January 14, 2013

(82) Văn minh khoa học cổ tục


Thiết Trượng

Mấy năm gần đây vì nền kinh tế của Mỹ xuống dốc "không phanh", một số anh chị em chúng tôi làm việc tại các hãng điện tử được hân hạnh theo kịp trào lưu tiến hóa "ăn chơi bẩy nghề ". Đa phần thuộc vào hạng tuổi còn vớt vát chút đỉnh tiền hưu trước khi về chầu ông bà ông vải, nên khi hết nhận tiền lương Ô Bá Ma, (mấy năm trước đây, ông Tổng thống đen xì Obama cho dân Mỹ thất nghiệp được tối đa những 99 tuần vì biết tỏng tòng tong chả nơi nào mướn người) bèn thừa thắng lấy hưu non, hưu già cho nó rồi.

Nên khi có dịp gặp nhau hàng năm trước lễ Giáng Sinh, ci đám bị "ma chê, quỉ hờn" tụi tôi lúc nào cũng nói lung tung beng, ba hoa chích chòe trên trời dưới đất kể cả các chuyện cổ lỗ xĩ mà tụi nhỏ có ngồi nghe cũng chả hiểu mấy tên già đang nói cái gì. Vì vậy có lần trong một tiệc giỗ, một đứa cháu bảo với chủ nhà, để con ngồi chỗ mấy đứa nhỏ, chứ ở chỗ mấy người lớn họ nói chuyện "tầm bậy tầm bạ không hà". Tôi cũng không có dịp hỏi cháu thế chuyện tầm bậy tầm bạ thật sự thì cháu gọi là gì.

Vào Giáng Sinh họp mặt vừa rồi,  một ông xuýt xoa "Lạy Chúa tôi! Gần sáu tháng trước tưởng không còn dịp gặp các bác nữa chứ, may vào nhà thương... thông tim kịp."

Còn một bà thuộc hạng nặng ký to con, đẫy đà, hôm nay thấy thon thả hơn, nói năng một cách nghiêm chỉnh là sẽ cho mọi người một loại nước uống có công dụng chữa nhiều thứ bệnh. Chị nói rằng bảy tháng trước, ho ra máu, lúc chụp phổi có hai cục u; tình trạng nghi ngờ có thể bị ung thư.

Đang thất nghiệp, không mua bảo hiểm vì quá mắc. Chị độc thân mấy chục năm nay, sau khi ly dị, không thèm đi bước nữa với câu tuyên bố "hách xì xằng":

 - Tại sao phải đi hầu hạ mấy thằng chồng cà chớn, thổ tả đó?

Đi nhà thương, trong tình trạng bịnh lý như vậy nhưng lại bị từ chối vì chị có lợi tức thất nghiệp cao hơn tiêu chuẩn của người nghèo (MSI). Trong hoàn cảnh "sống dở, chết dở", chị đành theo kiểu "có bịnh thì vái tứ phương". Một người bạn mách cho chị loại "Nước Kỳ Diệu" [xem chú thích (1) bên dưới], chị cố gắng kiên nhẫn dùng và thấy dần dần bớt ho. Hai tháng sau, chụp phổi lại không còn thấy hai cục u nữa. Mấy tháng nay chị vẫn tiếp tục dùng nuớc xay trái cây kỳ diệu đó, dù mùi vị theo chị, hơi khó uống lúc ban đầu...

oOo

Bắt nguồn từ câu chuyện "khạc ra máu"của một người đẹp không thèm sang ngang lần nữa, việc dùng nước uống, thức ăn sao cho có lợi sức khỏe được bàn cãi sôi nổi hơn.

Trong bàn tiệc, bất chợt anh Tư hỏi, Tết sắp đến rồi, bà con có ai biết chỗ bán bánh chưng gói tại nhà giá rẻ mách dùm, sau khi ngâm:

 Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Anh Tư này liên quan đến một chuyện vui "có thật" trong đời sống của người tị nạn. Số là hơn 20 năm trước, trước khi đi phỏng vấn vào quốc tịch, có người bạn hỏi vợ anh Tư trong lúc anh đang bận thay quần áo là anh ấy có lấy tên Mỹ không. Chị vợ nói có và tên là Bob. Ông bạn kêu toáng lên, trời ơi anh Tư họ Vũ, mà tên Mỹ của anh là Bob. Vậy tên họ của anh là Bob Vu hả? Mọi người có mặt hôm ấy đều cười.

Thời gian sau, đến kỳ đi tuyên thệ, cũng ông bạn "cắc cớ" lần trước, thắc mắc hỏi vợ anh Tư lúc sắp ra xe đến sở di trú là anh chàng vẫn giữ tên Bob như cũ chứ. Chị bảo là anh đổi rồi, lấy tên George.

Ông bạn la trời như bọng:
-- Cái tên này còn quá cha cái tên Bob đó bà.
-- Sao dzậy? Chị vợ anh Tư gốc Bến Tre ngạc nhiên hỏi.
-- Bộ ông bà không biết hả? George đọc theo giọng Nam là Dọc đó. Thấy không, tên mới là Dọc Dzu còn quậy tổ cha hơn tên cũ Bob Dzu đó...

Thực phẩm và sức khỏe:
Trở lại câu ca dao có "Thịt mỡ, dưa hành" của anh Tư vừa mới ngâm lên, một ông có biệt danh Lang Ta "bàn ra tán vào" nghe cũng có lý khi xác định đó là một ẩm thực khoa học trong văn minh cổ tục của người xưa được "ẩn dụ" qua ca dao, tục ngữ.   

Ông Lang Ta nói:
-- Tổ tiên người Việt không có chữ viết phổ thông cho quần chúng như quốc ngữ hiện thời (dùng mẫu tự La tinh). Chữ nôm còn phiền toái hơn vì phải mượn chữ Tàu. Xưa kia dân ta đa số chủ yếu sống về nghề nông, quanh năm chân lấm tay bùn, cho nên để con theo đuổi việc học là một hy sinh lớn lao của gia đình, vì mất một nguồn nhân lực cho việc nông gia chưa kể phải cung phụng một ít chi phí cho việc học hành. Do đó phải nói hầu như dân chúng đa số là thất học (chữ Nho). Để thay thế cho việc thiếu sót văn tự, ông bà tổ tiên chúng ta đã dùng hình thức truyền khẩu qua ca dao, tục ngữ để dạy dỗ, khuyên bảo đời sau. Ví dụ về phương diện giữ quân bình cho sức khỏe thì "Thịt mỡ, dưa hành" là một bằng chứng cụ thể nhất từ bao đời nay của dân Việt.

Hiện giờ ai cũng biết thịt mỡ là tổ sư gây ra tình trạng "high cholesterol" trong máuthế nhưng dưa chua là một trong những thứ phòng ngừa cái tai hại của anh chàng "cholesterol xấu" gây chết người nàyTrước khi nói về công dụng của dưa hành, xin hỏi  bây giờ quý vị có còn ăn mướp không?

Một bà buột miệng:
-- Có lẽ hai ba năm mới ăn một lần. Còn xơ mướp tụi ngoại quốc dùng làm vật dụng kỳ cọ tắm rửa đó. 

Lang Ta nhấp một ngụm nước trà nóng cho thấm giọng rồi mới phán:
-- Tuổi già hay quên một cách lãng xẹt. Bà con ai nhớ, lát nhắc về vụ uống nước trà này của tôi nghe. Cám ơn trước. Giờ xin trả lời bà chị về xơ mướp.
 
Hình như chất sơ tiếng Anh gọi là "fiber" thì phải. Để giảm và trừ khử "cholesterol xấu", nghiên cứu về y khoa hiện đại đều khuyên người ta nên ăn uống những thực phẩm có chất xơ (2).  Kỹ nghệ về dược phẩm ngày nay cũng lợi dụng con ngáo ộp "cholesterol xấu" có thật này để bán ra các loại thuốc có nhãn "high fiber" (nhưng toàn là vụn vặt và nhẹ ký so với chất xơ mà Lang Ta sắp đề cập). Lời khuyên và thuốc uống trên đều là việc tốt, nhưng chỉ là hình thức dùng "gáo dừa" múc nước đổ đi cho con thuyền thủng đáy đang bị nước từ từ tràn vào.

Hồi Trung Học, tất cả chúng ta đều được dạy và biết là để tiêu hóa thức ăn và biến nó thành chất bổ nuôi dưỡng cơ thể, bao tử và ruột của chúng ta đóng một vai trò quan trọng. Bỏ qua chi tiết tiến trình phức tạp của các cơ quan này, ta chỉ biết một chức năng cần phải có của chúng là co bóp thức ăn.

Giải phẫu bao tử và ruột, chúng ta thấy bên trong có vết nhăn hay rãnh của các cơ phận này. Không phải là bác sĩ chuyên khoa, chúng tôi chỉ đoán công dụng của các rãnh của nó có thể để làm chậm và giữ lại thức ăn trong các động tác co bóp hầu đủ thời gian giúp phản ứng biến hóa thức ăn thành chất bổ để nuôi cơ thể của chúng ta...

Thấy Lang Ta dài dòng quá, ông ngồi cạnh có vẻ bực mình:
-- Ông nói lan man gì đâu, vào đề “thẳng như ruột ngựa” đi. Thế nó có liên hệ gì với chất xơ mà ông nói hồi nãy không?

Lang Ta cười ruồi:
-- Ông đừng có nóng, nó liên hệ như cá với nước đó ông bạn. Chị bạn vừa nói xơ mướp ở Mỹ được bán để kỳ cọ cơ thể, nhưng hồi còn ở Việt Nam, vì nhà có dàn mướp, ăn không hết thành mướp khô, chúng tôi lấy xơ mướp dùng để rửa chén bát và công nhận sạch như lau còn hơn sài giẻ nữa.

Nhưng công dụng nào mà chất xơ đã giúp cơ thể phòng ngừa bệnh tật?

Như đã nói là trong bao tử và ruột của chúng ta có những nếp gấp hay rãnh, thành thử với đồ ăn bình thường, những chất cặn bã một số là chất độc không được thải hết sẽ bám vào những hốc rãnh đó. Chưa kể theo y học, chất bổ dưỡng dư thừa biến thành mỡ dự trữ được kết lại bám vào mạch máu hay các cơ phận.

Những thức ăn của chúng ta đại khái như dưa cải, rau muống, bạc hà (dọc mùng), măng... đều có chất xơ và những chất xơ dài dài này thực sự chả có bổ dưỡng và cũng chả được tiêu hóa biến thành gì cả nên sẽ được bài tiết ra ngoài. Lũ Bắc kỳ 54 chúng tôi đã bị mấy thằng bạn người Nam “trời đánh" chọc ghẹo có cọng rau muống phía sau:

Có cái thằng nhỏ nó “đao“ làm sao
Lỗ đ. nó dính cái cọng “rau”,
Người ta ai mà kỳ như “dzậy” ?
.....
“Thôi rồi ! Bắc kỳ, Bắc kỳ”
(Mượn thơ của Nguyễn Hữu Huấn trong “Cái Duyên Nam Bắc’)

Và đây mới là điều chúng ta cần biết khi nói đến sự quan trọng của chất xơ với động thái co bóp của bao tử và ruột. Chính sự cọ sát của chất xơ còn nguyên trạng vào thành vách và các khe rãnh đã làm chức năng "rửa chén bát" cho bao tử và ruột của chúng ta được sạch sẽ...

Vì chất chua cũng làm giảm béo, nên xảy ra trường hợp có phụ nữ muốn thân hình thon thả, theo mách bảo không được kiểm nghiệm đã dám uống dấm cho giảm cân mà không biết hậu quả nguy hại đến sức khỏe suốt đời của mình sau này.

Còn hành ta của "Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi"  thì theo đông y thuộc loại dương tính cũng giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng...

-- Thành thử theo ông cứ ăn thịt mỡ thoải mái, kể cả bánh chưng cũng chứa thịt mỡ trong đó vì đã có dưa hành trợ giúp? Một ông căn vặn hỏi lại Lang Ta.

-- Không tuyệt đối căn cứ như vậy. Ý của tôi là khai triển khuyên nhủ của tiền nhân để chúng ta coi đó noi theo nếu thấy đúng. Hợp lý hay không tùy quan điểm cá nhân quý vị.

Thời xa xưa gốc gác từ miền Bắc nghèo nàn, đâu phải lúc nào dân mình cũng có thịt thà gà qué để thưởng thức. Mất một con gà không thôi mà đã có bài bản đi vào văn chương chửi lộn. Cho nên họa chăng giỗ chạp, cúng quẩy ngày tư ngày Tết mới thấy miếng thịt, mà cũng chả có nhiều để ăn.

Riêng vại cà, chum dưa thì hầu như đa số nhà nào cũng có và được chiếu cố hàng ngày. Cho nên mấy miếng thịt mỡ ngày Tết chả có thấm thía gì so với sự thòm thèm chất thịt béo ngậy của người nông dân, với cái ruột và bao tử lúc nào cũng sạch trơn cặn bã vì chum dưa đã chu toàn nhiệm vụ quanh năm suốt tháng.

Còn thời đại bây giờ nhất là tại Mỹ, đồ ăn thức uống thừa mứa, quá nhiều chất đường chất béo. Có kiêng khem cách mấy, chúng ta với cái tuổi gần đất xa trời cũng có vướng víu ít nhiều vào vụ "high cholesterol" hay một tí liên hệ "tiểu đường".

Thành thử ngoài việc ngưng "tiếp tế cho giặc" càng nhiều càng tốt các chất béo, chất đường, chúng ta nên ngăn ngừa bằng cách theo vết người xưa cứ "rau dưa" có chất xơ cho nó nhẹ nhàng thân xác và đỡ lo bệnh tật...

oOo

Một bạn già ngồi cạnh Lang Ta, dục giã:
-- Này, ông ăn đi chứ. Đúng tần số hay sao mà nói hăng thế? 

Lang Ta ậm ừ:
-- Rồi, "Thịt mỡ, dưa hành" đã xong! Ái chà! Quý vị ăn uống còn khỏe thế? Món nào nhà hàng dọn ra cũng gần sạch trơn. Ai "đi chợ" (chọn món ăn) hôm nay vậy? Hóa ra bà xã anh Tư  à? Chị Ba Bến Tre (vợ anh Tư) kiêng tôm, kiêng thịt đỏ mấy năm nay nên để bà ấy đi chợ là đúng lắm...

Ấy, ấy anh Tư, anh lại dùng nước ngọt có đá lạnh à? Hồi nãy tôi nhờ người nhắc vụ tôi uống nước trà là có lý do đấy. Tuổi già như anh Tư và chúng mình chỉ nên dùng nước ấm và nóng thôi. Khi mình dùng nước lạnh, chúng ta sẽ mất một số nhiệt lượng để chuyển hóa nước lạnh đến nhiệt độ mà cơ thể có thể hấp thụ được. Thành thử cứ trà nóng ấm là dễ tiêu, tránh ba thứ nước ngọt càng nhiều càng tốt.

Vẫn ông bạn ngồi cạnh: 
-- "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mấy vụ ăn kiêng, uống trà này. Ăn đi, bà ấy không có để phần cơm nguội ở nhà đâu.

Chỉ nội nghe Lang Ta "thuyết trình" về chất xơ không thôi  đã chiếm mất gần hết thì giờ họp mặt dự trù tại tiệm ăn.

Trước khi "tan hàng", chúng tôi một số "vô công rồi nghề" rủ rê Lang Ta đi uống cà phê. Chủ đích muốn nghe anh chàng huyên thuyên thêm về văn minh cổ tục.

Vệ sinh thường thức:
Vừa ngồi xuống và kêu cà phê xong, bàn bên cạnh có một ông thuộc hạng to mồm, dáng dấp lực lưỡng, mặt mũi nâu đen coi có vẻ "ngầu" như thuộc hạng anh chị, hỏi người cùng bàn:
-- Ngoài hội chợ Tết của Sinh Viên vẫn tổ chức hàng năm có còn hội chợ của đoàn thể nào khác cạnh tranh không mấy cha?

Không quan tâm đến câu trả lời của mấy người bàn bên cạnh, Lang Ta gật gù cái đầu bạc “đen trắng” nham nhở như “chó đốm” rồi khề khà với tụi tôi:
-- Đây là cái ưu điểm của người Việt tỵ nạn, không quên cội nguồn. Nội dùng chữ Tết mà không thèm dùng "Chinese New Year" để người bản xứ bây giờ đã quen thuộc và biết đó là ngày đầu năm của dân Việt đã là một sự cố gắng đáng khen ngợi của nhiều thành phần trong xã hội trong cộng đồng bao năm nay.

Tiện đây, mình nhớ đến đâu nói đến đó về văn minh của tiền nhân mà một số có thể cho là hủ tục. Có người ca tụng là "văn minh miệt vườn", có người trân trọng hơn như nhà văn Toan Ánh ca ngợi nét đẹp đời sống tinh thần thôn xóm trong một cuốn sách của ông và tôn vinh là "Phong Lưu Đồng Ruộng", đó cũng chính là tựa của tên cuốn sách. Lúc là học sinh Trung học đầu thập niên 60, tôi đã bị thu hút bởi nếp cũ, tục xưa trong sách này và bắt đầu quan tâm đến cái hay cái đẹp của tiền nhân.

Khi sửa soạn đón Tết, người ta phải quét dọn trong nhà ngoài ngõ. Ngoài việc làm sạch sẽ bàn thờ, còn phải đánh bóng lư đồng. Trước kia ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế, dân gian có câu: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Có thể chuyện rắc vôi xa xưa được thần bí hóa và sau này vào thời chưa có nhiều nhà gạch lợp ngói, quét lớp vôi mới (thay sơn bây giờ) chuẩn bị ngày Tết, là bà con ta đang làm một việc tổng vệ sinh tẩy uế, ngăn ngừa dịch tễ vì vôi là một chất sát trùng mạnh.

Nói đến vôi, chợt nhớ một chuyện khoảng giữa năm 2012, ở miền Bắc VN (nhất là Hà Giang), tin đồn lái thương Ba Tàu mua đỉa với giá cao để làm thuốc. Ham lợi bà con đâm đầu vào việc nuôi đỉa. Ít lâu sau, mấy thằng lái buôn khốn nạn Ba Tàu trốn biệt, thế là một vụ “ốc bươu” phá hoại mùa màng thứ hai xuât hiện nhưng lần này là loại hút máu người và sinh vật.

Đỉa là một loại lưỡng tính, dù có đốt nhưng tàn tro vẫn còn sót ít tế bào, nên một hai hôm sau, nhất là sau cơn mưa ta lại thấy lúc nhúc đỉa con trong đám tro tàn. Chỉ có một cách diệt nó là dùng vôi. Các cụ nhà ta đã từng mô tả cái chết “không yên lặng” chút nào của loài hút máu này: “Giãy như đỉa phải vôi”.

Giáo dục và xử thế:
Cả năm lam lũ, vất vả làm ăn, “năm hết, Tết đến” là dịp nghỉ ngơi và đoàn tụ. Theo thời gian, đời này tiếp đời kia, tính gia tộc càng thêm keo sơn và bền chặt. Ngoài việc nhắc nhở hậu thế “uống nước nhớ nguồn”, việc cúng ông bà gia tiên cũng giúp cho không khí ngày Tết thêm phần thiêng liêng trong thân tộc. Đi đình chùa, nhà thờ vào dịp Tết cũng là một nhắc nhở tâm linh về đấng thiêng liêng trên cao hầu khuyến khích người ta nên làm lành, tránh điều ác.

Sau đây cũng là một tục lệ thật hay: trong ba ngày Tết kiêng cữ những lời gắt gỏng, “chửi chó, mắng mèo”, tránh những hành động, việc làm thô thiển. Dù có hiểu lầm, thù oán, đố kỵ nhau trong năm cũ thì đến ngày Tết gặp nhau cũng đều nên tha thứ bỏ qua cho nhau và cố giữ hoà khí vui vẻ. “Giận đến chết, ngày Tết cũng vui” chính là biểu hiện của sự thân ái, bao dung. Nợ nần cũng phải để qua ba ngày Tết mới tính toán...

Nếu trong 365 ngày của một năm, tất cả chúng ta đều làm được điều khuyên bảo trên của ba  ngày Tết kiêng cữ có lẽ thế giới sống trong cảnh an lạc thanh bình…

Lang Ta chợt ngưng nói và chỉ về phía một phụ nữ mang bầu đi chậm chạp với người chồng vào phía chợ:
-- Còn cổ tục này mới thấy phục các cụ nhà mình, đó là môn học gọi là "Thai giáo", tức là  cần phải giáo dục con từ lúc còn trong bụng mẹ. Với các cụ,  sản phụ cần nói năng, đi đứng khoan thai, không được giận dữ, hoảng hốt; không được nghĩ điều xấu, làm việc xấu; không nghe chuyện dở, nhìn xem cảnh tang thương... 

Theo tài liệu nghiên cứu khoa học: Nhân cách con người được hình thành rất sớm, ngay từ trước khi ra đời. Các ý nghĩ, cảm xúc và những nỗi buồn vui của người mẹ đều truyền vào đứa con…

oOo

Bất chợt điện thoại của Lang Ta reo inh ỏi. Nghe xong, chàng già này kiếu từ lũ bạn ngay, với lý do vì đã đến giờ đổi phiên ‘thay tã” cho cháu ngoại. Nhìn theo Lang Ta lom khom đi ra chỗ xe đậu, chúng tôi tự hỏi công việc này cũng nằm trong “văn minh cổ tục” chăng, nếu không sao mà Lang Ta ngoan ngoãn chấp hành một cái rẹt, trong khi ly cà phê chưa vơi một phần ba?

Đành chịu vậy. Hy vọng lần sau “moi móc” thêm vài văn minh cổ tục hay hay nữa của anh già lẩm cẩm này.

Phiếm lon cui năm Thìn, đu năm 2013
Thiết Trượng
-------
Chú thích:
(2) How Dietary Fiber Lowers Cholesterol:

No comments: