Thiết Trượng (6-2002)
"Biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng". Câu nói cổ xưa lấy từ Binh thư Tôn tử, chúng ta đã nghe quá nhiều đến mức gây nhàm chán. Thế nhưng gần đây cuốn sách cũ kỹ nói về đấu pháp chiến tranh này lại được người phương Tây nhắc nhở và xưng tụng kể cả câu nói bất hủ nổi tiếng ở trên, "Know your enemy and know yourself, and in one hundred battles you will never face defeat".
Mấy năm trước lúc chiến tranh vùng Vịnh còn nóng bỏng, thời gian mà ông Bush "bố" làm Tổng thống, báo chí có đề cập đến vụ một số tướng tá của Mỹ đang nghiên cứu binh pháp của Tôn Tử khi quân lực Hoa Kỳ được tung vào trận địa chiến để đối đầu với Saddam Hussein.
Lời bà Rice nói hoàn toàn đúng, khi chúng ta nhìn lại cuộc chiến VN trước 1975. CSVN đã vi phạm lệnh hưu chiến nhiều lần trong những ngày lễ thiêng liêng. Biến cố thảm sát đẫm máu Tết Mậu Thân 1968 (Hình dưới: Xương, Sọ lấy lên từ mộ tập thể), qua chứng tích mồ chôn tập thể hơn 5000 nạn nhân tại Huế quá đủ để cho người ta một bài học đớn đau thật đắt giá khi sự lương thiện gặp phải những tráo trở của phường bất lương.
Mới đây, báo LA Times ngày 31 tháng 5 năm 2002, ngay trên trang 1, dưới tựa cột "Ancient Secrets to Success", tạm hiểu "Bí mật cổ xưa để thành công", đã nhắc đến cuốn sách được viết từ hơn 2000 năm trước của Tôn Tử và hiện nay được rất nhiều chủ tịch doanh gia, chưa kể nhiều ông bầu thể thao cùng các tay mại bản khác của Mỹ noi theo...
Ta đã biết, trong bốn món ăn chơi của các nho sĩ thời xưa "Cầm, kỳ, thi, họa" (Hình: Geisha cũng được dạy 4 môn chơi này), kỹ thuật đánh cờ đòi hỏi người chơi kiến thức tương đương như chiến thuật đánh giặc. Điều động quân binh, sĩ tốt, xe pháo phải theo đúng kỷ luật. Như câu ấn định: "Mã nhựt, tượng điền, xe liền, pháo cách" (ngựa đi theo đường xuyên chữ Nhựt, voi đi theo đường xuyên chữ Điền, xe đi thẳng một đường, pháo đi cầu vồng vượt qua được chướng ngại vật), qui tắc này bất cứ ai đánh cờ cũng phải học.
Áp dụng binh pháp trong quân sử có rất nhiều sự kiện để nói, muôn ngàn chuyện để kể mà mục "Lính nghĩ gì" của Trang Chiến hữu có giới hạn, nên theo gợi ý trên, chúng ta bàn thử sang chuyện thể thao xem ông Tôn Tử có hữu dụng gì không mà Tây phương nâng... ông lên quá xá vậy.
Mùa hè năm 2002, từ đầu tháng 6, giới hâm mộ thể thao toàn thế giới sôi nổi, hào hứng vì các trận đấu bóng tròn diễn ra tại Nam Hàn và Nhật. Riêng ở Mỹ, dân ghiền thể thao càng thấy nóng bỏng hơn vì các trận bóng rổ tranh vô địch.
Khoảng 2 giờ hơn ngày thứ sáu 14 tháng 6 năm 2002 vừa qua, người viết và hầu hết đồng nghiệp "ca 2" làm việc gần Los Angeles đều đến sở trễ vì nạn kẹt xe trên xa lộ 405. Lý do, hôm đó là ngày tổ chức diễn hành để mừng đội Lakers của LA thắng giải vô địch bóng rổ Hoa Kỳ. Thành tích vẻ vang mà đội banh của thành phố mang tên những thiên thần (Los Angeles) mang về trong ba năm liên tiếp đã khiến giới bình luận thể thao nêu lên nhiều lý do tạo nên thắng lợi cho họ.
Bỏ qua yếu tố cầu thủ xuất sắc (Hinh bên dưới) như Kobe Bryan (số 8), Shaq O'Neal (34)... và vài yếu tố khác gây nên sự thành công của đội banh, chúng tôi muốn nói đến huấn luyện viên Phil Jackson của đội Lakers; một ông bầu với nhiều chiêu quái lạ trong chiến thuật và chiến lược, đã biến những đội banh của ông trở thành vô địch. Một anh già cao lớn, tóc húi cua cùng hàng ria mép hoa râm, có tật cắt hay gặm móng tay trong lúc cầu thủ đang tranh hùng, đã bắt cầu thủ mình phải tuân theo những luật lệ mà người ta cho là kỳ quái. Chẳng hạn, trước khi đấu, có khi cầu thủ phải dành thì giờ để "thiền định, tịnh tâm". Rồi tùy theo tâm tính của mỗi cầu thủ, đã có lần ông đưa mỗi anh một loại sách để đọc... Với ông bầu Jackson, đây là sự điền khuyết những nhược điểm và gia tăng ưu điểm cho mỗi cá nhân cầu thủ.
Người ta có vẻ nhạo báng về cách thức ông đã bắt cầu thủ Lakers phải tuân theo vài thứ lẩm cẩm như vừa kể. Nhưng kết quả thu hoạch chiến thắng liên tiếp của ông bầu Jackson (Hình trên) từ hội Chicago Bulls rồi LA Lakers chứng tỏ chiến thuật, chiến lược của ông có lý do của nó.
Bây giờ chuyển sang sân bóng tròn. Bà con ta thức hôm, thức đêm, chống mắt theo dõi các cuộc tranh hùng trên sân cỏ nơi xứ Phù tang Nhật bổn hay vùng Củ sâm Hàn quốc, tùy theo lịch tranh đấu. Đội banh Hoa kỳ may mắn lọt vào vòng hai, có thể nói "chó ngáp phải ruồi".
Để đối phó với một đội banh tên tuổi là Mễ tây cơ, từng cầm chân Ý Đại Lợi (cựu vô địch thế giới 3 lần), trước khi vào vòng hai, ông bầu Bruce Arena (Hình trái) của Hoa Kỳ biết thua là điều cầm chắc trong tay. Nhưng còn nước còn tát, vì giải vô địch túc cầu thế giới năm nay đã xảy ra nhiều chuyện... rất lạ. Cựu vô địch túc cầu thế giới là đội Pháp quốc, rồi đoàn hùng binh của đội Á căn đình... đã lặng lẽ khăn gói quả mướp về... quê. Để thử vận mạng, bầu Arena của Mỹ đã lựa chiến thuật 3-5-2 trong trận thư hùng với Mễ. Phải để 3 anh hậu vệ giúp thủ môn "già nhưng xuất sắc" Friedel, còn trung phong sẽ nhét 5 anh vào và tiền đạo đương nhiên chỉ còn 2 mống.
Quả thật khi vào trận, đội Mễ đã dợt cầu thủ Hoa Kỳ như cái mền, nhưng nhờ lối thủ của chiến thuật 3-5-2, nhờ thêm vào thủ môn giỏi, rồi quan trọng hơn cả là ... may mắn, đội Hoa Kỳ đã thoát hiểm nhiều cuộc công thành của Mễ. Để rồi, cơ hội bất ngờ xảy tới, một trong hai anh tiền đạo là Mc Bride đã tặng Mexico một quả. Ít lâu sau đó, trung phong nhóc tì 20 tuổi Donovan đội đầu vào lưới khiến Mễ đau đớn nhận hai "hột vịt lộn úp mề", trong khi màn lưới phía Mỹ, nói theo hành văn của ký giả thể thao Huyền Vũ, vẫn còn trinh bạch.
Hoa kỳ dẫn 2-0 cho đến khi tiếng còi tan hàng trổi lên: "ò... e, rô-be đánh đu, tặc-zăng nhảy dù, zô-rô bắn súng..." mang lại sự buồn rầu, đau đớn cho người bạn láng giềng Mễ tây cơ.
Thiết Trượng
(Trang Chiến Hữu, Lính Nghĩ Gì )
Nhật báo Viễn Đông, số 1598, 23 tháng 6, 2002
No comments:
Post a Comment