Thiết Trượng
(Tựa đề mượn tên một truyện đã có từ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam).Mạnh Tử, một học trò của Khổng Tử, nghĩ rằng người ta sinh ra có tính thiện, nhưng đúng ra ông nói nhiều về tâm thiện của con người hơn. Đối với Mạnh Tử, tâm thiện hay tính thiện đều là một thể do trời sanh. Nhưng khi Tuân Tử, ở cuối thời Chiến Quốc, đã chứng kiến bao cảnh ”người đối với người” tàn ác như lang sói, ông bèn chống lại thuyết ”tính thiện” của Mạnh Tử và xướng lên thuyết ”tính ác luận”. Đối với Tuân Tử, con người luôn có dục vọng, tham dục, vật dục. Muốn cho lòng dục khỏi loạn, người ta phải tiết chế, hàm dưỡng nó; nhưng không có nghĩa là hủy diệt nó. Theo phái Pháp Gia mà Tuân Tử là người khởi xướng, phải giáo dục dân và dùng luật lệ để bắt họ tuân theo, đồng thời cũng để trừng trị sự phạm tội.
Người học trò nổi tiếng với quan điểm ”nhân chi sơ tính bổn ác” của Tuân Tử là một vị công tử nước Hàn. Sanh sau Mạnh Tử hai trăm năm, Hàn Phi Tử được coi như đứng đầu của nhóm Pháp Gia vì chủ trương cứng rắn của ông. Theo Sử Ký, tuy Hàn Phi mang tật nói lắp, nhưng văn tài ông rất giỏi. Người đời sau coi ông như đại biểu cho nhóm Pháp Gia, dùng hình pháp để trị người và trị quốc. Chả hạn như ý sau của Hàn Phi:
”Kẻ lãnh đạo quốc gia, không đợi tất cả mọi người làm điều thiện để làm vừa lòng mình, nhưng làm cách nào để mọi người không được làm điều phi pháp... Đợi có gỗ thẳng mới làm tên bắn thì trăm đời chẳng có tên. Đợi có gỗ tròn mới làm bánh xe thì nghìn đời chưa có bánh xe. Cái tên tự thẳng, cái gỗ tự tròn, trăm đời chưa có một. Vậy mà trên đời vẫn có kẻ cưỡi xe, bắn chim là tại sao? Là vì cái khoa uốn tròn, cái phép uốn thẳng được áp dụng vậy...”
Tần Thủy Hoàng đã lợi dụng lý thuyết pháp trị mà người nước Hàn không biết áp dụng của Hàn Phi Tử để biến nước Tần thành bá chủ nước Tàu. Trong cuộc đốt sách, chôn học trò chính Tần Thủy Hoàng ra lệnh giữ lại sách của nhóm Pháp Gia.
Đấy là chuyện xa xưa, còn thời nay, vào ngày 20 tháng 10 năm 97, các nhà lãnh đạo tinh thần Công giáo ở Texas bị chấn động vì số can phạm mắc tội tử hình bị thọ án quá đông trong năm, đã khuyên chính quyền tiểu bang xứ cao bồi nên cấp thời ngưng áp dụng án phạt này. 21 giám mục của toàn xứ Texas trong một văn thư cho biết, chính quyền Texas ”đã tiếm đoạt quyền thống trị của Thượng đế khi cất đi sự sống của con người và việc này làm tăng thêm sự bạo động”. Từ đầu năm nay, ở Texas đã có 31 can phạm bị xử tử. Đến cuối năm 97, còn khoảng trên 5 người nữa. Theo các giám mục, áp dụng tử hình không làm giảm đi các tội ác, trái lại nó còn làm tăng thêm nạn kỳ thị và khiến tốn phí hàng triệu Mỹ kim. Trong văn thư của các Giám mục có đề cập ngân khoản dùng cho các tội phạm: “Trung bình của vụ gia trọng, tốn phí cho việc truy tố và xử tử là 2 triệu 300.000 Mỹ kim, so sánh với 400.000 Mỹ kim cho án chung thân”.
Không ai chê trách sự thánh thiện của các bậc tu hành trong việc cải sửa con người, cốt mong hạnh phúc đến mọi người mọi chốn. Theo Phúc âm, chúng ta được khuyên nên cầu phúc cho kẻ ám hại mình. Cùng trong mục đích, Phật giáo cũng khuyến dụ các kẻ tội phạm ”hãy buông dao đồ tể, sẽ thành Phật”. Nhưng không hiểu sao, tại Texas, các nhà làm luật lại có vẻ ”say máu” quá khiến các bậc tu hành phải động tâm. Biết đâu sau khi bị ”tát má trái” họ đã thử ”dơ má phải” cho các tên côn đồ khốn nạn mà vẫn bị đánh, họ đành phải áp dụng luật ”lấy răng đền răng, mắt đền mắt”?
Cũng đi ngược lại với ý của các Giám mục bên Texas, tại Massachusett, bà con đã rủ nhau biểu tình đòi lập lại án tử hình, khi tội ác gia tăng một cách đáng ngại tại tiểu bang. Chính vì cái phức tạp và rối rắm của cuộc đời mà người ngoại cuộc như các nhà tu hành chẳng hạn không thể hiểu, chúng ta chờ xem các ngài cầm cán cân công lý ở Texas giải thích ra sao với các Giám mục tiểu bang.
Nhiều người bạn của chúng tôi đã từng thắc mắc về sự tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền của người Mỹ đối với các can phạm mà chứng cớ phạm tội rõ ràng. Thủ tục truy tố, xử án rất phiền toái về thời gian lẫn tiền bạc. Các ông bạn ”quá khích” của chúng tôi nói, cứ nghiêm khắc kiểu pháp trị như các lãnh tụ độc tài có phải giản dị và đỡ tốn kém hơn không:
Mày có tội, ông cho một ”viên đạn đồng... chữ nổi”, đáng giá mấy chục xu là xong! Làm gì tốn đến mấy triệu đồng khiến các giám mục phải ”khóc thét” lên như trong thư vừa đề cập.
Kinh nghiệm xương máu cuộc chiến tại VN trước 75 khiến những kẻ ”thua cuộc” như chúng ta, đôi khi không thuận ý lắm và chẳng muốn tuân thủ với những khuyên nhủ của các bậc tu hành về chuyện đời phức tạp. Các Cha, các Thầy cứ biểu tình đòi hỏi hòa bình, trong lúc Cộng Sản hở ra là sơi tái các con của quí ngài ngay, bất kể là hậu phương hay lúc hưu chiến. Sau 1975, nhận thấy thời gian cho các ”lính ngụy” đi ”học tập cải tạo” có vẻ mút mùa lệ thủy, chả thấy án lệnh công bố chính thức, cái kiểu: ”người đi, đi mãi ... chẳng về ; chỉ có những phụ nữ, một số người già và các em bé chân yếu tay mềm rủ nhau tụ tập biểu tình đòi Việt cộng trả lại chồng con. Vì vụ này, đã có những phụ nữ trong cuộc biểu tình bị VC biệt giam và đối xử tàn tệ. Một số vợ ”Lính ngụy” cảm thấy tủi thân khi thấy mất biệt những vị khoác áo chùng thâm, áo dà, áo vàng đáng kính ngày nào; không thấy bóng dáng một nhà tu hành nào đứng về phía họ trong thời gian đó để dõng dạc lên tiếng nói can thiệp với các kẻ ác đang ngự trị...
Trên thế giới, các hội bảo vệ nhân quyền lâu lâu lại la toáng lên là nước này vi phạm, nước nọ chà đạp người dân. Trung Cộng đã nhiều lần lên tiếng bào chữa chuyện họ xử tử các phạm nhân là chuyện nội bộ và giải thích quan niệm nhân quyền tùy theo phong tục mỗi dân tộc. Dù bị kết tội rành rành, nhưng vì chuyện làm ăn, chính quyền Mỹ vẫn phải ký tối huệ quốc cho anh khổng lồ hơn một tỷ dân này.
Tại Việt Nam mới đây ở Hố Nai, vụ làng Trà Cổ, khi cuộc nổi dậy bị Cộng sản đàn áp, báo chí có nhắc đến lời nói của giáo dân hướng về người chủ chăn mà CS nhờ đứng ra dàn xếp, hàm chứa đầy đau xót và cay đắng của ”những kẻ đang vác thánh giá” trực diện chống lại quỉ Sa-tăng: ”Xin Cha hãy chăm sóc phần hồn cho chúng con, còn đây là việc đời, xin Cha hãy để cho chúng con tự lo!”
Tiếc rằng thông điệp này không được gửi đến các Giám Mục bên Texas, vì nếu nghe được để thấm thía ý nghĩa của nó, chắc các vị sẽ có một nhận định khác. Còn với một số chúng ta, thủ phạm của các tội ác ghê tởm nếu có được tặng ”viên đạn đồng... chữ nổi”, những kẻ phán quyết ”sát nhất nhân, cứu muôn nhân”, giết một người để cứu ngàn người, không vì vậy mà nhận tờ giấy phạt cấm vào cửa Thiên đường hay Niết Bàn.
Thiết Trượng
(Tuần Báo TÌNH THƯƠNG - 26 Dec 1997)
No comments:
Post a Comment