February 11, 2007

(47) CHƯA GỌI LÀ PHẢN QUỐC ?


Thiết Trượng (10-1999)
Theo tin của hãng thông tấn AP ngày thứ ba 5 tháng 10 vừa qua, một nhóm “chưa có tên” gồm nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã “đổ bộ” hai trăm năm chục ngàn (250,000) thư thỉnh nguyện xuống gần tòa nhà Quốc hội, chất cao lù lù 4-foot như mả Đạm Tiên. Đống thư chỉ có mục đích hỏi các ông bà dân cử có bảo đảm rằng sau khi trao trả kênh đào Panama (Hình chụp trên đầu bài năm 1994), tàu bè con cháu chú Sam vẫn thong thả qua lại cửa nẻo nơi eo biển này không. Vì tin tức cho biết một công ty của Hồng Kông đã sang nhượng được kênh đào. Hồng Kông bây giờ đã thuộc Trung Cộng, nên trong tương lai kiểm soát con đường thông thương hai đại dương, con “sư tử thức dậy” này sẽ “đàng goàng” chễm chệ ngồi giữa lục địa Mỹ châu “kiểm soát” quốc gia nào đi vào châu này và các châu khác theo con đường ngắn gọn. Với thỏa ước ký năm 1977, vào ngày 31 tháng 12 năm 1999 lực lượng quân sự Mỹ cuối cùng đang đồn trú tại kênh đào Panama phải rút khỏi nơi đây để trao lại cho chủ nhà. Xưa kia, năm 1904, khi Panama sang nhượng kênh đào quan trọng này, người Mỹ tưởng đâu như vĩnh viễn thuộc mình, ngờ đâu tiến trình dân chủ của nhân loại đã khiến Hoa Kỳ phải ngồi lại với Panama để có một thỏa ước mới và hậu quả là cuối năm nay, Hoa kỳ không còn quyền kiểm soát sự thông thương nơi eo biển giữa hai đại dương.
  
Năm 1990 thời ông George Bush làm Tổng thống, “vụ hành quân bắt cóc” Tổng thống đương quyền của Panama là tướng Manuel Noriega mang về Mỹ tống vào nhà giam với cáo buộc là buôn bán ma túy phương hại cho Hoa Kỳ đã làm thế giới xôn xao. Phản ứng con dân Panama lúc đó ra sao, chúng ta không được rõ. Thông thường, trên bình diện quốc gia và tự ái dân tộc, không một công dân của nước nào lại có thể chịu đựng cái nhục đó. Sau trò “hỗn xược” của Mỹ và sự bình lặng của người dân Panama, tôi đành trộm nghĩ, cái dẻo đất bề ngang 10 dặm với số dân 2.8 triệu này chắc toàn người tứ xứ; tổ tiên ở đâu đâu bên Âu, bên Phi... đều là đồ “ăn Hamburger, Hot Dog; uống Coca” của Mỹ mấy chục năm đã quen thành ra mất gốc nên “cóc cần, chả ke” ông này xuống, bà nọ lên; thằng này đi, con kia tới!

Nhưng đến nay, công ty Hutchinson Whampoa Ld. của Hồng Kông ký thỏa ước 20 năm với Panama để kiểm soát kênh đào trong tương lai, tôi mới nghĩ có thể một số viên chức Panama vẫn còn nhớ tới mối hận “thù nhà, nợ nước” của “mười năm tình cũ” bèn chấp thuận cho Sư tử da vàng đi vào rong chơi vùng đất Mỹ châu bắt đầu từ năm 2000. Bằng chứng là ngay người góa phụ vừa trở thành Tổng thống đầu tiên của dẻo đất nhỏ bé này là bà Mireya Moscoso, vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 1 tháng 9 vừa qua, đã trả lời một cuộc phỏng vấn trước đó dù bà trân trọng người Mỹ đã đưa bà và Tổng Thống bị đảo chánh Dr. Arias ra khỏi Panama năm 1968, bà vẫn không muốn một căn cứ quân sự Mỹ nào tồn tại ở xứ sở này. 
 
(Hình với Hoa Hậu hoàn vũ gốc Panama)

Lúc Dr. Arias (Hình bên) lưu vong, ông đã 60 tuổi và bà Mireya chỉ có 23 xuân xanh đang giữ vai trò thư ký rồi sau đó ít lâu hai người mới kết hôn. Thời gian lưu vong, bà trau dồi Anh ngữ, học computer và cả môn trang trí nội thất. Năm 1988 ông chồng Arias chết, một năm sau (1989) bà được nhóm đối lập với tướng Noriega mời về tranh cử Tổng thống nhưng bà từ chối. Đến nay, lời tuyên bố của người sắp nắm quyền nguyên thủ quốc gia là bà Mireya, một người thụ ơn Mỹ, như “gáo nước lạnh” tạt vào Hoa Kỳ. Cơ hội để trú quân tại eo biển quan trọng này không còn cho con cháu chú Sam nữa. Sau đó, tin càng xấu hơn là Trung cộng đang nhòm ngó và cuối cùng một công ty Hồng Kông làm mũi tiến tiền phương đã đạt thành quả.

Trước hung tin này, các bố nhà banh tướng tá Mỹ khoảng 80 trự, dù đã về hưu, nhảy nhổm cả lên, bèn hợp với nhóm “không tên” bắt Quốc Hội phải điều tra chính quyền của “ông Tông Tông trốn lính” tìm cho ra lý do tại sao cho phép Trung Cộng trở thành người “gác cổng” kênh đào, sau khi lực lượng quân sự Mỹ rút dù.

Cái hay của “nhóm không tên” này, chỉ trong thời gian ngắn (bao nhiêu tuần, người viết không rõ) họ đã thu thập được đến hai trăm năm chục ngàn thỉnh nguyện thư, thực là một kỳ công đáng phục. Có lẽ vì kinh nghiệm chiến trường, chạm trán với đối phương từ lúc Mao Trạch Đông dợt họ Tưởng chạy tóe khói sang Đài Loan, hoặc ục nhau cật lực với các chú Ba trong trận Nam Bắc Triều Tiên, rồi lại trực diện chết sống với cố vấn Tàu tại VN; các con hổ già tướng lãnh Hoa Kỳ đã biết tẩy Trung Cộng như thế nào. Không như nhóm thư lại, loại “vua đi đêm” gốc Do Thái là Kissinger chỉ biết lợi trước mắt, quên cái hại sau lưng, đi thông lưng với thằng ăn cướp giết người.

Nhắc đến “ông ngoại đi đêm” này, xin nói ngoài lề chút xíu. Gần cuối thập niên 80, trong US News & World Report năm 1988 hay 1989 (vì thời gian đã lâu tôi không nhớ rõ chi tiết) đại khái có một tin ngắn cho biết “ông vua đi đêm, mũi mỏ két” này có rủ rê một số công ty Mỹ sang làm ăn bên Trung Cộng, được đâu vài năm thua lỗ “chỏng gọng” hơn 30 triệu bèn hô tan hàng. Lúc ấy, tôi chỉ đoán mò, cái lão “đi đêm” mà một số bà con ta “thù ghét”, sau vụ ngoại giao bóng bàn để mở đường cho vụ “chạy làng” tại VN, hí hửng bắt giò bắt cẳng được với các lãnh tụ đỏ Tàu, tưởng rằng sẽ độc quyền mấy mối làm ăn nơi mảnh đất mới mẻ gần một tỷ người (thời gian “mở cửa” của Đặng tiểu Bình), chẳng mấy lúc sẽ hốt của giàu to. Thiên bất dung gian, ông ngoại vì tật “đi đêm”, mắc bệnh thông manh, ban ngày không thấy được chuyện là sau mấy chục năm vô sản, dân Tàu có tài sản ngay đâu để mà mua bán! Còn làm ăn với các quan chức CS thì ta đã rõ, tùy theo cảm hứng cá nhân, luật lệ là cái vỏ, chắc chắn chỉ có “từ chết đến bị thương”. Ông ngoại “đi đêm” bị chấn thương, chả dám hé răng khen người CS từ đó. Đánh thức con thú thức dậy, mở cửa cho nó đi ra ngoài, kiếm thực phẩm cho nó xực, bây giờ cái họa Trung Cộng nếu có xảy đến cho Hoa Kỳ cũng không phải tự nhiên mà có.

Hãy nghe phản ứng của con cọp già Đô đốc hồi hưu Thomas H. Moorer, cựu Tư lệnh Liên quân: “Chúng tôi muốn yên chí rằng Trung cộng không thể kiểm soát kênh đào này”. Ông còn nói thêm, nếu Hoa Kỳ không còn được tiếp tục ưu tiên sử dụng kênh đào, “chúng ta phải dùng vũ lực để lấy nó lại”. Dân biểu Cộng hòa Tiểu bang Georgia biểu đồng tình: “Mỹ và Panama có một sự liên kết tôn trọng dân chủ và tự do... và chúng ta không muốn thấy điều này bị suy giảm bởi ảnh hưởng bên ngoài từ phía Trung cộng”.

Nghĩ cũng “cay cú” dùm cho mấy ông tướng tá của Mỹ khi thấy rằng nội các của vị lãnh tụ “trốn lính” chả có kinh nghiệm gì về quân ngũ, đang chơi trò “rước trộm vào nhà”. Hai tháng trước, bộ quốc phòng Mỹ đã bị các vị dân cử “bóp dế, trợn trắng mắt” khi hủy bỏ chương trình chế tạo phi cơ F-22. Một chương trình đã mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc, chỉ chờ bay thử đầu tiên; nhưng cuối cùng không thể chào đời được đứa con của thế kỷ 21 cho không lực Hoa Kỳ.
 
Chủ nghĩa Monroe, Mỹ châu của người châu Mỹ, có vẻ đang hồi sinh khi một số dân Mỹ ý thức hiểm họa “CS da vàng” đang lăm le dẫm chân lên vùng “đất cấm” của một đại cường. Còn mấy ông to đầu, kinh nghiệm “đường ăn chơi thì... mỗi vẻ, mỗi hay”, trước tin “nóng bỏng” này, chính quyền Clinton tỉnh bơ nói rằng họ chẳng thấy dấu hiệu nào tỏ ra người Tàu muốn kiểm soát kênh đào này ráo trọi, một khi Mỹ rút khỏi. (The Clinton administration says there is nothing to indicate that the Chinese have any desire to control the canal once the US pulls out.)
Người của xếp nhớn đã nói như vậy, quí vị tướng tá nên chào thua cho nó rồi. Mấy vị đang tại ngũ có tức thì đào ngũ hay bỏ trốn sang Anh, hút xì ke rồi biểu tình phản đối có lẽ “phê” hơn. Xin chia buồn cùng quí vị đã lỡ có một lãnh tụ “không dám vào đời quân ngũ dùng súng bắn địch quân” nhưng lại được đa số bàu lên, một lãnh tụ thích được"thổi kèn” và chỉ khoái dùng súng cá nhân để “bắn” đàn bà, con gái.
  
Phía Quốc Hội Mỹ sẽ bàn thảo về kiến nghị trên vào trước cuối tháng 10 này. Chắc chẳng thể nào xoay ngược cuộc cờ, vì chuyện xảy ra là chuyện của Panama. Người Mỹ đâu phải là chủ nhân của kênh đào này. Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng chờ xem sao.

Thiết Trượng

(Tuần báo Đất Nước số 12, ngày 12-10-1999)

No comments: