March 10, 2007

(60) Nỗi buồn hoa phượng

Thiết Trượng (7-2002)

Hè về, nhất là lại nghe bản nhạc có đoạn khúc : "Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn...", trong giọng hát "chưa chịu già" của nữ ca sĩ Thanh Tuyền, như gợi nhớ nỗi đắng cay cho nhiều người về chiến sự mùa hè đỏ lửa 1972. Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy... là những từ ngữ sử dụng trong thời điểm sôi đọng đó và được nhắc nhở mãi về sau này.

Chúng ta không dám quyết đoán những trận chiến của Mùa hè đỏ lửa có phải là đoạn gần cuối trong cuốn phim chiến tranh VN của đạo diễn Hoa Kỳ trước khi cho kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 không. Vì nhiều sự kiện và diễn tiến của nó sau này khi được giải mật có vẻ ăn khớp và theo một tiến trình đã được sắp đặt.
  

Hai đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, CS Bắc Việt đã nướng trọn gần hết lực lượng cán binh Mặt trận Giải phóng miền Nam, chưa kể một số chính qui của các sư đoàn xâm nhập từ Bắc vào. Đây là thất bại nặng nề này về mặt trận quân sự, nhưng với sự "hà hơi, tiếp sức" của cả một khối CS trên toàn thế giới và nhất là sự "ngây thơ, quáng gà" của thành phần phản chiến Hoa Kỳ, CS Bắc Việt đã thắng một ván bài lớn trên phương diện tuyên truyền. Và cái hiểm họa cho Việt Nam Cộng Hòa có thể từ đó mà ra. Dân chúng Mỹ, trong tình trạng con cái "khơi khơi" bị động viên rồi gửi sang một nơi đất lạ để có khi "chết một cách lãng nhách", họ nhìn lên TV chỉ thấy quân CS tấn công mọi nơi, đương nhiên phải đặt dấu hỏi là cái quân đội mà người Mỹ giúp có thực lực không. Chưa kể các thành phần ngụy hòa và Cộng sản đã ra sức "bơm hơi cho sự nổi dậy của dân miền Nam" với danh xưng Mặt trận Giải phóng miền Nam "đầy chính nghĩa". Đấy là một ấn tượng nguy hiểm mà CS và ngụy hòa đã gieo vào đầu óc người dân Mỹ.
Cuối năm 1968, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị ra lệnh chúng tôi từ Đà Lạt về Saigon để kết hợp với các sĩ quan mới ra trường của khóa 3/68 Thủ Đức trong công tác Chiến dịch Diên Hồng. Một hình thức binh vận phổ biến và giải thích cho các chiến sĩ thuộc Nghĩa quân và Địa phương trên 4 vùng chiến thuật về Hiệp hội Paris đang thành hình. Lúc đó tài liệu cấp phát cho chúng tôi chỉ đề cập những mưu mẹo cố hữu của CS là "đánh đánh, đàm đàm", nhất là tình trạng dây dưa khi ấy còn trong giai đoạn hình thức cãi nhau "bàn méo, bàn tròn"... Rủ được kẻ đối đầu ngồi vào bàn hội nghị, có thể là một bước tiến trong thế cờ "rút lui" của chú Sam lúc đó.

Giữa lúc hòa hội Ba lê đang diễn tiến thì Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đương nhiên với sự thỏa thuận bật đèn xanh của Hoa Kỳ, phát động chiến dịch Lam Sơn 714, Lam Sơn 719 tiến sang Hạ Lào với chủ trương chiếm giữ Tchépone một thời gian ngắn để ngăn chặn và kiểm soát sự tiếp vận của quân Bắc việt. Nhưng kết quả lại thảm hại hơn người ta tưởng.
  
Theo cựu Trung tướng Vĩnh Lộc (Hình) , trong cuốn "Thư gửi người bạn Mỹ", chiến dịch Lam Sơn 719 gây hao binh tổn tướng "chỉ là một trò đùa bi hài kịch, kim cổ giao duyên quá lố và đắt giá"... Thiết giáp bị thiệt hại nhiều nhất. Tung vào chiến trường 71 chiến xa và 127 Thiết vận xa. Rút quân chỉ còn lại 22 chiến xa và 54 Thiết vận xa. Tổn thất nhân mạng trên 2500 người và 107 trực thăng bị bắn hạ.

Qua sự tiếp tay của dàn phóng viên hùng hậu tứ xứ đang túc trực ở Nam VN, người dân Mỹ qua các chiến sự Hạ Lào kể trên và nhất là dịp mùa hè đỏ lửa 72 tại các chiến trường đã có một ác cảm hoàn toàn với sự tham dự của quân Mỹ tại VN, khiến chính quyền Mỹ phải hối hả tìm một giải pháp cho hiệp định Ba Lê càng sớm càng tốt. Người ta không cần kể quân đội VNCH đã anh dũng hy sinh đến mức nào trong những chiến trận khốc liệt tại Bình Long, tại Kon Tum hay vùng Trị Thiên lúc mùa hè đỏ lửa 1972 để bảo vệ miền Nam. Người Hoa Kỳ cần "rửa tay, gói kiếm".

Cuối cùng, tháng 1 năm 1973 trước sự chứng kiến của hơn chục quốc gia cùng ký chung, Kissinger và Lê đức Thọ hân hoan trong tay tờ giấy khai tử VNCH: bản Hiệp định Ba lê.

Ngày nay, trên bước đường tha hương, cứ hè đến, trong lúc người dân của hai quốc gia từng dính líu đến VN là Hoa Kỳ và Pháp tưng bừng với ngày lễ độc lập vào tháng 7, nhiều người nhớ lại những tang thương của mùa hè đỏ lửa 1972 thấy hồn mình như chùng xuống trong một nỗi buồn héo hắt.


Thiết Trượng
(Trang Chiến Hữu, Mục Lính Nghĩ Gì)
Nhật báo Viễn Đông số 1616, 14 tháng 7, 2002
Nỗi Buồn Hoa Phượng - Thanh Tuyền

No comments: