February 24, 2007

(50) Chở củi về rừng

Thiết Trượng (11-1999)

Như thông tin cho biết, cuộc họp quốc tế của các bộ trưởng thương mại sẽ được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 này tại Seattle, tiểu bang Washington của Hoa Kỳ. Con sư tử Trung Cộng đang được chim ưng Clinton "o bế" để dẫn dụ các quốc gia khác đồng ý cho gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế (WTO), đương nhiên sau một cuộc đổi chác "đôi bên lưỡng lợi". Nhưng mới đây các vụ bắt bớ, đánh đập giam cầm các đệ tử Pháp Luân Công không biết có gây cản trở cho "công lao" của chính quyền Clinton với con bài của mình không.

Theo David E. Stanger của The New York Times ngày 2-11-99, sau một loạt trao đổi bí mật với Bắc Kinh hai tuần qua, Bạch Ốc đang gấp rút kết thúc sự thỏa thuận vào cuối tháng này trong hy vọng dọn đường cho Trung cộng vào tổ chức WTO dù Quốc Hội chưa thông qua thỏa ước cho tới sang năm. Đốm lửa rọi sáng bắt đầu sau một cuộc điện đàm rất khuya vào ngày 16 tháng 10 khi Clinton gọi cho Giang trạch Dân (Hình: Giang và Hồ Cẩm Đào), từ đó cho thấy đã có một cuộc "đính hôn" giữa Bắc Kinh và Hoa thịnh Đốn về sự hỗ tương mạnh mẽ. Theo lời những viên chức kỳ cựu, dù muốn dù không "thỏa ước khổng lồ" năm ăn năm thua này, dưới con mắt của Clinton là một "cú đánh ngoạn mục" nhất cho sự bang giao bền vững Mỹ-Hoa trong năm chót của ông?
 
Tòa Bạch Ốc chưa công khai phổ biến chi tiết cuộc điện đàm cũng như chiến lược nào áp dụng khi thảo luận để đạt được thỏa thuận. Theo sự tiết lộ từ các viên chức của Trung cộng và Hoa kỳ, chính Clinton đã tình nguyện trước bằng cách gửi cho các lãnh tụ Trung cộng những chi tiết đề nghị nhằm khai thông sự bế tắc bao lâu nay giữa hai quốc gia. Tuy chưa phổ biến công khai, nhưng tiết lộ cho biết cuộc thảo luận đã đề cập về viễn thông, dịch vụ tài chánh, tơ sợi...

Chúng ta sẽ chờ xem kết quả vụ này vào cuối tháng 11.
 
Hiện tại, báo chí có đề cập đến ông Gray Davis (Hình: Davis và xì thẩu ZhuRongJi) vừa mới trở về Cali sau hai tuần đi "bán hàng". Mới lên ngôi chức Thống Đốc Cali chưa nóng đít, ông Davis đã lo đi chiêu hàng của Cali trong hai tuần tại năm quốc gia, trong đó gặp cả lãnh tụ Palestin là ông "đội khăn rằn" Yasser Arafat 
(Hình: Arafat Với Cựu TT Carter). 
Một số phê bình gia không tin vào miệng lưỡi Tô Tần của ông có thể có thể mang lợi nhuận cho Cali và làm nền kinh tế nơi đây phát triển mạnh hơn. Họ đàm tiếu về phái đoàn tháp tùng ông, phần lớn là những kẻ bỏ tiền cho ông hồi tranh cử Thống Đốc. Một ông thương gia đi theo có nói, ông Davis còn làm theo cái mửng này, chắc ông ta phải xác định lại công việc của Thống Đốc là công việc gì. Chính ra hiện tại ông ta phải lo sao cho chín văn phòng ngoại thương tiểu bang hoạt động hữu hiệu. Đầu năm, ông Davis đuổi rất nhiều giám đốc văn phòng, những người trước đây do vị tiền nhiệm đảng Cộng Hòa bổ nhiệm. Nhưng hiện nay, năm văn phòng vẫn còn trống chỗ người cầm đầu. Người ta nói các phòng sở này trên căn bản phải tách rời chính trị, ông Davis đã đi sai đường. Hiện nay hàng sản xuất của Cali lên đến 1,000 tỉ đô-la ($1-trillion). Việc chiêu hàng của ông Davis tương lai không biết ra sao. Có người nói tham vọng của ông này là để chuẩn bị tranh cử Tổng thống trong tương lai, nếu việc buôn bán của ông có kết quả tốt.

Nhân dịp chuyến du hành chào khách của ông Davis, có một bài viết của George Skelton trên The LA Times nhắc lại một cuộc chiêu hàng khác có tính cách "chở củi về rừng".

Hơn chục năm trước, ông George Deukmejian (Hình dưới)  đang nắm chức Thống Đốc Cali có làm một chuyến viễn du sang Nhật để chiêu hàng. Xin mở ngoặc ở đây về cái tên khó đọc cho chuẩn xác của ông. Lúc ông đắc cử, trên Tivi người ta đã phải "dậy" dân Cali cách đọc cho đúng. Chính vì nghe âm hưởng đó, nên khi một số bạn bè đi thi quốc tịch, người viết có "mách lẻo" mẹo vặt nhớ tên ông này, vì thường khi phỏng vấn hay bị hỏi tên của vị Thống đốc Tiểu bang. Tuy không thanh nhã, nhưng chả cách nào hơn, cứ nhớ "chửi thề dân": Đu-Mê Dân (ĐM Dân) là tên Thống đốc Cali đương nhiệm. Kết cuộc các bạn tôi dính câu hỏi về tên Thống đốc đều "Pass" câu này dễ dàng.
  
Trở lại vụ đi chiêu hàng của ông ĐM Dân mà có người chọc quê là đi bán dạo. Các phóng viên chuyên gia thương vụ và kể cả các phụ tá của ông Thống đốc đều cười diễu rất đểu cáng khi thấy ông mang món hàng để mời người Nhật. Một dân tộc ăn cơm hàng ngày, sản phẩm lúa gạo là canh tác chính bao đời không thiếu của của họ mà ông mang... gạo để bán. Ông Thống đốc ngây thơ không biết hạt giống mầu nhiệm thiêng liêng nuôi sống dân tộc họ, một phong tục tập quán phải do chính họ chăm bón, gặt hái và sản xuất chưa kể bản tính tự túc tự cường đã có một quá khứ đau thương về đói khát trong thời chiến. Tốt nhất đừng có quấy rầy họ.
 
Chính các viên chức Nhật và bộ Ngoại Giao đã khuyến cáo ĐM Dân đừng có đề cập vấn đề gạo, nó chỉ là một con số không khổng lồ, báo động cho ông biết như vậy. Ông Jim Robinson, một viên chức phòng Thương mại, hồi đó là cố vấn ngoại thương cho Thống Đốc, nhớ lại vị cố vấn Nhật ở San Francisco có khuyên nhủ ĐM Dân: "Ông Thống Đốc, tôi thỉnh cầu ông đừng có nêu lên vấn đề gạo. Vấn đề này rất nhậy cảm. Ông phải hiểu lịch sử Nhật. Chúng tôi phải bảo vệ mùa màng lúa gạo của chúng tôi..."

Một cố vấn Nhật khác nói với tác giả: "Thương thuyết bán gạo chả khác gì thương thuyết mua bán núi Phú Sĩ."

Lúc ở Đông Kinh, khi đến văn phòng Bộ trưởng Canh nông, ĐM Dân được vị này nhắc khéo: "Chúng tôi không có nhiều thì giờ, xin đừng phí thời gian nói về gạo."

Nhưng ĐM Dân rất hòa ái, vẫn tỉnh bơ, cương tu đề cập về gạo trong ngày ấy và liên tiếp cả tuần sau đó. Ông lập đi lập lại, người Nhật ăn gạo nội địa phải trả đắt gấp mười lần so với giá gạo Cali.

Tác giả bài viết khi về lại Cali, đã tường trình cuộc thuyết phục của ĐM Dân là cuộc đối thoại với người điếc và hoàn toàn thất bại.

Chỉ có một người đi sát với ĐM Dân trong cuộc chiêu hàng và khuyến khích Thống đốc Cali là Clare Berryhill, sau này nắm chức Giám đốc Nông nghiệp, nói rằng: "Đôi khi, để gây sự chú ý của người ta, bạn phải dùng củi tạ phạng vào đầu họ."

Ngoài gạo, ĐM Dân còn chiêu dụ Nhật bằng một danh sách dài trong đó từ chanh, cam đến "Computer Chips". Ngày nay, kể lại vụ này, ông ĐM Dân, đang hành nghề luật sư tại Los Angeles, cho biết: "Tôi rõ để đập mạnh sự chú ý vào mục đích chính của mình, cách hay nhất chỉ còn có gạo. Từ đó nó sẽ vén màn thị trường Nhật cho các sản phẩm khác của Cali đi vào... Có vài chỉ trích và chửi mắng, nhưng tôi cảm thấy đó là lối mạnh mẽ và hữu hiệu hơn cả để gây sự chú ý cho thị trường đóng kín của họ."

Khi ông ĐM Dân từ Nhật trở lại Cali, người ta thấy một sự kiện lạ là du khách Nhật có thể mua rất rẻ một hộp gạo xinh xắn và mang về xứ Anh Đào mà không bị một trở ngại. Tiểu bang Cali đã trợ giúp cho việc bán rẻ này để kích thích lòng thèm khát của người Nhật.

Cuối cùng thiên nhiên can thiệp. Gió mùa dồn dập đã phá hủy hầu như hoàn toàn lúa gạo của Nhật năm 1993, trong khi đó tại Cali nạn hạn hán kéo dài đã chấm dứt. Thung lũng Sacramento thu hoạch to về mùa lúa. Người Nhật đành phải mua khẩn cấp gạo của Mỹ.

Ít lâu sau, dưới áp lực của thương ước, Nhật đã phải mở cửa thị trường gạo cho ngoại nhập. Thủ tướng Nhật nói đây là một quyết định đau lòng, nát tim.

Hiện nay, mỗi năm Nhật nhập cảng 300,000 tấn gạo của Cali, trị giá 100 triệu Mỹ kim.

Việc chở củi vào rừng để bán của ông ĐM Dân có thể gặp may sau cả chục năm nhờ trời giúp, nhưng việc thương lượng ngầm của chính quyền Clinton với Trung cộng để giúp con sư tử đi vào WTO chưa biết tương lai có giúp cho Hoa Kỳ những lợi nhuận gì. Chúng ta cũng đang "mù tịt" không rõ ông Clinton đã "đi đêm" ra sao, vì mọi thứ còn trong bóng tối. Đành chờ xem sao.
 
Trở về cái đất nước điêu tàn đau khổ VN hiện nay, hồi trung tuần tháng 10 vừa rồi theo cuộc phỏng vấn của Reuter, ông đại sứ "giặc lái" Pete Peterson (Hình: Điều trần trước Quốc Hội trước khi là Đại sứ) có vẻ đang cay cú vì việc "nhổ ra rồi liếm" của nhà cầm quyền CSVN khi "lửng lơ như con cá vàng" chưa chịu phê chuẩn hiệp ước thương mại song phương giữa Mỹ và VC. Ngài đại sứ bèn "tung con mồi" là trước khi về vườn, Clinton có thể sang thăm VN vào năm 2000. Biết đâu tâm lý con người, sợ rằng trước khi nhắm mắt không thấy "dung nhan" cái xứ sở mà hồi con sinh viên sợ chết mẹ vì phải làm nghĩa vụ quân dịch tại chiến trường nơi đó, ông Clinton cũng có ý định đi thăm VN thật sự. Nhử "con mồi" Clinton thăm VN xong, ngài đại sứ bèn "hù dọa", nếu không ký vào tháng 11 này, sau cuộc họp quốc tế các ngoại trưởng tại Seattle, người Mỹ sẽ bận rộn về việc tranh cử Tổng thống, việc ký kết phải hoãn đến năm 2001...
 
Kể ra cũng tội nghiệp cho ngài "giặc lái" (Hình: Pete chở người tình Lê Vi đi ăn Phở ở HàNội) , người được tuyên dương ca tụng công lao "bắt nhịp cầu" giữa hai kẻ cựu thù, "deal" không xong vụ này chắc là mất "job"! Nhưng nếu có mất "job" thật ra cũng chả sao, ngài cũng "công thành danh toại" chán ra rồi. Có ông đại sứ nào lại được một nhà đạo diễn bám sát sinh hoạt những hai năm trời để quay thành phim đâu? (Hồi đầu tháng 9 đã chiếu và vào dịp Veterans Day sẽ phát lại trên đài PBS). Chưa kể, tuổi đã cúp bình thiếc như ông, vẫn cuỗm được một cô vợ VN còn... "gin" là nhất rồi! (Theo báo chí tường thuật, người vợ lần đầu lập gia đình, còn sự thật, "gin" hay không chắc chỉ có ông rõ). Có về "đuổi gà cho vợ" ở bên Úc như tình trạng gia cảnh khi về vườn của ông, thiếu gì người mong mà không được... (Hình: Thế là "củi đốt thành tro". Đám cưới của Peterson và Lê Vi tháng 5-1998)
 
Trường hợp nếu CSVN lưỡng lự chưa chịu ký, ông nên học bài "chở củi về rừng" của ông ĐM Dân để dụ dỗ họ. Biết đâu, trời chẳng giúp cho một tay và lại đúng như từ trước đến giờ, mỗi khi ông "hô hoán" cái gì là điều đó sẽ xảy ra ngay boong. Kỳ này, đểu quá nó lại trật vuột chưa như lòng ước vọng. Nhưng chắc chẳng sao đâu! Nếu có gì bất như ý, ông chỉ bắt chước như trong phim chưởng, than rằng: "Ý trời!".

Thiết Trượng
(Tuần báo Đất Nước số 15, ngày 3-11-1999)

No comments: