January 30, 2007

(20) NGÕ CỤT



Thiết Trượng 4/89
(Updated 3- 2017)
Hắn ngần ngừ mãi rồi cuối cùng cũng đưa tôi tờ tạp chí có hình bìa chụp một cô gái VN đang kẹp ở nách chiếc nón lá, kèm theo lời dặn dò:

- Sau khi bạn mình viết một bài trong này, hình như vẫn còn một chút “tự trọng”, cái liêm sỉ tối thiểu mà tớ thấy đang nhạt nhòa dần nơi một số bà con tỵ nạn mình. Do đó, bạn mình kể cũng bặt tin đã lâu, dù lão Phú Phồn đã có lời khích bác việc bạn mình lỡ “trao duyên lầm tướng cướp”... Cậu cứ đọc bài đó rồi nghĩ đến cái tâm trạng hiện nay của một số bà con ta, “hỗn mang” giữa chính và tà, lẫn lộn giữa ta với địch, chẳng phân biệt giữa xấu và tốt...

Cầm tờ báo phát hành vào dịp Giáng Sinh 1987, nghĩa là cách đây gần một năm rưỡi, tôi lật đến trang có tựa đề thật nổ và hấp dẫn “Thử thách và Thái Độ”. Nội dung cùng các sự kiện đưa ra trong bài rất rõ ràng, dứt khoát. Anh bạn chúng ta, có hỗn danh “Thiệt Cải Lương”, quả đã không phụ lòng của một số bạn đã biết anh từ hồi trên trường khi anh khẳng định điều yêu thích, say mê làm báo là một THỬ THÁCH. Chặng đường gian truân đó chả có gì gọi là mật ngọt, là vui sướng thỏa thê thích thú, là giải tỏa ẩn ức như nhiều người lầm tưởng. 
Ngoài cái hi sinh phải có của nó là THỬ THÁCH, anh Thiệt đặt một trách nhiệm rất đúng và thật cần thiết của những người đang đảm nhiệm vai trò truyền thông, của những người cầm bút ở hải ngoại: THÁI ĐỘ.

Thái độ trước một lằn ranh đã kẻ thật rõ ràng của THIỆN và ÁC, của SỰ THẬT và GIAN DỐI, của LÒNG TIN và BỘI PHẢN. Một chiến tuyến đã phân định xác quyết không thể biện minh hay phủ nhận của ÁNH SÁNG và BÓNG TỐI, của SỰ SỐNG và CÁI CHẾT. Đó là thái độ dứt khoát, minh bạch của những người phải rời bỏ quê hương vì không chấp nhận Cộng Sản, không tiêu thụ được cái chủ thuyết quái đản luôn luôn gieo rắc hận thù đấu tranh giai cấp đang làm lụn bại, tan nát quê hương...

Tôi bốc điện thoại lên để gọi hắn. Tôi nói là đồng ý điều Thiệt viết. Một minh định lập trường chắc như đinh đóng cột. Đó là khí giới trên tay của những kẻ quyết đấu với tử thần mà không hèn nhát, “lưỡi kiếm của những Matador” sẵn sàng cắm phập lên tử huyệt của những con bò mộng, những con thú lúc nào cũng điên cuồng húc đầu vào lá cờ đỏ, như tao đó đã ví...

Mới nghe nửa chừng hắn đã cười khẩy, cắt ngang lời tôi:
- Bố khỉ, mày nói hăng quá, văng cả nước bọt vào lỗ tai tao trên điện thoại. Có rảnh xách xe chạy lại tao. Hai đứa làm cái chuyện mà nhà văn quá cố Đằng Vân Hầu gọi là “Bẩy ngày đêm tính quẩn chuyện đời”. Tao với mày cùng lắm trong bẩy ngày chỉ có được một đêm cuối tuần. Chả sao. Nhớ bắt ít “bọt” nghe mày...
oOo

(Hình: William Fulbright)

Trên đường tới chốn hắn đang tạm cư, xe băng ngang cái thành phố mà nhạc sĩ Phạm Duy vì “méo mó” của người nghệ sĩ đã gọi là Thành Phố Giữa Đàng (Midway City), gần khu thương mại đông đảo của người Việt tỵ nạn, được mang cái tên Little Saigon. Một cái tên đã chia người Việt ở Orange County làm hai phe, lời qua tiếng lại một thời. Một cái tên đã làm một số dân địa phương, qua cái lòng nhỏ nhen, ghen tức, kỳ thị dựa vào đó để phá hoại, xịt sơn lên bảng chỉ dẫn từ xa lộ vào khu buôn bán. Một cái tên sau chữ Little đã làm nhiều dân Mỹ mang cái mặc cảm tội lỗi của một “quá khứ nhục nhã và chạy làng” muốn quên đi, cái tên của một thành phố mà người CS Việt Nam e sợ phải giữ lại. Xe chạy tới Đại lộ Harbor, đại lộ nổi tiếng ở Orange đầy các gái ăn sương Hooker đen trắng. Nếu tôi bắt chước lão Thượng Nghĩ Sĩ William Fulbright (nếu không lầm tên) *, lúc nhà báo Mỹ nào phỏng vấn tôi cũng có quyền tuyên bố một cách xấc láo là thành phố Orange này chỉ là “một ổ điếm”, như cái lão Thượng Nghĩ Sị thiển cận đã “mất dậy” khi nói về Saigòn xưa kia. Chỉ có đa số dân Mỹ mới bị giới truyền thông “bảo sao nghe nấy”, khi cứ nhìn đa số họ mua báo chỉ để đọc trang thể thao. Bật TV, nghe radio phần lớn chỉ để theo dõi các trận đấu Football, Baseball, bóng rổ, đấu bốc... Thiên hạ trên thế giới sống chết mặc bay...

Đang ngon trớn tôi phải thắng gấp xe. Một chàng hảo ngọt đằng trước chợt thắng lại để nhìn một cô gái bên đường với cử chỉ xin quá giang. Sống trong cái quốc gia gọi là “thiên đàng” đối với nhiều dân tộc trên thế giới, tôi đã học được nhiều bài học về lòng nhân của con người. Tôi không thể ngừng xe, dù cho cho cô gái kia thực sự đang không có phương tiện di chuyển. “Làm ơn chuốc oán” đã từng mang họa cho nhiều nạn nhân đáng thương, nhất là với thân phận một người thiểu số, tôi phải cảnh tỉnh và thu hẹp cái lòng bao dung thương người đã được uốn nắn và dạy dỗ bao lâu từ hồi thơ ấu tại gia đình, trường ốc, tôn giáo... (3)

Tình cờ ngừng xe ở cái quận lỵ nổi tiếng đối với người Việt tỵ nạn là Santa Ana, tôi ghé vào một tiệm rượu để mua vỉ bia. Hắn đang cần loại “bọt” này. Tôi và hắn tửu lượng chẳng được bao nhiêu, xâu la-ve này chắc đủ làm hai thằng nghiêng ngả.

Xe đã đến đoạn đường dài hun hút, tối đen hai bên đường của một căn cứ máy bay quân sự Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Tiếng cánh quạt xành xạch quen thuộc của chiếc trực thăng đáp xuống trong ánh sáng lập lòe giữa chốn hoang vu, đồng không mông quạnh như khơi động cái dĩ vãng của quê hương thời khói lửa.

Quay đi quay lại, đã 14 năm dài kể từ ngày quân đội miền Nam rã ngũ. Kẻ ở, người đi — tất cả chưa làm gì nên cơm cháo! Một số bạn của hắn và tôi, từ đảo đến đây với nhiệt tình buổi ban đầu chất ngất đầy hoài vọng xây dựng cho một quê hương đang hồi đổ vỡ. Họ tội nghiệp, thầm trách những kẻ đến trước đã khiếp nhược, ngồi bó gối hoặc chỉ chửi đổng vu vơ. Trước những thất vọng và chê trách đó; tôi, hắn và những kẻ gọi là “chạy trước” tới vùng tự do, chỉ biết im lặng khứng chịu và khó mà giải thích. Biện bạch cho điều mình chưa làm, đã làm nhưng không thành, hay đang xúc tiến cũng chỉ là dư thừa trong bối cảnh đa diện, phức tạp, thiếu thuần nhất của một cộng đồng chưa có đầu não, chưa một kế hoạch...

Có lẽ bộ mặt “táo bón” của tôi vì suy nghĩ lẩm cẩm lúc lái xe trên đường, đã làm tắt hẳn nụ cười toe toét của hắn khi ra mở cửa cho tôi vào nhà:

- Mày dở chứng khó ở hay sao mà thảm não sầu bi vậy con?

- Có khỉ mốc gì đâu. Tức cảnh sinh tình đó thôi. Ông nghe tiếng trực thăng, ông đâm nhớ quê của ông quá!

- Lại “tình cởm” rồi! Hay sắp theo ai làm một chuyến du lịch về VN thì bảo?

- Bộ mày tưởng ông là hạng người dễ “chao đảo tư tưởng” hả?

Hắn cười xòa, rồi hai thằng đi vào phòng khách buông phịch người xuống bộ sa lông vải xọc phai mầu, nhiều chỗ đã sờn rách. Tôi và hắn có cái tật hay dùng ngôn từ CS để châm chọc nhau. Còn một số ngôn ngữ địa phương pha tiếng cũng không nhằm chia rẽ địa phương hay chơi khó nhau. Nhiều thổ ngữ đã mang lại cho chúng tôi, bạn bè Nam Trung Bắc gồm đủ mọi thành phần tôn giáo, một sự thân tình gắn bó cần thiết cho đời lính tráng “sống nay chết mai”. Qua đến đây, nhiều thằng vẫn “cà trớn” dỡn nhau khi một ông Nam Kỳ mời bạn bè người Bắc vào bữa tiệc “Xin các anh chị tự nhiên như người Hà Lội”. Lúc khác ông Bắc kỳ réo ông chủ nhà người Nam gốc Gò Công “Cái gổ đựng gau đâu gồi?”. Hoặc lão Gà làm bộ đọc chính tả giọng Huế khi thấy “Mông Cổ” Phương Tiễn: “Con Hổ chầm chậm xuống hang...” (Con hổ... Chấm chấm, xuống hàng). Rồi anh em lại có dịp nhớ những trận cười đau bụng khi nghe Đặng Niên người Huế hát Quốc Ca bằng giọng Quảng để chọc chàng đồng phòng người Quảng Nam Lê văn Soại. Giống như ở Mỹ trong một buổi văn nghệ khán thính giả đã cười phá rạp khi nghe La Thoại Tân nói tiếng Anh bằng giọng Quảng vậy. Còn chuyện hắn chọc quê CS, tôi không biết có ác ý thực sự hay không, nhưng cũng thấy ngồ ngộ, thú vị của ngôn ngữ người Việt.

Có lần hắn làm một chuyện ai cũng cho là “mất dạy”, có tính cách công xúc tu sỉ. Một hôm anh em đang rộn rịp ăn uống, nói cười; hắn bỏ vào nhà trong từ hồi nào chả rõ. Chợt anh em nghe thoang thoảng tiếng hắn dường như đang năn nỉ vợ:

- “Khẩn trương” đi cưng. Cho anh vô một tí thôi. Chịu không nổi nữa. Đây “căng” quá rồi!

Ngoài phòng khách, anh em giật mình tự động im bặt, dỏng tai nghe sự tình. Chừng vài phút sau, bà con nghe rõ tiếng thở phào khoan khoái thật mạnh của hắn kèm theo tiếng nói vui tươi:

- Đã cách chi! Sướng thiệt! Cám ơn cưng. Tưởng chết đến nơi rồi.

Vọng theo bước chân trở ra phòng khách của hắn, tiếng người vợ:

- Anh ngưng uống một lúc đi, để người ta gội đầu con bé cho nó xong đã. Làm con bé bước ra ngoài, ướt hết cả thảm rồi, cha nội. Toilet bên ngoài sao không dùng?

Nhìn hắn đang hề hề bước tới, mọi người đều bật cười về diễn tiến xảy ra. Hắn lại vói tay lấy lon bia, tu tiếp một hơi, rồi chép miệng lắc đầu:

- Mẹ kiếp! Ở Mỹ này, xin lỗi các bạn, đi... đái cũng mất sướng.

Cái tật ngỗ ngáo đáng yêu của hắn là như vậy.
oOo
Thấy nhà vắng lặng, tính hỏi bà xã hắn và tụi nhỏ đi đâu, hắn đã bô bô:

- Uống không một lúc đi, bà xã và sấp nhỏ đi chợ sắp về. Lát nữa đừng lo thiếu mồi. À! mà mày có để ý cái vụ “tư tưởng chao đảo” đang có mòi đông “khứa” trong cộng đồng tỵ nạn VN không?


- Tao mới coi một tờ báo ở Santa Ana có chạy một cái tít: “NGUYỄN CAO KỲ KÊU GỌI CHẤM DỨT CHỐNG CỘNG” (1). Theo bài báo, trong buổi dạ tiệc nhảy đầm, chỉ vì lời nói sau của ông Tướng “râu kẽm” mà gây ra một cuộc ấu đả giữa một vị Bác Sĩ Quân Y và đàn em của ông Kỳ. ”... Bây giờ ra đến ngoại quốc, nên đừng có phân biệt người quốc gia với cộng sản làm gì nữa, mà hãy chấp nhận nhau như là người dân tộc, cùng lo chung cho nước VN..."(1) Hôm nào nhắc tao đưa cho bài báo đó. Chả rõ câu chuyện đi đến đâu đây? Còn nhóm Thông Luận của Nguyễn Gia Kiểng bên Pháp mà có dư luận cho là chủ trương HÒA HỢP, HÒA GIẢI với tụi Cộng, mày có tin gì lạ không?

- Cũng sơ sơ thôi. Lại giải thích, lại đả thông là có ngộ nhận. Lại nêu rõ lập trường là bất hợp tác với Cộng. Tao copy sẵn cho mày một bản, lát nữa mang về mà đọc.

- Mày nhớ đã sao cho tao các bài “quạt” truyện ngắn “GẶP GỠ NGÀY CUỐI NĂM” đăng trên tạp chí Thời Luận (số Xuân Kỷ Tỵ), của nhà văn Nhật Tiến chưa, những bài báo mổ xẻ “tư tưởng mới” trong truyện “hiển nhiên chỉ là một truyện cổ võ cho một cuộc hồi tà”. (2)

- Nhớ chứ sao không? Ôn lại vụ năm ngoái, mày chắc quên tiệt cái vụ lá thư chúc Tết Mậu Thìn của linh mục Trác rồi phải không? Từ cái ngày lão trùm đỏ điện Cẩm Linh Gorbachev tung cái chiêu Perestroika và Glasnost để cứu vãn cái mạt lộ của tiến trình chủ nghĩa CS, các trí thức Tây phương loại “cô bé quàng khăn đỏ” lại tin tưởng là Chủ Nghĩa CS chả có gì là nguy hiểm cả. Trong sinh hoạt chính trị của cộng đồng VN tỵ nạn, nói trắng ra vẫn ảnh hưởng từ căn bệnh trầm kha của sinh hoạt chính trị miền Nam trước 75, luôn luôn “bị động” trước những kế hoạch, thủ đoạn mới của CS. Cái lối đối phó thụ động, lúng túng đỡ đòn kiểu “gió chiều nào che theo chiều ấy” đã bao lần mang thế thượng phong cho phe CS...

- Nói như mày, chạy trối chết để trốn tụi nó, người ta dễ dàng quên tụi Cộng vẫn là tụi không xài được hả?

- Lý luận cảnh giác “đơn giản” như mày có khi còn cái mạng cùi để ngồi uống bia, nói phét mà lại không sợ một thằng khốn nạn “cum” vô trại cải tạo đó cưng. Nếu hầu hết dân miền Nam VN, tao nói ngay cả đến dân Bắc di cư 1954 mà không sợ động chạm, đừng có “ngây thơ cụ”, chắc gì đã có vụ 30 tháng 4 năm 75. Cứ ngồi nghĩ lại thử xem. Chiến trường đang “ục” nhau chí chạp thừa sống thiếu chết, hậu phương “rửng mỡ” biểu tình xuống đường tranh đấu kể cả “cha” lẫn “thầy”; chính trường lại nát như tương, giành nhau địa vị rối loạn như hàng tôm hàng cá... Thử hỏi mày là thằng có tiền như thằng Mỹ, mày có muốn giúp cho một cái gia đình vô chủ không? Bố khỉ, khi mày đã chán thì có đến mười thằng ăn cướp đang đe dọa cái gia đình ấy, mày cũng mặc xác họ đối phó! “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cái câu cổ lỗ xĩ ấy nghe vẫn còn thấm lắm đấy mày. Ức người cũng có, hận mình cũng không phải là không. Nội cái ông phải ngồi ở đất xứ người — quê hương của kẻ “đồng minh dễ thối chí đã chạy làng” — để cứ phải cãi lý suông với mày hoài cũng đủ ức rồi...

- Bộ mày bị vợ đì hay sao mà nộ khí xung thiên quá vậy? Bả có ở đây đâu mà “giận cá chém thớt” hăng tiết vịt ghê thế. Ông có “chao đảo tư tưởng” đâu mà mày phải tốn hơi nhiều cho uổng. Mất hai coóng rồi. Làm thêm một lon nữa đi. Cho phép mày nổi cơn, trước khi “bà già giết giặc” về, thấy ồn ào um sùm lại tưởng hai thằng cãi nhau, la cho một mách bây giờ.

- Làm thì làm. Chưa có thằng nào ngán thằng này mà. Cái tật của mày chuyên môn làm người ta mất hứng... Ông nhớ lại, ông đang nói chuyện cổ xưa. Mày chắc không quên cái dân lang thang vô tổ quốc, khổ hơn ăn mày, đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi còn hơn một con chó ghẻ là dân Do Thái không? Cái câu chúc nhau của họ trong ngày Tết Do Thái, nhiều người cứ cho là sáo ngữ, lập đi lập lại là “Hẹn nhau sang năm ăn Tết ở Jerusalem!”. Lời “sáo ngữ” khắc tâm ấy được cha truyền con nối đến những 2500 năm. Và ta thấy họ đã làm được cái quyết tâm ấy. Quốc gia Do Thái đã có trên bản đồ thế giới...

- Còn chúng ta, mới 14 năm chạy giặc, đã “chao đảo tư tưởng”, quyết tâm đã lung lay, rã rời. Có phải ý mày muốn nói như vậy phải không?

- Không sai một ly ông cụ. Nhưng không phải tao nhắc ý đó để rồi tụi mình chết nhát “trùm cha nó chăn lại” hoặc “đùn” cho người khác hay “bán cái” cho thế hệ sau điều mình chẳng làm, chưa làm, hay không dám làm...

Hiện trạng bây giờ, vì danh cũng có, vì lợi bản thân cũng nhiều, nên mày mới thấy một số không ít đón gió, trở cờ, nối giáo cho giặc. Tao nghe một chuyện đau lòng về con ông Tướng P. - tao xin lỗi vì kính trọng người quá cố, không thể nêu rõ tên của vị anh hùng này. Một kiểu “hổ phụ sinh cẩu tử”. Bố thấy nhục vì để lãnh thổ lọt vào tay CS, nên tuẫn tiết theo đúng gương của các anh hùng dân tộc. Thằng con quên cái hận bố chết vì giặc, đã nhiều lần đi về VN, mỗi lần về là mang hàng thùng quà cáp cho cán bộ. Nó đang làm dịch vụ buôn bán đồ điện tử. Lái xe phóng như bay, bị phạt quá nhiều, ra toà bị rút bằng. Nó chẳng ngán, còn tuyên bố một câu sẽ mua Limousine thuê tài xế lái. Nó có tiền, chẳng biết xuất phát từ đâu, nên bây giờ nó ngồi Limousine thật. Thằng con này đang cư ngụ ở San Jose, tính chuyện làm ăn ở VN nên sắp sửa mua một cái xe Mercedes đặt hàng thẳng từ Đức gửi về VN không biết tặng cho một cán bộ cao cấp CS nào đó. Trộm vong linh người quá cố, tao nghĩ ông tướng P. có đội mồ sống dậy, chắc cũng nổi giận và bắn bỏ thằng con mất dậy điếm nhục gia phong này...

- Thế mày không sợ có kẻ đã ngôn cho kiểu quá khích của mày là loại “mê sảng” chống cộng à?

- Người thốt câu đó, nếu vì cái danh lợi nhỏ mà cộng tác, khuất phục theo đuôi CS, tao chả cần nói. Nếu vì đồng bào, dân tộc, với quê hương; tao nghĩ họ cần học lại lịch sử VN. “Không có một sự tự do nào không đòi hỏi máu xương tạo dựng. Tự do nào cũng phải mua bằng một cái giá đắt cả.”


Nếu thiển cận e ngại máu xương chiến sĩ đổ xuống, nếu nông cạn nghĩ là mang chết chóc cho sinh linh vô tội, nếu cam tâm chấp nhận thân nô lệ, nếu ngại hi sinh gian khổ lâu dài, nếu không giữ một kiên tâm trì chí... tổ tiên chúng ta đã vui lòng để Trung Hoa đô hộ thêm, chứ không phải chỉ có 1000 năm; cha anh chúng ta đã hài lòng để người Pháp ngự trị tiếp, sau 100 năm trên dải đất Việt...

Tao xin lỗi mày là đôi khi nghĩ lại tao “phục” cái trắng trợn về câu nói này của lão Mao Trạch Đông. Biến cố 30-4-75 ở VN đã là một bài học nhưng chưa chắc đã làm một số người chạy giặc CS thấm thía. Tao nghĩ là mày vẫn nhớ khi học về lý thuyết của địch. Lão Mao có nói: “Trí thức không ích lợi bằng cục phân!”. Lời “nhục mạ” đó đã bao lâu nay vẫn chẳng cảnh tỉnh được những kẻ “thích bả vinh hoa” nhất thời mà CS mang ra dứ nhử. Tuy lão thốt ra câu đó, nhưng thực hành thì không bằng một góc thằng đệ tử của mình...

- Cái tên Polpot “cáp duồn” hàng triệu sinh mạng người đồng chủng của mình chứ gì?

- Trúng ngay boong! Mấy cán bộ CS Miên như những xác người không tim, một điều tin tưởng những gì lãnh tụ giảng dạy. Dân lành từ nay chỉ còn biết “sách vở là ruộng đất, cây viết là cái bừa, cái cầy!”, kẻ nào cãi lệnh cứ lấy dáo mác bửa vào đầu. Nhiều sọ người trong vụ tắm máu ở Miên đã là chứng cớ cho việc đó...

(Hình: Khmer Đỏ tại Nam Vang)

- Mà mày vẫn chưa đi vào câu tao đặt ra về việc “mê sảng” chống cộng?

- Ông đã nói hết đâu! Không có thằng “chó” nào ban bố tự do cho mình cả, mày nên nhớ điều đó. Tổ tiên ta đánh nhau “hộc máu mồm, sồm máu mũi” bao nhiêu lần với Tầu để dành quyền tự chủ? Không có chiêu bài “Kháng chiến” đưa ra dụ dỗ những người VN yêu quê hương dân tộc, thử hỏi thằng CS có đuổi Tây khỏi mảnh chữ S không? Gần nhất con bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chẳng phải đã giúp CS Hà Nội nuốt trọn VN hay sao?

  
(Hình: Khmer Đỏ xử tử tội nhân, con nít bị bắt lính cũng chằng tha)
Hiện giờ, ngoại trừ cái nhóm chóp bu của CS Hà Nội, không cần tuyên truyền, cả nước từ Nam chí Bắc đã biết rõ và chán ngấy cái thiên đàng “chủ nghĩa xã hội”. Cái chế độ độc đoán chỉ mang lại đói rách, lạc hậu và đầy rẫy bất công cho đất nước. Ông muốn nhấn mạnh với mày điều này, bất cứ chế độ nào có những hiện trạng tệ hại như ông đề cập, chỉ có những người ngớ ngẩn hay mắc bệnh tâm thần mới tin đó là một chế độ lý tưởng và không nên chống đối.

- Nhưng CS nó đang “cải cách” và “cởi mở”, một số “những con tim chân chính không bao giờ biết nói dối” đang “hồ hởi” tin nó có “thiện chí” và sẵn sàng “a dua” hay “cộng tác”.

- Chỉ có những người chưa biết CS là gì hay chạy ra ngoại quốc mà “ngây thơ cụ” như mày mới còn tin vào những chiến thuật “lùi một bước” này của CS. Mày có bao giờ nghe tụi nó nhận là Đảng đã sai chưa? Chưa phải không? Chỉ có cấp thừa hành làm sai. Mà Đảng là cái mẹ gì? Là mấy thằng ăn trên ngồi trốc trong Chính Trị Bộ của tụi nó chứ ai đâu? Có là đồ ngu mới chịu nhận chính mình sai, vứt bỏ mọi quyền lợi để lui về vườn và nhường địa vị quyền hành cho người khác! Và cũng chỉ có những anh ở ngoài vòng “cương tỏa” của CS mới có cái trò “năn nỉ” tụi Cộng “cho tụi em chơi chung với”. Thời còn miền Nam VN, cái trò “Hòa Hợp, Hòa Giải” CS đưa để dụ dỗ những kẻ hám danh tham lợi hoặc bất mãn hầu phá bĩnh đối phương. Giờ mọi thứ trong tay, không lẽ kẻ “chiến thắng” lại nhượng bộ “hòa giải” với tụi “chiến bại”?

(Hình: Lính Khmer đỏ khoe "chiến thắng")

Chẳng lẽ cái xe XÃ HỘI CHỦ NGHĨA của tụi ăn cướp đâm đầu vào NGÕ CỤT đang chết máy vì hết xăng, lại được mấy anh “chạy cướp tóe khói” ra đẩy phụ? Tao không đề cập đến những thành phần “ngây thơ, vô số tội” đang giúp tụi ăn cướp là các ngoại nhân chả biết cóc khô gì về CS...
oOo
- Chỉ có “chống cộng bằng mồm” là giỏi! Hai ông tướng ra khiêng dùm mấy đồ đi chợ vào dùm.

Bà xã hắn đi chợ đã về, phạng một câu xanh dờn, làm hai tên phải đứng dậy đi ra.

Vừa khiêng mấy giỏ thức ăn vào nhà, tôi vừa “hỏi móc” bà xã hắn:

- Chà, sao lúc này bà phê bình chính trị “cao và tốt” ra phết. “Cóc ngồi đáy giếng bao lâu”, giờ mới được nghe lời cao minh chỉ dậy. Cứ như ông Nguyễn Tú A, hay ông Đoàn Văn Toại gì đó phê phán những thằng đã là lính đánh giặc vậy.

- Cao cái gì? “Cao cái đít ông hoàng đế” thì có? Nghe mấy ông bàn cãi mãi phát chán, đàn bà con nít ngứa miệng nói chơi vậy thôi. Ai ăn phải bả của mấy tên đó mà phê phán mấy ông theo luận điệu tụi nó. Bỏ cái tên “chủ báo” đi về VN quay phim thắng cảnh, ca sĩ hát hỏng rồi rêu bán trong cộng đồng đó đi. Bỏ cái “cậu trốn lính” đang làm cái Viện Dân Chủ VN để ăn mày tiền và dụ người cộng tác cho CS đó đi. Ổng nhà tôi có nói, cái lũ “chó con” chạy quanh sủa nhắng có gì đâu mà có một số bà con đã xôn xao; “dỡn chó, chó liếm mặt” trách nó sao được. Đến lúc chủ của nó xua mấy con “chó dại” ra, chắc bà con ta còn hoang mang dữ. À, vụ anh Hòa đi trại cấm Hồng Kông, có tin gì lạ gửi về không anh?

- Chưa có gì chị ạ.

Nhắc đến chuyện một anh trong ban Biên Tập Ức Trai tình nguyện sang làm việc bên trại cấm Hồng Kông, ngay sau Tết Kỷ Tỵ vài hôm, tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện tôi và hắn đã có lần đề cập về cái bế tắc của dân tỵ nạn đang vướng phải. Một NGÕ CỤT mà lối thoát chả có gì là sáng sủa, tươi vui trong trông đợi của người tỵ nạn.

Tôi từng hỏi hắn đã lâu:

- Nạn hải tặc sao bùng phát quá vậy?

Hắn cau mày trước khi trái khoáy hỏi ngược lại tôi:

- Có khi nào mày đặt câu hỏi vì đâu mà có tệ nạn hải tặc Thái nhắm vào dân tỵ nạn Việt chưa?

- Nạn hải tặc trên thế giới người ta ví như là đám cỏ dại đã có tự cổ xưa, dân hàng hải trên thế giới đều có những chỉ dẫn tránh xa những chỗ hay xảy ra cướp bóc. Tụi hải tặc vịnh Thái cũng chỉ là một nhóm nhỏ trong khu vực biển đó, đương nhiên lúc nào chả có. Dân mình vượt biên, nhắm mắt đi càn, xui gặp tụi nó đành chịu vậy.

Hắn lắc đầu, cười khẩy:

- Nói như mày, chán thấy mẹ. Ngược về quá khứ, năm 79 là cao trào của dân tỵ nạn, mày có để ý trùng hợp với vụ ra đi bán chính thức của người Hoa không? Tao không có tài liệu đầy đủ về điều này. Nhưng một thằng bạn tao nó nói là hầu hết thuyền nhân Việt chạy Cộng đều không phải là những người có cơ hội hay hoàn cảnh để ẵm vàng gói bạc trốn đi. Chỉ có thành phần những người Hoa ở Chợ Lớn khi đi bán chính thức là được nhà nước CS cho phép thong thả xuống tàu. Đây là cái thắc mắc của nó. Ai biết rõ là các nghiệp chủ người Hoa này nhiều vàng, lắm đô la? Các thằng hải tặc Thái có người nằm vùng trong tụi cán bộ CS VN hả? Những vụ ăn hàng khởi đầu các thuyền tỵ nạn mà mục đích nhắm vào dân giàu ở Chợ Lớn, biết đâu chẳng lại do cán bộ, công an CSVN tổ chức? Tư sản mại bản “mất cả chì” lúc cuốn gói xuống tàu, ra khơi lại “mất cả chài” vì “hải tặc giả”. Chuyện đó có làm chết thằng CS nào đâu mà sợ...

- Thằng bạn mày đa nghi quá. Những chứng nhân người Việt biết tiếng Thái, khi kể lại xác nhận tụi hải tặc là người Thái cơ mà?

- Có lẽ đồ ăn thức uống ở đây được bón bằng “phân hóa học”, mày lại “nốc” vào nhiều quá nên đầu óc lú lẫn rồi. Cà răng căng tai, đóng khố, hút rượu cần... nó và ta hai bên đều làm được, xá gì cái tiếng Thái. Mời “ông” sang vùng Đông Bắc Thái xem dùm con, dân Việt thiếu giống gì ở đó. Mà mày vẫn không chừa cái tật con nít, chĩa mõm khi ông chưa hết lời. Thêm một điều này nữa. Một người bạn tao qua đây năm 80, khi còn ở trại tạm cư thuộc Mã Lai, giúp cho cơ quan Tị Nạn ở đảo, có kể câu chuyện số dân đi bán chính thức nhiều vàng lắm đô la, mỗi lần được đi sang Tân Gia Ba là mua sắm đồ đạc đắt tiền mang về làm giới chức tị nạn và dân địa phương lác cả mắt về sự sang cả này. Cái dại dột của họ lúc đó có thể chính là cái họa cho những kẻ đi sau vậy.

Nội những lời đồn thổi “mắt thấy rõ” về sự tiêu sài phung phí của các thuyền nhân giàu có, làm sao không lọt đến tai hải tặc vịnh Thái Lan. Mấy tên ngư phủ Thái nghèo nghe thấy cũng động làm tham, gặp thuyền tị nạn, xét thử chơi một vố, gặp “bở” thật. Thế là tin thuyền nhân Việt tỵ nạn có vàng đã là miếng mồi nhử cho bao nhiêu vụ cướp tàu tị nạn. Đầu tiên là vàng bạc. Hố sâu tội lỗi khi đã bước xuống dễ lún hơn, kẻ lỡ làm ác nhúng tay thêm vào các việc khác: cưỡng hiếp, bắt cóc, giết người... cũng chả có gì là lạ. Tay đã dơ phải rửa, nên chuyện giết người để phi tang bịt miệng sao tránh được.

Thảm trạng cho thuyền nhân tị nạn Việt đúng là vết nhơ muôn đời của nhân loại, là vết thương nhức nhối khó lành cho các nạn nhân và mọi người Việt... Dù nghi vấn thằng bạn tao đưa ra đúng hay sai, tao chỉ tóm lại một câu: Mọi sự đều bắt nguồn từ CS mà ra.
Ai có máu đỏ đen đều biết nỗi “cay cú” của người thua bạc. “Cay cú” có lẽ chưa đủ diễn tả hết nỗi niềm uất ức trộn lẫn máu và nước mắt của kẻ thua cuộc thuộc loại hắn. Hắn đã ưu tư đặt vấn đề này dù biết người được hỏi khó mà đáp ứng:

- Thế giới, hay đúng ra Mỹ cầm đầu đã muốn “dứt điểm” vụ tỵ nạn của người Việt. Bao nhiêu các đoàn thể của cộng đồng VN trên thế giới làm được gì để gọi là “cứu” họ, trước khi bó tay để các nước có dân tỵ nạn gửi trả các người này về VN? Nếu làm được một phần nào, tác dụng tâm lý của nó coi vậy không phải là nhỏ. Nó là một chất xúc tác cực mạnh cho 60 triệu đồng bào trong nước vẫn còn trông đợi một hành động cụ thể hữu ích nơi việc làm của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại.

Tôi cũng chỉ biết chia sẻ nỗi ưu tư của hắn bằng cách nói vuốt đuôi:

- Gạt qua nghi vấn cảnh giác “CS có thể gài người” trong số dân tỵ nạn, ta chỉ biết một điều khi tỵ nạn CS là họ đã chạy về phe mình. Không làm được gì để “cứu” họ khỏi bị trả về VN, quả là một “khổ tâm” lớn cho những người có lòng với dân tộc...



Chỉ khoảng 3 thập niên trước những phụ nữ này đã phải bỏ nước ra đi vì chế độ CSVN kỳ thị đàn áp. Họ bị hải tặc bắt cóc và đày đọa trên đảo Khra: These Vietnamese women had hidden from the pirates in caves on Khra Island for fear of being raped. They had been forced to stand in knee deep sea water for days, during which sea crabs ate away much of the flesh of their feet and legs.

Lan man nghĩ ngợi, tiếng bà xã hắn làm tôi giật mình, thấy mình đang đứng tần ngần trước cánh cửa tủ lạnh vẫn rộng mở, sau khi đã cất thức uống vào trong xong:

- Rồi, mời hai ngài ra ngoài chơi để tui làm cơm.

Bà xã hắn “đuổi” hai tên ra lại phòng khách. Từ nãy tôi thấy hắn sao êm rơ, nghĩ là chàng say. Một kiểu say “không nói nhiều”. Nhưng hắn đã pha xong bình trà từ hồi nào, vừa thong thả rót trà vừa nghiêm nghị nói:

- Như tao đã nói với mày từ trước, vấn đề dân Việt tỵ nạn đối với Mỹ và các quốc gia khác đã đến lúc họ phải tìm cách “dứt điểm”. Vụ trả người tỵ nạn về VN lần này sẽ khác hơn con tàu VN Thương Tín năm 75. Cao Ủy LHQ đã tuyên bố sẽ liên lạc với các người được trả về, một hình thức kiểm soát xem CS có làm khó dễ họ hay không. Liệu cơ quan này áp dụng điều đó được bao lâu? Họ có kiên nhẫn “trường kỳ” bằng tụi gian manh không?

- Nhưng ít nhất là LHQ đã biết “tẩy” vấn đề CS trả thù?

- Tao không nghi ngờ lòng tốt của các tổ chức từ thiện quốc tế đã từng cứu giúp tất cả người Việt chúng ta. Nhưng “ngày một ngày hai” rồi họ sẽ lãng quên, vì đâu có phải họ chỉ lo cho riêng dân VN. Mày không nhớ ngân khoản dành cho dân tỵ nạn VN vừa được chính quyền Bush “mượn đỡ” để phục vụ cho dân Nga gốc Do Thái và Armenia sang Mỹ cư trú sao?

oOo

“Một đêm bàn quẩn chuyện đời” của chúng tôi chấm dứt khi cơm chiều được dọn ra. Tôi và hắn trong bữa ăn không ai bảo ai đã tránh đả động đến những vấn đề “nghẹn cổ” mà hai đứa đã đề cập.


Trên đường về, tôi lại lái xe băng ngang khoảng đường dài hun hút vắng tanh dọc một căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Tôi mong được nghe lại tiếng cánh quạt của chiếc máy bay trực thăng lập lòe xanh đỏ trong đêm tối. Nhưng dưới mảnh trời đêm trước mặt chỉ thấy đầy sao lấp lánh, ngoài tiếng động cơ đều đều của cái xe, mọi vật như say ngủ. Đêm đã khuya, chắc mọi người đã yên giấc, kể cả các chàng lính trong cái xứ sở “may mắn” không chiến tranh này.

Thiết Trượng 4/89
Ức Trai số 4 - Nội san Hội Ái Hữu Cựu SVSQ ĐH/CTCT Đà Lạt-1989

 (*) Bổ túc Hình mới liên quan đến FulBright:

(1) Trích dẫn nguyên văn từ tuần báo DIỄN ĐÀN THANH NIÊN số 118, phát hành ngày 8-4-1989, trg 1.
(2) Trích nguyên văn trong bài TRẬN CHIẾN XÓT XA của ĐỖ THÁI NHIÊN , tạp chí THỜI LUẬN, số ra ngày Thứ Sáu 24 tháng 2 năm 1989, trang 25, cột 3. 
(3) Đoạn này đuợc cập nhật khi đăng trên  Nguyệt san KBC, Số Tháng 5 năm 2017 (Tiếc là khi đăng lại nếu ban Biên Tập của Nguyệt san KBC có lời dẫn nhập như sau thì tốt hơn:
Một bài cũ vẫn trong bối cảnh nước Mỹ có vụ hạn chế nhập cư, kỳ thị và chia rẽ - lần này có thêm việc trưng cờ hay giữ tượng tướng Lee của phe bại trận trong kỳ nội chiến Nam-Bắc)
Vụ án Vườn Cam năm 1980:  3 chàng trẻ Việt và một em dưới vị thành niên cho ‘em gái ăn sương’ quá giang. Tiền bạc “thanh thỏa” không làm cô gái hài lòng nên “gài độ” là bị hiếp dâm. Cái khốn nạn là Tòa Án đã “kỳ thị” dân Á châu. Bản án dành cho hai anh em họ Phạm mỗi người là 120 năm, Nguyễn Minh 100 năm, và TL, người trẻ chưa đến tuổi thành niên, lãnh bản án 50 năm. Bản án 390 năm cho bốn thiếu niên Việt Nam, được dư luận cho là quá nặng, đầy tính kỳ thị và có những phần oan ức không được giải bày. Vì nếu các em này giết chết cô gái thì bản án cũng chỉ vài chục năm là cùng. Vì gia đình các em đều mới đến Mỹ, rất nghèo không có tiền nên các luật sư đại diện đều do tòa án chỉ định. Xem chi tiết : 
  http://suutamtonghop.blogspot.com/2011/04/vu-vuon-cam-va-loi-lam-cua-tuoi-tre.html?m=1

No comments: