January 30, 2007

(9) Nha Trang nỗi nhớ khôn rời


Dạ Ngọc
Trong bài “Nha Trang Một Thời Quyến Luyến” của đặc san Nha Trang Khánh Hòa 2003, chỉ lỡ dại thòng vào một đoạn, hứa là nếu có dịp sẽ kể thêm về những bóng hồng thấp thoáng nơi vùng biển nhớ, mới đây tôi bị ông Hội Trưởng Văn Hùng Đốc chỉ mặt “viết ra, những ai đâu?”. Nhủ thầm, chết mẹ rồi, đời tư hay ho gì mà mình mang ra kể lể, cái này hơi kẹt đây. Rồi nghĩ lại, có khi “thằng cha này” bày đặt ghen tuông với quá khứ? Anh chàng tò mò muốn biết có người nào của chàng mà mình lỡ hâm mộ chăng? Đời mà, biết đâu hồi đó có kẻ yêu thầm nhớ trộm ai đó mà mình trong lúc hên “mèo mù vớ cá rán” lại được dung dăng dung dẻ hoặc đây đó loăng quăng, bây giờ đọc thấy có khi chàng ta lên cơn “nhồi máu cơ tim” bất tử, biết đâu chừng. Đã thế, thôi đành chiều ông Hội Trưởng cho chàng thỏa mãn tính tò mò vậy! 

(8) Bài chửi mất Gà


Thiết Trượng
Đất Bắc từ thuở xa xưa vốn sống bằng nghề nông, gia súc trong nhà kể cả con gà là một tài sản quý giá của dân quê. Gà, nhất là gà mái rất quý vì vừa cho thịt vừa đẻ trứng cho chủ, gà trống còn quí hơn vì vừa là vật gây giống vừa là đồng hồ báo thức cho con người. Nhà có sân to, vườn rộng hay mái tranh vách đất cũng thường nuôi thêm một hay vài con gà. Cái lợi là mỗi khi có khách quý phương xa hay lúc giỗ chạp Tết nhất thì trước nhất có thịt để cúng ông bà hay đãi khách, sau là thịt thà cả nhà cùng hưởng. Vì thế kẻ nào nỡ lòng muốn ăn mà không chịu nuôi, bắt trộm hay đánh cắp con gà của người ta sẽ khiến chủ nó rất căm giận.

Mỗi chiều khi rải thóc ra sân, đếm gà thấy lạc hay mất một con, bà chủ bầy gà thường lịch sự lên tiếng rao, vọng sang hàng xóm:

- Nhà tôi vừa lạc con gà trống, ai thấy xin đuổi giúp về cho tôi!
Buổi tối vẫn không thấy về. Sáng sớm hôm sau, bà chủ gà lại rao rất lễ độ lần nữa. Rao đến ngày thứ nhì, đã thấy khó tìm được con gà rồi, bà ta lại rao gắt gao hơn nữa:
- Con gà của tôi nuôi bằng gạo, bằng thóc, mất tiền mua. Vậy ai bắt con gà xin trả lại, không thì tôi chửi đấy nhé! 

(7) Phở: Chiến thắng toàn cầu của người Việt

Thiết Trượng
(Bài viết tản mạn về Phở có trích dẫn một số bài, xin các tác giả được đề cập lượng thứ đã không xin phép trước. Người viết trân trọng cảm ơn những tác giả nêu tên, kể cả cơ quan ngôn luận đã đăng tải bài viết. Năm 2002 - Thiết Trượng)
******
Tổng Quan: 
Cuộc di cư 54 của người Bắc đã mang nhiều thứ khác lạ đối với dân miền Trung và Nam, kể cả đồ ăn thức uống. Trong đó món Phở hùng dũng Nam tiến đến tận cùng cõi Cà Mau. Sau 75, dân Việt di tản tứ tán trên quả địa cầu, hễ ở đâu tụ tập đông đảo một chút, thế nào cũng có thức ăn Việt Nam xuất hiện tại các hàng quán và một món ăn "bon chen" cho bằng được đó là Phở. Ngay thành phố cờ bạc Las Vegas cũng có quán bán phở, nào là Phở Chiến, Phở Đa Kao, Phở 2000...

Tôi cũng đồng quan điểm với một số người cho rằng, nói về phở nên đề cập đến phở bò mới đúng ý nghĩa nhất. Từ phở bò mới đẻ ra các loại phở biến thái khác như phở gà, phở ngầu pín, phở bò viên...


Tô phở ở VN là một tác phẩm nghệ thuật, tổng hợp đủ ngũ quan vị giác. Hài hòa về màu sắc của hội họa với nước dùng trong trong phủ lên màu trắng của bánh, tô phở có sắc nâu của thịt bò chín cộng với màu vàng bóng nhẫy nếu kèm theo tí mỡ gầu, chưa kể cái đỏ hồng của ớt ta xắt mỏng hay tươi màu máu của bò tái, rồi sắc xanh của hành ngò, đen xám của tiêu... Mãn nhãn chưa hết, khứu giác được đánh thức bởi mùi thơm nồng từ chỗ nồi phở đang được cô đọng với tô phở bốc khói trước mặt. Dịch vị như đang tiết ra trong miệng và bao tử của thực khách. Thính giác cũng vội vàng thu nhận các âm thanh qua tiếng húp sùm sụp hay xuýt soa vì nóng vì ớt của người chung quanh, chưa kể tiếng nói cao giọng của người hầu bàn báo ông đầu bếp loại phở khách gọi... Cuối cùng xúc giác chạm đến cái nóng ấm của tô phở được xê dịch đến đúng chỗ mà đôi đũa và cái muỗng sẽ làm tròn nghĩa vụ sau cùng của vị giác để đánh giá cái món "đệ nhất khoái" mà thực khách đang thưởng thức: cay, chua, mặn, chát, béo, bùi, ngọt, nhạt...

(6) MEN NỒNG TRONG THƠ VĂN (Updated)



Thiết Trượng (1998)
Xuân về, nhấp ly rượu đào, mấy ai nghĩ đến sự chuyển vận của đất trời, giao hòa của thời tiết để rồi bâng khuâng nhớ đến chất men nồng huyền diệu của người xưa đã khai sinh ra nó?

Lịch sử của rượu có lẽ cũng lâu đời và huyền hoặc không kém so với sự xuất hiện của thủy tổ con người.

Một nguồn tin lập đi lập lại hai năm nay từ các bậc “lương y như từ mẫu” phe Tây phương cho biết, nếu người ta muốn sống lâu hơn, có một cách mà bây giờ y học phải công nhận, là bà con cứ việc mỗi ngày... “vô một ly”! Nhưng thắc mắc của người viết là... “ly cỡ nào” mới được chứ? Một chung nhỏ, một ly cỡ lon bia, hay một ly cối cỡ một Pitcher của các bợm nhậu người Mẽo? Thôi thì, dù cỡ nào chăng nữa cuộc khảo cứu vừa qua của các nhà y học cũng làm mát lòng hả dạ con cháu Lưu Linh. Có thế mới công bằng cho một loại coi như “thánh dược” trong một số trường hợp.

Bản báo cáo được đăng tải trên New England Journal of Medecine cách đây một năm, tháng 1 năm 1998, dựa trên một sưu tầm gần 1/2 triệu người trong gần chục năm đã cho biết uống chừng mực một hay hai ly hằng ngày, 20 % các ông bà tuổi trung niên đã tránh được lưỡi hái tử thần so với những người không uống rượu. Nhưng tuổi thọ của các người uống rượu sẽ giảm sút nếu số lượng uống gia tăng trên mức đề cập. Mới nhất, gần đây ngày 6 tháng 1 năm 1999 trong báo cáo đăng tải của Journal of the American Medical Association cho biết uống điều độ một số lượng vừa đủ mỗi ngày, không cần biết là bia, vang hay rượu mạnh, sẽ giúp người ta giảm thiểu việc bị đứng tim (heart attacks), tránh bị “strokes” (ta hay cho là bị trúng gió khiến bị liệt bên người, méo miệng...). Hiệu ứng tốt này theo Bác sĩ Ralph L. Sacco của Columbia University College of Physicians and Surgeons, không áp dụng cho các người chưa quen dùng rượu.

(5) Đêm Thánh Vô Cùng

Gốc tích bản nhạc Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night)
LTS: Cách đây gần 200 năm (bài viết này đăng trong Reader's Digest cuối năm 1993), do một hoàn cảnh đặc biệt, một tu sĩ ở Áo đã phải soạn một bài nhạc thánh ca cho đêm Giáng Sinh năm 1818 để thay thế cây đại phong cầm trong nhà thờ bị hư. Bản nhạc đã bị lãng quên một thời gian dài và ngay chính tác giả đến khi chết đã không biết rằng bản nhạc của mình đã gieo vào lòng mọi người trên toàn cõi địa cầu một âm hưởng tuyệt vời an bình và thánh thiện.
Theo Per Ola và Emily D'Aulaire
(Dạ Ngọc chuyển dịch)

Tuyết đã nhẹ rơi xuống vùng Oberndorf, một làng gần tỉnh Salzburg nước Áo. Dân làng đang giăng đèn kết hoa, kể cả cây trái và các loại hột thực vật ăn được trên các cây thông còn tươi để sửa soạn cho đêm thánh huyền diệu sắp đến. Một chốc nữa, chuông của nhà thờ tân tạo Oberndorf sẽ đổ vang khởi báo cho cuộc thánh lễ nửa đêm bắt đầu, và các con chiên sẽ hát ca, cầu nguyện mừng ngày Chúa ra đời.(Hình:Ngôi nhà thờ bản nhạc được hát lần đầu tiên)

Tuy nhiên, trong nhà thờ Thánh Nicholas, có một người không cảm thấy vui thú tí nào về chuyện sắp đến trong chiều Giáng Sinh năm 1818 này. Linh mục phó xứ Joseph Mohr còn trẻ, 26 tuổi, mới chợt nhận ra cây đàn trong nhà thờ bị hư hại nặng. Đạp mạnh cách nào, cây đại phong cầm cũ kỹ này cũng cứ ì ra. Chàng chán nản quá. Chờ được ông thợ sửa đàn đến, có lẽ thánh lễ bế mạc từ khuya. Đối với tu sĩ phó xứ trẻ tuổi này, một lễ Giáng sinh mà thiếu nhạc là một điều không thể chấp nhận được.
  

(4) SỨC MẠNH ĐỒNG Đô-la Mỹ

Sức mạnh huyền bí đồng Đô-la Mỹ: Nhờ vào Quốc hiệu in trên giấy bạc?
LTS: Trong loạt bài của mục Huyền Bí, chúng tôi xin trích bài sưu khảo sau đây của Thiết Trượng đã được đăng tải trên Tạp chí Việt Nam Press năm 1995.
Thiết Trượng sưu khảo
Qua bao thế kỷ, các chiêm tinh gia đều xác quyết có một luật tuần hoàn và tự nhiên của vũ trụ; thành thử trong lịch sử nhân loại rất nhiều người đã cố gắng tạo dựng những kiến trúc, kiểu mẫu hay biểu tượng ứng hợp với sự vận chuyển tự nhiên của thiên văn học không ngoài mục đích đạt được mong ước cho riêng cá nhân, tôn giáo hay quốc gia mình... Chữ Vạn của Phật giáo, chữ Vạn ngược của Đức quốc xã, Thánh giá của Thiên Chúa giáo, tượng Người đầu sư tử hay Kim Tự Tháp của Ai Cập, Thiên Nhãn của Cao Đài... mỗi mỗi đều có ý nghĩa của nó.


Chính vì vậy, nếu chúng ta cho rằng Hoa Kỳ, ngay từ khởi đầu đã được một số nhà lập quốc của nước này cân nhắc, xếp đặt biểu tượng quốc hiệu sao cho Hoa Kỳ lúc nào cũng là một quốc gia hòa bình nhưng cũng là một nước hùng mạnh về quân sự, chắc nhiều người cho đây là điều hoang tưởng.

Trước hết, trong bài này chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm là việc chọn quốc hiệu cho Mỹ, đầu tiên các nhân vật được tuyển lựa đều là những nhà thiên văn, khoa học gia (kiểu Á đông thường cho là “trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý”). Thứ hai, Quốc hiệu này đã được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, đặc biệt nhất đã in trên đô-la, giấy một đồng của Mỹ. Ngoài ra, điểm thứ ba là phi thuyền của Mỹ đã phóng hình Quốc hiệu Mỹ vào vũ trụ.

Đồng đô la Mỹ là một ngoại tệ giá trị độc nhất vô nhị đã tung hoành khắp nơi trên thế giới. Phải chăng đồng đô la của Mỹ là một loại “bùa ếm” mà những nhà lập quốc Mỹ đã có chủ ý, với dụng tâm biến Hoa Kỳ thành một quốc gia phú cường và hùng mạnh về quân sự như họ từng mong ước?

(3) Janis Joplin: “Gã xí trai nhất trường”

Cuộc đời "Tài hoa, bạc mệnh" của nàng ca sĩ bụi đời nhạc Blues


Dạ Ngọc (Thế Giới Nghệ Thuật 1998)
Nếu còn sống, năm nay Janis Joplin (JJ) được 55 tuổi. Sanh năm 1943 (Quí Mùi), trong một gia đình trung lưu vùng chài lưới Port Arthur (Texas) có quan niệm bảo thủ nên tâm hồn nổi loạn ngay từ tuổi vị thành niên của nàng đã gây nhiều buồn phiền cho thân tộc. Thời trung học, dù có khiếu nghệ thuật về văn chương và hội họa, nhưng tính tình "cóc cần đời" của JJ đã khiến người ta không quan tâm đến cô bé "gàn bướng" này. Trong văn học VN, nhà văn tiền chiến Vũ trọng Phụng khi mô tả nhân vật nữ hư cấu của mình là Thị Doãn có "nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai" đã khiến độc giả phải vận dụng óc thông minh tưởng tượng một cách thích thú. Còn đối với JJ, nàng đã bị gán một hỗn danh còn tệ hại hơn Thị Doãn rất nhiều khi bạn học gọi nàng là "Gã xấu trai nhất Đại học". Lý do kiểu cách trang phục hippie "bụi đời", quần áo Jean rách bươm, hở rốn hở lưng, tóc tai bù xù, đeo từng chùm chuỗi hạt quanh cổ; thêm vào dáng dấp phục phịch mập mạp, nhất là cái bịnh kinh niên tai hại trên mặt bị mụn hơi nhiều.

(2) Nghệ thuật của giới thiếu niên

Nghệ thuật của giới thiếu niên.
Dạ Ngọc
Phần đông các bậc phụ huynh chúng ta hầu như ít chịu tìm hiểu hay không thèm hiểu các "mode" trong mọi khía cạnh nghệ thuật mà các thiếu niên con cháu đang mê say theo dõi, bắt chước và rủ nhau làm nhiều thứ vì chúng ta đánh giá là "vớ vẩn", "con nít", "khùng điên"! Nói đâu xa, ở miền Nam Việt Nam trước kia, khi chiếc mini áo dài được các cô bé tuổi học trò ưa thích rồi đua nhau ăn diện đã bị các bậc phụ huynh bảo thủ đánh giá là kệch cỡm và nhìn bằng đôi mắt không thiện cảm vì họ xem đây là một sản phẩm làm mất giá trị đẹp đẽ và độc đáo của chiếc áo dài nổi tiếng cho người phụ nữ Việt. Cho đến khi sau một thời gian thử thách, áo dài mini đã được phe bảo thủ chấp nhận nó có vẻ đẹp trẻ trung cho các thiếu nữ và làm phong phú thêm về nghệ thuật chưng diện của phái đẹp Việt Nam.  

Mấy năm gần đây, tại hải ngoại nhiều phụ huynh hay các vị bô lão đã lắc đầu, chép miệng cho thế hệ con cháu khi thấy con trai xỏ tai, tóc hớt trắng bóc quanh đầu, hoặc trên đỉnh vạt thẳng một đường. Rồi quần áo thì rộng thùng thình, nón lưỡi trai thì được đội ngược lại. Ca hát thì "kêu đường như thằng ăn mày", kể lể than van lằng nhằng; tay chân vung vẩy nhảy tới bước lui như "đứa phải gió" (nhạc Rap). Các thiếu nữ thì xỏ mũi, xỏ vành tai, xỏ vành rốn kể cả xỏ lưỡi của mình. Đánh son môi thì chọn màu xám xịt, đen thui "nhìn giống như đứa chết trôi". Móng tay, móng chân được sơn phết lộn xộn lúc màu này khi màu kia. Chưa kể cả con trai lẫn con gái rủ nhau theo phong trào xâm mình, đeo kiếng nhỏ tròn của Tứ Quái Beattles thời thập niên 60....Còn nhiều thứ lung tung nữa, càng nghĩ đến nhiều chứng nào, các vị cha mẹ, ông bà càng ngán ngẩm dùm cho đám con cháu và lứa tuổi của chúng.
 
Trái lại, các nhà kinh doanh có tầm nhìn khác xa với chúng ta và họ thấy lợi nhuận mang về rất cao và dễ dàng khi khai thác thị hiếu và sự đam mê cuồng say của giới thiếu niên.

Từ trước đến nay chưa bao giờ có nhiều tạp chí ấn loát công phu và màu sắc rực rỡ cho thiếu niên như thập niên cuối này của thế kỷ 20. Vào tháng 2-98, một tạp chí với tên Teen People, sẽ khai thác những chuyện kích thích và tò mò của giới trẻ về các nhân vật nổi tiếng thần tượng của họ, được rập khuôn theo tạp chí ăn khách People. 

(1)- Spice Girls - Ngũ Vị Hương Yêu Nữ (Updated 29/4/2014)


Quyên Mi (2-1998)

Số trước độc giả đã có dịp đọc bài viết về nhóm Ma Nữ Đa Tình người Việt Nam, trong số này mời quí vị tìm hiểu về 5 con nữ yêu của trẻ nít lẫn các bố già toàn thế giới. Vị nào chưa biết các yêu nữ này, đọc xong thử bỏ tiền mua một vé xi-cà-la-ma xem các yêu nữ múa may hát hỏng để xem lời khen chê nào đúng sai. 
  Ngũ Vị Hương Yêu Nữ vừa mới cho ra mắt cuốn  phim  Spice World vào cuối tháng 1-1998, sau khi tung ra Album thứ hai cùng tên với phim vài tháng trước đó. Album thứ hai, tuy không hốt bạc như Album đầu nhưng trên bảng xếp hạng ở Anh nó đứng hạng 4, còn ở Mỹ xếp hạng thứ 13. Cuốn phim Spice World đã kiếm được 25 triệu cho các cô ở Âu Châu, riêng tại Hoa Kỳ chỉ mới 2 tuần trình chiếu, cuốn phim đã mang lại 12 triệu và đứng hạng 4 trong bảng xếp hạng. Yêu Nữ Brown (Cô da màu) kể cho biết là họ biết nhau lúc còn "rách nát", ở túm tụm một chỗ như chuồng chim, ăn đậu trừ cho bánh mì nên họ rất thân thiết với nhau. Nhìn lại ngày nay, họ có mọi thứ và đó là điều các cô muốn nhắn nhủ mọi người hiểu thế nào là "sức mạnh con gái".
Tên tuổi ban nhạc Spice Girls (Ngũ Vị Hương Yêu Nữ)) với 5 cô gái nõn nường ngày càng quen thuộc với giới yêu nhạc trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, nhờ nhan sắc không đến nỗi nào tệ và sự vui nhộn của họ trong khi trình diễn.
Giới hâm mộ nhận xét các Yêu Nữ là một cơn bão lửa ngất trời, một trận lụt tràn ngập vào làng nhạc trẻ cuối thập niên 90. Năm cô đều vào tuổi trên vị thành niên chút xíu:

Geri Halliwell (biệt danh Ginger Spice) "gà mái đầu đàn", một thời từng là vũ nữ khỏa thân. Mê sưu tập búp bê và …...bạn trai lớn tuổi mà đáng lẽ nàng phải gọi anh ta bằng... chú. 

Victoria Addams (biệt danh Posh Spice) 21 tuổi, giọng ca chính của ban nhạc, tóc nâu dài, nét đẹp duyên dáng và sắc sảo.
Melanie Brown (biệt danh Scary Spice) 21 tuổi, mái tóc xoắn từng lọn kiểu Gullit, yêu nữ da sậm độc nhất trong nhóm, xinh xắn rất sinh động và huyên náo của nhữ ng màn ca múa Rap.  
-Emma Bunton (biệt danh Baby Spice) 21 tuổi duyên dáng mũm mĩm, giới hâm mộ thích nàng trong bộ váy ngắn trông đầy gợi cảm. Tính nghịch phá đôi khi như con trai. 
Melanie Chrisholm (biệt danh Sporty Spice) 20 tuổi, khoái diện Veston hoặc áo choàng Adidas, dáng vẻ cầu thủ bóng rổ và vốn là hội viên đội bóng Liverpool. Nét mặt tươi cười, khoái nhai kẹo cao su. Người cùng xứ sở với ban nhạc The Beatles.