January 30, 2007

(11) RỤC XƯƠNG MỚI ĐƯỢC XIN LỖI


(Hình: Trại tập trung người Nhật ở Wyoming năm 1942)
Thiết Trượng (1-10-1987)

Kỳ đệ II Thế chiến trong phe Trục (Đức-Ý-Nhật), chỉ có anh da vàng nhỏ con lùn tịt Nhật bổn là bị xử ức nhiều cú đau nhất. Lỡ mó dế ngựa Hoa Kỳ trong vụ tấn công Trân châu Cảng, hai thằng đàn anh xúi dại chả sao, chỉ có Nhật bị dội bom nguyên tử xuống Nagazaki và Hiroshima khiến “xụm bà chè” phải đầu hàng ngay tức khắc. Nhà tan cửa nát, kẻ địch giải giới quân đội Nhật, chiếm đóng trên lãnh thổ Nhật. Lưỡi gươm của giòng võ sĩ đạo Phù tang tưởng đâu tung hoành ngang dọc vung chém nơi quê người cho vang danh con cháu Thái dương Thần nữ, ngờ đâu sau cùng được một số quân nhân thất trận dùng để mổ bụng banh ruột (Harakiri) cho người bản xứ coi chơi. Cái đau của vua quan và dân chúng Nhật là một vết hằn bật máu về cái nhục của kẻ thất trận. Ngậm đắng nuốt cay của người dân và hoàng tộc Nhật tại nội địa suốt một thời gian chưa đến 10 năm đã giúp họ hàn gắn lại những đau thương và đổ vỡ do cuộc chiến gây ra. Sự thành công và tiến bộ vượt bực của Nhật trong một thời gian kỷ lục đã đẩy họ lên một cường quốc giàu mạnh về kinh tế.
(Hình: Cảnh "đăng ký" vào trại tập trung) 

Trở lại trong thời chiến tranh giữa phe trục và đồng minh, các ông bà Nhật tha phương cầu thực trên đất Mỹ quả thực đã bị một đòn đau hơn hoạn: nhà cửa bị “quản chế”, người bị cưỡng bách vào trại tập trung. Dù các người Nhật này đang là công dân Mỹ hay có con em đang phục vụ trong quân đội vẫn được “Sorry!” và áp tải vào những nơi tập trung đầy da vàng mũi tẹt sau khi được âu yếm “Arigato!” (Cám ơn) và “Sayonara!” (Tạm biệt).

(Hình: Lùa lên tàu đến trại tập trung)
Không đau sao được, nhiều ông da vàng mũi tẹt con cháu Thái dương Thần nữ sau hai, ba đời tại Mỹ cứ tưởng mình là Mẽo chính cống nên chỉ dùng tiếng Anh thôi, “English only!”, cóc biết nói tiếng Nhật. Bị nhốt vào “cũi”, các ngài đó bắt đầu thấm đòn hằn, nhưng lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng: Quí vị là giống da vàng đang uýnh nhau với Mỹ, xin mời quí vị vào đây. Lý do phải bảo vệ tổ quốc Mỹ, vì biết đâu trong quí vị có người dở chứng tự nhiên “uống nước nhớ nguồn” phản lại Mỹ có phải mệt không. Đánh ngoại xâm còn lo nội ứng nữa phiền lắm.

 (Hình: Một trại tập trung trong sa mạc, có hàng rào và đồn gác))
Kẻ mạnh còn chơi trò “nhân nghĩa bà Tú Để” viện cớ để bảo vệ an ninh, sinh mạng cho những thường trú nhân và công dân Mỹ gốc Nhật, nên mới phải áp dụng biện pháp tập trung trên! Chính quyền lý luận rằng biết đâu dân Mỹ nổi sùng vì con cái thân nhân bị chết bởi quân đội Nhật nên lỡ thấy quí vị là dân Nhật có thể “phơ tầm bậy”. Quí vị chết đi là uổng, nước Mỹ mất đi những công dân tốt!

(Hình trái: 2 bé con lang thang)

(Hình phải: Vũng nước để tắm và bơi)
Tóm lại lý luận của chính quyền Mỹ nghe cũng thủng lổ nhĩ lắm.

Những quí vị bị nhốt chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Thế chiến thứ 2 chấm dứt, Nhật thua, các quí vị trong trại tập trung được thả ra mới khám phá một sự thực não lòng, thấy cay cú hơn khi bị nhốt: Các người phe Trục, công dân Mỹ gốc Đức hay Ý vẫn phây phây bên ngoài!
(Hình: Cuốc xẻng "lao động" như thường lệ)
Thế này là “thế lào”? Các ngài ôm mối hận và chờ có cơ hội xúi nhau kiện chính phủ Mỹ. Ở Hoa kỳ, chỉ có tiểu bang Hawaii, bà cụ tôi gọi là Heo Quay, là có thống đốc Nhật vì cố tổ người Nhật tha phương cầu thực khá đông đến đây làm mía, trồng thơm thuở ban đầu. Ước chừng 70% viên chức trong chính quyền Heo Quay là công dân Mỹ gốc Nhật. Dân số tiểu bang hơn 50% là Mỹ gốc Nhật, nhưng tỉ lệ nói được tiếng Nhật của họ cũng không khả quan lắm. Cách đây mười niên, năm 1977, để kỷ niệm trận Trân Châu Cảng, nhật báo Honolulu Advertiser đi hẳn một “section” về vụ tập trung người Nhật của chính phủ Mỹ thời đệ II thế chiến. Tờ báo cũng nhắc đến sự kỳ thị dành riêng cho người Mỹ gốc Nhật trong khi hai sắc dân Đức và Ý vẫn bình chân như vại. Họ đòi chính phủ Mỹ phải bồi thường và xin lỗi người Mỹ gốc Nhật. (Tòa soạn tờ báo ở Honolulu có nhiều người gốc Nhật nên hận vụ cha ông bị nhốt trước kia).

Tình thế hiện nay, với vai trò một cường quốc của Nhật, hồ sơ kiện cáo của các người Mỹ gốc Nhật (kéo dài đã hơn 40 năm) vừa được Hạ viện Mỹ chấp thuận, chính phủ Mỹ phải chính thức xin lỗi hành động kỳ thị và bồi thường cho những cá nhân bị giam giữ.

Nhiều quí vị bị nhốt trước kia, có người đã về chầu ông bà, ông vải, nhưng dù sao bài học của kẻ “ở trước” đáng để cho những người “đến sau” như chúng ta suy ngẫm.

Đến lúc thương, cục xương không còn là vì vậy!

NHẬN VƠ MÀU CỜ SẮC ÁO
Từ suy gẫm vụ dân Mỹ gốc Nhật gần nửa thế kỷ sau mới được đoái hoài, dân Việt tị nạn trong vụ tranh đấu với báo Times ghép người tị nạn với lá cờ CS chả hiểu có được trường kỳ không? Nhóm đồng tính luyến ái, Mỹ gọi là GAY, (đọc ra âm Việt, hay thật là hay, nhìn thấy họ phần đông chúng ta ghê thấy mẹ!), chỉ có một dúm mấy trăm xuống đường biểu tình, biểu tọt ở San Francisco hay New York là vài đấng Dân biểu hay Thượng nghị sĩ “kiếm phiếu” bợ đít ngay, huống hồ dân tị nạn Đông Dương gồm cả triệu người. Nói đâu xa, ở quận Cam, với mác đảng Cộng Hòa, anh chàng Dornan đã ẵm dễ dàng chức Dân Biểu nhờ một số phiếu của dân Việt tị nạn.

Kinh nghiệm xương máu của dân Việt về các nhà truyền thông Mỹ đã quá nhiều. Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, họ đã vo tròn, bóp méo sự thật và hướng dẫn dư luận theo chiều hướng thuận lợi đoản kỳ của mấy tư bản gộc, chóp bu. Đa số dân Mỹ cũng như dân dưới chế độ CS đều bị bịp bợm, nhưng vẫn nhiều khi vẫn còn tin các ông truyền thông! Lúc sự thật phơi bày lộ liễu mới bật ngửa người ra thời mọi sự đã an bài rồi. Dân Việt ngoài Bắc trước 1975, tin như sấm vào báo chí, phát thanh của nhà nước về cuộc sống “khốn nạn” của người anh em phía Nam. Đến lúc tiếp thu, mới hay cái cuộc sống “khốn nạn” đó là... của chính họ ngoài Bắc. Bây giờ, dân cả nước “khốn nạn” với nhau!

Bên Mỹ, ông nhà nước Reagan, có thể nhờ ban Tham mưu “hơi sáng suốt” sợ các ông bà truyền thông như người ta sợ bệnh Aids, nên khi tấn công đảo Granada để giải phóng kiều dân Mỹ và sinh viên Hoa kỳ đang học Y khoa ở đó đã phải giấu kín, bưng bít giờ giấc tấn công, nhờ vậy mới thành công. Xong xuôi báo chí, truyền thanh, truyền hình mới được phép tới làm tin.

Giới truyền thông Mỹ sau vụ này ức lắm nhưng không làm gì được vì chính phủ nại cớ “lý do bí mật quốc phòng”. Vụ Contra có thể là đòn thù của giới truyền thông tính hạ Reagan. Ai cũng tưởng già gân Reagan có thể theo bố Nixon trong vụ Watergate. Nhưng người hùng Thủy quân Lục chiến Olivier North đã làm giới truyền thông thêm một lần bẽ mặt.

Tự do ở Âu Mỹ đôi khi đáng phỉ nhổ vì đã làm lợi cho Cộng sản. Nhiều người Việt tị nạn đã phải than sau cuộc đào thoát CS: “Ôi Tự Do! Cái giá để trả cho mi sao mà đắt vậy!”

Thiết Trượng 
(Bán nguyệt san Thời Vận số 9, ngày 1-10-1987)
Đọc thêm (Feb 2020):
Sau mây chục năm bị nhốt tập trung nay mới nhận được lời xin lỗi

No comments: