February 24, 2007

(51) “Người bạn” không muốn gặp.

Thiết Trượng (11-1999)
Các cụ nhà mình vẫn nói "Ngọt mật chết ruồi", nhưng thói đời hầu hết người ta vẫn "khoái tỉ" được người khác tâng bốc cho đi tàu bay giấy. Có lẽ người Cộng sản VN rất ma-lanh việc này, nên dân đen đã được thổi đu đủ thật nhiều bằng các mỹ từ rất kêu. Chẳng hạn như: nhân dân thì "làm chủ đất nước" còn cán bộ chỉ là "đầy tớ nhân dân"!... Nhưng có sống dưới chế độ của CS, người ta mới ao ước ngược đời chỉ mong mình được làm thằng "đầy tớ" cho nó khỏe, có "nhà cao cửa rộng", hưởng nhiều "đặc quyền, đặc lợi"; còn "làm chủ" thì chỉ đói meo rã họng. Các đầy tớ từ cao xuống thấp đều lo nhét vào hầu bao càng chặt càng tốt, cái gì được tiền là bán, là cho phép; người ngoại quốc thì quá tốt vì vớ bở hơn, không cần biết hậu quả việc làm có di hại cho dân chúng, đất nước hay không. Hải sản dưới biển thì cho phép tàu cá Nhật Bổn (Hình: Một loại tàu đánh cá nhỏ của Nhật) tha hồ cào sát tận đáy, "bung lên hết" các loại thảo mộc là chất dinh dưỡng cho các loại hải sản sinh tồn và trú ẩn. Cây cối trên rừng, kể cả các thứ hiếm quí, nhiều loại niên kỷ đã mấy trăm năm đã bị các ngài "đầy tớ" nhắm mắt làm phép biến mất...
Thảm cảnh lụt lội nơi quê nhà tại miền Trung (Hình: Hội An) đầu tháng 11, hậu quả một phần là nước trên nguồn không có gì ngăn chặn nên băng băng xuống đồng bằng như thác đổ. Tôi không rõ có phải với dụng ý tuyên truyền hay không, nhưng nội dung câu chuyện sau đây, tôi nghĩ các "đầy tớ nhân dân" có trách nhiệm ở VN hiện nay hãy suy nghiệm. Thời ông Ngô đình Diệm làm Tổng thống, nhân một chuyến kinh lý tại Đà Lạt, tình cờ ông thấy một đám khói từ một rừng thông ở xa, bèn hỏi đám tùy tùng cớ sự. Khi biết dân đốt cỏ làm rẫy sơ ý để cháy rừng, ông nổi giận la trách các người trách nhiệm địa phương, đại ý rừng mà không dưỡng sẽ gây họa lụt lội cho đồng bằng; dân chúng ngu dốt không biết thì phải dạy cho họ. Từ đó có luật phạt rất nặng kẻ nào đốt hay làm cháy rừng... 
 
Còn mỹ từ "cảnh sát là bạn dân", tôi không nhớ có bắt nguồn từ thời chính phủ ông Diệm hay không. Thôi cứ tạm cho là đúng về thời điểm xuất xứ đi. Trước 75, ở miền Nam hễ ai nhắc tới tiếng "bạn dân", mọi người đều biết là sự diễu cợt ám chỉ bên cảnh sát.

Hiện tại trong vòng 6 năm nay, Cảnh Sát Los Angeles (LAPD) bắn chết 25 người mắc bệnh tâm thần một cách tàn nhẫn khiến người ta phải đặt vấn đề là sở LAPD đã chuẩn bị cho nhân viên mình biết cách để ứng xử với những người mắc bệnh nói trên chưa. Cứu xét lại 37 vụ mà 25 trường hợp bị bắn chết do cảnh sát, đã đi đến một kết luận là các cảnh sát được thiếu huấn luyện, nên tương lai tiểu bang có thể đòi hỏi cảnh sát phải được học thêm để đối phó với những vụ liên can đến các người bị tâm thần.

Vụ này như "sao quả tạ" đang giáng lên đầu LAPD, chưa kể những vụ lẩm cẩm khác về các quí vị cảnh sát. Chả hạn như hôm thứ bảy 6 November 99, báo chí tường thuật vụ ông cảnh sát tuần tiễu xa lộ (Control Highway Patrol: CHP) Gary L. Buernett đang bị nghi ngờ báo cáo "láo lếu" khi khai có kẻ lái xe bắn ông trong lúc ông đang thi hành công vụ. Vụ này làm sở cảnh sát quận hạt mất béng tổng cộng cả 1000 giờ, chưa kể vài trăm tiếng đồng hồ khác của các cơ quan cảnh sát thị xã bạn từ Anaheim xuống tận San Diego. Hôm đó là ngày 25 tháng 8, các bố cảnh sát đã làm nhiều nút chặn trên xa lộ 5, suốt từ Orange County xuống tận biên giới Mễ để lục lọi tìm tòi ráng bắt cho được "cái thằng khốn nạn" lái xe Toyota truck màu đỏ, dám bắn "chúng ông". Cả mấy tuần sau, khoảng 150 cú điện thoại của các "tình báo nhân dân" vẫn còn mách lẻo là thấy đâu đó chiếc xe giông giống cái xế mà ông cảnh sát bị bắn đã mô tả.
 
Vụ bắn này làm họ liên tưởng đến việc cảnh sát tuần tiễu xa lộ Don Burt (Hình bên trái) , cách đây ba năm (13 July 1996), bị một tay anh chị VN 28 tuổi "Henry" Mai Thanh Hùng bắn hạ. Tay chơi VN này sau khi phơ ông cảnh sát đo ván, rất lạnh lùng bắn thêm một hai phát vào đầu nạn nhân cho chắc ăn, khi Don Burt cũng "ốp" chiếc xe Mercedes của tay chơi vào lề để xét hỏi, giống như trường hợp mà Gary báo cáo "ốp" chiếc xe Toyta truck màu đỏ để rồi bị "phơ" hai phát. Xin mở ngoặc về vụ Mai Thanh Hùng. Khi coi Tivi vụ bắn cảnh sát này, cá nhân tôi e ngại có khi lại xảy ra một sự "phát động chống đối" dân VN tại thủ đô tị nạn do nhóm kỳ thị chủ trương. Nhưng may phước thay, ngày hôm sau cả nước Mỹ rúng động vì vụ nổ ở Oklahama. Mọi tin tức truyền thông đều hướng về vụ to lớn đó. Chả hiểu điều tôi suy nghĩ ở trên có thuộc loại "bi quan hóa" vấn đề không, nhưng sau đó vụ Mai Thanh Hùng (Hình bên phải) không còn là tin lớn nữa và "chìm xuồng" luôn; chỉ đến tháng 7 vừa rồi báo chí mới tường thuật sơ sài vụ xét xử mà kết quả với tội sát nhân không thể chối cãi được, hung thủ có thể bị kết án tử hình.

Vụ sau đây cũng làm "nhột" nhiều ngài cảnh sát công lộ. Hai vị "bạn dân" tại trụ sở Rampart thuộc sở cảnh sát Los Angeles, đã bị kết tội sau khi một ngài thú nhận có áp lực một phụ nữ bị chặn bắt với bằng chứng ma túy trong xe, phải "làm tình" với anh ta trong khi "bạn dân" kia chứng kiến tại khách sạn. Vụ này xảy ra vào hôm 4 tháng 5 năm 1998, người đẹp Tina R. lúc bị bắt với tang chứng 1 kilô ma túy trong xe, đã được đề nghị "hợp tác" nếu không sẽ bị bắt. Tina đã phải theo về nơi làm việc của họ, chờ đến 9 giờ đêm là giờ mãn việc của họ và được dẫn đến một khách sạn ở Đại lộ La Cienega, con đường có tiếng là nơi hoạt động của các gái ăn sương. 
 
Cô bị họ bắt phải đứng tên mướn phòng, còn họ sang tiệm 7-11 mua bia, potato chips và một hộp... bao cao su. Vô phòng, hai ông bạn dân bắt cô thoát y nằm trên giường. Một lúc sau, một tên bảo cô cùng vào phòng tắm và tên này dở trò con heo tại nơi đó. Sau cái trò mà Tina nói "không thể từ chối", đi ra ngoài cô bị tên kia "bóp ví, rờ ti"... Khi nội vụ vỡ lỡ, giới truyền thông làm rùm beng, cơ sở Rampart đã phải "sát xà bông" đổi nhiệm vụ một tá nhân viên. Ngày xét xử 4 tháng 11 vừa qua, hội đồng kỷ luật của sở cảnh sát Los Angeles nói vụ này cô Tina không kiện cáo, và việc "làm tình" xảy ra ngoài giờ làm việc nên chỉ phạt "kỷ luật" án treo không lương: thủ phạm 66 ngày, đứng ngó và "táy máy tay chân" 44 ngày. Cũng cần nói thêm về sở cảnh sát Rampart này, mới đây vào tháng 9 năm 1999 có xảy ra vụ một ngài cảnh sát "thuổng" 8 pounds ma túy khiến xếp xòng "bạn dân" Bernard C. Park và cả thị trưởng Richard Riordan phải giải thích lia chia với các cơ quan truyền thông vì sơ sót thiếu "theo dõi" đến cơ sở chuyên trách lùng bắt ma túy này.


 Những người "bạn dân" mà người ta không muốn gặp đang liên hệ đến dự luật của Thượng nghị sĩ (D-Culver City)Kevin Murray (Hình bên) đệ trình. Nếu áp dụng dự luật này, cảnh sát phải tổng kết các dữ kiện mà họ "ốp" xe lại: sắc dân, chủng tộc, tuổi tác, lý do chận xét và kết quả của việc này (phạt, bắt giữ, cảnh cáo hay "tha tào"). Lý do để tránh sự "kỳ thị" của cảnh sát vì đã có nhiều than phiền là các bạn dân chận bắt tay chơi ma túy cứ nhè các ông bà da đen, hay nâu nâu như Mễ; rồi lại căn cứ xế không ngon lành là bị "dí" tắp vô lề. American Civil Liberties Union (ACLU) ở Bắc Cali đã đâm đơn kiện Cảnh sát Tuần tiễu Xa lộ (CHP) lên tòa Liên bang về sự kỳ thị, trong đó chương trình chống tội phạm ma túy đã khuyến khích các bạn dân Tuần tiễu Xa lộ thừa cơ hội để "ốp" các vị da đen và dân Trung-Nam Mỹ. "Hằng năm hàng chục ngàn dân vô tội tại Cali bị chận lại, lục soát và đối xử như tội phạm chỉ vì cảnh sát nghi ngờ không đúng. Dân thiểu số màu da là nạn nhân chính".

Thống Đốc Gray Davis đã phủ quyết dự luật này và giải thích vì tiểu bang không có cơ quan phụ trách xem xét chi tiết việc làm của các sở cảnh sát địa phương. Tuy nhiên sau đó một lệnh của ông ban cho CHP, kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1999, cơ quan này phải lưu giữ mọi dữ kiện các vụ ngừng chặn người lái xe. Hiệu lực của việc này trong vòng ba năm.

Hi vọng đơn kiện của ACLU có thể làm các ngài cảnh sát bớt lừng tính chất kỳ thị, bởi vì "không có lửa sao có khói" và dân da màu thiểu số mà VN ta nằm trong thành phần này sẽ đỡ bị diện kiến với những "người bạn" không muốn gặp.

Còn vụ cảnh sát Westminster trong vụ Hi-Tek "Trần Truồng" có lời kỳ thị người Việt có vẻ "chìm xuồng" hay sao đây mà chả thấy quí vị "đại diện" này, "chủ tịch" kia đề cập hay nhắc nhở đến. Các cụ nhà mình phán rằng "để lâu cứt trâu hóa bùn", chả lẽ chính nghĩa đã về ta, ăn mừng trên chiến thắng, rồi "tha Tào" hay sao đây?

Nếu đúng vậy, kể ra người mình tốt bụng thiệt, tha thứ dễ dàng!

Thiết Trượng
(Tuần báo Đất Nước số 16, ngày 10-11-1999)

No comments: