Giọng hát soprano của thế kỷ 20 bị cố Phu nhân Tổng Thống Kennedy phỗng tay trên người tình tỷ phú.
Dạ Ngọc (1998)
Khi phát ngôn viên của phu nhân cố Tổng Thống Kennedy loan báo
ngày đám cưới của cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ này là Jackie với nhà tài phiệt
thương thuyền gốc Hy Lạp Aritotle Onasiss, ngoài những xôn xao của cả thế giới
về cô dâu góa phụ nổi danh 39 tuổi và chú rể giàu có 62 tuổi, người tình hàng
chục năm của Onassis là ca sĩ Maria Callas chỉ cay đắng nói: “Mụ ta (Jackie)
chỉ là một kẻ đào mỏ.”
Rồi sau ngày đám cưới của hai người, khi được phỏng vấn, nàng chua
chát nói thêm : "Jackie đã thành công... Nàng cưới được một ông… nội cho
hai con của nàng!"
Sinh tại Manhattan,
Maria là con của cặp di dân Hy Lạp Georges và Evangelia Kalogeropoulos. Người
cha đổi sang họ Callas khi mở tiệm thuốc tây. Maria có người chị tên Jackie
(trùng với cái tên oan nghiệt của bà vợ cố Tổng Thống Kennedy), nên khi mang
thai lần thứ hai bà mẹ hi vọng đứa bé sanh ra là một cu tí, vì lần mang thai
trước bà đã bỏ một bé trai. Có thể nói Maria là đứa con gái không trông đợi được
sinh ra. Mà ông bố và bà mẹ cũng chán nản với đứa con mang tên Maria này; một
con bé gái đã mập ù lại còn mang tật cận thị; chưa kể nhát như cáy và chả có gì
xuất sắc khiến người ta phải để ý...
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1930 khiến ông bố Maria mất cả sản
nghiệp trong đó có tiệm thuốc tây, lúc đó bà mẹ mới nghĩ đến hai đứa con gái có
tài năng ca hát và tìm cách khai thác ưu điểm khiến sao cho chúng nổi tiếng để
kiếm tiền cho gia đình. Với dự định đó, bà Evangelia mang hai con trở về cố
hương: Hy Lạp
Sống tại quê hương bố mẹ
vào đúng thời kỳ xảy ra cuộc đệ nhị thế chiến, hai cô gái mang tên họ Callas
này đã có dịp làm quen với các sĩ quan người Ý đang đồn trú tại đây. Hơn hẳn bà
chị, Maria có biệt tài bắt chước hát nhái lại các bài ca đã được trình diễn nơi
các đại hí viện Ý khiến các quân nhân xa nhà này rất lấy làm thích thú, và để
đổi lại công khó của cô bé thông minh, họ dạy Maria phát âm sao cho đúng giọng
tiếng Ý. Cũng trong thời điểm chiến tranh này, Maria được gia đình cho đi học
thêm về nhạc lý với một tài danh về Soprano là Evira de Hidalgo. Tài năng của
Maria phát triển thấy rõ nhưng thời cơ chưa tới nên danh nàng chưa nổi. Mãi tới
1947, tức sau chiến tranh thế giới được hai năm, cô bé Maria mới ngày nào đang
ngọng ngịu tiếng Ý phải nhờ các sĩ quan xứ này sửa giọng, bỗng tiếng tăm huy
hoàng nổi bật khi trình diễn La Gioconda tại Verona thuộc Ý Đại Lợi. Từ đó cho
đến cả hai chục năm sau, giọng soprano của Maria Callas là một giọng hát đã đi
vào lịch sử trình diễn âm nhạc thế giới. Lối trình diễn độc đáo như gởi trọn
tâm hồn vào lời ca ý nhạc đã khiến hình ảnh và tên tuổi của nàng vững vàng, rực
rỡ ngự trị trên vòm trời âm thanh.
Ngày 8 tháng 12 năm 1973 tại Hí Viện Paris được
coi như là lần trình diễn cuối cùng của Maria Callas trước khán giả. Sự ái mộ
quá nồng nhiệt của khán giả khiến nàng phải bước ra sân khấu cả chục lần để cảm
tạ. Tiếng la thét “Viva Maria” làm rung chuyển cả Hí Viện và những bó hoa mang
tặng như nước lũ ngập tràn trên sân khấu. Sự kiện này hiếm khi xảy ra lần thứ
hai là phần thưởng quí giá không bao giờ quên cho nghề nghiệp của người nghệ
sĩ.
Năm 1997, để kỷ niệm tài danh này, người ta đã
quảng cáo trên nhiều sách báo, tạp chí về các bài hát và dĩa nhạc của một giọng
ca soprano thế kỷ 20: Maria Callas. Ngay tạp chí Times, trong số đặc biệt tháng
6-1998, với ấn bản đặc biệt đề cập 100 nghệ sĩ lớn có ảnh hưởng đến nhân loại
thế kỷ 20, trong đó có đoạn nói đến giọng ca bất hủ của Maria Callas.
Hình ảnh của nàng chúng ta thấy hiện giờ, không
còn là dáng dấp của một cô gái phục phịch nặng 230 lbs, dù nàng cao 5'7, mà là
một phụ nữ mảnh mai, có vẻ yếu đuối. Nhưng khi nàng trổi giọng hát âm hưởng
soprano trong đại hí viện, người ta không ngờ tiếng ca tuyệt vời quyến rũ đó
xuất phát từ một người phụ nữ trông rất liễu yếu đào tơ.
CUÔC ĐỜI TÌNH ÁI (3
Dec 1923 - 16 Sept 1977)
Hiếm
có xảy ra đối với một phụ nữ nổi danh trong lúc bao kẻ săn đón chung quanh,
Maria Callas chỉ biết có hai mối tình, mà lần cuối là một cuộc tình cay đắng
xót xa cho đến ngày nàng nhắm mắt trước một kẻ thắng cuộc quá hào quang danh
tiếng, nhiều thủ đoạn và đầy tham vọng.
Ngược về quá khứ, khi
bước vào nghề ca sĩ ở Verona năm 1947, Maria Callas coi như đã gặp một ý trung
nhân, mà chỉ sau 5 phút chuyện trò nàng thấu hiểu tại sao người ta gọi đó là
"tiếng sét ái tình". Ông nhà giàu, chủ nhân hí viện kiêm kỹ nghệ gia
người Ý, Giovanni Battista Meanghini, tỏ ra thân thiết đặc biệt với nàng ca sĩ
thân xác nặng nề 230 lbs. Maria sau đó thổ lộ: "Anh ta chả chê bai sự mập
mạp, phục phịch của tôi. Sau ngày lấy nhau, nếu chàng muốn, tôi sẽ bỏ ngay nghề
ca hát không một chút luyến tiếc. Vì theo quan điểm riêng cá nhân tôi, đối với
phụ nữ, đời sống tình ái quan trọng hơn cả so với vẻ vang của nghề
nghiệp."
Thành hôn với nhau rồi,
người ta mới khâm phục người chồng lớn tuổi của Maria, chứng tỏ nàng ca sĩ này
đã "tinh mắt" chọn người (dù cận thị từ nhỏ). Ông chồng Giovanni khởi
sự bắt vợ theo một thực đơn dinh dưỡng đặc biệt và chọn các kiểu quần áo cho
nàng mặc. Người ta ngạc nhiên khi thấy nàng thân hình mau chóng trở thành thon
thả và duyên dáng, đẹp hẳn lên.
Đến khi trình diễn ở Scala (đại hí viện nổi danh
tại Milan ở Ý) năm 1950, một mục đích mà nàng nhắm đến cho kỳ được, kết quả đã
không sai một chút nào và là một chiến thắng huy hoàng cho nghề nghiệp ca hát
của Maria Callas. Thấy sự thành công này còn rực rỡ ở tương lai, ông chồng
quyết định không để Maria mang bầu, vì sợ thai nghén sẽ cản trở bước tiến huy
hoàng của nàng... Mọi việc suôi chảy, cuộc hôn nhân hai người trên đà êm thắm,
chỉ bắt đầu sóng gió khi hai người làm một chuyến hải trình vào mùa hè năm
1959.
Cùng
trên du thuyền nổi tiếng Christina với Maria và Giovanni, có chủ nhân Aristotle
Onassis và vợ tên Tina, thêm sự hiện diện của vợ chồng cựu Thủ tướng
"cigar" Winston Churchill. Suốt hai tuần rưỡi du ngoạn này, Onassis
và Maria có cơ hội gần nhau. Họ thường tìm cớ lấy thuyền nhỏ để đi riêng với
nhau trong vùng Địa trung Hải. Sau cuộc du ngoạn, đám mây đen xuất hiện đe dọa
hai gia đình Giavanni và Onassis. Hai bên đoạn tuyệt giao tình. Một tháng sau
chuyến đi chơi du thuyền, Maria và Giovanni ly thân. Anh chàng than thở:
"Tôi tạo nên Callas, và nàng trả ơn bằng cách đâm sau lưng tôi". Phản
ứng lại với dư luận, Maria tru tréo: "Quỉ vật anh ấy khi nói quá đáng với
tôi như vậy. Thực sự đây là một lỗi lầm lớn của tôi đã làm gãy đổ cuộc hôn nhân
này." Trong lúc đó Tina ly dị với Onassis, nhưng nguyên nhân nại tên trong
đơn ra tòa không phải là Maria Callas mà là Jeanne Rhinelander, một người mà
Onassis lăng nhăng trước đây.
(Hình: Callas
và Onassis trên du thuyền của nhà tỉ phú)
Đúng ra Maria đã biết
Onassis trước kia, vì nhà tài phiệt Hy Lạp là chú của bạn học nàng. Dù nàng cải
chính rằng ông là một người bạn rất tốt, nhưng những cuộc cãi lý lặt vặt của
hai người đã khiến người ta chú ý là hai kẻ có vẻ quan tâm đến nhau nhiều. Ngộ
nghĩnh một điều là ông ta khâm phục tài năng của nàng, nhưng mỗi lần được đi
nghe nàng trình diễn, những khi nàng đang hát mê say ở sân khấu người ta thường
thấy ông ngủ khò một cách ngon lành trên ghế. Năm 1966, khi Giovanni không còn
ràng buộc cuộc đời Maria Callas nữa, Onassis đã bàn chuyện cưới hỏi với nàng.
Dư luận đã biết cả chục năm nay Maria cùng theo với nhà tài phiệt đi mọi nơi
trên thế giới. Nhưng... đùng một cái, năm 1968, Onassis loan báo cưới góa phụ
Jacqueline Kennedy. Đúng là tin sét đánh không chỉ cho riêng nàng mà nhiều
người trên thế giới, nhất là những người Mỹ đã coi Jackie như một mệnh phụ đáng
để chiêm ngưỡng và kính phục. Còn Maria như chết cả cõi lòng và như nàng đã nói
ở trên, Jackie lấy Onassis chỉ là vì tiền. Còn Onassis đã sai hoàn toàn khi lấy
người đàn bà ấy, vì bà ta không phải là mẫu người hợp với ông.
Maria Callas đã nói
không oan tí nào cho chuyện Jackie lấy nhà tài phiệt chỉ vì vấn đề tài chánh.
Bàn ngoài lề một chút, Hy Lạp có luật bó buộc "nominos miras", đòi
hỏi người chồng phải để ít nhất 12.5 phần trăm tài sản cho vợ và 37.5 phần trăm
cho con cái. Ông già 62 tuổi Onassis có tài sản ước lượng thời đó trị giá 500
triệu đô la. Nghĩa là, nếu ông "ngủm củ tỉ" ngay sau khi lấy Jackie,
nàng Tổng thống góa phụ sẽ ẵm ngon ơ ít nhất 64 triệu.
(Hình: Jackie dắt 2 con ngày tang lễ chồng)
Chuyện lấy Onassis, Jackie đã có bàn với gia đình Kennedy. Mà gia đình Kennedy, những "con sâu nghiện hí viện" còn lạ gì nàng ca sĩ soprano nổi danh Maria Callas và những hình ảnh của nàng cặp kè với nhà tài phiệt Onassis đã tràn ngập trên báo chí các nước về các nơi ăn chơi nổi danh trên thế giới mà họ đã ghé qua. Chính vì "cáo già" Onassis muốn luật "nominos miras" bãi miễn trong trường hợp ông cưới Jackie, sứ giả gia đình Kennedy là ông em út còn sống hiện thời Teddy, vì tương lai của các cháu hơn là bà Jackie đã phải bay sang Hy Lạp "mặc cả" với Oanassis trên du thuyền Chritina: khi ông "về bên kia thế giới", Jackie và các con sẽ được gì? Cuốn sách "JackieOh!" tiết lộ sự thỏa thuận là Onassis để cho Jackie 3 triệu, hai đứa con của Jckie mỗi đứa một triệu.
(Hình: Robert, Jackie,
Edward ngày tang lễ của John Kennedy)
Thực tế sau khi Onassis chết, Jackie
đã được con gái Onassis là Christina "bố thí" cho 20 triệu với điều
kiện không còn kiện cáo lằng nhằng, và cắt đứt mọi liên hệ với gia đình
Onassis. Christina ác cảm với Jackie ra mặt, trong khi ca sĩ Maria lại được hai
người con của Onassia quý mến hơn.
(Hình: Onassis,
con trai, vợ Tina)
Theo Costa Gratos, người
quản lý tài sản của dòng họ Onassis và bạn thân của Aritotle Onassis lúc sinh
thời, Ông chỉ biết có hai người đàn bà quan tâm Onassis thực sự là Tina, vợ đầu
tiên và Maria Callas. Với Maria, Costa rất khâm phục. Theo ông, nàng là một phụ
nữ đầm ấm đầy tình người, biết ban bố hạnh phúc đến kẻ khác. Đối với ông, người
yêu thực sự và duy nhất của Onassis trên cõi đời chỉ có Maria Callas. Sau này
Onassis rất tiếc là đã lấy Jackie, và may thay Maria hiểu được chuyện đó cho
ông. Hai người đã nối lại tình xưa và nhiều lần ở New York họ đã dùng cơm tối
riêng tư với nhau tại nhà ông. Bây giờ Onassis hiểu người ông yêu là ai và tỏ
ra ân hận đã làm điều không phải với người mình yêu.
Đúng là chuyện chẳng
vui. Onassis rất đau khổ và thất vọng cho cuộc hôn nhân với Jackie. Chỉ sau khi
cưới Jackie rồi ông mới biết đã làm khổ Maria. Bây giờ quá trễ để rứt bỏ gánh
nặng và bàn chuyện cưới hỏi với Maria. Hai kẻ yêu thương lặng lẽ tìm đến nhau
và chấp nhận mối giao tình tránh công khai đó. Nhưng các phóng viên cũng có lúc
đã săn được một bức hình hai kẻ hôn nhau dưới cây dù một chiều mưa thật lãng
mạn. Đó là một trong muôn vàn kỷ niệm khiến Maria Callas chẳng thể nào quên
được.
Sau ngày Onassis chết,
nàng tự giam mình cô độc trong một chung cư ở Paris, bỏ cả nghiệp dĩ xướng ca,
không thèm nghe cả điện thoại. Giovanni, người chồng đầu tiên xót thương năn nỉ
xin nàng trở lại. Nàng khước từ lời mời gọi của kẻ đã tạo nên danh vọng và tên
tuổi cho mình. Có lẽ hồn nàng chỉ khuây khỏa khi nghĩ đã xum hợp được với người
yêu mà không còn sợ một ai chiếm đoạt, lúc nhắm mắt xuôi tay vào một ngày thu
buồn tháng 9 năm 1977, sau hơn hai năm gậm nhấm vết thương lòng kể từ khi nhà
tài phiệt thương thuyền giã từ cõi đời vào tháng 3 năm 1975.
Dù sao đi nữa nàng và
người tình khi mất đi đã may mắn biết chắc có một hình ảnh yêu thương không thể
nào phai nhạt trong tâm tưởng họ.
Dạ Ngọc (1998)
No comments:
Post a Comment