January 30, 2007

(4) SỨC MẠNH ĐỒNG Đô-la Mỹ

Sức mạnh huyền bí đồng Đô-la Mỹ: Nhờ vào Quốc hiệu in trên giấy bạc?
LTS: Trong loạt bài của mục Huyền Bí, chúng tôi xin trích bài sưu khảo sau đây của Thiết Trượng đã được đăng tải trên Tạp chí Việt Nam Press năm 1995.
Thiết Trượng sưu khảo
Qua bao thế kỷ, các chiêm tinh gia đều xác quyết có một luật tuần hoàn và tự nhiên của vũ trụ; thành thử trong lịch sử nhân loại rất nhiều người đã cố gắng tạo dựng những kiến trúc, kiểu mẫu hay biểu tượng ứng hợp với sự vận chuyển tự nhiên của thiên văn học không ngoài mục đích đạt được mong ước cho riêng cá nhân, tôn giáo hay quốc gia mình... Chữ Vạn của Phật giáo, chữ Vạn ngược của Đức quốc xã, Thánh giá của Thiên Chúa giáo, tượng Người đầu sư tử hay Kim Tự Tháp của Ai Cập, Thiên Nhãn của Cao Đài... mỗi mỗi đều có ý nghĩa của nó.


Chính vì vậy, nếu chúng ta cho rằng Hoa Kỳ, ngay từ khởi đầu đã được một số nhà lập quốc của nước này cân nhắc, xếp đặt biểu tượng quốc hiệu sao cho Hoa Kỳ lúc nào cũng là một quốc gia hòa bình nhưng cũng là một nước hùng mạnh về quân sự, chắc nhiều người cho đây là điều hoang tưởng.

Trước hết, trong bài này chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm là việc chọn quốc hiệu cho Mỹ, đầu tiên các nhân vật được tuyển lựa đều là những nhà thiên văn, khoa học gia (kiểu Á đông thường cho là “trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý”). Thứ hai, Quốc hiệu này đã được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, đặc biệt nhất đã in trên đô-la, giấy một đồng của Mỹ. Ngoài ra, điểm thứ ba là phi thuyền của Mỹ đã phóng hình Quốc hiệu Mỹ vào vũ trụ.

Đồng đô la Mỹ là một ngoại tệ giá trị độc nhất vô nhị đã tung hoành khắp nơi trên thế giới. Phải chăng đồng đô la của Mỹ là một loại “bùa ếm” mà những nhà lập quốc Mỹ đã có chủ ý, với dụng tâm biến Hoa Kỳ thành một quốc gia phú cường và hùng mạnh về quân sự như họ từng mong ước?


QUỐC HIỆU HOA KỲ:

Quốc hiệu hay quốc ấn của Hoa Kỳ là kết quả một công trình thâm cứu của các tiền nhân lập quốc Mỹ. Thời đó rất nhiều dân cử của Mỹ hiểu biết và ứng dụng thiên văn học. Tất cả đều mang những hiểu biết về thiên văn đem ra ứng dụng vào biểu tượng, với tham vọng Mỹ quốc sẽ là một lãnh thổ luôn luôn được sống trong hòa bình, nhưng vẫn là một quốc gia có tiềm lực mạnh nhất về quân sự. Các ông Thomas Jefferson, Benjamin Franklin và John Adams được Quốc hội Lục địa (tiền thân Quốc hội Mỹ ngày nay) chỉ định giám sát việc đúc Quốc ấn sao cho thật tinh vi, sắc sảo.

Quốc hiệu nhuốm đầy sắc thái huyền bí đó đã được quốc hội Mỹ chấp thuận ngày 20 tháng 6 năm 1782 tại Philadelphia. Quốc hiệu có chim ưng (cũng được coi như phượng hoàng hay hỏa điêu) ghép chung với kim tự tháp. Kết nạp này là một nỗ lực hòa hợp của quốc gia tân lập Hoa Kỳ với các nền văn minh cổ của Trung Đông, cận Đông kể cả Hy Lạp, Do Thái và Ai Cập. Các dân Do Thái và Hy Lạp trong việc tính toán thiên văn học không quan tâm đến những con số. Họ chỉ dùng chữ hay mẫu tự cùng các ký hiệu tinh tú; môn Hình học chính là nó, được gọi là “geometria” xuất phát từ tiếng Hy Lạp, tiếng Anh là “geometry”.


Quốc hiệu hay đúng hơn là Đại ấn quốc của Hoa Kỳ đã được chụp và phóng xa 35,000,000 dặm vào vũ trụ (Tài liệu chúng tôi tham khảo không thấy liệt kê vào ngày nào). Chỉ biết vệ tinh Mariner IV bắt lại được hình ảnh này lúc chụp hành tinh Mars năm 1965, xác quyết sự khẳng định của Mỹ quốc rằng, không một quốc gia nào lãng quên và phủ nhận Thượng Đế mà lại tồn tại được lâu dài. Và cũng xác tín rằng Mỹ quốc luôn luôn nhận biết sự hằng cửu của đấng Tạo Hóa tối cao, cũng như Mỹ quốc sẽ tiếp tục nuôi dưỡng dài hạn và thu hút các lãnh địa mới như Puerto Rico, Guam, Cuba và kể cả những quốc gia Á châu Thái Bình Dương sau khi chế độ Cộng sản (theo Nga hay Tàu) cai trị tại đây sụp đổ. Liên bang Sô viết, như các nhà thiên văn thời đó đều biết, rồi cuối cùng sẽ tan rã và trở thành những quốc gia tôn sùng tôn giáo có tín đồ ngoan đạo nhất, một khi chế độ CS thoái trào và một thể chế dân chủ thực sự sẽ thay thế cho chế độ phong kiến Nga hoàng và chế độ Cộng Sản vô luân. (Lời người sưu khảo: Sách đề cập điều này xuất bản năm 1967, hơn 20 năm trước khi Liên bang Sô viết tan rã và các tiểu bang đòi tự trị thành những quốc gia riêng biệt)

Phần kế tiếp dưới đây cho ta biết những gì xảy ra trong việc thực hiện quốc ấn, những bí ẩn cùng những thảm kịch của nó trong thời gian các chiêm tinh gia thai nghén quốc hiệu và những điều kỳ bí chứa đựng trong quốc hiệu của Hoa Kỳ.Mỗi hình ảnh trong quốc hiệu của người Mỹ đều có một ý nghĩa rõ ràng và chắc chắn đã ảnh hưởng đến sắc thái của quốc gia này.

Ý NGHĨA QUỐC HIỆU MỸ:
Trên tấm chắn trước ngực Chim Ưng, những vạch sọc tượng trưng cho các tiểu bang. Các vạch được vẽ hướng về trung tâm và cũng có ý nghĩa để hỗ trợ trung ương.Màu xanh dương là màu của địa cầu, màu của hòa bình, cẩn trọng, kiên tâm và công chính. Màu đỏ là màu của hành tinh Mars, màu của dũng cảm, nghị lực và cầu tiến. Còn màu trắng biểu trưng sự dung hợp giữa khát vọng tột cùng và chừng mực.

Chim Ưng (tượng trưng cho chính quyền Mỹ) ôm tấm lá chắn, vì vậy chính phủ Mỹ phải làm cho mình thật vững mạnh và có thể trợ giúp cho các quốc gia kém may mắn trên thế giới, dù có lúc họ đã là kẻ thù của Mỹ quốc.(!?) Nhìn vào quốc hiệu Mỹ, người ta thấy hình chim Ưng bao trùm tất cả, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu bởi móng vuốt bên trái có một bó tên giương thẳng, một biểu trưng nhắm đến mục tiêu, có chuẩn đích và khát vọng. Những mũi tên có ý nghĩa cho sự sẵn sàng chiến đấu, đó cũng là điều tại sao người ta phải hiểu Hoa Kỳ phóng vào chiến trận một cách cấp kỳ khi cần thiết (nhanh như tên bắn). Nhưng đầu chim ưng không hướng về mũi tên mà lại quay về móng vuốt bên phải đang ôm giữ nhành ô-liu, tượng trưng cho lòng yêu chuộng hòa bình, không hiếu chiến.

CON SỐ 13: MAY MẮN HAY XUI XẺO?

Trên đầu chim ưng là đám mây tròn chiếu tỏa bởi 13 ngôi sao. Còn hình ảnh của Hào quang, có nghĩa tượng trưng cho Mặt trời, nguyên ủy của sự sống. Những tia chiếu rọi là biểu tượng của huy hoàng rực rỡ, của triển vọng và quyền lực.Còn đám mưa từ mây rơi xuống nuôi dưỡng sự sống cho địa cầu, xuất phát từ nơi cao cả uy nghi.

Các ngôi sao biểu hiện cho vũ trụ bao la cùng sự bảo vệ đậm sắc thần linh đi từ nơi cao cả đó. Đây là “Vương miện bất tử”, sự tái sanh của ý tưởng nội tại mà người Ai Cập đề cập, và cũng là một hồi ức đến chuyện thần thoại về một địa đàng đã mất. Gạt bỏ sự kiện hiển nhiên là Hoa Kỳ lập quốc với 13 tiểu bang, nhưng đã có một sức mạnh kỳ bí ẩn dấu đằng sau con số 13 này; một con số mà những “thày bói mò”, “những lốc cốc tử tay ngang” thời Trung cổ cho là xui xẻo đã khiến nhiều người cho đến nay còn ngộ nhận.

Trên mặt của quốc hiệu Hoa Kỳ đếm được 13 vạch ở tấm lá chắn, 13 ngôi sao trong vòng hào quang, 13 nhánh và 13 trái trên cành ô-liu ở móng vuốt phải chim ưng, 13 mũi tên ở móng vuốt trái chim Ưng và 13 mẫu tự của chữ E Pluribus Unum ở giải lụa mà mỏ ngặm. E Pluribus Unum (Out of One, many), có nghĩa là một quốc gia hợp bởi nhiều lãnh địa.


Có thể khẳng định những việc này không phải ngẫu mhiên trùng hợp. Nội dung của luật đề cập về quốc hiệu đã nhấn mạnh phải lập đi lập lại con số 13 trong việc kết hợp khi thực hiện. Do đó, niên biểu (phần đáy của kim tự tháp) đã có lệnh phải khắc bằng số La Mã (tổng cộng là 9) thay vì bằng số Ả rập. Chữ “Saeclorum” đã được khắc thành “Seclorum” trên giải lụa như ta thấy dưới hình Kim Tự Tháp. Câu châm ngôn này gồm 17 mẫu tự. Tổng cộng phái trái của quốc hiệu cả chữ và số là 39. Đây cũng là con số mà các nhà số học đều biết có nghĩa riêng của nó. Ta thấy 3+9 là 12, và 1+2 là 3. Chưa kể số 39 là 3 lần của 13.

Trên hình phía mặt trái của quốc hiệu Mỹ, nhận thấy 13 từng gạch của kim tự tháp đang còn dang dở.

Hàng chữ “Annuit Coeptis”, cũng có 13 mẫu tự.

Theo Nora Forrest, một trong những sáng lập viên Hội Chiêm tinh gia Liên bang Hợp chủng quốc: “Ngày lập quốc của Hoa kỳ đã được hoạch định vào bộ lạc thứ 13 của Do Thái, và Manasseh là đầu đàn của bộ lạc - người mà các nhà lập quốc Mỹ mơ tưởng họ tùy thuộc vào”.

Con số 13 cũng là con số của Chúa cùng với 12 tông đồ, con số của Phật với 12 vị đồ đệ, con số của Quetzalcoalt (thượng đế của dân Aztecs) và 12 môn đồ... Tất cả các vị trên cùng với môn đệ của mình đều thành số 13.

(Hình: G.Washington với hội Tam Điểm)
Trong thời nội chiến Hoa Kỳ, dù liên bang chỉ có 11 tiểu bang, nhưng quốc kỳ Mỹ vẫn có 13 ngôi sao. Tướng George Washington (lúc đó chưa lên làm Tổng thống) và 12 vị tướng dưới quyền đều nằm trong một hội kín (hội Tam Điểm), tổng cộng vẫn 13 người. Đúng giờ tuyên bố độc lập, mặt trời nằm ở vị trí 13 độ trong cung Cancer.

Ngoài ra đã có nhiều sự kiện liên hệ đến số 13 trong lịch sử Hoa kỳ. Như trong Đệ I thế chiến, đoàn tàu trực chỉ đến Pháp là 13 chiếc, nhổ neo ngày 13 (June 1917), mất 13 ngày vượt Đại tây dương. Tổng thống lúc đó là Woodrow Wilson, cộng lại là 13 mẫu tự...


(Hình: so sánh Kim Tự Tháp với cấu trúc của Tam Điểm)

NHỮNG DẤU HIỆU TIỀN ĐỊNH TRONG THIÊN VĂN:
Như ta đã thấy không thể nào có một sự ngẫu nhiên kỳ lạ cho các việc trên. “Con số 13 hài hòa với những khuôn mẫu căn bản trong thiên nhiên”. Chim Ưng, Đại Bàng, Phượng Hoàng hay Hỏa Điêu và số 13, cả hai theo các nhà thiên văn Mỹ là một kỷ nguyên tái sinh và biến đổi.

Một điều ta nên biết đối với các nhà thiên văn học, Phượng Hoàng là tiến hóa thiên nhiên cao nhất của Bọ Cạp (Scorpion); loài sinh vật độc nhất có thể nhìn thẳng vào ánh sáng mặt trời mà không bị thương tật. Trong ba thể tiến hóa của Bọ Cạp, mức độ thấp nhất là khi Bọ Cạp chết, mức cao nhất là Rắn (tượng trưng cho sự khôn ngoan), và mức cao tuyệt đỉnh là Hỏa Điêu hay Phượng Hoàng.

Trong chiêm tinh học, bọ cạp và con số 13 có ý nghĩa căn bản tương tự như nhau. Cho đến ngày nay con số 13 vẫn được nhiều người cho là con số xui xẻo chỉ vì lòng mê tín oái ăm và dễ dãi của con người. Cái dị đoan vin vào sự bội phản Chúa của Judas (13 người trong bàn tiệc), rất khó dựa vào đâu để làm căn cứ. Lòng dị đoan ảnh hưởng cả đến những chuyện làm ăn của người đời. Nhiều văn phòng dịch vụ, phòng ngủ không có phòng số 13. Chủ nhân bỏ con số này và nhảy từ số 12 thẳng đến số 14.


Trở lại chim Phượng Hoàng, một loại chim huyền thoại từ Âu sang Á, một biểu tượng cao quý và kỳ công của tạo hóa cho địa cầu. Thời đại tân tiến sau này, người ta đã thêm một ngọn lửa trên đầu Phượng Hoàng; rút cục lại, chả khác gì cái nhãn quan ngày xưa của người Ai Cập cổ kính: chim Phượng Hoàng tái sinh từ tro tàn của mình. Nó là biểu tượng của sự vĩnh cửu, bất diệt và nội tại hằng cửu của sự Sống. Chính vì lý do đó, nhiều nhà đạo học gần đây đã phải công nhận Hoa Kỳ là một linh hồn của Ai Cập tái sinh.

Trong niềm ước vọng được bay bổng tít mù vào vũ trụ xa xăm, chim Phượng Hoàng là biểu hiệu cho niềm khao khát sâu xa đó của nhân loại. Thực tế, đối với đôi mắt trần tục, chúng ta không thể thấy chim ưng hay phượng hoàng đang bay trên cao tít mù xanh, vì vượt quá tầm nhìn của mắt.

Đại bàng đã là hình ảnh quen thuộc của nhiều dân tộc và bộ lạc qua lịch sử, nhưng không có dấu hiệu của móng vuốt ôm nhành ô-liu và bó tên như chim Ưng của Hoa Kỳ. Những dấu hiệu khác cũng không là một khuôn rập hay bắt chước của cổ La Mã (như quốc hiệu Đức thời Hitler), mà chỉ là những gì tổ tiên của người Hoa Kỳ sáng tạo để phù hợp cho một trật tự mới của nhân loại; với nền tảng xây dựng không phải từ sức mạnh, xâm lăng, gây chiến, nhưng đặt trên lẽ phải, hạnh phúc và an bình...

Tất cả các ý nghĩa của quốc hiệu đã được quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y bằng một đạo luật năm 1782 và màu sắc này cũng được ứng hợp cho quốc kỳ Mỹ với cùng một ý nghĩa.
Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã hai lần được đệ trình với đạo luật đòi hủy bỏ mặt trái Quốc Ấn, nhưng lần nào cũng không thành công (một trong năm 1792, lần khác năm 1884). Công trình của các nhà khoa học chiêm tinh Jefferson, Adams và Franklin cho quốc ấn của Hoa Kỳ vẫn còn đầy đủ hai mặt, với mặt trái lồng vào cái Kim tự tháp Ai cập huyền bí.

(Hình: Cấu trúc theo hội Tam Điểm)
SỐ MỆNH AN BÀI:
Năm 1935, lần đầu tiên, bằng cách thu nhỏ lại, hai mặt của quốc hiệu Hoa Kỳ được in trên đô-la 1 đồng và phát hành rộng rãi. Kim tự tháp (hình này đúng ra do Thomas Jefferson quyết định với sự thỏa thuận của 2 thành viên khác là Adams và Franklin) tượng trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu của liên bang Hợp chủng quốc, cũng như mang một ý nghĩa được dựng nên với sự cẩn trọng tối đa và đầy kiên trì. Kim tự tháp còn dang dở chỉ với 13 tầng, trong ngụ ý, sẽ có nhiều tiểu bang khác sẽ gia nhập. Kim tự tháp có 4 mặt, tượng trưng cho vật chất. Phía trên Kim tự tháp, một hình tam giác ánh sáng chói lòa, bên trong là Thiên Nhãn (con mắt thấy hết mọi sự), tượng trưng cho linh hồn.

Nhiệm vụ của nước Mỹ, một tân quốc gia, là phải phối hợp và ứng dụng vật chất lẫn tinh thần để tạo dựng một Trật Tự Mới trong thời đại tân tiến (Aquarian Age).
Nước Mỹ đã chứng tỏ trong quá khứ với những chứng tích vĩ đại về canh nông, kỹ nghệ ngay tại lục địa của mình và sau đó mang đến áp dụng cho nhiều quốc gia khác. Tiến trình kế tiếp là Hoa Kỳ phải xây dựng một kỷ cương vật chất trên nền tảng tinh thần, một sự kiện nhân bản đang còn thiếu sót, thiếu hướng thượng. Tiến bộ về khoa học nhưng bỏ quên linh hồn là một thiếu sót lớn cần được bổ sung.

Câu châm ngôn phía trên Kim tự tháp “Annuit Coeptis”, có thể hiểu: “Thượng đế quan tâm đến công việc chúng ta” và câu châm ngôn phần dưới Kim tự tháp, Novus Ordo Seclorum, có nghĩa “Thời đại của trật tự mới”.Quốc Hội Mỹ khi chấp thuận quốc ấn này, đã tuân hành những ẩn dụ mà các vị dân cử trong hội chiêm tinh gia đề xướng.

Benjamin Franklin và nhóm của ông mất 4 năm để hoàn thành Quốc Ấn và phải đợi 2 năm nữa để các vị dân cử trong Quốc Hội tranh cãi trước khi được chấp thuận.
* * *
Tóm lại, từ xưa tới nay, thịnh suy của một quốc gia không đi ngoài sự sắp đặt theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Đi sâu vào ý nghĩa của quốc hiệu Hoa Kỳ, căn cứ theo tài liệu của chính người Mỹ (Độc giả nào muốn biết thêm về quốc hiệu của Hoa Kỳ, có thể xin Bộ Ngân Khố Mỹ, tạp chí Egypt, ấn bản Spring 1952, có tiêu đề “The Great Seal of the United States”, tác giả là Maury Maverick), chúng ta thấy quốc gia tân lập hơn 200 năm này đã làm nhiều chuyện “động trời” trên thế giới.

Liệu chúng ta tin được bao nhiêu phần trăm vào những điều bí ẩn mà người viết sách giải nghĩa cho quốc hiệu của họ? Ai đã ra lệnh phóng hình ảnh quốc hiệu Hoa Kỳ vào không gian? Cũng như năm ngoái (LTS: Năm ngoái trong bài là năm 1992, bài này đầu tiên đăng trên Việt Nam Press vào tháng 11 năm 1993, dài và nhiều chi tiết hơn, được người sưu khảo lược bớt cho ngắn gọn in trên tuần báo Tình Thương năm 2003), phi thuyền không gian Nga Sô đi vào vũ trụ, ngoài những nhiệm vụ khác, chúng ta còn thấy báo chí loan tải các phi hành gia Nga đã được lệnh xóa bỏ dấu hiệu “búa liềm” trên không gian. Ai đã ra lệnh họ xóa đi hình ảnh biểu trưng cho cộng sản đó? Rốt cuộc, lưu giữ hay xóa bỏ hình ảnh trong vũ trụ của hai quốc gia dẫn đầu về lãnh vực không gian là một “trò chơi kỹ thuật” hay biểu hiện cho một lòng sùng tín nào đó?
Câu trả lời xin dành cho quí độc giả.

Thiết Trượng (1993)

No comments: