February 18, 2007

(48) CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

Thiết Trượng (10-1999)

Tin địa phương Orange County tại Nam Cali ngày Thứ ba 12 tháng 10 năm 1999 cho biết một ông bố Việtnam bị tống giam vì tội dùng gậy đét đít hai quí tử 17 và 18 tuổi. Nơi nhà giam, ông Nguyễn n. Đức 43 tuổi, phụ bếp cho một nhà hàng, kể cho phóng viên Trần Mai rằng khi đi làm về lúc 7 giờ tối hôm thứ bảy thì được biết là hai đứa con đi dự sinh nhật mà không hỏi ông trước. Sáng hôm sau lúc 8:30g, ông đánh thức hai "tội nhân" dậy, bắt nằm xuống sàn và dùng cây đét vào đít vài roi. Cảnh sát đến bắt ông vì đứa con gái của ông bốc điện thoại gọi.

Ông Đức rơm rớm nước mắt khi nói: "Tôi làm như thế vì sợ chúng a-dua theo du đãng hoặc dại dột nghe lời xúi bẩy đi làm bậy bạ để bị bắn. Tôi đánh chúng đâu phải thù ghét gì chúng nó." Báo cáo của cảnh sát cho biết ông VN này đã dùng một cành cây lấy ở ngoài vườn, dài 26-inch có đường kính 1-inch rưỡi để "quất" vào mông hai quí tử. Với báo cáo này người cha đáng thương đã bị kết tội "ác độc và hành hung với vũ khí làm chết người". Cũng theo báo cáo của nhân viên công lực vết thương của hai đứa con chỉ là những vết hằn đỏ nơi bị đòn không cần phải dùng thuốc chữa trị! Ông bà Đức có năm người con, đến Mỹ từ năm 1981. Tiền thế chân cho ông Đức để tại ngoại hầu tra là $50.000 US.


Trước đây tôi có một đồng hương nơi sở làm cũng đã "phạm tội" giáo dục con bằng hành động roi vọt và đã "khổ sở" vì phải đóng tiền "nuôi con" khi nhà nước mang con anh ta đi trong ba ngày. Với ba đứa anh đã mất $2400.00 US để chuộc con về. Thời gian nhà nước nuôi, anh biết chúng đã được "tẩy não". Riêng phần anh, theo anh biết, nếu tòa xử có tội, anh đã phải đóng tiền để nhân viên chính phủ "giáo dục" anh cẩn thận qua một lớp học.

Ở Hoa Kỳ, bố mẹ có giáo dục, la hét con nhưng không đụng được lông chân chúng, vì "phần xác"của chúng đã được nhà nước bảo vệ. Họ đã giáo dục "phần hồn" của tụi trẻ như vậy. Đầu óc trong trắng, non nớt của trẻ thơ chỉ nhìn phiến diện, nông cạn của vấn đề thành thử nghĩ rằng mình là chủ thể "tự do", có chính quyền đứng sau lưng và dù có phạm tội thì bố mẹ cũng "không có quyền" xâm phạm đến thân xác của mình.

Các đứa trẻ đâu biết gia đình là một nền tảng quan trọng cho xã hội loài người. Chủ nghĩa Cộng sản quyết tâm "phá vỡ" nền tảng căn bản này khi chủ trương thuyết Tam Vô, mà Vô Gia Đình là điều đầu tiên họ cố đạt, để đến nỗi bố mẹ không còn tin tưởng con cái vì vô hình chung chúng đã trở thành tai mắt của nhà nước CS. Có lẽ nhóm quyền lực thống trị Hoa Kỳ cũng cố ý "phá vỡ" cái nền tảng "gia đình" khi giáo dục con trẻ những quyền tự do mà chúng có quyền hưởng và không ai được "xúc phạm" dù là bố mẹ.
 
Chính vì vậy, xã hội Hoa Kỳ mới xảy ra vụ con cái kiện để "ly dị" bố mẹ. Và năm 1994, Tổng thống của Hoa Kỳ Bill Clinton còn chấm phõ vào việc xin chính phủ Singapore tha tội đánh đòn một ông nhóc Hoa Kỳ Michael Fay đi du lịch can tội "phá hoại", xịt sơn lung tung lên nhiều xe hơi, vin cớ "đánh roi" thằng nhỏ là một hình thức dã man! Và bạn đọc còn nhớ, chính quyền ông Lý quang Diệu vẫn dùng roi "đét đít" thằng nhỏ đến rướm máu (nhiều ông bà Mỹ xót xa, tội nghiệp thằng nhỏ lắm!), chỉ có nể TT Hoa Kỳ giảm bớt vài roi chỉ còn bị 4 cái mà thôi.

Nói vậy, chứ không phải toàn thể dân chúng Hoa Kỳ "mù quáng" không muốn roi vọt để răn dạy con nít. Sau vụ "đét đít" của Tân gia Ba làm bẽ mặt người Hoa Kỳ, Ed Koch nguyên thị trưởng New York từ năm 1978 đến 1989, có viết một bài khuyến khích nên dùng lại hình phạt bằng roi đã có trước đây tại Hoa Kỳ. Ông Koch cho biết, trừng phạt bằng roi vẫn được coi là hợp pháp tại Hoa Kỳ cho tới năm 1948. Theo ông "Hiến pháp nên được tu chính để áp dụng lại hình thức trừng phạt này, nếu chúng ta muốn tái lập trật tự cho đường phố ở Mỹ... Sự suy sụp của gia đình tại Hoa Kỳ là một sự kiện quá phổ biến cả trong cộng đồng thiểu số lẫn quảng đại quần chúng người da trắng. Một khi không có cha mẹ để đưa con cái vào kỷ luật thì nhà nước phải làm thay... Ai làm điều gì sai trái thì phải bị hình phạt. Trách nhiệm cá nhân phải được đặt lại thành vấn đề quan trọng. Nhà nước không thể hàn gắn những gia đình đổ vỡ, nhưng nhà nước có thể dạy những giá trị đạo đức và tinh thần tại trường học."
 
 
(Hình: Viên chức Singapore biểu diễn thế đánh roi và phòng xử phạt) Tiếc thay, ông cựu thị trưởng New York chỉ là một con én nên không thể làm một mùa xuân cho nền tảng gia đình ở Mỹ quốc. Chỉ có giai cấp thống trị ở Mỹ họ mới áp dụng một nền giáo dục bổ túc cho con cái. Lấy gia đình Kennedy làm ví dụ. Lúc còn thiếu niên, anh em Kennedy khi đi học về, đều phải xem bảng gắn trên tường những điều phải làm trong ngày. Con nhà giàu, như cậu út Ted (Thượng nghị sĩ bây giờ) vẫn phải đi bỏ báo, dù tiền bỏ báo thu được không đủ để trả tiền xăng chiếc xe Cadillac cậu ta dùng để giao báo. Ông bố muốn dạy cho họ biết giá trị của sức cần lao, và hiểu người nghèo đã phải cực nhọc ra sao để kiếm được đồng tiền...

Cho đến nay dòng họ Kennedy vẫn coi "Hội đồng gia tộc" là một "thẩm phán tối cao" đầy quyền uy và mọi thành viên trong dòng họ phải tôn trọng. Điển hình trong cuốn "Jackie, Oh!", "Hội đồng gia tộc" đã phải nhúng tay vào vụ cưới hỏi của góa phụ Kennedy và nhà tỉ phú Onassis. Hy Lạp có luật bó buộc "nominos miras", đòi hỏi người chồng phải để ít nhất 12.5 phần trăm tài sản cho vợ và 37.5 phần trăm cho con cái. Ông già 62 tuổi Onassis có tài sản ước lượng thời đó trị giá 500 triệu đô la. Nghĩa là, nếu ông "ngủm củ tỉ" ngay sau khi lấy Jackie, nàng Tổng thống góa phụ sẽ ẵm ngon ơ ít nhất 64 triệu. Chuyện lấy Onassis, Jackie đã có bàn với gia đình Kennedy. Chính vì "cáo già" Onassis muốn luật "nominos miras" bãi miễn trong trường hợp ông cưới Jackie, sứ giả gia đình Kennedy là ông em út còn sống hiện thời là Teddy, vì tương lai của các cháu hơn là bà Jackie đã phải bay sang Hy Lạp "mặc cả" với Oanassis trên du thuyền Chritina: khi ông "về bên kia thế giới", Jackie và các con sẽ được gì? Cuốn sách "Jackie Oh!" tiết lộ sự thỏa thuận là Onassis để cho Jackie 3 triệu, hai đứa con của Jackie mỗi đứa một triệu. Thực tế sau khi Onassis chết, Jackie đã được con gái Onassis là Christina  "bố thí" cho 20 triệu với điều kiện không còn kiện cáo lằng nhằng, và cắt đứt mọi liên hệ với gia đình Onassis... (*)
Onassis và Christina 
Con cái chúng ta lớn khôn tại Mỹ nếu hiểu được vấn đề giáo dục trẻ thơ tại Hoa Kỳ và giá trị quan trọng của gia đình thời là điều may cho chúng. Hiện thời đã có manh nha sự kiện "nền tảng đạo đức" đang được một số nhà giáo dục "xây móng". Mong đây là vết dầu loang thời các thế hệ mai sau của chúng ta tại hải ngoại có một môn "công dân giáo dục" trong học trình.

Tin cho biết mùa tựu trường năm nay, tiểu bang Louisiana đã làm một cách mạng trong nền văn hóa Hoa Kỳ, khi bắt các học trò từ mẫu giáo đến lớp 5 phải xưng hô tử tế với thầy cô. Bắt đầu mùa thu 1999, luật Louisiana cho phép 66 trường tiểu học công lập tự ấn định lấy hình phạt cho những học trò vi phạm, nếu không thưa "ma'am" hay "sir" hoặc không gọi Mr. hay Ms. với thầy cô. Vấn đề "tôn sư" tuy chỉ khởi phát từ một trong 50 tiểu bang của Mỹ quốc, nhưng hy vọng tương lai sẽ được nhiều tiểu bang khác bắt chước. Ý thức "dạy trẻ từ còn thơ" hoặc uốn tre từ lúc còn non, khiến các đứa trẻ tiêm nhiễm thói quen thưa thốt tử tế với người giáo dục mình, rồi tiếp tục khi lên các lớp trên và sẽ ngượng ngùng nếu dùng những ngôn từ thiếu sự kính trọng.

Sự phối hợp nhịp nhàng dần dần từ trường học, cộng thêm răn dạy tại gia đình, thế hệ tương lai của con trẻ hy vọng được tốt đẹp hơn, để không phải như người Mỹ bây giờ, đa số chỉ mong sao con cái đến 18 tuổi là đuổi cổ chúng ra khỏi nhà. Và tiền oan nghiệp chướng tiếp diễn là chúng chỉ lăm lăm... gửi bố mẹ già vào nhà dưỡng lão cho rảnh tay.

Thế mới biết cái giá của tự do mà nhà nước Hoa Kỳ ban phát cho trẻ thơ nó cũng đắt giá lắm vậy.
-------
(*) Nhiều chi tiết về Jackie Kennedy đề cập trong bài "Mối tình thù của Maria Callas với Jackie Kennedy"
Thiết Trượng (Tuần báo Đất Nước số 13, ngày 20-10-1999)

No comments: