February 3, 2007

(24a) Hồn ma nhà khảo cổ tại Bảo tàng viện



Hồn ma nhà khảo cổ Chester Stock tại Bảo tàng viện của LA County.
Có những người khi chết rồi, hồn ma họ còn vương vất cõi đời vì chưa hoàn thành một ý nguyện hay công việc nào đó. Hồn ma vẫn làm những hành động lúc sinh thời hằng ngày họ theo đuổi. Muốn giúp những linh hồn này được siêu thoát, người trong cuộc phải hiểu rõ nguyên do khiến kẻ khuất mặt còn lưu luyến nơi trần thế.

Như trong chuyện sau đây về cuộc tranh đấu nội tâm giữa lòng hiếu thảo và tình mẫu tử vì chen lẫn trong nó một mối cảm tình của đôi trai gái. 

Sau khi khám phá chàng trai hàng xóm, cạnh ngôi nhà mà Huyền Linh đang chăm sóc cho ông già bệnh hoạn là một hồn ma, Huyền Linh quyết tâm giúp người con trai dễ mến được siêu thoát khỏi sự kềm kẹp khắc nghiệt của bà mẹ, một hồn ma khác đang sống cùng ngôi nhà. Chàng trai trẻ chơi vĩ cầm mà Huyền Linh chuyện trò đã ân hận chuyện bỏ đi chốc lát rồi gặp tai nạn bị tử vong, không ai cho bà mẹ uống thuốc khiến bà cụ cũng qua đời. Người mẹ bịnh tật khi tỉnh táo mới được dìu lên xe lăn, cứ yên trí con đi chốc lát sẽ về, bà chờ và chờ... mãi cho đến khi cơn bệnh trở chứng không thể lết ra nơi chai thuốc được dùng cho lúc khẩn cấp. Lọ thuốc chỉ cách xa bà vài bước. Hồn ma chàng trai ân hận, cứ bị nỗi ám ảnh chỉ vì sự bỏ đi của mình mà mẹ qua đời, nên dù biết mình đã chết, nhưng vì linh hồn bà mẹ vẫn quanh quẩn trong ngôi nhà, chàng không dám bỏ đi. 


Phần bà mẹ quá thương con, dù hiểu rõ con mình không còn trên dương thế, và bà cũng đã rời bỏ cõi trần, nhưng linh hồn bà quyết tâm từ nay sẽ không bao giờ cho con mình rời xa nữa, nhứt định bắt con phải ở với mình. Sức mạnh siêu hình của bà mẹ trội vượt hơn người con rất nhiều, đứa con trai hiểu rõ điều này và cũng quá thương mẹ nên không dám sai trái lời mẹ, hoặc thử cưỡng chống ý muốn quái dị của mẹ. 

Bà già ghen cả với những ai có cảm tình với đứa con trai, nên lúc đầu cô gái đến thăm, vừa biểu lộ cảm tình có vẻ quyến rũ chàng, bà mẹ đã biểu lộ tức thời bằng những hành vi cảnh cáo: rung chuyển đồ đạc, làm đèn trần lắc lư như sắp rớt ngay trên đầu Huyền Linh. Sợ nguy hiểm cho cô gái, anh chàng phải đau lòng dùng lời lỗ mãng như xua đuổi Huyền Linh để tránh sự giận dữ của bà mẹ. 
Lần thứ hai, trong một buổi tối, với tiếng vĩ cầm dẫn dắt, Huyền Linh đang lần bước lên thang lầu để thăm chàng trai, bỗng nửa chừng, ngửng lên nàng thấy một chiếc xe lăn không người chợt xuất hiện trên cao như chặn cô lại. Khi thấy Huyền Linh không từ bỏ ý định thối lui, chiếc xe như xoay tới xoay lui có vẻ giận dữ rồi vụt xuống rượt đuổi như điên cuồng cô gái. Huyền Linh sợ hãi, quay lui chạy xuống thang lầu "như ma đuổi" - mà "ma đuổi" thiệt - cho đến khi vấp ngã gần nơi cửa ra vào, chiếc xe lăn mới từ từ lăn về một góc phòng. Còn Huyền Linh mặt mày thâm tím. 
Sau lần bị thương này, nàng khám phá ra bí ẩn câu chuyện. Cô gặp chàng trai, giải thích cho anh ta biết, chuyện đau thương xảy đến với bà cụ không phải lỗi ở anh, và anh phải dứt khoát rời bỏ ngôi nhà của mẹ mình. Có như vậy, anh và cô mới có cơ hội tái hợp sau này, nếu như anh yêu nàng. Dĩ nhiên, đau khổ cho chàng trai, nội tâm dằng co bên tình bên hiếu. Cuối cùng, chàng thấy nàng có lý và... Tình Yêu lứa đôi đã vượt thắng.
Sau cùng, hai người trẻ đã cố gắng tận sức để thoát ra khỏi ngôi nhà trong sự biểu lộ giận dữ cuồng nộ bằng sức mạnh siêu hình của bà mẹ, người phụ nữ biết rõ đứa con mình sắp bỏ rơi một người già nua bịnh tật để đi theo một phụ nữ khác trẻ trung, khỏe mạnh. Cặp trai gái trong nỗi kinh hoàng, vượt qua các vật dụng bị bể nát nhắm về phía họ phóng tới, chưa kể lửa đỏ phừng cháy lan nhanh như muốn thiêu đốt họ thành tro... 

 
Chuyện nàng Huyền Linh, đang kể cho độc giả là một phim ngắn trong loạt Ghost Stories của đài số 9, tình cờ ngày Halloween, xế trưa Chúa nhật 2 Nov 97, người viết được xem. Nó làm người viết liên tưởng đến chuyện nhà khảo cổ ở Bảo tàng viện tại Los Angeles mà chúng ta sắp tìm hiểu. Liệu có ai sẽ làm như Huyền Linh, tên cô gái được đặt ra cho dễ gọi, để Khảo cổ gia Chester Stock an vui siêu thoát? 


Nơi Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên của Los Angeles hiện nay (Natural History Museum of Los Angeles County), người ta tin linh hồn nhà Khảo cổ Chester Stock vẫn lảng vảng hiện về. Nhân viên của Bảo tàng làm việc ca đêm thường kể họ vẫn nghe những bước chân lạ, tiếng huýt gió và âm thanh mở ra đóng vào các ngăn hộc nơi chứa các đồ hóa thạch và cổ vật. Các người thâm niên nơi Bảo tàng đều tin là "Bố" Stock lại đang cặm cụi làm việc nghiên cứu của mình.

Chester Stock (hình bên), sinh năm 1892, đột ngột qua đời năm 1950 lúc 58 tuổi, sau khi đã trải qua 35 năm khảo cổ, đào xới và nghiên cứu các cổ vật hóa thạch. Huyền thoại về "bố" Stock này rất nhiều và người ta tin là ông còn lẩn quẩn tại Bảo tàng để hoàn thành những công trình nghiên cứu đang dở dang của mình. Lúc sinh thời, dưới sự điều khiển của ông, Bảo tàng viện Los Angeles đã thu thập hằng hà sa số các cổ sinh vật học từ La Brea Tar Pits ở Los Angeles. Nhiều sách đã ấn hành về các công trình học hỏi này. 


Chester Stock at his desk while at University of California, Berkeley. Next to him is the skeleton of a tree sloth. 
Lúc đầu lên đại học, năm 1910, Stock tính theo ngành Y khoa tại Đại học Berkeley, nhưng sau đó đổi ý khi thấy cổ vật học làm ông thích thú và lại thêm vào có sự khuyến khích và nâng đỡ của các giáo sư khảo cổ. Theo học ít lâu về môn "đào xới" tìm vật cổ xưa, ông tham gia công việc đào bới tại Rancho La Brea và được chọn là ứng viên viết luận án Tiến sĩ qua các cổ vật tìm thấy tại đây. Sau khi tốt nghiệp, Stock nhận vai trò giảng dạy tại ngay Berkeley, nhưng vẫn không bỏ nỗi say mê, tiếp tục đào bới và nghiên cứu cổ sinh vật tìm được tại vùng hóa thạch ở La Brea. Những người phụ tá của ông sau này kể lại, việc đi đi về về của ông từ Berkeley và La Brea, số dặm đường xe chạy có thể lên đến cả triệu miles. Điều nói không biết quá đáng không, nhưng chứng tỏ cho niềm mê say của ông trong công trình khảo cứu nó to lớn vô cùng. Ông chỉ tạm ngưng việc đi về thường xuyên như mắc cửi này khi nhận giảng dạy tại Institute of Technology ở Pasadena.
Lúc còn ở Los Angeles, ông đã bỏ công rất nhiều giúp cho Viện Bảo tàng quận hạt Los Angeles, và năm 1931, ông đã làm bán thời gian cho nơi này trong chức vụ Cố vấn bảo quản vì toàn thời gian ông còn dành cho việc giảng dạy tại Cal Tech. Năm 1948 ông là người đứng đầu trong chức vụ Bảo Thủ Khoa Học của Viện Bảo Tàng và dự phần trong việc dựng nên một hệ thống vệ tinh về bảo tàng ngay nơi hầm chứa các đồ hóa thạch và cổ sinh vật học mà ông đã đào xới.

Chưa kịp nhìn thấy công trình ước mơ được hoàn thành, ông bị xuất huyết não và từ trần vào năm 1950. Chỉ ít lâu sau khi ông mất đi, người ta đã đồn ầm lên việc đêm khuya Ông Stock trở về, chắc để tiếp tục công việc nghiên cứu hóa thạch đào bới được ở La Brea mà ông vẫn còn đang nghiên cứu dở dang.


Hai mươi bảy năm sau cái chết của nhà khảo cổ Stock, bảo tàng nơi hầm của ông được khánh thành với tên của người đi sau, nhưng ý tưởng ban đầu vẫn là do ông. Toàn bộ cổ vật hóa thạch, năm 1977, được chuyển hết về Bảo tàng George C. Page tại La Brea, nhưng hồn ông Chester Stock không chịu về nơi mới. Có thể tiếng động mở ra đóng vào các ngăn hộc tại Natural History Museum ở Los Angeles County là việc kiếm tìm những mẩu xương mà ông Chester Stock muốn dùng để cho việc ấn hành sách chăng?


Thời Đại

(Tuần báo Tình Thương - 6 Nov 1997 )

No comments: