February 26, 2007

(53) Thành phố vàng



Thiết Trượng (11-1999)

Hoa Kỳ có một ngày lễ rất đáng ca tụng là Thanksgiving Day. Ngày lễ đầu tiên xảy ra ngày nào không ai còn nhớ. Chỉ biết xuất xứ từ buổi lễ cảm tạ Thượng Đế của một nhóm Thanh giáo và câu chuyện của họ sẽ được tiếp nối sau vài mẩu chuyện "lạ và khác thường" của lịch sử Hoa Kỳ.
Cách đây hơn năm trăm năm, vào ngày 12 tháng 10 năm 1492, Kha Luân Bố cùng đoàn thủy thủ trên ba chiếc tàu cỡ nhàng nhàng tắp được vào hòn đảo của San Salvador rồi yên chí là đã khám phá ra một lộ trình mới đến xứ Ấn Độ. Hồi ấy, "Bố" Kha Luân "hột vịt lộn" Haiti là Nhật Bổn và Cuba thì được xem là phần đất của lục địa Á châu; dù rằng sau đó "ngựa theo đường cũ" người đã "đi đi, về về" mấy phùa thăm viếng tận Trung và Nam Mỹ. Cả cho đến lúc trước khi qua đời "Bố" Kha Luân nhà mình vẫn cứ "chắc như bắp" tìm ra được con đường ngắn, dễ đi tới vùng Á châu, một vùng đất mà "Bố" Kha Luân nhà mình thấy có vẻ "hơi là lạ" so với những gì người đi trước mô tả.
 
 
 (Hình Trái:tượng Columbus - Phải: Ponce de Leon)

Sau cái nhầm "nho nhỏ" đó, tiếp đến là những khám phá "vĩ đại" của các nhà thám hiểm Âu châu bung theo con đường của Kha luân Bố sang một lục địa mới mênh mông. Tôi chỉ đề cập đặc biệt về một số người Tây ban Nha thám hiểm do mục đích tìm vàng và hấp lực của nó khiến nhiều nhà thám hiểm này mầy mò, trèo đèo vượt suối đã tìm ra được những vùng đất mới trong thế kỷ 15. Trong số đó, người đầu tiên là Ponce de Leon (Hình trên bên phải). Anh chàng đi tìm hai thứ không bao giờ thấy: vàng và suối... trường sinh!
Nhưng nhờ tham vọng này Florida được khám phá.

Nối gót, một đoàn người khác cũng đi tìm quí kim tại Florida của nhà thám hiểm Narvárez thì "gần chết" với khí hậu cay nghiệt của vùng bán nhiệt đới và cộng thêm một điều kinh khủng hơn cả là phải "chiến đấu một chết một còn" với các ngài cá sấu khoái "gỏi thịt người" - loại cá sấu này hiện nay vẫn còn tại phía tây Florida, lâu lâu từ sông vẫn bò lên "rợt và đớp" người ta như điên, nạn nhân đa số là các con nít "chậm chân vì quá khiếp đảm". Để rồi khi lương thực cạn, toán người của Narvárez mới dùng thuyền thô sơ "tân tạo" để băng qua vịnh Mễ tây cơ, nhưng mưa bão đã nhận chìm hầu hết đoàn người, kể cả Narvárez. Chỉ còn bốn người sống sót là Cabeza de Vaca và ba bạn đồng hành vượt thoát đến được bờ biển Texas. Sau chín năm rày rạc phong trần, bám theo hết bộ lạc này đến bộ lạc khác của người da đỏ từ Texas, New Mexico đến Arizona; cuối cùng họ mừng hết lớn là lúc "đoàn tụ" được với đồng hương Tây ban Nha đang lập nghiệp tại Mễ. Chính bốn trự thoát chết này với những gian truân đã kinh qua, trong lúc kể về cuộc đời trôi nổi đã thêm mắm muối và "vẽ" ra thần thoại về 7 thành phố của Cibola. Theo thần thoại da đỏ đây là những thành phố đầy vàng và ngọc bích của họ.
Hấp lực của chuyện này đã khiến một nhà thám hiểm là Fernando De Soto  qui tụ và dẫn đầu một đoàn người hùng hậu quyết tâm mạo hiểm tìm bảy cổ thành đầy quí kim khởi từ Florida, băng ngang Alabama và Mississippi. Vàng và thành phố không thấy đâu, nhưng đoàn người đã kinh ngạc về dòng sông chảy dài như vô tận là Mississippi River. Cũng trên lòng sông mênh mông này, De Soto đã trút hơi thở cuối cùng sau một cơn sốt nặng. Tổng kết lại, hơn sáu trăm con người đi theo De Soto với giấc mơ tìm bảy cổ thành đầy quí kim, quá nửa đã gởi xác dọc đường thám hiểm.
 
(Hình trái: Fernando De Soto - Phải: Coronado National Memorial in Mexico State) )
Đoàn người này thất bại, nhưng những người Tây ban Nha khác vẫn còn nuôi ý chí tìm cho bằng được những cổ thành mà bốn ông thần kia vẽ vời ra. Từ Mễ Tây Cơ, Coronado  quyết tâm bỏ hai năm để đi tìm bảy cổ thành. Chàng này đi hết vùng Tây Nam và lên tận Kansas miền bắc. Không thấy vàng, nhưng chàng gặp bao vùng đất mênh mông và là người khám phá ra Grand Canyon của Colorado.
Còn một chàng thám hiểm Tây ban Nha khác là Juan Cabrillo "ngon hơn" dùng thuyền từ Mễ vượt lên hướng bắc, chỗ nào nghi ngờ thì tắp vào để tìm cổ thành, rốt cuộc chỉ biết được những vùng đất mới bao la mà ngày nay là California và Oregon..

Hai thế kỷ sau, năm 1620, một đoàn Puritans (Thanh giáo) người Anh muốn đến một nơi mới lạ để tự do thờ phượng tôn giáo mình, đã dùng con thuyền mang tên Mayflower, vượt Đại tây dương và đến được một nơi mà họ đặt tên là Plymouth thuộc New England ngày nay. Trong chuyến hải hành họ đã bị chết đến phân nửa vì bệnh tật, đói khát và lên đất liền còn bị giết. Nhưng cuối cùng, mọi tai biến đã qua và nhờ thu hoạch được nhiều cá và hoa mầu vì những người Anh đã ngoại giao với một bộ lạc da đỏ và được họ cho hạt bắp và nhiều dụng cụ khác nên tâm thành muốn tạ ơn Thượng Đế đã cho họ thực phẩm và một mảnh đất sống còn. Trong lá thư ngày 11 tháng 12 năm 1621, ông Edward Winslow (Hình trái bên dưới) gửi cho bạn tại Anh đã mô tả ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên của những người Thanh giáo tại Plymouth.

Sử liệu cho biết những người Thanh giáo đã cùng với tù trưởng Massasoit và 90 người da đỏ ăn mừng Lễ Tạ Ơn trong ba ngày liền. Thực phẩm là gà tây, bắp, cá bass, cá thu, chim biển và 5 con nai. Không ai còn nhớ lễ Tạ Ơn này có được gọi chính thức là Thanksgiving Day không.

Sau khi thành lập Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, các nhà lãnh đạo của nhiều tiểu bang đặt ra một ngày Tạ Ơn trong bản tuyên ngôn của họ. Tuy nhiên chưa có một sự công nhận chính thức về ngày này trên bình diện quốc gia. Mãi đến năm 1846, nhờ một phụ nữ là bà Sarah Josepha Hale , chủ bút tờ báo phụ nữ Godey Lady's Book, vận động một chiến dịch dành một ngày toàn quốc ăn lễ Tạ ơn. Bà Sarah viết thư đến từng Dân Biểu, Nghị Sĩ và gửi cả cho Phó Tổng Thống và Tổng Thống cùng các nhân viên trong chính quyền để nói lên sự cần thiết có một ngày lễ Tạ Ơn. 
 
Edward Winslow - Sarah Josepha Hale 
Tổng thống Abraham Lincoln đã chú ý đến việc vận động của bà Sarah nên ngày 3 tháng 10 năm 1863, ông đã tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là Thanksgiving Day cho toàn quốc Hoa Kỳ. Đến năm 1939, TT Franklin Delano Roosevelt làm trò "lộn xộn", thấy ngày Thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 quá gần với lễ Giáng Sinh, nên cho sửa lại ngày lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ ba tháng 11. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang khoái lễ Tạ Ơn vào Thứ Năm cuối cùng của tháng 11, nên năm 1941, Quốc Hội phải nhúng tay, chính thức ấn định ngày Thursday vào tuần lễ thứ tư của tháng 11 là ngày toàn quốc Tạ Ơn...

Chuyện sửa đổi ngày giờ của các ngài lãnh tụ đôi khi làm "trật giơ" nhiều người. Thời TT Ngô đình Diệm có xẩy ra vụ lấy lại giờ đã khiến một số Tử vi gia "tài tử" nếu không nhớ đến điều này sẽ lập lá số của nhiều thân chủ "trật đường rầy" là cái chắc.

Người Việt tị nạn, trải qua nhiều cay đắng khổ đau, càng cần hướng lòng lên đấng Tối Cao để tạ ơn về những gì đang có và cầu phước cho đồng bào đang còn thiếu may mắn ngay tại miền đất tạm dung và nhất là những người đang chịu nhiều tai ương tại quê hương đau khổ bên kia bờ biển Thái Bình.

Chuyện 7 thành phố đầy vàng và ngọc bích mà "bốn ông thần" hươu vượn là chuyện hoang đường. Nhưng sau này, lời tiên tri "láo khoét" của họ lại ứng vào nước Hoa Kỳ, một quốc gia mà trước đây nhiều dân trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo đói, chỉ mơ ước đặt chân lên mảnh đất có tượng Nữ Thần Tự Do là dịp để họ bước lên những con đường "dát vàng". Ngày nay, thời hoàng kim đó không còn đúng nữa. Nó không thuần túy bi đát như tựa đề "Vàng và Máu" của Thế Lữ mà lại đa phần trộn lẫn hoặc nhuốm mùi mồ hôi và vị mặn của nước mắt.
Thiết Trượng
(Tuần báo Đất Nước, số 18 ngày 24-11-1999)

No comments: