rõ. (Giọng văn này hình như truyện… Tàu ngày xưa giông giống kiểu của tôi thì phải?!)

Có thể nói “chạy trời không khỏi nắng”? Đã đến ngày có kết quả thứ hạng và là lúc anh em nôn nóng chuẩn bị chọn đơn vị ngày ra trường. Đúng là chuyện “mình tính không bằng… mấy ổng ở trên tính”. Tôi đã chủ trương học lè phè vì sợ “chết non” nhưng sau khi chia nhóm (không biết có phải  là hiện tượng… lịch sử độc đáo trong quân trường của quân lực VNCH?)  rút cục tôi là người thuộc hạng cao của nhóm 2 hay 3 gì đó. Mỗi nhóm hơn 30 người và các đơn vị của CTCT hay quân binh chủng đều được hạn định sẵn số lượng tân sĩ quan. Chính vì vậy khi bốc thăm tôi có cơ hội lựa  chọn đơn vị chứ không phải nằm trong số “bất chiến tự nhiên thành”  chẳng được quyền lựa chọn và tự động xếp vào chỗ còn lại của các sư đoàn bộ binh.  Sư đoàn 5 lúc đó cần được bổ sung quân số nhiều nhất. Thời gian ấy không biết SVSQ nào đã gọi Sư Đoàn 5 là sư đoàn “rửa đít” trong ngày chọn đơn vị. Sau này mới biết ba Trung đoàn của Sư Đoàn 5 nhận 39 (?) tân sĩ quan từ DHCTCT (nhiều nhất so với các sư đoàn khác) để thực hiện thí điểm cho chương trình Chân Trời Mới của Tổng Cục CTCT.

Lúc sắp đến phiên mình, nhìn danh sách đơn vị của CTCT còn trống tôi tính lựa Tiểu Đoàn 20 CTCT. Hai thằng bạn được coi như thân ở quân trường là Uông Đại Lực và Nguyễn Ngọc Quang khuyên cứ chọn DHCTCT, rồi đến lượt hai tên này nếu có chỗ tốt và tôi thích sẽ hoán chuyển sau với nhau.

Nhưng… người tính là một chuyện, rút cục tôi phải ôm quân trường mình học làm nơi phục vụ khi ra trường.


Thời gian “lè phè” nơi quân trường mẹ chưa được một năm, tôi bị thương đầu gối khi VC tấn công trường trong lúc khóa Tuyên Úy đầu tiên dự học tại DHCTCT (sáng ngày Cá Tháng Tư 01-4-1970). Viên đạn quái ác AK57 đã làm “bánh chè” của tôi nát ngướu (lúc bị bắn, phản ứng tự nhiên đang bật ngửa của tôi là lấy tay rờ chỗ bị thương và có cảm tưởng khúc xương “lạo xạo”, chỉ biết nhủ thầm “nát cha đầu gối rồi”!) Tại nhà thương tiểu khu, bác sĩ Đính đã vứt béng cái “bánh chè” bể nát vô dụng đó. Sau này tôi có hỗn danh Thiếu Tá Chè lúc đi ăn nhậu với bạn bè do nguyên cớ thiếu sót khúc “xíu quách”quan trọng trên. 

(Kích đêm với SVSQ NT2 tại Viện DH Chính Trĩ Kinh Doanh Dalat)

Thành ra đúc kết về kinh nghiệm chiến trường trong đời lính có lẽ tôi chỉ thu lượm được chút ít (nhưng chết người như chơi) vào thời gian thi hành chiến dịch Diên Hồng khi công tác tại chi khu Trảng Bàng, nơi mà không ngày nào vắng tiếng bom đạn, kể cả pháo kích của địch bất kể ngày đêm. Từ một đồn nghĩa quân xa xôi hẻo lánh muốn trở về chi khu phải chờ toán mở đường rà mìn xong đã. Chiều tối, lành lặn không nói làm chi, đến cả mấy quân nhân bị thương cũng chống nạng lần mò rút vào hầm hay công sự chiến đấu của Chi khu để ngủ.  Sáng sớm nếu đang hưởng “thú quận công” trên mấy ao cá tra đàng sau khu ruộng trống của chi khu mà có pháo cũng đành ngồi đó chịu trận, nín thở nghe hướng đạn không dám… “rặn” để còn kịp kéo quần  lên dzọt, như tôi đã có cảm giác…

Tiểu luận cũ được “tái nạm… ngầu” 

Sau sáu tháng dưỡng thương lên xuống Tổng Y Viện Vùng 2 ở Nha Trang,  tôi được xếp vào loại 2 “bất khiển dụng”, muốn đi hay ở trong quân đội là tùy đương sự (ngoại trừ trường hợp tổng động viên) nên tôi đã xin giải ngũ. Thời gian đầu trở lại Saigon, tuy còn trẻ nhưng đã rất oai phong lẫm liệt vì… phải chống ba toong khi đi lại thăm viếng bạn bè.

Một dịp, tôi ghé Vũ Văn Túy đang trú ngụ tại căn nhà thuê  ở Trương Minh Giảng, bạn ta nói Viện Đại Học Vạn Hạnh chấp thuận cho cựu SVSQ  DHCTCT đã tốt nghiệp được ghi danh học năm thứ 3 (chỉ cho ban Chính Trị thôi). Thế là quá tốt cho tôi trong lúc cần “dưỡng thương” vì trường rất gần nhà, chỉ leo lên xe bus hay Lambretta ba bánh chuyên chở công cộng từ ngã ba Thoại Ngọc Hầu  – Trương Minh Ký đến cầu Trương Minh Giảng, thời gian xe chạy chỉ chừng mười phút.  Dự tính lại Luật học tiếp năm thứ 2 (bỏ dở vì nhập ngũ) được hủy bỏ vì lộ trình đến Luật quá xa; còn mua cours về học cũng được nhưng vì “lười” và sợ rơi vào vết xe đổ (đã rớt vì tội mua cours về học), nên nghĩ rằng “gà què” còn đi học được một nơi là tốt rồi.

Trở về thời học trò không vướng bận quân phục như mấy bạn Túy, Út (Hồng Vân), Bích… mà tôi gặp tại lớp mới thấy thật là thoải mái, nhẹ nhàng. Lớp học ban Chính trị năm thứ ba tương đối ít học trò, nếu tôi nhớ không lầm sỉ số sinh viên thường thường khoảng dưới 12 người (có sai xin các bạn Túy, Út … bổ túc).  Nếu không có mấy tên CTCT hiện diện chắc lớp học còn vắng vẻ đến mức “tội nghiệp”. Còn  “ông thần” Nguyễn Trãi 1 nào khác đã học niên khóa 70-71 tại Đại học Vạn Hạnh mà tôi bỏ sót, xin đại xá và nhắc dùm. Vì trong lúc này tôi còn nhớ rõ ràng tên của ba người ngoài dân sự, không lẽ phe ta mà tôi lại quên.

Môn học mà Giáo sư Khoa Trưởng Tôn Thất Thiện đảm trách, sinh viên vào cuối niên bắt buộc phải chọn một đề tài để thuyết trình. Bản chất không chăm chỉ nên tôi lựa lại tiểu luận đã làm trên trường Đại Học CTCT: “Chủ nghĩa Cộng Sản Quốc Gia”. Khi nói xong để thầy ghi đề tài, giáo sư hỏi: “Chủ nghĩa Cộng sản  Quốc gia?”. Tôi đã phải lập lại và phụ thêm cho thầy đỡ thắc mắc (vì là sách dịch, có khi ông thầy không thèm đọc), đây là tiêu đề em mượn từ một chương trong sách Giai Cấp Mới của Milovan Djilas. (Cộng sản Quốc gia dính liền không có  ở giữa)

Gần đến ngày tới phiên tôi phải thuyết trình đề tài đã chọn như lịch trình, giáo sư Tôn Thất Thiện lúc đó đang đảm trách vai trò Tổng Trưởng Thông Tin phải đi Thái Lan bất ngờ vì công vụ.  Trong trường hợp này, GS đã dự trù thay vào bài thuyết trình, sinh viên phải nộp tiểu luận bằng văn bản.

Chắc các bạn đều biết, khi nộp tiểu luận trên quân trường, ai nấy đều đôn đáo đi thuê người đánh máy, thành thừ may là tôi còn giữ được bản copy, giờ chỉ cần cập nhật thêm các sự kiện mới trong bài thuyết trình viết tay và gộp vào cả cũ lẫn mới, đánh máy lại rồi đem nộp cho giáo sư là xong. 

Vì thong thả thời gian, chưa có đi làm nên tiện dịp tôi nghiên cứu thêm sách vở và tài liệu để bổ túc cho bài nộp được dài hơn, thay vì ngắn gọn vì hạn chế thời gian của bài thuyết trình. Hên một cái là ông anh cả của tôi có một máy đánh chữ Olympia có dấu tiếng Việt, tôi không phải xin tiền gia đình để thuê người đánh máy. Đề cập ngoài lề một chút, ông anh tôi là một trong những người bên phái bộ Đại học Michigan phối hợp với Học viện Quốc Gia Hành Chánh để huấn luyện cho công chức toàn quốc về bộ máy chữ tiếng Việt thuần nhất, nên máy chữ còn rất mới và giúp tên què  “mổ cò” bằng tiếng Việt có dấu rất dễ dàng. Hơn nữa tôi ráng trình bầy cho “có vẻ chuyên nghiệp” rất là “ngầu” như thêm chữ đậm và phân cách “nhô ra, thụt vào” rõ ràng trong các mục “Sách báo tham khảo”, “Chú thích” v.v… 

Tiếng Anh “ba chớp ba nháng” của thời học sinh cũng đủ để tôi vật lộn tự điển Anh-Việt cho các dẫn chứng thời sự từ tạp chí Times hay Newsweek tuần nào cũng có của ông anh. Tin tức nóng hổi lúc đó là các diễn tiến từ việc “ngoại giao bóng bàn” của Mỹ với Trung Cộng, một thành quả đi đêm của lão Do Thái Kissinger. Tất cả những dữ kiện trên được tôi đề cập trong tập tiểu luận và đặc biệt phần chú thích ngày tháng chỉ trước thời gian giao bài cho giáo sư một tuần lễ… (Nên ở bên trên tiểu tựa đã viết ‘ngầu’- thay vì ‘gầu  là lý do bỡn cợt này)

Lúc xem kết quả cuối niên cho năm thứ Ba Cử nhân Chính Trị, tôi chỉ biết cười nhạt và cũng thấy chẳng có gì phải xấu hổ hay mặc cảm vì được… “đậu vớt” (Trong  điều kiện tổng số điểm thiếu 2 hay 3 điểm gì đó). Nếu trí nhớ không lầm, lấy lại tiểu luận nộp cho GS Tôn Thất Thiện tôi chỉ muốn biết tại sao được có… nửa điểm. Đọc  lời phê trên  tập tiểu luận tôi không buồn khi thấy ông thầy giáo chẳng tin cậu học trò, mà trái lại lấy làm “thống khoái” nhớ đời:

“Tiểu luận này không phải do Sinh Viên viết mà là một luận án Cao Học hoặc trích từ một sách sắp xuất bản..”

Chu choa mẹ ơi! Phải bắt chước ngôn từ giọng Nam của một anh Bắc kỳ với âm hưởng có “écho’ như  Phạm Gia Hòa mới diễn tả tận cùng tối đa  cảm xúc này:  Đọc lời phê thấy…  “goá đã, goá đã!”.

Vậy tiểu luận của tôi viết những gì mà được GS phụ trách phê điểm “chí tình” quan trọng như thế? Thực ra tóm tắt nội dung tiểu luận chỉ đưa ra những dữ kiện chứng minh điều không thực về thế giới đại đồng của chủ nghĩa Cộng sản, một chủ nghĩa ảo tưởng, bằng các biến cố lịch sử qua sự tách rời chống đối Nga Sô của Nam Tư với Tito, qua những vụ vùng dậy của các quốc gia Đông Âu bị Nga đàn áp: Ba Lan, Hung, Tiệp…  Và nhất là thời sự nóng hổi lúc bấy giờ với Trung Cộng đang được Mỹ lôi kéo để tách rời hẳn quĩ đạo Nga sô qua hình thức ngoại giao bóng bàn giữa hai nước như tôi đã đề cập bên trên… Rút cục là chả có “đại đồng” gì cả, quốc gia CS nào cũng muốn đứng riêng hết. Anh nào yếu thế đành chịu lép vế một thời gian, có cơ hội là “vùng lên” dành độc lập cho riêng mình. (Bàn ra ngoài lề một chút, vào thế kỷ 21 có lẽ quốc gia CS ngu nhất là Việt Cộng lại đâm đầu lệ thuộc vào Trung Cộng) Thành thử mới đọc tiêu đề Chủ nghĩa CS Quốc gia người ta rất dễ ngộ nhận. Áp dụng vào con người, đơn giản chẳng khác chi cá nhân chủ nghĩa. Tổng cộng tập tiểu luận cũng dày khoảng hơn 20 trang đánh máy.

GS Thiện không tin cũng phải vì ông làm sao biết cá nhân chúng tôi và một số bạn đồng khóa tại DHCTCT đã là sinh viên dân sự trước khi gia nhập DH CTCT, nghĩa là cả bảy tám năm trước. Ngay cá nhân chúng tôi, trong đời học sinh đã từng được dạy một môn học chính trị “quái đản” nhất khiến nhớ mãi là lúc ở lớp Đệ Nhất niên khóa 1962-1963 phải học về Quốc sách Ấp Chiến Lược và giáo sư giảng dạy chúng tôi lúc ấy là ông tòa  Lý Quốc Sỉnh. Nếu tôi nhớ đúng thì môn học này thay thế cho môn Công Dân. (Bạn nào biết chính xác hơn xin bổ túc dùm).  

GS Thiện còn bị tôi nghi ngờ là “thiên tả” nên tôi suy đoán GS không thích một thằng học trò dám đả kích Xã Hội Chủ Nghĩa. (Phán đoán này có thể chủ quan về lập trường chính trị của một cá nhân. Thực tế nếu sai, tên học trò này xin nhận lỗi)

oOo

Ơ hải ngoại, vừa đi làm kiếm cơm vừa “tay ngang” viết lách Phiếm luận, nhớ lại Đông Châu Liệt Quốc, trong một hai bài viết tôi có đề cập đến Hoa Kỳ là “học trò” đã áp dụng “thuyết buôn vua” của Lã Bất Vi  hay nhất trong thế kỷ 20 tại vùng Đông Nam Á.   Nhân vật  “thần sầu quỷ khốc” họ Lã, chỉ là kẻ buôn quý kim, còn được khâm phục là người chủ xướng biên soạn bộ sách Lã Thị Xuân Thu (sau này được đánh giá là một cuốn Bách Khoa cổ xưa nổi tiếng nhất của Tàu) dám ngạo mạn treo sách trước cửa thành Hàm Dương với lời yết thị: “Kẻ nào thêm bớt được một chữ, thưởng nghìn lượng vàng”. (Lã Bất Vi  chả có viết gì cả, chỉ bỏ tiền trả công cho các học sĩ).

Đông Châu Liệt Quốc và Lã Thị Xuân Thu còn đó. Rất tiếc tiểu luận của tôi có lời phê của GS TT Thiện đã tan biến vào hư vô, vì thực sự nó chả có giá trị gì đối với người khác, trừ sở hữu chủ là tôi muốn lưu giữ. Lời suy đoán “lếu láo” của tôi trong tiểu luận trước đây, đã không còn võ đoán mà thành hiện thực cho Chủ Nghĩa CS.  Tôi chỉ nhớ một Nguyễn Trãi 2 tên Tài (Gần đây, hỏi thăm mới rõ Khóa NT2 có 5, 6 người tên Tài) đã ghé nhà tôi. Anh nói đang theo học Vạn Hạnh muốn mượn tiểu luận của tôi mang theo về Vĩnh Long, Sa Đéc ăn Tết để nghiên cứu làm mẫu trước khi viết tiểu luận.  Tôi cũng chả hỏi lý do làm sao anh mượn tiểu luận “ít điểm”này,  và ai chỉ cho anh biết nhà tôi để lại đây mượn nó. Ít lâu sau không còn làm việc tại Saigon, tôi cũng quên đi việc đòi lại tập tiểu luận.

Dĩ vãng cho chuyện này tưởng như đã vùi chôn trong “mộ huyệt”, nào ngờ đâu lại được khơi dậy trong vài tháng gần đây khi bạn  Nguyễn Hồng Vân đưa tôi coi Văn bằng Cử nhân Chính Trị Viện Đại Học Vạn Hạnh khiến tôi như “hổ… chợt nhớ rừng, gà… nhớ chuồng”.  Thời gian ấy vì sinh kế phải đi xa Saigon không được tiếp tục việc học và hơi buồn nghĩ đến số phận “trôi giạt ba đào” của tiểu luận có nửa điểm của mình. Bây giờ, nếu có nó trong tay thì “hách xì xằng” và vui biết mấy. 

Lúc dọn nhà, mò mẫm trong đống đồ đạc giấy tờ bề bộn, tình cờ thấy lại Chứng Chỉ năm thứ Ba của Đại Học Vạn Hạnh, có lẽ vì có hình nên người nhà không nỡ vứt đi. Tò mò tìm hiểu để rồi một chút tiếc nuối khi biết có ba anh tên Tài thuộc NT2 đã qua đời, trong đó hình như có chứng nhân đã mượn Tiểu Luận “tái nạm…  ngầu” của tôi. 



Thành thử, một số “các ông thần” Nguyễn Trãi 1 tài ba, giỏi giang nhiều phương diện  nhưng trong cuộc sống vẫn ”te tua” hoặc bị người đời “nghi ngờ” khả năng thực học cũng chẳng cần “cung oán ngâm khúc” làm chi. Chúng ta chỉ là một cá nhân hay đơn vị nhỏ bé chẳng may chia sẻ chung với số phận nghiệt ngã đắng cay nửa đường đứt đoạn sau 30-4-1975 của một thể chế dù không hoàn mỹ nhưng vẫn tương đối còn tự do, dân chủ là VNCH. Tài ba vượt bực, mưu thần chước quỷ như Lã Bất Vi mà rồi cuối cùng phải tự chọn cách kết liễu cuộc đời bằng chén thuốc độc để khỏi thấy sự bẽ bàng, bạc đãi, khinh khi của đứa con ruột Tần Thủy Hoàng. Cho nên cuộc đời của quý bạn nếu có đầy phong ba bão táp hay nhọc nhằn khốn khổ gian truân vì dối gian, phản trắc, bội bạc thì so ra với ngang trái, oan nghiệt mà họ Lã phải gánh chịu lúc cuối đời chắc cũng chẳng thấm vào đâu. Vậy có nên bắt chước ai kia cười vang “vỗ gươm” hay vỗ… cái gì cũng được, rồi “nâng bầu mà hỏi”:

Trời đất mang mang ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường !

Thiết Trượng - NT1 Nguyễn ngọc Dậu    
12-2011   

(Viết trong thời gian kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ - 12 /2011. Hoãn in trong Kỷ Yếu 2014 vì số trang có giới hạn.* Giáo sư Tôn Thất Thiện đã qua đời tháng 10-2014, thọ 90 tuổi.)  

Đặc San Khóa 1 – Kỷ niệm 50 năm nhập  ngũ 2016 (lúc đó nhóm Biên Tập mới cho in bài này)

 

* Giáo sư Tôn Thất Thiện đã qua đời tháng 10-2014, thọ 90 tuổi.           

No comments: