January 30, 2007

(9) Nha Trang nỗi nhớ khôn rời


Dạ Ngọc
Trong bài “Nha Trang Một Thời Quyến Luyến” của đặc san Nha Trang Khánh Hòa 2003, chỉ lỡ dại thòng vào một đoạn, hứa là nếu có dịp sẽ kể thêm về những bóng hồng thấp thoáng nơi vùng biển nhớ, mới đây tôi bị ông Hội Trưởng Văn Hùng Đốc chỉ mặt “viết ra, những ai đâu?”. Nhủ thầm, chết mẹ rồi, đời tư hay ho gì mà mình mang ra kể lể, cái này hơi kẹt đây. Rồi nghĩ lại, có khi “thằng cha này” bày đặt ghen tuông với quá khứ? Anh chàng tò mò muốn biết có người nào của chàng mà mình lỡ hâm mộ chăng? Đời mà, biết đâu hồi đó có kẻ yêu thầm nhớ trộm ai đó mà mình trong lúc hên “mèo mù vớ cá rán” lại được dung dăng dung dẻ hoặc đây đó loăng quăng, bây giờ đọc thấy có khi chàng ta lên cơn “nhồi máu cơ tim” bất tử, biết đâu chừng. Đã thế, thôi đành chiều ông Hội Trưởng cho chàng thỏa mãn tính tò mò vậy! 

oOo

Sau hơn nửa năm “thử kinh doanh” ở miền thùy dương cát trắng, thấy không có gì khả quan, gia đình tôi dời cư về lại Sài Gòn mùa Thu năm 1957. Tôi không ngờ trở lại vùng biển có thành phố đẹp là Nha Trang trong một dịp rất tình cờ 13 năm sau, đầu hè năm 1970. Khi đó, tôi bị thương tại một đơn vị thuộc vùng 2, phải giám định y khoa tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang. Tình hình chính trị lúc đó rất sôi đọng vì phong trào Thương Phế Binh tranh đấu đòi quyền lợi. Lúc tôi ghé Nha Trang là thời gian Nguyễn Rô một “lãnh tụ” Thương Phế Binh từ Sàigòn đang ra đây để phát động cao trào chiếm đất “cắm dùi”. Khu vực khác trong thị xã tôi không biết, vì đang chống gậy và dưỡng thương một chân gần gẫy nên không đi được nhiều nơi, nhưng loanh quanh tòa hành chánh tỉnh tôi đã thấy vài ngôi nhà, gọi là nhà cho nó oai chứ chỉ là vài tấm cọc dựng lên che bằng vách ván hay cạc tông, mái lợp tranh hay tôn như một ngôi quán tạm bợ nhỏ bé. Ấy thế mà chỉ mấy năm sau trở lại Nha thành, nhiều chỗ tôi thấy “cắm dùi” trước kia đã trở thành những ngôi nhà hợp lệ hay cửa tiệm, quán ăn này nọ… ở khu vực mà tôi thấy từ tòa hành chánh tỉnh, bắt đầu nơi khách sạn Lan Đình, vòng qua biệt thự có phòng khám bệnh của bác sĩ Nguyễn Gia Quýnh về hướng Viện Pasteur (hình như đường Hàn Thuyên thì phải), trước khi về nơi tôi tạm trú ở nhà ông bác tại đường Phan Thanh Giản.

Tôi ngỡ ghé Nha Trang vài ba ngày rồi trở lại đơn vị, không ngờ hội đồng giám định y khoa dời lại ngày xét đến tuần sau. Cái này hơi ngặt cho một tên quân nhân thường “rách địa”, nay lâm vào hoàn cảnh vất vưởng xa đơn vị, thiếu bạn bè. May mà ông bà bác thí cô hồn cho ăn ở miễn phí chứ không cũng vất vả xoay sở để sống còn. Hai hôm nay tôi đã phải mua thuốc lá lẻ từng điếu, đủ biết túng bấn cỡ nào.

Như thường lệ hằng ngày trong nhà ông bác người lớn đi làm, mấy đứa nhỏ đi học hè, bà bác thì ngoài chợ búa còn bận bịu hụi hè lẫn số đề, mình tôi buồn quá bèn cầm ba-toong chân bước lê ra bãi biển ngắm nhìn mây nước. Theo đường Phan Thanh Giản có trồng những cây bàng rồi đi qua Bưu Điện trước khi vòng ra biển. Cây bàng gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm xa xưa ngoài Bắc, cùng mấy bạn nhóc tì lượm mấy quả khô đập ra, hột bàng ăn béo bùi không kém hột lạc. Lá bàng một mặt nhẵn láng, lúc sắp úa vàng biến thành đen nâu, hay được cô bé hàng xóm của tô, lúc tụi này bốn năm tuổi cầm lấy đầu thân cuống lá, tay kia kéo cuống nhọn dứ dứ vào mặt bạn, giả như mấy con trâu đen nhùi nhũi đang chọi nhau.

Bãi biển Nha Trang 
Biển Nha Trang hôm nay rực rỡ hơn bởi cơn nắng hè, những bọt sóng nhấp nhô lấp lánh như kim cương tràn đầy trên mặt biển trong bầu trời xanh ngắt mây nước. Bãi biển náo nhiệt ồn ào vì tiếng đùa dỡn la hét của đám con nít đang chạy nhảy trên cát. Tôi có cảm tưởng chắc đứa nào không học thêm vào mùa hè, hình như đều muốn kéo hết ra ngoài bãi biển để tha hồ phá phách mà không sợ bị la rầy. Đúng lúc đang thưởng thức điếu thuốc vừa mua lẻ để “khói buồn vương lên mây”, trên bãi cát cạnh Quán Số 1, tôi giật bắn người vì cứ ngỡ là mình đang mơ, khi một giọng Huế ngọt ngào “chết người” quen thuộc vọng lên từ phía trái đằng sau:

“Gà ơi! Ngồi một mình, si tình ai rứa?” (Tôi tuổi Dậu cầm tinh con gà, nên nàng nào thật thân mới “cà rỡn” gọi vậy)

Tôi quay lại, dưới bóng mát hàng dừa xanh lung linh những tia nắng nhảy nhót, một nàng tiên xinh xắn nhỏ bé trong vạt áo dài trắng phất phới theo gió biển, mái tóc thề cũng như đùa theo làn gió bay lượn tung tăng, đang cười rạng rỡ nhìn tôi. Trời đất ạ! Dạ Ngọc đang ở Đà Lạt cơ mà? Nhưng rõ ràng nàng với hai cô bạn vẫn cười mím chi với tôi kia kìa.

Lúc cùng Dạ Ngọc và hai bạn nàng trong quán uống nước giải lao, tôi mới biết các nàng nghỉ hè đi du lịch và ghé Nha Trang. Nhờ có địa chỉ tôi đã cho, bà bác mới đi chợ về bèn chỉ ra biển là nơi tôi hay lủi thủi tìm chỗ “trốn sầu”. Bà chị dâu cả của tôi trong một dịp tình cờ vui đùa trong gia đình, khi nghe tôi kể lại chuyện gặp Dạ Ngọc ngày hôm ấy, trong túi không có tiền, các nàng đòi vào quán, bèn bỏ nhỏ Dạ Ngọc mượn tiền để bao các cô, bà chị nghe xong lắc đầu chê thằng em út (tôi là út trong gia đình ) “mặt trơ không biết mắc cở” đi mượn tiền con gái. Tôi cãi bướng, có gì xấu hổ đâu, em mượn rồi trả và chuyện chính là mời mấy cô nàng chứ có xài bậy bạ đâu. Dạ Ngọc còn có những kỷ niệm đáng nhớ với tôi ở Nha Trang, khi cả hai đứa tình cờ làm việc tại đây. Đó là chuyện thời gian sau này.

Kết quả Hội Đồng Giám Định Y Khoa bắt tôi phải tái khám tháng tới. Đi máy bay quân sự trở lên đơn vị cũ tại Đà Lạt, tôi về nhà chú thím gần viện Pasteur. Đi đâu cũng phải nhờ mấy đứa em họ chở, nên chỉ gặp Dạ Ngọc vài lần. Tình cảm của tôi đối với nàng lúc đó cứ lãng đãng như sương mù Đà Lạt trong ban mai. Có lẽ tôi có ấn tượng mình quen được với nàng là may mắn quá rồi. Xinh xắn dễ thương như nàng thiếu gì kẻ “mê tín”. Mà thật sự vậy. Khi quen rồi, tôi mới biết người “ái mộ” Dạ Ngọc có vẻ hơi đông! Ái chà! Kiểu chết nhát tài hèn, đen đủi xấu trai như mình lọt sổ là cái chắc. Đấy là những kẻ tình cờ giáp mặt, còn địch thủ “vô hình” chưa xuất hiện là bao nhiêu nữa đây? Cứ chịu thua là chắc ăn, và được nàng vui vẻ cho phép “anh đến thăm em một chiều mưa” là vui rồi!

Nhớ lúc được thằng bạn dẫn đến nhà để bắt đầu diện kiến người đẹp, mới biết chính nàng chút xíu vô tình là “thủ phạm” tai nạn xe cộ của mình. Số là đơn vị tôi, đường ra khỏi cổng một quãng ngắn là qua khu nhà chị em Dạ Ngọc ở. Hôm đó nàng đi học về, tôi đang phóng xe ra thị xã để trả cho thằng em họ. Một cô gái đẹp đi ngược chiều, trừ phi chỉ có mù mới không ngắm, nên tôi cũng không thoát khỏi thông lệ đó. Nhưng khổ một cái nhan sắc và dáng hình của Dạ Ngọc làm tôi phải ngoái đầu lại. Trời hại có khác, một cục gạch có dính xi măng chắc ai chở xà bần làm rớt, bị bánh xe cán phải làm xe tung lên, chiếc xe gắn máy mất thăng bằng gần hất thằng tôi xuống đất. Té cái đó, không lọi tay, cũng vẹo cố là cái chắc. Thành ra khi quen được Dạ Ngọc, tôi chỉ nhủ thầm, em ơi, em có biết em gần giết anh rồi đó. Chuyện xấu hổ gần té xe vỡ đầu này tôi dấu tiệt cô nàng.

Kỳ tái khám tôi cũng không cho Dạ Ngọc biết quyết định xin giải ngũ. Xuống Nha Trang lần thứ hai, thằng em họ đang nghỉ hè đòi đi theo. Hắn muốn đi thăm cô bạn gái một thời từng trọ học ở nhà chú thím tôi. Vì hai gia đình đã biết nhau, sau khi thư từ liên lạc trước, lúc tôi xuống thành phố biển lại được ăn nhờ ở đậu “miễn phí” tại nhà bé Ánh, bạn thằng em họ tôi. Mẹ Ánh là một mẫu đàn bà phúc hậu và tốt bụng, có một sạp vải ở chợ Nguyễn Hoàng. Bà già chỉ biết tôi thời gian ngắn lúc đó, vậy mà mấy năm sau, khi thuyên chuyển về làm việc ở Nha Trang có chuyện cần, tôi lại nhờ vả, bà già giúp không đắn đo. 

Dù chỉ tạm bợ vài ngày nơi nhà Ánh, nhưng chắc tổ đãi, tôi được một vài cô bạn của Ánh đãi quà bánh đều đêu. Chuyện này không dính dáng đến tình cảm trai gái mà chỉ là quà thưởng của mấy cô trả công cho tên “thầy bói” là tôi. Tôi trở thành một tên bói bài hồi nào không biết. Mà tôi cũng chẳng cố ý học môn bói toán này, chỉ là một chuyện ngẫu nhiên mà ra.

Số là trong lúc dưỡng thương tại nhà chú thím ở Đà Lạt, con cháu lớn của cô em họ sưu tầm ở đâu chẳng biết một tập vở chép tay về nghệ thuật bói bài. Rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi vớ lấy tập vở bói toán đứa cháu đưa cho mượn, rồi mầy mò thực tập. Vì không chủ đích cho chuyện này, nên tôi chỉ nhớ khái niệm tổng quát những quân bài chủ và ý nghĩa của nó. Lúc xuống Nha Trang, buổi tối hai cô chủ nhà nghe thằng em họ tôi “làm quà câu chuyện” nói rằng tôi biết bói bài. Thế là thân ăn nhờ ở đậu từ chối không xong, phải hành nghề bất đắc dĩ. Chả biết mười chuyện trúng được bao nhiêu, nhưng sau đó cứ tối đến là tôi phải xủ hai ba quẻ cho khách bạn của các nường.

Quý vị dư sức biết, các cô trẻ trong cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đều bận tâm về chuyện tình cảm bồ bịch không hà. Coi bài đoán cho mấy cô, bài hiện lên sao tôi nói vậy, chứ không dám ba hoa vẽ vời. Lý thuyết trong cuốn vở coi bói chưa nhớ hết, nên cứ đại khái cho xong. Nhưng có lẽ nhờ “thần khẩu” nhập, mấy ngày sau vài ba cô khen rối rít và mua kem, nước sinh tố, bánh kẹo lại đãi ông thầy.

oO0

Cầm tờ nghị định giải ngũ, “ông thầy bói bất đắc dĩ” dông ngay về Đà Lạt, không lời giã từ các thân chủ, ngoại trừ các nường chủ nhà. Tôi tưởng cái trò bán xới ra đi không hẹn ngày về, thiếu tình kém nghĩa với Nha Trang sẽ khó có ngày được ngắm lại phong cảnh miền biển hữu tình này. Nào ngờ đâu, cuối năm 1972, tôi bị thuyên chuyển ra Vùng 2 và Nha Trang lại là nơi tôi cư ngụ và làm việc cho đến ngày mất vào tay Cộng sản.

Ra làm việc tại thành phố biển, vì độc thân nên thuê chung nhà với các anh em địa phương khác cũng hoàn cảnh xa gia đình. Chưa được một năm, dời chỗ ở đến ba lần. Sau cùng lâu nhất cho đến ngày di tản trước 1975 là ngôi nhà rộng ở số 35 Tô Hiến Thành. Lúc đi thuê, mấy ông bạn ưng ý vì phòng ốc rộng rãi, chưa kể đất trống khoảng khoát quanh nhà. Ngặt một cái, lúc đặt tiền cọc chả ông nào có đủ tiền, vì kỳ lương chưa đến. Thấy vậy, tôi bèn muối mặt “vác mặt mo” ra chợ Nguyễn Hoàng ghé bà mẹ bé Ánh, chủ sạp vải ở chợ Nguyễn Hoàng mà đoạn trên có đề cập, kể rõ ngọn ngành để mượn tiền.

Ở được chỗ mới này đâu chừng vài ba tháng sau, mới nghe ông bạn ở địa phương thắc mắc, sao các cậu lại đi thuê nhà... có ma mà ở! Mấy thằng nghe đều ú ớ cả. 

Chả thằng nào trong chúng tôi dám nhạo báng chuyện siêu hình, chỉ biết biện bạch, mình có phải dân cư ngụ tại địa phương đâu mà biết nếp tẻ, ngô khoai. Chúng tôi còn chống chế, mình không làm gì khuất tất bậy bạ, chắc ma quỉ cũng chẳng phá phách, với lại tìm được một chỗ rộng rãi khoảng khoát để các anh em địa phương mỗi khi về Vùng họp có chỗ tạm trú thoải mái không phải dễ, nên cứ ở đã rồi tính sau. Ngoài chuyện ông bạn thắc mắc, mấy cô “tay chơi” vũ nữ, bán bar hay la cà chỗ chúng tôi cơm hàng cháo chợ, cũng ngạc nhiên khi biết chúng tôi dám ở ngôi nhà, không phải là ma nữa, mà là nhà ... của quỉ!

Trong các cô, có em Kim biết rõ câu chuyện thuật lại cho tôi và cũng chính Kim đầu năm 75, khi tình hình chiến sự sôi đọng đã giao cho tôi mảnh giấy mà cho đến nay tôi vẫn còn giữ, nói là của vị cư sĩ, chủ nhà của cô tặng cho tôi làm vật hộ mạng. Mảnh giấy có hai đoạn Thần Chú: Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú và Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú. ***

Thật sự, ngôi nhà em Kim cho biết mà chúng tôi lúc đó đang thuê có nhiều hiện tượng khó giải thích đã xảy ra cho những người trong cuộc. Kể lể chuyện ma quỉ ra đây cũng không phải ngắn gọn mà “mảnh đất” ông Hội Trưởng dành cho có giới hạn, để còn bài viết của những thân hữu khác, nếu còn duyên với Nha Trang chúng tôi sẽ kể thêm chi tiết “ngôi nhà của quỉ” vào một dịp khác.

oOo

Trở lại câu chuyện gần một năm đổi ra Nha Trang, lêu bêu chưa có bám theo được một bóng hình nào để thấy đời mầu hồng, bỗng một hôm tôi nhận được tin Dạ Ngọc “ghét” làm sinh viên Đà Lạt, đã thi vào thuế vụ và nhiệm sở là Nha Trang. Chắc tâm tình tôi lộ ra ngoài mặt, nên mấy đứa con người bác cùng làng ngạc nhiên khi gặp tôi, nhất là chị Thúy (lớn hơn tôi vài tháng và đã lập gia đình) thắc mắc: “Gà có gì vui mà cứ vác mặt lên giời, tủm tỉm cười hoài vậy?” Tôi chả dại gì mà khoe tâm sự, thoái thác là đang đọc truyện tiếu lâm Ba Giai Tú Xuất nên thấy vui vui thích chí, thế thôi. Bà Thúy này coi vậy mà tinh đáo để, đang ngồi với hai cô bạn cùng làm ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, chỉ cười rộ lên nói với Loan, cô em gái sau này lên học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt: “Tên Gà này nó dấu cái gì đó mi ơi!” Sau này, tôi rất thân chị Thúy, có biệt danh là Thúy "tóc dài" Việt Nam Thương Tín và nhờ chị tôi có những kỷ niệm đáng nhớ khi xa nhà.

Lúc Dạ Ngọc làm tại Thuế Vụ, chiều nào rảnh rỗi tôi thường ghé rủ loanh quanh đi phố cà phê nghe nhạc, đi ăn, hoặc ra biển… Thú vị nhất làm tôi nhớ hoài là một chiều đến thăm, tưởng người đẹp đang đau ốm phải nằm liệt trên giường, khi nàng quay ra, tôi mới bật cười, thấy dưa leo đắp trên mặt tùm lum. À! Thì ra em bé đang làm đẹp. Em chăm sóc sắc đẹp kỹ như vậy, thảo nào làn da mịn màng trắng trẻo chỉ khiến người khác muốn chồm lấy hôn lên nó.

Dạ Ngọc chắc không nhớ được một món ăn đặc biệt của Nha Trang, đó là món bánh ướt Thành ở Diên Khánh. Món bánh ướt tráng nóng tại chỗ rồi quết đậu xanh nghiền nát với mỡ hành (y hệt bánh bèo), tôi ăn quên thôi. Mỗi lần công tác ở Thành hay gần đó, thế nào tôi cũng phải ghé quán của cô bé Khánh dễ thương ngay trên Quốc Lộ rất đông khách để thưởng thức món ăn không thịt này. Còn một nhà hàng sau này từ khi Dạ Ngọc không ở Nha Trang nữa, tôi không bao giờ ghé lại, đó là quán bánh cuốn Cát Tường. Cái tên gợi nhớ nhà họa sĩ đầu tiên vẽ kiểu áo dài Việt Nam. Sau 30 năm, tôi không còn nhớ tên con đường có quán ăn này, chỉ nhớ gần khu sân vận động. Tôi không muốn trở lại có lẽ vì cảnh cũ nhưng thiếu người xưa, một kỷ niệm sâu đậm khi tôi và Dạ Ngọc đến ăn quán này lần đó đã gặp bố chị Thúy tóc dài. Sau đó ít lâu, trước mặt cả nhà, trong dịp tôi ghé thăm, bác trai chỉ hỏi: “Cô bé đi ăn bánh cuốn với Gà coi xinh đấy chứ!” Lời nói của bác làm tôi nở lỗ mũi với mọi người và nhớ hoài. Đương nhiên tiếp đó là tôi phải dẫn Dạ Ngọc đến “trình diện" các giám khảo nữ lưu ở nhà ông bác. Bà bác thì biết mặt Dạ Ngọc đã lâu, người đã chỉ nàng chỗ ra bãi biển khi tôi chờ hội đồng giám định y khoa lần đầu tiên.

Nhưng rồi miền thùy dương cát trắng với những đêm trăng thơ mộng, sóng biển rì rào không giữ nổi bước chân người, hay cũng có thể tôi không đủ tài nhốt được con tim nàng, nên ít lâu sau Dạ Ngọc thôi việc và trở lại Đà Lạt. Cái gì mê muội để tôi không dám hỏi nàng về những quyết định “đứt tim” ấy. Tôi chỉ lặng im chấp nhận. Cũng như sau này tôi chỉ câm nín khi người bạn đã giới thiệu tôi gặp nàng lần đầu, báo tin là Dạ Ngọc đã có ông bồ Võ Bị. Những lần lên Dalat sau đó, hầu như tôi e sợ rồi tránh né không dám đến gặp chị em nàng nơi căn lầu nhỏ chôn dấu đầy kỷ niệm. Mãi sau này Dạ Ngọc về dạy học ở Ban Mê Thuột, tôi có liên lạc và đến thăm một lần nhân dịp công tác. Hình như có một cái gì ngăn trở tôi bộc lộ chân tình.

oOo

Ngày tháng trôi qua, cho đến khi biến động kinh hoàng cả miền Nam. Tôi rời Nha Trang trong không khí hốt hoảng, rối loạn của dân chúng miền Trung chiều tối ngày 31 tháng 3 năm 1975. Trên con tàu giã cào nhỏ, ở phía bên Tháp Bà, chờ mấy tiếng đồng hồ nước thủy triều mới rút, vượt qua chân cầu Hà Ra hướng ra biển, ngó bên bờ Xóm Bóng, đông nghẹt lính tráng với súng ống và dân chúng nhấp nhô cả trên trườn đá đang chờ phương tiện thoát thân mà xốn xang rã rời, buồn bã. Tôi không ngờ đây là lần giã từ thật sự Nha Trang thơ mộng hiền hòa của mình.
Sau ba ngày hai đêm nằm trên mui, vì dưới ghe chật ních ông bà già và con nít, con thuyền chở tôi xuôi Nam mới ghé đến Vũng Tàu. Sau đó là những ngày căng thẳng tháng Tư đen ai cũng biết.

Khi về Saigon, trong lúc đôn đáo đầu này đầu nọ, một hôm ngồi sau xe thằng bạn ngừng tại khu chợ cá Trấn Quốc Toản chờ đèn cho người đi bộ, tôi hốt hoảng gọi một phụ nữ đang đi bộ ngang đường: “Chị Thu ! Chị Thu!” Chị ngừng lại ngó tôi, rồi òa lên khóc nức nở: “Dạ Ngọc nó mất tích ở Ban Mê Thuột rồi!” Tôi như chết cứng không còn phản ứng và á khẩu luôn. Đèn cho xe đi, chị chỉ còn kịp vẫy tay, còn tôi như thây ma không cử động. Thằng bạn chở tôi thấy tôi im lìm hỏi có sao không. Lúc đó tôi chỉ ậm ừ để cho nó biết tôi vẫn còn tỉnh như bình thường. Nó sao biết được tôi đang nghĩ về Dạ Ngọc, không lẽ bản nhạc Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời lúc hai đứa nằm bò trên sàn gác ở Đà Lạt cố nghe cho rõ lời để ghi lại, bây giờ lại ứng vào đời em thì oan nghiệt quá:
“Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi... xa xôi.
………………
Nếu một mai không còn ai
Đứng bên kia đời trông vòi või
Không còn ai ! Đâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là gian dối mà thôi.”

https://www.youtube.com/watch?v=ywicyMWZdG8 
oOo

Ở Hoa Kỳ năm 1993, tôi nhận tin Dạ Ngọc mới qua theo diện H.O và đang ngụ tại Texas, đúng như khoảng thời gian trong bài Tình Già của Phan Khôi nếu chúng tôi gặp nhau nơi đất khách. Ngay sau 1975, với những ngày tháng chết đi sống lại nếu mà nhận tin “nóng hổi” như thế, chắc tôi đã tung hê tất cả đâm bổ đi tìm nàng. Nhưng nay thực tế đã khác, mỗi người đều có gia đình để an phận. Muốn cãi số mệnh cũng không còn thời gian nữa! Tôi có muốn với Dạ Ngọc đi cùng nẻo Nha Trang và Đà Lạt, nơi in dấu chân hai đứa cũng chỉ là mộng mơ ảo tưởng!

Gần đây, liên lạc được với một cô bạn của Dạ Ngọc, người này biết rõ “mối sầu tình” của tôi, trong một ngày cuối năm có email đến tôi như một niềm an ủi: “Nhớ lại những ngày tháng trước Tết, thời gian sau 75 còn kẹt lại ở Việt Nam, hai đứa lang thang ở Saigon nhìn thiên hạ. Dạ Ngọc có tâm sự, nhớ đến bài Em Đến Thăm Anh Đêm 30, đi tìm một người để thầm nghĩ rằng mình còn có một chút gì đó thật ấm cúng trong lòng nhưng để không có gì hết – tháng ngày đã trôi qua, tình đã phôi pha, người đã khuất xa…”

Nha Trang thành phố xinh đẹp với biển xanh gió nồng nắng ấm, nơi chất chứa những kỷ niệm khôn rời trong tôi. Những dáng hình diễm kiều vẫn hiện về trong trí nhớ chẳng khác chi sóng biển đại dương vỗ mãi chập chùng vào bờ không ngưng nghỉ. Tâm cảm tôi về chốn cũ với những dáng hình yêu thương có lẽ sâu đậm hơn cả lời hát của bản nhạc Tình Nhớ:
Tình ngỡ chết trong nhau / Nhưng tình vẫn rộn ràng
Người ngỡ đã quên lâu / Nhưng người vẫn bâng khuâng
Những ngón tay ngại ngùng đã ru lại tình gần
Như ngoài khơi gió lộng hết cuộc đời lênh đênh
Người ngỡ đã xa xưa / Nhưng người bỗng lại về
Tình ngỡ sóng xa đưa nhưng còn quá bao la
Ôi trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ
Như bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa

https://www.youtube.com/embed/tv4XC5axkRQ

Dạ Ngọc
(Những ngày vào Thu tháng 10-2005)

https://www.youtube.com/watch?v=YAJnCReZsq8



Note: ***

Tác giả đã giữ tấm giấy có 2 đoạn Thần Chú để nhớ và đội ơn đến Kim Thanh và vị Cư sĩ chủ nhà: (độc giả nào có lòng tin và muốn lưu giữ, cứ copy và in ra)

CÁT TƯỜNG THẦN CHÚ
Nam-mô tam mãn đa mẫu đa nẫm – Án bát ra để hạ đa xá, Ta nẵng nẫm, Đát điệt tha – Án khê khê, khê hế, khê hế hồng hồng, Nhập phạ ra, nhập phạ ra.
Bát ra nhập phạ ra, Bát ra nhập phạ ra. Đệ sắc sá, đệ sắc sá. Sắc tri rị, sắc tri rị. Ta phấn tra. Ta phấn tra. Phiến đề ca. Thất rị đế. Ta phạ ha.

PHẬT MẪU CHUẨN ĐỀ THẦN CHÚ
Khể thủ quy y tô tất đế. Đầu diện đảnh lễ thất cu đê. Ngã kim xưng tán đại chuẩn đề, duy nguyện từ bi thùy gia hộ
Nam mô táp đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cu đê nẫm đát điệt tha. Án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề, ta bà ha.


(Đi đứng, nằm ngồi, luôn luôn đọc thì công đức vô lượng)


https://www.youtube.com/watch?v=_CH-RJoGZtA&feature=emb_logo

No comments: