February 11, 2007

(46) CON VỎI, CON VOI


Thiết Trượng (10-1999)

Năm 1990, cơ quan quốc tế bảo vệ súc vật có nguy cơ diệt chủng cho biết tại VN còn khoảng 1,500 đến 2,000 con voi. Nhưng đến năm nay (tháng 9-1999) số voi tại VN ước chừng chỉ còn 150 con, khiến cơ quan này “báo nguy” phải lập một quĩ để bảo vệ loài vật quí này đang trên đà bị diệt chủng. Có hai lý do gây nên thiệt hại là nạn săn voi lấy ngà và phá rừng. 

Được nhồi nhét ý tưởng “lấy bạo lực làm cách mạng”, nên bản chất của hầu hết viên chức nhà nước VNCS chỉ biết phá hoại, ít quan tâm đến việc bảo trì, nuôi dưỡng hay xây dựng. Chính vì vậy họ đã nhắm mắt làm ngơ cho hai tệ trạng trên, miễn sao có tiền bỏ túi để hưởng thụ, cho bõ công bao năm chết đói chết khát vì theo “bác đảng”. Diện tích rừng của hai nơi cho voi nhiều nhất ở VN là Bình Thuận và Đồng Nai hiện nay chỉ còn một nửa so với trước kia. Phá rừng bừa bãi ngoài tai hại chính cho nơi trú ẩn của thú rừng, thiệt hại môi sinh thiên nhiên mà còn làm một nguy hiểm khác là gây nên nạn lụt lội cho vùng đồng bằng. Nói chung, với bao nhiêu tệ nạn khác, chưa bao giờ trong lịch sử VN, tài nguyên thiên nhiên của quốc gia ở rừng, biển lại bị phá hủy trầm trọng như thời gian người Cộng sản thống trị.

February 10, 2007

(45) Internet: CON DAO HAI LƯỠI (Updated)

 Thiết Trượng (9-1999)


Ngày 22 tháng 9 năm 1999 là ngày đại nạn của Michael David Rostoker, “vị nhớn nhất” của công ty Microelectronic Research Inc. bị tóm cổ tại phi trường San Francisco khi dự tính bay sang VN. Tay chơi 41 tuổi bị buộc tội đã “ăn nằm” nhiều lần với một bé gái Việt mới 13 tuổi qua những lần du lịch VN. Chàng ma cô 40 tuổi là Tri Roy Cole cũng bị tóm vì tội mai mối. 
Theo tờ San Jose Mercury News, tay chơi Rostoker đang thu xếp làm giấy tờ giả tăng tuổi bé gái lên 18 để cưới mang về Mỹ. Xui cho ý tưởng này lại bất thành. Tôi không bênh vực cho anh chàng Rostoker, mà chỉ tiếc cho anh “sinh bất phùng thời”. Nếu là thời xưa ở VN, anh đã không bị luật pháp ở xứ này làm khó dễ vì tuy các cụ nhà ta không khuyến khích những chuyện dụ dỗ gái vị thành niên, nhưng những ngoại lệ vẫn có, với điều kiện “em bé” được cưới hỏi đàng hoàng, sau khi người đàn ông đã phá hại đời người con gái. Ngay cả chúng ta hậu bối sau này cũng chả giả dối để gạt bỏ những câu “dễ thương” vẫn còn truyền tụng trong ca dao:

(44) NHẤT NHẬT TẠI TÙ

Thiết Trượng (9-1999)

Ngày rằm tháng 7 âm lịch, Phật giáo chọn cho mùa báo hiếu được gọi là lễ Vu Lan, để con cái trong dịp này nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Năm nay, sau hơn hai tuần rằm tháng 7, ngày 14 tháng 9, một vụ thảm sát gây ra ba cái chết tại nhà thương West Anaheim Medical Center. Hung thủ là một người Á Đông nhỏ con (5'5), chắc là Việt Nam, vì có tên là Dung Trinh. Anh chàng 42 tuổi này, nhào vào bệnh viện, vừa bắn nhân viên nhà thương vừa la hét: “Chúng mày giết mẹ tao!”. Sau khi cảnh sát bắt giữ được hung thủ, theo một nhân viên nhà thương bà mẹ 72 tuổi trước đây đã được giải phẫu xương hông tại bệnh viện và không thấy hung thủ than phiền gì cả.

Được biết năm ngoái (1998), phòng khẩn cấp của bệnh viện đã cho thiết trí cửa kiếng chống đạn sau khi xảy ra vụ một bệnh nhân xả súng vào nơi này. Hai lần trong quá khứ, cũng chính bệnh viện đã bị khách hàng gởi thư khiếu nại với Phòng Y tế về cách đối xử cũng như chữa trị bệnh nhân.

Riêng vụ ông Trịnh Dũng (tạm gọi tên VN) uất hận vì mẹ chết rồi phán đoán chủ quan cho rằng ai đó ở bệnh viện gây ra sự tử vong của người thân mình để tìm đến trả thù, ông ta đã thiếu suy xét vì không nghĩ đến sự đau khổ gấp bội của những người khác sẽ gặp phải vì số nạn nhân do ông gây ra đông hơn, trong khi chỉ mình ông chịu đựng khi mất mẹ. Hơn nữa chưa chắc sự phán đoán của ông đã đúng đắn.

February 7, 2007

(43) DỠN MẶT TỬ THẦN


Thiết Trượng (9-1999)


Chiếc xe hơi, phương tiện cơ giới đã giúp đôi chân con người tới những nơi cần thiết. Khi chưa phát minh ra loại máy móc này, người ta đã dùng súc vật như trâu, ngựa, voi, lạc đà... để giúp cho sự vận chuyển, Và sự rủi ro gây cho con người của nó không đến nỗi thình lình và nguy hiểm đầy thảm khốc như hiện đại. Tiến vào xa lộ, người ta bắt buộc phải lao vào một giòng thác tốc độ cả trăm cây số một giờ. Lúc đó, con người hầu như đang dỡn mặt Tử Thần mà không biết. 
Chỉ một sự cọ xát xảy ra giữa hai vật thể di động trong một tốc độ nhanh như vậy, bắt buộc phải gây ra một chấn động và sức dội khủng khiếp. Một tai nạn xảy ra trên xa lộ hiếm khi nào chỉ có hai hay ba xe bị thiệt hại. Thỉnh thoảng ta vẫn thấy TV chiếu cảnh những kẻ tội phạm lái xe với một tốc độ khủng khiếp như điên cuồng trên xa lộ để tránh sự săn bắt của cảnh sát. Người vô tội lái xe cẩn thận vẫn có thể không may gặp những trường hợp bị tai nạn do sự rượt đuổi kia gây ra. Nhưng còn nhiều trường hợp khác vẫn vô tình làm oan mạng nhiều nạn nhân.
     

February 5, 2007

(41) NÉN BẠC ĐÂM TOẠC... LÁ PHIẾU

Thiết Trượng
(8 - 1999)

Hồi tháng 11 năm 1998 vừa qua, tôi cũng như phần đông dân Cali bỏ phiếu thuận Dự luật số 5, cho phép các bộ lạc da đỏ mở sòng bài trong khu vực dành riêng của bộ lạc. Không phải tôi và một số người Việt quên sự dặn dò của ông bà thể hiện qua câu nói dân gian “Cờ bạc là bác thằng bần”, nhưng thấy các nhà tài phiệt vùng Las Vegas bỏ tiền ra ghê quá, tính “tàn sát” dân da đỏ, nên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” và lạ lùng thay kết quả với 63% bỏ phiếu YES làm các ngài nhà giàu “chứa thổ, đổ hồ” vùng sa mạc thua đau đớn đến hộc máu.
Nhưng với tiền rừng bạc biển, các tay chủ sòng Las Vegas đâu chịu bại một cách nhục nhã, vì hằng năm khoảng 4 tỷ đô la “tiền điện” của dân Cali vẫn mang sang nộp Las Vegas, nay bị các sòng da đỏ phỗng tay trên những 1.7 tỷ đô la, tức gần một nửa số tiền thì làm sao mà bỏ qua mối hận này. Đấy là chưa kể các sòng khác không có loại máy “slot machines” của các sòng dân da đỏ như Commerce, Bicycle... mỗi nơi cũng cấu véo mấy chục triệu của họ.

(40) KỲ THỊ: MUÔN ĐỜI KHÔNG THỂ DIỆT!

Thiết Trượng
(August 99 )


Ngày 10 tháng 8 năm 1999, vụ Buford O. Furrow Jr. (Hình bên dưới) xả súng vào các em nhỏ đang học tại trung tâm sinh hoạt của người Do Thái khiến năm người bị thương trong đó có ba học sinh, rồi trên đường tẩu thoát bắn chết một nhân viên Bưu Điện gốc Phi luật Tân. Từ vụ này, có hai vấn đề được đặt ra cho dân chúng Hoa Kỳ: sử dụng súng và kỳ thị chủng tộc.
Chỉ đặt vấn đề kiểm soát súng hay không đã làm tốn hao giấy mực cũng như “nước bọt” của quần chúng Mỹ lẫn các vị dân cử hơn 20 năm nay, như Wayne Lapierre, Phó Chủ tịch của Hiệp Hội Chơi Súng Quốc Gia “National Rifle Association” (NRA) trả lời phỏng vấn của báo Newsweek, ấn bản 23 tháng 8 năm 1999. Huống chi đi đến thái độ cực đoan là cấm dùng súng, chắc còn gay go và đầy rắc rối vì liên hệ nhiều đến giới tài phiệt sản xuất và buôn bán súng đạn, nhất là phải sửa lại Hiến Pháp.
 

Chủ tịch của Hội các tay chơi súng thứ thiệt hiện tại là Charlton Heston, tài tử nổi danh của cuốn phim vĩ đại Ben Hur thập niên 60. Mấy tuần qua nhiều địa phương có dịch vụ thu hồi súng do dân tự nguyện nộp cho chính quyền, một vài quận hạt khác có ngân khoản tặng cho mỗi khẩu súng mang nộp là $100.00 nhưng phải ngưng ngay “trò khuyến dụ” vì bà con đông quá, không còn tiền để trao đổi! Sự phức tạp và rắc rối như mớ bòng bong về Súng tại Hoa Kỳ phát xuất từ thời lập quốc của Hoa Kỳ khi “sức mạnh từ nòng súng và bắn chậm là chết” rồi sau này đưa đẩy đến Tu Chính Án số 2 (Right to Keep and Bear Arms) trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

February 4, 2007

(39) CỦ KHOAI của LÃNH TỤ

Thiết Trượng (Aug 1999)

Ông Dan Quayle hồi còn làm Phó TT nước Mỹ đã bị mang tiếng là i-tờ-rít khi đánh vần sai chữ CỦ KHOAI “POTATO” và ông đã bị chết dí với biệt hiệu diễu cợt này. 

Gần đây, Lãnh tụ Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) của Bắc Hàn, kế nghiệp nhà độc tài quá cố Kim Nhật Thành, vừa có một sáng kiến “siêu việt” để giải quyết nạn đói của dân bằng cách ra chỉ thị nỗ lực... trồng khoai. Nhu yếu phẩm của dân Đại Hàn từ xưa tới nay là gạo, nhưng dưới sự chỉ huy kinh tế của người cộng sản, thực phẩm này cũng trốn chạy đâu mất, khiến dân chúng đói meo. Trong vòng hai năm nay, cơ quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đã phải hô hoán ầm ĩ để thế giới chú tâm, rồi vận động kể cả áp lực để Bắc Hàn cho cơ quan thiện nguyện được đi vào xứ sở đóng kín hầu cứu các người trong vùng sắp chết đói, nhất là nhiều trẻ em đang trong tình trạng suy kiệt trầm trọng, nhờ vậy nạn đói giảm đi trông thấy. Kể từ 1995, người ta ước lượng khoảng 2 triệu người chết đói, còn tin tức năm 1998 cho biết vì không có thực phẩm, dân Bắc Hàn có nơi đã phải ăn thịt... người chết.

(38) THÚI... KHÔNG NGỬI ĐƯỢC !

Thiết Trượng (1999)

Ngày 2 tháng 8 năm 1999 là ngày lịch sử cho Thư viện Hungtington tại San Mario sau 71 năm thành lập vì số người đông đúc đến thăm nơi này. Họ chen chúc xếp hàng giữa cơn nóng mùa hè của Cali, chờ hai, ba tiếng đồng đồ để được chiêm ngưỡng một loại cây chỉ cao 6 foot, nhưng bông hoa thì to lớn, cao đến 5 foot và đặc biệt mùi hương thì... thối hoăng! Để “nhìn và ngửi” kỳ hoa dị thảo này người ta phải móc hầu bao $8.50 cho tiền vào cửa. Khoảng giữa trưa, ước lượng có 7,000 người đang “rồng rắn” để chờ đến phiên xem hoa. Có hai người đi coi bị ngất xỉu phải khiêng ra xe cứu thương. Phóng viên hỏi mấy người hiếu kỳ đi ra, cảm giác ra sao về “mùi thơm” đặc biệt này, người thì nói nó thối như chó bị cán chết trên đường, kẻ thì cho nó khắm như mùi thùng rác lâu ngày chưa đổ...
Loại cây này nguyên gốc từ Sumatra ở Nam Dương, dân địa phương nôm na gọi là cây hoa Tử Thi, tên khoa học của cây là Amorphophallus Titanum, có hoa thuộc loại to nhất và dễ tan rữa trên thế giới. Từ trước đến nay ở Hoa Kỳ, loại hoa này chỉ nở có 11 lần. Lần đầu tiên năm 1937, cây này nở hoa tại Vườn Bách Thảo Bronx cũng thu hút đông người xem. Vì hoa thuộc loại chóng tàn nên Thư viện Huntington ở Cali chỉ loan báo có hai ngày để coi hoa. Ông nhà báo của LA Times tường thuật vụ này không biết ngớ ngẩn hay giả vờ “ngây thơ cụ” khi đặt câu hỏi: tại sao người ta lại lũ lượt xếp hàng chầu chực đi xem một loại hoa hôi thối, đông hơn cả những lần vừa rồi khi triển lãm kỷ niệm của các vĩ nhân George Washington và Abraham Lincoln?

(37) SƯ TỬ HỐNG


Thiết Trượng (1999)

Chưa đầy một tuần lễ, vừa xong thỏa ước ký tạm cho mậu dịch giữa CS Hà nội và Hoa Kỳ vào ngày Chủ nhật thì bốn ngày sau vào Thứ Tư 27 tháng 7 năm 1999, Hạ viện Mỹ lại phê chuẩn Tối Huệ Quốc một lần nữa cho Trung Cộng. Điều này cho người ta thấy rằng không có một trở lực chính trị nào tại Hiệp chủng quốc có thể gây trở ngại cho giới Tư bản Mỹ khi họ đã đánh hơi và chĩa mũi vào mối lợi nào đó. Dù các tổ chức về nhân quyền trưng nhiều bằng cớ vi phạm nhân quyền hiện nay tại Trung Cộng và Việt Nam, chưa kể có bằng chứng Trung cộng đã ăn cắp bí mật chế tạo vũ khí nguyên tử của Hoa kỳ, kết quả ký kết buôn bán vừa rồi đủ thấy mối lợi đã làm mờ tối lương tri con người.
  

Trước đây khi đề cập về Trung Hoa, Thủ tướng Winston Churchill của Anh quốc lúc sinh tiền có cảnh cáo cho các nhà chính trị Tây phương một câu để đời: “Con sư tử đang ngủ yên, đừng đánh thức nó dậy”. Nước Nga, với vùng đất lạnh giá rộng lớn Sibérie có loại gấu to lớn dữ dằn sinh sống nên được gán danh là Gấu Bắc cực, từ thời Stalin cho đến các hậu duệ có thể vì biên giới sát nách với con Sư tử nên e dè canh chừng nó rất kỹ. Chỉ có Chim Ưng Hoa Kỳ, cách Á châu cả một đại dương, coi lời Thủ tướng xì gà Churchill không có ký-lô nào, nên năm 1971, TT Nixon và chuyên viên đi đêm Kissinger bắt đầu vỗ nhè nhẹ con Sư tử bằng hình thức ngoại giao bóng bàn. Kẻ ngái ngủ Trung Cộng còn được dàn xếp bước vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một cách chễm chệ oai hùng để đại diện cho một cường quốc gọi là Trung Hoa. Phần Đài Loan, hải đảo hùng cứ sót lại của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, bị đá ra rìa nơi cơ quan quốc tế này một cách tàn nhẫn. Số phận bàn cờ Đông Dương từ đó cũng được quyết định và người VN quốc gia của chúng ta cũng đã hứng chịu một chung cuộc không kém phần tàn nhẫn bi thương năm 1975.
 
Hình: Reagan - Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh năm 1984)
Sau khi Mao Trạch Đông chết, Trung cộng dưới thời Đặng tiểu Bình được hướng dẫn bằng con đường mới, theo chủ trương câu nói bất hủ của họ Đặng “mèo trắng hay mèo đen, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”.

(30) Mặt trận Điệp Báo

(Thiết Trượng 2002)


Trong KBC Hải ngoại tháng 11-2002, đọc xong “Từ cái chết của SVSQ Sử Xuân Vĩnh Lộc”, tôi bâng khuâng nhớ đến ngôi trường cũ của mình trên ngọn đồi 4648. Xuất thân khóa I Nguyễn Trãi, được một thời gian phục vụ tại quân trường mẹ, tôi có nhiều kỷ niệm buồn vui với nơi này.

Sau trận Tổng công kích đợt I Tết Mậu Thân 1968, trường Đại học CTCT ở Đalat dần dần mới tập họp đầy đủ các SVSQ đi phép Tết trở về. Tổng kết quân số, chúng tôi chỉ thiệt hại có một trong số SVSQ đi phép ở Huế, cộng thêm cái tang thân phụ của một SVSQ là Thượng nghị sĩ Trần Điền, cả hai bị Cộng sản giết hại trong đợt thảm sát ở Cố Đô.