February 4, 2007

(29) Đời sau, thường nhân làm sao hiểu?

Thiết Trượng (1997)

Tiểu bang Cali được dân Việt chạy trốn bác Hồ chọn là nơi ”ưu tiên một” vì khí hậu tốt, trợ cấp thơm, bắt Job tiền không tệ... rồi thủ đô tị nạn Little Saigon mới được gán cho vùng Orange County vì dân số người Việt tại đây đông nhất thế giới. Cái Saigon nhỏ bé nơi đất Mỹ này đã từng gây nhức nhối cho cả ta, cả bạn... lẫn địch về nhiều phương diện: văn hóa, chính trị, tôn giáo, xã hội. Nếu kể chi tiết trong từng lãnh vực vừa đề cập ở trên thời không bao giờ hết chuyện và đôi khi các vị cư ngụ lâu năm lại bĩu môi ”Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Ở đây chỉ nhắc đến ”Nỗi đau tị nạn” mới nhất mà dân Việt đồng cảnh ngộ xin chia sẻ với dân địa phương cùng hoàn cảnh: đó là cái luật của Cali cấm hút thuốc nơi trà đình, tửu quán và các chốn ăn chơi nhảy nhót, cờ bạc...
 
 (Hình - Trái: James Deans - Phải: Rita Hayworth)
Tôi đang tự hỏi con cháu của mấy ông bà ủng hộ cái vụ cấm đoán gắt gao trên, sau này giở văn học sử ra (điện ảnh cũng thuộc lãnh vực văn nghệ) tự nhiên thấy bản nhạc phổ câu thơ ”Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói buồn vương lên mây...” có lẽ tụi nhóc hậu sinh ”khả úy” sẽ nghệt mặt ra chả hiểu tại sao lại có hiện tượng quái lạ phải châm cái đồ ”độc địa” thuốc lá đó mới biểu trưng được cái nỗi nhớ nhà da diết. Chúng nó cũng sẽ thấy các cảnh phim ảnh mà người bạn mồi điếu thuốc rồi đặt lên môi người sắp chết sẽ không có gì là cảm động xót xa thân thiết, chia ngọt sẻ bùi. Cùng trong tâm trạng vui buồn hoạn nạn có nhau đó, cái cảm xúc tình người khoảnh khắc của không gian nhỏ bé sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi nơi chiến trận trong giờ phút mong manh giữa sinh và tử, hay giữa hoàn cảnh không một mảy may thoát vòng địa ngục nơi chốn lao tù lúc người ta chia sẻ một luồng khói thuốc cùng nhau... Biểu tượng người hùng trong tương lai của các phim cao bồi, chiến tranh, trinh thám hoặc gián điệp như James Bond 007 sẽ không có hình ảnh nhả khói trước hay sau khi hành động; cũng chẳng còn cảnh bật quẹt châm thuốc sau đoạn làm tình....

(36) THAM VÀNG PHỤ NGÃI


THẾ SỰ BỀNH BỒNG
Thiết Trượng

Câu nói của cổ nhân: “Trách ai tham vàng phụ ngãi” áp dụng cho những người ham tiền, phụ tình, phụ nghĩa để lấy kẻ “nhiều vàng lắm bạc” có lẽ vào năm cuối cùng của thế kỷ 20 không còn tuyệt đối đúng nữa. Lý do tiền tệ của những nước tiên tiến có khuynh hướng không còn căn cứ trên kim bản vị như trước, trong đó vàng là quí kim được toàn thế giới chọn lựa. Sự giàu có của người có vàng trong thời đại bây giờ sẽ giảm bớt vì vàng đang càng ngày càng mất giá.
(Hình: Tường dát vàng trong mộ cổ Ai Cập)

Bằng chứng mới nhất là ngày 7 tháng 7 năm 1999 vừa qua, Anh quốc đã bán ra đợt đầu 25 tấn (trong tổng số dự định 415 tấn) làm giá vàng xuống liền trong nội ngày hôm đó $6.80 một ounce, chỉ còn $257.80 mỗi ounce. Một con tính cho biết, nếu chín năm trước, bạn mua vàng “để dành” hồi tháng 1-1990, lúc đó giá vàng là $420.60 thì nay bạn đã lỗ $162.80. Còn hơn nữa, nếu tháng giêng năm 1980 (cách đây 19 năm), khi quân Nga tiến vào A Phú Hãn và cũng là lúc Hoa Kỳ bị nạn lạm phát trong khi giá dầu tăng vọt, bạn mua vàng lúc đó là cao điểm của quí kim này với giá $875 mỗi ounce, bạn đã lỗ to $517.20 mỗi ounce. Giản đơn, bạn mua 3 cây năm 1980, nếu phải bán năm nay, bạn mất béng 2 cây!

February 3, 2007

(25a) San Diego: Biệt thự nơi đờn hát của ma quỉ.


Thời Đại (11-1997)

Bạn đọc cư ngụ tại San Diego, California, nếu để ý góc đường 20 và K, sẽ thấy có một ngôi nhà kiến trúc hơi là lạ. Với cái tên gọi Villa Montezuma, hiện nay căn nhà này nằm trong danh sách được Hội Bảo tồn Lịch Sử của San Diego chăm sóc. Ngôi nhà cấu trúc hơi khác thường này có liên hệ nhiều đến một người tên Jesse Shepard, một nhà dương cầm đẹp trai, từng biểu diễn tài nghệ trước nhiều Vua Chúa của Âu châu.

Trong các cuộc phỏng vấn về đời mình, Shepard cho biết ông đã từng sống nhiều năm ở Nga sô, tại nơi đây ông đã tiếp xúc với nhiều nhà huyền bí và những người này có biệt tài giao cảm với những linh hồn thuộc cõi bên kia thế giới. Chính vì thế, khi trở lại San Diego năm 1887, ông đã nhanh chóng gia nhập vào nhóm nghiên cứu huyền bí tại thị trấn này. Với biệt tài về âm nhạc, chưa kể xuất sắc về thơ, Shepard mau chóng trở nên một người nổi bật của nhóm. Trong số hội viên huyền bí có hai tài phiệt chủ nông trại là John và William High. Hai người giàu có này đã bỏ tiền để xây dinh thự đặc biệt theo sự khuyến dụ của Jesse Shepard.


(23a) Đi xem Ma Quỉ nơi đất Mỹ


Thành phố San Juan Capistrano:
nơi Ma Quỉ nhiều nhất tại Orange County.
(Thời Đại - Oct 1997)
Hàng năm vào rằm tháng Bảy, Việt Nam ta coi đây là ngày Xá tội Vong nhân, dân chúng cúng quảy bố thí đồ ăn thức uống cho các hồn ma, bóng quế đói khát không có nơi nương tựa. Hình thức bác ái thương sót với thập loại chúng sinh đã chết chưa kể với cách hành sử nhân từ cả với kẻ thù còn sống sót của tổ tiên qua lịch sử có thể là một bài học tốt cho hậu sinh mà tôn giáo nào ở VN cũng khuyến khích tín đồ nên tuân theo.

Hoa Kỳ ảnh hưởng Thanh giáo, du nhập lễ ma quỉ cũng không ngoài mục đích nhắc nhở kẻ sống không nên lãng quên những linh hồn đang còn vất vưởng quanh ta.
  
Theo Pamela Hallan-Gibson (Hình dưới bên trái. Phải: Nữ Kỳ Bí), một "Ma sư" (*) và là tác giả truyện "Ghosts and Legends of San Juan Capistrano", cho thành phố cổ kính San Juan phía nam Cali này là một nơi có nhiều ma quỉ nhất ở Orange County. 

1 - NGƯỜI NỮ KỲ BÍ:
Khu vực nổi tiếng nhất, nên viếng đầu tiên, bạn sẽ nghe ma kêu quỉ hú là tại con đường Los Rio, nơi có một phụ nữ da trắng dật dờ tại khu đường rầy xe lửa bụi bậm hoang vu. Bóng người ma nữ này đôi khi thấy nhấp nhô chỗ vườn hoa vàng của dãy nhà thuộc lộ Rio hay thấp thoáng đảo qua chỗ dinh thự màu hồng nơi tiệm Moonrose.

(24a) Hồn ma nhà khảo cổ tại Bảo tàng viện



Hồn ma nhà khảo cổ Chester Stock tại Bảo tàng viện của LA County.
Có những người khi chết rồi, hồn ma họ còn vương vất cõi đời vì chưa hoàn thành một ý nguyện hay công việc nào đó. Hồn ma vẫn làm những hành động lúc sinh thời hằng ngày họ theo đuổi. Muốn giúp những linh hồn này được siêu thoát, người trong cuộc phải hiểu rõ nguyên do khiến kẻ khuất mặt còn lưu luyến nơi trần thế.

Như trong chuyện sau đây về cuộc tranh đấu nội tâm giữa lòng hiếu thảo và tình mẫu tử vì chen lẫn trong nó một mối cảm tình của đôi trai gái. 

Sau khi khám phá chàng trai hàng xóm, cạnh ngôi nhà mà Huyền Linh đang chăm sóc cho ông già bệnh hoạn là một hồn ma, Huyền Linh quyết tâm giúp người con trai dễ mến được siêu thoát khỏi sự kềm kẹp khắc nghiệt của bà mẹ, một hồn ma khác đang sống cùng ngôi nhà. Chàng trai trẻ chơi vĩ cầm mà Huyền Linh chuyện trò đã ân hận chuyện bỏ đi chốc lát rồi gặp tai nạn bị tử vong, không ai cho bà mẹ uống thuốc khiến bà cụ cũng qua đời. Người mẹ bịnh tật khi tỉnh táo mới được dìu lên xe lăn, cứ yên trí con đi chốc lát sẽ về, bà chờ và chờ... mãi cho đến khi cơn bệnh trở chứng không thể lết ra nơi chai thuốc được dùng cho lúc khẩn cấp. Lọ thuốc chỉ cách xa bà vài bước. Hồn ma chàng trai ân hận, cứ bị nỗi ám ảnh chỉ vì sự bỏ đi của mình mà mẹ qua đời, nên dù biết mình đã chết, nhưng vì linh hồn bà mẹ vẫn quanh quẩn trong ngôi nhà, chàng không dám bỏ đi. 

February 2, 2007

(35) NGƯỜI YÊU CỦA LÁ (Thơ Trào Phúng)



(Thân tặng chú Thòong)

Tối ngày mơ tưởng lá đa
Đến khi đa có lại la trách đời
Ngày Ba, đêm Bảy tơi người
Đến nay xanh mét, mèng ơi... bác Khường !
Bác than bác sợ.. cái giường !
Lỡ leo lên nó, hết đường ngủ yên.
Trong sở làm việc như điên,
Khuya về lại phải ô-vơ-thêm (overtime) mấy phùa !
Sức voi có lẽ còn thua,
Lao tù cải tạo cũng chưa cực bằng.
Ai ơi có thấu cho chăng ?
Ban đầu tưởng bở còn hăng ra gì.
Nay thì điện... yếu, bình.. xì.
Xạc hoài cũng thế, cứ... ỳ ra thôi !

January 30, 2007

(28) “Viên đạn đồng... chữ nổi”


Thiết Trượng
(Tựa đề mượn tên một truyện đã có từ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam).
Mạnh Tử, một học trò của Khổng Tử, nghĩ rằng người ta sinh ra có tính thiện, nhưng đúng ra ông nói nhiều về tâm thiện của con người hơn. Đối với Mạnh Tử, tâm thiện hay tính thiện đều là một thể do trời sanh. Nhưng khi Tuân Tử, ở cuối thời Chiến Quốc, đã chứng kiến bao cảnh ”người đối với người” tàn ác như lang sói, ông bèn chống lại thuyết ”tính thiện” của Mạnh Tử và xướng lên thuyết ”tính ác luận”. Đối với Tuân Tử, con người luôn có dục vọng, tham dục, vật dục. Muốn cho lòng dục khỏi loạn, người ta phải tiết chế, hàm dưỡng nó; nhưng không có nghĩa là hủy diệt nó. Theo phái Pháp Gia mà Tuân Tử là người khởi xướng, phải giáo dục dân và dùng luật lệ để bắt họ tuân theo, đồng thời cũng để trừng trị sự phạm tội. 
Người học trò nổi tiếng với quan điểm ”nhân chi sơ tính bổn ác” của Tuân Tử là một vị công tử nước Hàn. Sanh sau Mạnh Tử hai trăm năm, Hàn Phi Tử được coi như đứng đầu của nhóm Pháp Gia vì chủ trương cứng rắn của ông. Theo Sử Ký, tuy Hàn Phi mang tật nói lắp, nhưng văn tài ông rất giỏi. Người đời sau coi ông như đại biểu cho nhóm Pháp Gia, dùng hình pháp để trị người và trị quốc. Chả hạn như ý sau của Hàn Phi: 
”Kẻ lãnh đạo quốc gia, không đợi tất cả mọi người làm điều thiện để làm vừa lòng mình, nhưng làm cách nào để mọi người không được làm điều phi pháp... Đợi có gỗ thẳng mới làm tên bắn thì trăm đời chẳng có tên. Đợi có gỗ tròn mới làm bánh xe thì nghìn đời chưa có bánh xe. Cái tên tự thẳng, cái gỗ tự tròn, trăm đời chưa có một. Vậy mà trên đời vẫn có kẻ cưỡi xe, bắn chim là tại sao? Là vì cái khoa uốn tròn, cái phép uốn thẳng được áp dụng vậy...”

Tần Thủy Hoàng đã lợi dụng lý thuyết pháp trị mà người nước Hàn không biết áp dụng của Hàn Phi Tử để biến nước Tần thành bá chủ nước Tàu. Trong cuộc đốt sách, chôn học trò chính Tần Thủy Hoàng ra lệnh giữ lại sách của nhóm Pháp Gia. 

(27) Lê Lai cứu Chúa

Thiết Trượng (1997)

Trong cuộc chiến chống quân Minh, vua Lê Lợi thoát hiểm trong một trận vây khổn coi như tuyệt lộ tại Chí Linh lần thứ hai, nhờ mưu kế để cho bầy tôi Lê Lai hy sinh đóng thế vai mình (giống như Kỷ Tín ngày xưa chịu chết thay cho vua Hán Cao) khiến giặc Tàu lầm tưởng bắt được và giết xong kẻ đối đầu nguy hiểm đất Lam Sơn. Đọc sử Việt, không ai không ngưỡng mộ lòng trung quân ái quốc của vị tướng Lê Lai. Lúc giành lại đất nước khỏi tay nhà Minh, cảm kích trước sự hy sinh vô bờ bến của người cộng tác, nhà vua đã phán, khi ông mất đi triều thần phải cúng giỗ Lê Lai trước ông một ngày. Do đó, sau này không ai quên được câu: ”21 Lê Lai, 22 Lê Lợi” là vậy.

Khi phong trào các sĩ quan ”cải tạo” theo chương trình H.O. đi Mỹ, một số trong tình cảnh ”thảm nạn” CS phải đổi đời, lập lại gia đình với người trẻ hơn sau khi tù về. Trong số này, có người con cái dưới vị thành niên còn bồng còn ẵm. Hồi mới đầu của thập niên 90, trợ cấp xã hội Mỹ chưa đến giai đoạn khủng hoảng như sau này, nên đã có những lời đùa bỡn và chúng ta mừng cho bạn nếu anh ta có ”Lê Lai cứu chúa”. Anh bạn còn con nhóc tì, đương nhiên đỡ lo cho đến 18 tuổi và bố mẹ của nhóc tì cứ việc ”phè cánh nhạn”. Khổ một cái, cũng vì tin vào việc cứ ”rặn ra” thêm một nhóc tì là có ”Lê Lai cứu chúa”, một số bạn mình ráng nặn thêm một Baby. Đùng một cái, Thiên Đàng Mỹ không còn như xưa, một Thiên Đàng Không Có Thật, ra luật mới gắt gao về trợ cấp xã hội, các ”Lê Lợi” tị nạn thời đại mới phải đi cầy thấy mẹ như các người bình thường khác... 

(26) Vô luân trong chính trị


ĐẢ LÔI ĐÀI 
Thiết Trượng (1997) 

Khi cặp Bill Clinton - Al Gore thắng cuộc đua năm 1992, rồi thêm lần nữa 1996 vào Tòa Bạch Ốc, với lứa tuổi ”tứ thập nhi bất hoặc” của họ, người ta trông đợi cặp trẻ này sẽ có những cải cách xã hội tốt theo trào lưu tiến hóa của con người, nhất là về giáo dục. Vì họ là biểu tượng cho giới trẻ sinh ra đông đúc sau thế chiến thứ 2 - Mỹ gọi là ”baby booomers”, nhưng đến khi lên nắm quyền họ đã làm thất vọng nhiều người, kể các những người cùng trang lứa hay chỉ lớn hơn vài niên kỷ. Một trong những điểm tệ hại là đạo đức không còn những giá trị tuyệt đối như xưa, khi vấn đề ”đồng tính luyến ái” được các ông Tông Tông lẫn Phó Tông Tông chấp nhận và coi đó là một lẽ tự nhiên của con người.

Tuần báo Newsweek, ấn bản ngày 27 tháng 10 năm 97, trong BETWEEN THE LINES, đã có một tựa đề "Gore's Gay Gambit" (Trò chơi khởi đầu của Gore: Đồng tính luyến ái), khi đề cập đến chương trình Ellen của cô đào DeGeneres, trong đó cô này ôm ”người tình” với nụ hôn cuồng nhiệt như cặp trai gái đang yêu nhau. DeGeneres đã tuyên bố công khai cô là dân đồng tính và người tình tên là Anne Heche. Lời phát biểu của Phó Tông tông nghe sao lạc lõng, rẻ tiền lúc đề cập đến chương trình phát hình đó, ”khi vai trò Ellen xuất hiện, hàng triệu người Mỹ bắt buộc phải có cái nhìn về khuynh hướng tình dục dưới một nhãn quan rộng mở sáng tỏ hơn”. 

(25) Ôi ! Ta buồn ta đi... lang thang!

ĐẢ LÔI ĐÀI
Thiết Trượng (1997)
Tuần báo Newsweek ấn bản 24 Nov 97, trong mục Diplomacy với tựa đề Destination Unknown (tạm dịch: Đến nơi vô định), nói về những cuộc thăm viếng của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton ở nhiều nơi trên thế giới. Từ Bắc Ái Nhĩ Lan, bay sang Trung Á, rồi mới nhất là các quốc gia của đế quốc CS Liên Sô cũ. Với các cuộc hành trình trước, bà ta đã ghé thăm Phi châu, Ấn Độ và Nam Mỹ. Trong lịch sử Hoa Kỳ, Hillary là vị đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ công du nhiều nơi nhất trên thế giới.

Với cái tựa đề nhiều ẩn ý trên, người ta suy đoán có thể có nhiều nguyên do khiến người đàn bà đạt đến tuyệt dỉnh danh vọng này phải đi tìm nguồn khuây khỏa ở những nơi xa xăm vạn dậm, bên cạnh mục đích tuyên truyền vận động các nguyên tắc về việc thực thi dân chủ, quyền làm người và một thị trường tự do của chính quyền Clinton đang theo đuổi. Vì ở quốc nội, vợ chồng bà đã bị tai tiếng trong rất nhiều vụ.