January 30, 2007

(16) Bụi Gai Tẩm Độc


Thiết Trượng (10-1988)
Nhớ hồi còn Trung Học, một trong những "sưu tập" của tôi là các câu danh ngôn, được cắt từ sách báo hoặc đã chép lại trên những mẩu giấy nhỏ cỡ bằng tờ danh thiếp. Những câu danh ngôn, mà người khác gọi là "Hoa thơm cỏ lạ" tôi có thể tìm được trong một nơi trang trọng đóng khung hay kỹ lưỡng hơn đập vào mắt người đọc bằng một kiểu chữ bay bướm. Những câu "Lời hay ý đẹp" cũng có khi khiêm nhường ẩn dấu trong một góc nhỏ hẹp của một tờ báo, cuốn sách. Có câu mà đến giờ tôi vẫn nhớ rõ ràng, nhưng thú thực ngay hiện tại tôi vẫn không rõ xuất xứ từ đâu, tác giả là ai.

Đầu thập niên 60, lớp Đệ Tam lúc Trung Học Đệ II Cấp, niên khóa mà ai cũng cho là một năm các cô cậu học trò có quyền lè phè, rộng cẳng ăn chơi, bõ cho những lúc thức khuya dậy sớm của kỳ thi Trung Học Đệ I Cấp. Nhưng cũng chính niên khóa đó, chúng tôi đã được một số giáo sư khuyến khích, khuyên bảo nên dành thì giờ tìm sách đọc thêm để mở mang kiến thức. Vị giáo sư Việt Văn, đã cho chúng tôi câu "Hãy ngắt bông hồng trong bụi gai", với lời khuyên giản dị:
"Trong một cuốn sách, một bài văn dù dở đến đâu, tệ lắm các em cũng có thể tìm được một điểm hay, một ý lạ. Bông hồng là nó đó! Cái dở, cái tầm thường, cái tệ hại của nó là những gai góc khiến người ta phải trầy da, chẩy máu. Điều tốt nhất để đỡ mất thì giờ, trước hết các em hãy đọc những sách được lựa chọn do thầy, cô hoặc cha, anh đề nghị để đỡ phải nhìn máu chẩy, xước tay..."

Chính câu danh ngôn trên, không rõ xuất xứ, không biết tác giả (một là hồi nhỏ vô tâm không hỏi lại tên tác giả, hai là do kiến thức nông cạn nên sau này chẳng rõ) đã khiến riêng cá nhân tôi bớt khắt khe, bớt chủ quan, bớt thiên kiến hẹp hòi khi nhận định về một cuốn sách, một bài văn; dù sách đó, bài ấy đã được khen, chê, tán thưởng hoặc tẩy chay. Tôi cũng không còn mặc cảm đọc một bài dịch, một cuốn sách được trước tác từ ngoại ngữ và không còn câu nệ "DỊCH LÀ PHẢN" nữa.

Tôi chỉ biết, ngoại ngữ nào, Anh hay Pháp mình học đều giới hạn, nếu không nói là quá kém, nay sách ngoại ngữ được người khác đôi chút tiếng tăm bõ công dịch thuật, phóng tác đã là một điều đáng tán thưởng và cổ võ rồi. Nếu cố chấp để chỉ đọc nguyên bản, chả bao giờ tôi được biết văn học Trung Hoa có cái gì hay, dở. Chả được biết cái nghĩa khí của Quan Công ra sao, cái đại gian hùng của Tào Tháo đến mức nào ... nếu không có những bản dịch qua Việt văn của bộ Tam Quốc Chí. Còn quá nhiều những sách dịch của Tầu để mà kể tên từng cuốn, từng chi tiết, và để cho cậu học trò nhỏ bé không đủ tiền thế chân đóng cho cuốn sách thuê mang về nhà, phải ráng ngồi đọc cho hết tại chỗ, nhiều khi đến tối mịt. Mắt tôi cận thị có lẽ một phần vì cố đọc truyện trong những buổi chiều tà, nhá nhem ấy. Phong Thần, Xuân Thu Diễn Nghĩa, Tây Du Ký... là những truyện tôi say mê ráng ngốn từ Tiểu Học, lúc chưa có một khái niệm đâu là gai, đâu là bông hồng của nó.

Sau khi nền Cộng Hòa đệ I bị lật đổ, chế độ kiểm duyệt báo chí và sách báo bớt khe khắt, tôi đã cố ý đi tìm một "bụi gai" hiểm hóc nhất của Trung Hoa theo điều liệt kê của các nhà văn học Tàu và VN đã có từ xưa. Tôi cố tìm vì tò mò, và cũng vì được kích thích để xem nội dung có gì mà người ta xếp hạng nó đứng đầu trong "Tứ đại dâm thư" của Trung Hoa. Nội dung qua lời mô tả chỉ kể lại chuyện Tây Môn Khánh với Kiều Liên (Phan Kim Liên). Câu chuyện được rút ra từ truyện Thủy Hử, chi tiết hóa đoạn vợ Võ Đại Lang ngoại tình với Tây Môn Khánh và "Võ Tòng đả hổ" giết chị dâu... Tôi cố tìm cuốn sách đó trong thời gian 63-64 nhưng không tìm ra bản dịch truyện Kim Bình Mai, cuốn sách đệ nhất dâm thư đó của Tàu. Mãi về sau, tôi thấy Kim Bình Mai trong các nhà sách nhưng chỉ đọc 2 cuốn trong trọn bộ 4, 5 cuốn gì đó và không đọc tiếp mấy cuốn sau vì tôi thấy chả có gì hấp dẫn so với Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Tiếu Ngạo Giang Hồ mà tôi đang say mê theo dõi trên nhật báo, trong tiểu thuyết. Có thể tôi chưa đọc hết bộ truyện Kim Bình Mai nên chưa thấy bông hồng của nó.

Tôi cũng rất sảng khoái và thích thú khi đọc những chuyện ngoại quốc được Hoàng Hải Thủy phóng tác qua cuốn Kiều Giang (Nguyên tác Jane Eyre), Ngọc Thứ Lang với Bố Già (Nguyên tác The God Father)... Tôi cũng đã lâng lâng tưởng tượng cái khung cảnh trong truyện và thán phục sự đa tình thật thơ mộng của một vị vua Mãn Thanh trong “Thanh Cung 13 Triều” đăng trong nhật báo Chính Luận thời trước 1975. Đại khái, tôi nhớ truyện kể một nàng ái phi có mái tóc thật đẹp. Nhà vua mê mùi hương tỏa ra từ mái tóc huyền óng ả, đã ra lệnh thả sen đầy hồ trong cung nội. Mỗi sáng sau khi gội đầu, người đẹp với làn tóc ướt đẫm ngự lên thuyền để nữ tì chèo quanh hồ sen ấy. Và nàng ái phi đã hong tóc trong hồ thơm nức hương sen cho đến khi tóc khô. Thật không có một mùi hương nào xức trên tóc lại phí công tốn của và quá đặc biệt bằng loại hương của hoa sen đã thấm đầy trên mái tóc nàng ái phi của vị vua đa tình ấy!
   

Tôi mù tịt Hoa ngữ, nhưng hồi còn ở VN, tôi rất phục dân Tầu ở Hồng Kông về lãnh vực phổ biến âm nhạc Tây phương cho dân chúng Trung Hoa. Bất cứ bản nhạc nào đang ăn khách (Top Hit) và thịnh hành ở Âu Mỹ là đã có ngay bản nhạc đó với lời Trung Hoa. Chỉ đi vào Chợ Lớn là ta có thể tìm thấy ngay các tập nhạc Top Hit của Âu Mỹ in bằng song ngữ (Nguyên bản và Hoa ngữ).

oOo

Với ý hướng mong mỏi được tìm hiểu thêm những diễn tiến, trào lưu mới trong sinh hoạt văn chương thế giới, cũng như có thể theo dõi các hoạt động văn hóa qua sách báo của người Việt ở mọi nơi, tôi rất tán thưởng đường lối ban Biên Tập Ức Trai đã đề ra, bằng việc chọn lựa một vài bài "không do anh em viết" để chúng ta suy nghĩ.

Việc lựa đăng, tôi chắc là Ban Biên Tập đã phác họa và hoạch định tiêu chuẩn cho nội dung bài được lựa chọn. Nhưng tôi đang có thắc mắc về một bài trong bộ mới ỨC TRAI ra mắt. Như đã trình bầy ở trên, luôn luôn với tâm niệm "NGẮT BÔNG HỒNG TRONG BỤI GAI", nhưng sau khi đọc xong bài đó, nội dung của nó đã làm tôi bị "tẩu hỏa nhập ma". Tôi tự hỏi, đầu óc mình có gì trục trặc rồi chăng? Tôi chỉ muốn đưa nhận xét cá nhân lên để anh em thấy rõ. Nếu có gì chủ quan, thiên kiến, nông cạn và hẹp hòi cũng xin chỉ dẫn.

Tôi muốn đề cập đến bài TƯ TƯỞNG MỚI CỦA TUỔI TRẺ của Duyên Anh. Tôi không phải là nhà phê bình hay một kẻ chuyên "bới lông tìm vết", "vạch lá tìm sâu" để làm điều tâng bốc hay mạt sát tác giả. Tôi chỉ muốn nói về nội dung những gì tôi thấy trong đoạn văn nhỏ được trích ra. Tôi chỉ thất vọng cho tác giả của HOA THIÊN LÝ, của VỀ YÊU HOA CÚC ... của một bút hiệu Thương Sinh, ngòi viết "hung thần" của các tướng tá tham nhũng, hối lộ thời đệ II Cộng Hòa thối nát.
 
(Hình: Nhà văn Duyên Anh)

Tôi đã tưởng khi tác giả tự kiểm "trước đây sống hời hợt" "chỉ thức tỉnh do lịch sử sang trang bất ngờ và khôn lớn" và tác giả đã biết "Miếng tồi tệ, miếng cơm tù đầy, chẳng hạn làm gầy mòn con người nhưng lại giúp con người khôn ra lớn lên, đầy đủ chiều cao, chiều rộng, chiều sâu: giúp con người trang trải, độ lượng và cao thượng." tôi sẽ được thấy một Thương Sinh mới "đại lượng", "hòa ái", "khoan dung"; không còn là một Duyên Anh chễm chệ lái xế hộp, ngồi ung dung tại Saigon hoa lệ, đẻ ra những "Chương Còm", "Bồn Lừa" trong bối cảnh đổ nát tang thương của một đất nước đang chiến tranh. Ngược lại tôi chỉ thấy một giọng văn tự cao tự đại, hằn học, cay cú, trịch thượng, chửi bới nhiều khi đến hỗn xược. Chả có gì là "trang trải, độ lượng và cao thượng" như tác giả đã tự phô trương... Chưa kể điều xưng tụng gán ghép để khoác lên giới trẻ một bộ da thú, biến họ thành "bầy sư tử lãng mạn cô đơn" chẳng khác nào xúi họ bước chân vào chỗ chết, đưa thân làm bia đỡ đạn cho bầy thợ săn quỉ quyệt, gian xảo với súng ống, giáo mác chỉ luôn luôn rình mò kẽ hở của đối phương để thanh toán. Thế hệ cha ông của các Chương Còm, Bồn Lừa không cô đơn khi dấn thân, chỉ có tội "lãng mạng" và khí khái kiểu "quân tử Tàu" mà nhiều người đã mất mạng với Cộng sản.

oOo

Tôi không làm việc ti tiện là đánh kẻ đã ngã ngựa để mưu cầu riêng mình một cái gì. Việc nhà văn Duyên Anh bị thương tật là một điều đáng buồn cho giới cầm bút, khi vũ lực dùng để đối chọi lại tư tưởng. Sự kiện không hay xảy đến cho nhà văn này làm tôi thắc mắc nhiều mà vẫn chưa tìm được câu trả lời. Phải chăng VẾT THÙ TRÊN LƯNG quá nhiều đã khiến NGỰA HOANG gục ngã? Phải chăng đó là hậu quả của một chuỗi dài hận thù mà những người cho mình là trong cuộc thấy cần phải "lấy răng đền răng, lấy mắt trả mắt". Hay là phải suy nghiệm cho câu "Gieo nhân nào gặt quả nấy."? Hoặc còn những gì uẩn khúc trong đó?

oOo

Trở về với Nội San ỨC TRAI, trong buổi ban sơ, nội dung của tập san chưa có gì để anh em phải nghiên cứu, học hỏi. Nội San cũng chưa chất chứa những tư tưởng trội vượt khiến anh em phải tốn công suy nghĩ, đào sâu vấn đề. Nhưng khi Nội San thành hình, tự nó đã có một giá trị riêng khiêm nhường trong anh em chúng ta. Tiếc thay cái giá trị nhỏ bé, khiêm nhường đó đã bị hủy hoại phần lớn qua bài TƯ TƯỞNG MỚI CỦA TUỔI TRẺ. Cá nhân riêng tôi dù cố gắng đến đâu để ráng có được một nhận xét khách quan và vô tư về bài đó, cũng chỉ đành thú nhận "bụi gai" trong TƯ TƯỞNG MỚI CỦA TUỔI TRẺ chỉ là "Một bụi gai tẩm đầy chất độc" và "bông hồng" mà tôi ráng tìm để ngắt, rút cục chỉ là một "bông hồng giả", có sắc mà chả có hương vì làm BẰNG NI-LÔNG.


Thiết Trượng (NT1)
Ức Trai số 2 - Nội san Cựu SVSQ ĐH/CTCT Đà Lạt 9-1988
_____________


GHI CHÚ: Những chữ in nghiêng đậm là nguyên văn của tác giả bài TƯ TƯỞNG MỚI CỦA TUỔI TRẺ.

No comments: