February 3, 2007

(24a) Hồn ma nhà khảo cổ tại Bảo tàng viện



Hồn ma nhà khảo cổ Chester Stock tại Bảo tàng viện của LA County.
Có những người khi chết rồi, hồn ma họ còn vương vất cõi đời vì chưa hoàn thành một ý nguyện hay công việc nào đó. Hồn ma vẫn làm những hành động lúc sinh thời hằng ngày họ theo đuổi. Muốn giúp những linh hồn này được siêu thoát, người trong cuộc phải hiểu rõ nguyên do khiến kẻ khuất mặt còn lưu luyến nơi trần thế.

Như trong chuyện sau đây về cuộc tranh đấu nội tâm giữa lòng hiếu thảo và tình mẫu tử vì chen lẫn trong nó một mối cảm tình của đôi trai gái. 

Sau khi khám phá chàng trai hàng xóm, cạnh ngôi nhà mà Huyền Linh đang chăm sóc cho ông già bệnh hoạn là một hồn ma, Huyền Linh quyết tâm giúp người con trai dễ mến được siêu thoát khỏi sự kềm kẹp khắc nghiệt của bà mẹ, một hồn ma khác đang sống cùng ngôi nhà. Chàng trai trẻ chơi vĩ cầm mà Huyền Linh chuyện trò đã ân hận chuyện bỏ đi chốc lát rồi gặp tai nạn bị tử vong, không ai cho bà mẹ uống thuốc khiến bà cụ cũng qua đời. Người mẹ bịnh tật khi tỉnh táo mới được dìu lên xe lăn, cứ yên trí con đi chốc lát sẽ về, bà chờ và chờ... mãi cho đến khi cơn bệnh trở chứng không thể lết ra nơi chai thuốc được dùng cho lúc khẩn cấp. Lọ thuốc chỉ cách xa bà vài bước. Hồn ma chàng trai ân hận, cứ bị nỗi ám ảnh chỉ vì sự bỏ đi của mình mà mẹ qua đời, nên dù biết mình đã chết, nhưng vì linh hồn bà mẹ vẫn quanh quẩn trong ngôi nhà, chàng không dám bỏ đi. 

February 2, 2007

(35) NGƯỜI YÊU CỦA LÁ (Thơ Trào Phúng)



(Thân tặng chú Thòong)

Tối ngày mơ tưởng lá đa
Đến khi đa có lại la trách đời
Ngày Ba, đêm Bảy tơi người
Đến nay xanh mét, mèng ơi... bác Khường !
Bác than bác sợ.. cái giường !
Lỡ leo lên nó, hết đường ngủ yên.
Trong sở làm việc như điên,
Khuya về lại phải ô-vơ-thêm (overtime) mấy phùa !
Sức voi có lẽ còn thua,
Lao tù cải tạo cũng chưa cực bằng.
Ai ơi có thấu cho chăng ?
Ban đầu tưởng bở còn hăng ra gì.
Nay thì điện... yếu, bình.. xì.
Xạc hoài cũng thế, cứ... ỳ ra thôi !

January 30, 2007

(28) “Viên đạn đồng... chữ nổi”


Thiết Trượng
(Tựa đề mượn tên một truyện đã có từ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam).
Mạnh Tử, một học trò của Khổng Tử, nghĩ rằng người ta sinh ra có tính thiện, nhưng đúng ra ông nói nhiều về tâm thiện của con người hơn. Đối với Mạnh Tử, tâm thiện hay tính thiện đều là một thể do trời sanh. Nhưng khi Tuân Tử, ở cuối thời Chiến Quốc, đã chứng kiến bao cảnh ”người đối với người” tàn ác như lang sói, ông bèn chống lại thuyết ”tính thiện” của Mạnh Tử và xướng lên thuyết ”tính ác luận”. Đối với Tuân Tử, con người luôn có dục vọng, tham dục, vật dục. Muốn cho lòng dục khỏi loạn, người ta phải tiết chế, hàm dưỡng nó; nhưng không có nghĩa là hủy diệt nó. Theo phái Pháp Gia mà Tuân Tử là người khởi xướng, phải giáo dục dân và dùng luật lệ để bắt họ tuân theo, đồng thời cũng để trừng trị sự phạm tội. 
Người học trò nổi tiếng với quan điểm ”nhân chi sơ tính bổn ác” của Tuân Tử là một vị công tử nước Hàn. Sanh sau Mạnh Tử hai trăm năm, Hàn Phi Tử được coi như đứng đầu của nhóm Pháp Gia vì chủ trương cứng rắn của ông. Theo Sử Ký, tuy Hàn Phi mang tật nói lắp, nhưng văn tài ông rất giỏi. Người đời sau coi ông như đại biểu cho nhóm Pháp Gia, dùng hình pháp để trị người và trị quốc. Chả hạn như ý sau của Hàn Phi: 
”Kẻ lãnh đạo quốc gia, không đợi tất cả mọi người làm điều thiện để làm vừa lòng mình, nhưng làm cách nào để mọi người không được làm điều phi pháp... Đợi có gỗ thẳng mới làm tên bắn thì trăm đời chẳng có tên. Đợi có gỗ tròn mới làm bánh xe thì nghìn đời chưa có bánh xe. Cái tên tự thẳng, cái gỗ tự tròn, trăm đời chưa có một. Vậy mà trên đời vẫn có kẻ cưỡi xe, bắn chim là tại sao? Là vì cái khoa uốn tròn, cái phép uốn thẳng được áp dụng vậy...”

Tần Thủy Hoàng đã lợi dụng lý thuyết pháp trị mà người nước Hàn không biết áp dụng của Hàn Phi Tử để biến nước Tần thành bá chủ nước Tàu. Trong cuộc đốt sách, chôn học trò chính Tần Thủy Hoàng ra lệnh giữ lại sách của nhóm Pháp Gia. 

(27) Lê Lai cứu Chúa

Thiết Trượng (1997)

Trong cuộc chiến chống quân Minh, vua Lê Lợi thoát hiểm trong một trận vây khổn coi như tuyệt lộ tại Chí Linh lần thứ hai, nhờ mưu kế để cho bầy tôi Lê Lai hy sinh đóng thế vai mình (giống như Kỷ Tín ngày xưa chịu chết thay cho vua Hán Cao) khiến giặc Tàu lầm tưởng bắt được và giết xong kẻ đối đầu nguy hiểm đất Lam Sơn. Đọc sử Việt, không ai không ngưỡng mộ lòng trung quân ái quốc của vị tướng Lê Lai. Lúc giành lại đất nước khỏi tay nhà Minh, cảm kích trước sự hy sinh vô bờ bến của người cộng tác, nhà vua đã phán, khi ông mất đi triều thần phải cúng giỗ Lê Lai trước ông một ngày. Do đó, sau này không ai quên được câu: ”21 Lê Lai, 22 Lê Lợi” là vậy.

Khi phong trào các sĩ quan ”cải tạo” theo chương trình H.O. đi Mỹ, một số trong tình cảnh ”thảm nạn” CS phải đổi đời, lập lại gia đình với người trẻ hơn sau khi tù về. Trong số này, có người con cái dưới vị thành niên còn bồng còn ẵm. Hồi mới đầu của thập niên 90, trợ cấp xã hội Mỹ chưa đến giai đoạn khủng hoảng như sau này, nên đã có những lời đùa bỡn và chúng ta mừng cho bạn nếu anh ta có ”Lê Lai cứu chúa”. Anh bạn còn con nhóc tì, đương nhiên đỡ lo cho đến 18 tuổi và bố mẹ của nhóc tì cứ việc ”phè cánh nhạn”. Khổ một cái, cũng vì tin vào việc cứ ”rặn ra” thêm một nhóc tì là có ”Lê Lai cứu chúa”, một số bạn mình ráng nặn thêm một Baby. Đùng một cái, Thiên Đàng Mỹ không còn như xưa, một Thiên Đàng Không Có Thật, ra luật mới gắt gao về trợ cấp xã hội, các ”Lê Lợi” tị nạn thời đại mới phải đi cầy thấy mẹ như các người bình thường khác... 

(26) Vô luân trong chính trị


ĐẢ LÔI ĐÀI 
Thiết Trượng (1997) 

Khi cặp Bill Clinton - Al Gore thắng cuộc đua năm 1992, rồi thêm lần nữa 1996 vào Tòa Bạch Ốc, với lứa tuổi ”tứ thập nhi bất hoặc” của họ, người ta trông đợi cặp trẻ này sẽ có những cải cách xã hội tốt theo trào lưu tiến hóa của con người, nhất là về giáo dục. Vì họ là biểu tượng cho giới trẻ sinh ra đông đúc sau thế chiến thứ 2 - Mỹ gọi là ”baby booomers”, nhưng đến khi lên nắm quyền họ đã làm thất vọng nhiều người, kể các những người cùng trang lứa hay chỉ lớn hơn vài niên kỷ. Một trong những điểm tệ hại là đạo đức không còn những giá trị tuyệt đối như xưa, khi vấn đề ”đồng tính luyến ái” được các ông Tông Tông lẫn Phó Tông Tông chấp nhận và coi đó là một lẽ tự nhiên của con người.

Tuần báo Newsweek, ấn bản ngày 27 tháng 10 năm 97, trong BETWEEN THE LINES, đã có một tựa đề "Gore's Gay Gambit" (Trò chơi khởi đầu của Gore: Đồng tính luyến ái), khi đề cập đến chương trình Ellen của cô đào DeGeneres, trong đó cô này ôm ”người tình” với nụ hôn cuồng nhiệt như cặp trai gái đang yêu nhau. DeGeneres đã tuyên bố công khai cô là dân đồng tính và người tình tên là Anne Heche. Lời phát biểu của Phó Tông tông nghe sao lạc lõng, rẻ tiền lúc đề cập đến chương trình phát hình đó, ”khi vai trò Ellen xuất hiện, hàng triệu người Mỹ bắt buộc phải có cái nhìn về khuynh hướng tình dục dưới một nhãn quan rộng mở sáng tỏ hơn”. 

(25) Ôi ! Ta buồn ta đi... lang thang!

ĐẢ LÔI ĐÀI
Thiết Trượng (1997)
Tuần báo Newsweek ấn bản 24 Nov 97, trong mục Diplomacy với tựa đề Destination Unknown (tạm dịch: Đến nơi vô định), nói về những cuộc thăm viếng của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton ở nhiều nơi trên thế giới. Từ Bắc Ái Nhĩ Lan, bay sang Trung Á, rồi mới nhất là các quốc gia của đế quốc CS Liên Sô cũ. Với các cuộc hành trình trước, bà ta đã ghé thăm Phi châu, Ấn Độ và Nam Mỹ. Trong lịch sử Hoa Kỳ, Hillary là vị đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ công du nhiều nơi nhất trên thế giới.

Với cái tựa đề nhiều ẩn ý trên, người ta suy đoán có thể có nhiều nguyên do khiến người đàn bà đạt đến tuyệt dỉnh danh vọng này phải đi tìm nguồn khuây khỏa ở những nơi xa xăm vạn dậm, bên cạnh mục đích tuyên truyền vận động các nguyên tắc về việc thực thi dân chủ, quyền làm người và một thị trường tự do của chính quyền Clinton đang theo đuổi. Vì ở quốc nội, vợ chồng bà đã bị tai tiếng trong rất nhiều vụ. 

(24) Dị ứng của những kẻ Cộng Sản

Thiết Trượng - ĐẢ LÔI ĐÀI
Ngày thứ tư 12-11-97, chuyến bay vận tải C-141 của Mỹ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất với phẩm vật cứu trợ khẩn cấp, là đợt đầu trong việc tặng phẩm nhân đạo trị giá 636 ngàn Mỹ kim của Mỹ (khác với con số loan báo ban đầu hơn 400 ngàn) cho các nạn nhân của thiên tai bão Linda gây nên trong vùng duyên hải cận Nam Việt Nam. Công tâm mà nói, dù bất đồng một số vấn đề với người Mỹ về chính sách, phong tục hay văn hóa, những người “không thích” Hoa Kỳ vẫn phải ngưỡng mộ và cảm phục việc cứu trợ nhân đạo cấp tốc của dân tộc này từ trước đến giờ ở mọi nơi trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay chính trị. 

(23) Paula Jones: Người đẹp dai hơn đỉa.


ĐẢ LÔI ĐÀI 
THIẾT TRƯỢNG (1997)

Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton có lẽ là vị Tông tông được giới truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình và ngay cả Internet) khai thác nhiều nhất, kể cả các báo lá cải. Nào là... trốn lính thời trưng binh cuộc chiến ở VN rồi còn tham gia biểu tình hô hào phản chiến, nào là... hút cần sa với lời nói bất hủ: ”Tôi có hút thử nhưng không có... hít”, nào là... các cố vấn của ngài không tự tử như ông Vincent Foster thì cũng bị huyền chức vì chơi gái như ngài Dick Morris, nào là... vị bộ trưởng Thương mại Ron Brown từng giúp ông thắng cử nhiệm kỳ đầu tiên ”ngủm củ đẻo” vì tai nạn máy bay, nào là... vợ chồng Tông Tông rất ư mờ ám trong vụ gian lận thuế má đầu tư Whitewater, chưa kể vài cái chết đáng nghi khác của một vài ”khỉ đột” (cận vệ) của cựu Thống đốc Arkansas này... Cái nhức đầu cho cả đảng Dân Chủ hiện nay là vụ quyên tiền vi luật trong lúc tranh cử khiến cả ”gà nòi” đang lên là Phó tông tông Al Gore cũng bị vạ lây. Các chưởng lực mà các bên tranh chấp đang tung ra cho vụ quyên tiền vi luật không thuộc phạm vi bài của kỳ này. Chúng tôi đang muốn bàn đến một Thị Hĩm làm cả Bạch Cung nhức đầu sổ mũi mấy năm nay mà vẫn chưa có thuốc chữa. Đó là vụ cô gái tỉnh lẻ Paula Corbin Jones kiện Tông tông, thời ổng còn làm Thống đốc ở Arkansas.

(22) Mại Dzô! Mại Dzô ! Cựu Cố Vấn cho Tổng Thống Mỹ cần Job.

THIẾT TRƯỢNG (10-1997)

Chắc độc giả còn nhớ chuyện các cố vấn của đương kim TT Clinton, một ông khơi khơi ra công viên gần Tòa Bạch Cung, móc súng rồi há miệng chĩa vào cổ họng bắn cái đoàng. Báo chí đã thuật lại vụ ông cố vấn tối cao Vincent Foster tự tử như vừa nói. Nhiều người không tin câu chuyện giản dị như vậy, và Tòa Bạch Ốc lập phái đoàn điều tra đã vừa đóng hồ sơ vụ này tháng vừa qua, với kết luận không có gì khác trước: ông Foster tự tử. (*) 

Còn ông thứ hai phải khăn gói quả mướp về một chân trời vô định, vì vợ đá đít luôn, sau cuộc đổ bể với một gái gọi hạng sang. 

(21) Xa lộ xuyên Việt: nghĩa vụ quốc tế

Xa lộ xuyên Việt: Nghĩa vụ quân sự cho thanh niên VN hay nghĩa vụ quốc tế?
Gà Ác
(30-4-1997)

Bắc bộ phủ CSVN đã mạt sát đài VOA "vu khống" cho nhà cầm quyền CSVN bóc lột sức lao động của dân VN khi dự định bắt mỗi người dân - nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 40 tuổi - phải góp 10 ngày công mỗi năm trong kế hoạch "xây dựng đất nước": làm đường, đào kinh ...

Sự thực thế nào? "Pháp lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự" cho thanh niên ở VN được áp dụng ra sao?

Với một cơ chế hành chánh kiểu luật rừng, các "đầy tớ nhân dân" của CSVN tự tung tự tác đã làm nhiều cơ quan và các nhà doanh nghiệp ngoại quốc phải lắc đầu chịu thua, bỏ của chạy lấy người. Thủ tướng CSVN Võ văn Kiệt đã trả lời cho báo Công An Thành phố HCM trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 1996, tiết lộ phần nào sự thất bại của CSVN trong việc khuyến dụ đầu tư ngoại quốc nên quay ra ý định bóc lột lao động cũng như moi tiền của dân:

 
(Hình: Nông trường tại Căm Bốt)  
 "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa vào sức mình là chủ yếu. Chúng ta cần có cơ chế để phát huy được tiềm năng về sức lao động, trí tuệ và tiền của trong nhân dân để xây dựng đất nước. Nếu chỉ trông chờ vào đầu tư, viện trợ nước ngoài một cách thụ động thì chúng ta không tự chủ được, công nghiệp hóa không mang lại kết quả cho nhân dân ta như mong muốn. Vì vậy, một mặt chúng ta phải có cơ chế để mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa, mặt khác phải huy động sức lao động của nhân dân để xây dựng hạ tầng cơ sở, trước hết là giao thông, thủy lợi ở từng địa phương đồng thời để làm các công trình lớn ở tầm quốc gia. Nông dân có tới 40% thời gian lao động nhàn, hàng triệu người, trong đó có nhiều thanh niên chưa có việc làm... Phải chủ động huy động nhân dân làm sớm các công trình này, không nên cứ ỷ lại, chờ đợi vào ngân sách, viện trợ hay đầu tư nước ngoài. Chính phủ đang chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Pháp lệnh về lao động công ích và lao động nghĩa vụ để thực hiện chủ trương này."