January 30, 2007

(8) Bài chửi mất Gà


Thiết Trượng
Đất Bắc từ thuở xa xưa vốn sống bằng nghề nông, gia súc trong nhà kể cả con gà là một tài sản quý giá của dân quê. Gà, nhất là gà mái rất quý vì vừa cho thịt vừa đẻ trứng cho chủ, gà trống còn quí hơn vì vừa là vật gây giống vừa là đồng hồ báo thức cho con người. Nhà có sân to, vườn rộng hay mái tranh vách đất cũng thường nuôi thêm một hay vài con gà. Cái lợi là mỗi khi có khách quý phương xa hay lúc giỗ chạp Tết nhất thì trước nhất có thịt để cúng ông bà hay đãi khách, sau là thịt thà cả nhà cùng hưởng. Vì thế kẻ nào nỡ lòng muốn ăn mà không chịu nuôi, bắt trộm hay đánh cắp con gà của người ta sẽ khiến chủ nó rất căm giận.

Mỗi chiều khi rải thóc ra sân, đếm gà thấy lạc hay mất một con, bà chủ bầy gà thường lịch sự lên tiếng rao, vọng sang hàng xóm:

- Nhà tôi vừa lạc con gà trống, ai thấy xin đuổi giúp về cho tôi!
Buổi tối vẫn không thấy về. Sáng sớm hôm sau, bà chủ gà lại rao rất lễ độ lần nữa. Rao đến ngày thứ nhì, đã thấy khó tìm được con gà rồi, bà ta lại rao gắt gao hơn nữa:
- Con gà của tôi nuôi bằng gạo, bằng thóc, mất tiền mua. Vậy ai bắt con gà xin trả lại, không thì tôi chửi đấy nhé! 

Rao như thế hai lần nữa không thấy gà về, là chiều hôm ấy bắt đầu bà con láng giềng được nghe trọn vẹn bài ca mất gà. Bài chửi kẻ trộm hay ăn cắp gà có vần có điệu hẳn hoi khiến lời chửi tiếng rủa trở thành một áng văn chương dân gian độc đáo được truyền tụng đến tận hiện giờ:

“Cha Cao Tằng Tổ Khảo, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Dì Tỉ Muội thằng cha mày đã bắt con gà nhà tao!
Con gà ở nhà tao là con gà, con qué. Nó về nhà mày là con Cú, con Cáo. Nó mổ gan, lòi ruột những đứa ăn miếng thịt gà nhà tao.. Nó là thần Nanh, đỏ Mỏ rút gan, rút ruột nhà mày ra. Mày không thả con gà nhà bà ra, bà đóng ghế 3 tháng 10 ngày, buổi sáng bà chửi, buổi tối bà chửi, buổi trưa bà hú, bà nguyền, bà rủa cho cây vàng lá, cho quả chột thui, cho Thần Trùng đến rút từng khúc ruột của Cha Ông, vợ con nhà mày ra!

Tao hú 3 hồn, 7 vía thằng đàn ông, 3 hồn 9 vía con đàn bà đã bắt con gà nhà tao. Tao gọi ông cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ông cầm cờ đỏ đứng sau nhà, ông cầm cờ vàng bên hữu, ông cầm cờ trắng bên tả yểm cho nhà mày đẻ con ra thì ngược, sinh cháu ra thì ngang vì đã dám ăn con gà nhà tao!...”

Chửi đến mức đó ta dám nghĩ rằng chẳng người nào chửi văn chương, nghĩa lý, đau thương, uất hờn bằng bà Việt Nam mất gà! Chả biết có nên hãnh diện không?
oOo
Hiện nay, lời chửi tiếng rủa của người VN theo một số người có vẻ tục tằn, thô bỉ hơn. Tạm trích nguyên văn báo trên Internet từ VN:

Nói tục như mode!
Tôi đã chứng kiến các em gái cấp II tụ tập với nhau, dùng những từ rất thô tục mà không hề cảm thấy mắc cỡ, ngược lại còn thấy vui vẻ. Tôi chợt nhớ đến những tiểu phẩm hài trên tivi, những cảnh hài hước trong những vở cải lương (ví dụ như vở chiếu sáng 25/2), diễn viên đã dùng câu chửi tục để lấy tiếng cười của khán giả. Hiện nay, phần lớn các em học sinh cấp II, III và đại học xem việc nói chuyện có từ đệm, từ tục như là mode, thậm chí mỗi lần mở miệng là những câu chữ thô tục ấy được nói ra trước. Vậy làm sao giúp cho các em tránh sử dụng những từ ngữ đó để chọc cười khi gặp nhau, để nếu có em nào không chửi thì không bị coi là công tử, công chúa hoặc giả nai, giả hiền...

Tôi nghĩ rằng vấn đề nói tục ngày càng phổ biến vì trẻ con đi đâu cũng nghe thấy. Cho dù không muốn nhưng trong tiềm thức của chúng đã ghi lại những câu đó, chờ có cơ hội là chúng nói ra mà thôi.Nói tục là một thói quen xấu và khó bỏ. Tuy nhiên, con người luôn có những nấc thang giá trị của bản thân. Nếu chúng ta nhận thức rằng bản thân ở nấc thang giá trị cao thì chúng ta sẽ kiểm soát được lời nói của mình, ngược lại nếu chúng ta thấy rằng giá trị của chúng ta ở nấc thấp thì cần phải nâng giá trị của mình cao hơn.

Tôi cho một thí dụ: một thày giáo sẽ rất khó khăn khi "nói tục" nhưng một anh làm nghề chạy xích lô thì chuyện nói tục là thường xuyên.

Tôi thường đưa đón người thân hoặc khách của công ty vào phi trường Tân Sơn Nhất. Qua bài báo mà VnExpress mới đăng về tình trạng độc quyền của Airport taxi, tôi thấy rất đúng và muốn cung cấp thêm một số thông tin. Cách đây 3 ngày, tôi đón người thân và đưa về Bùi Thị Xuân, đồng hồ cước xe là 17.500 đồng, lấy hành lý xong thì tôi bị tài xế đòi 50.000 đồng. Người nhà tôi không chịu và chỉ trả 20.000 đồng sau đó đóng cửa xe, không ngờ nhận được những câu chửi tục tĩu của lái xe! Tôi cảm thấy quá bất bình trước sự việc trên - đã phải tip 2.500 đồng mà vẫn bị chửi - trong khi nếu với tài xế của các hãng khác thì hẳn tôi đã được họ vui vẻ cảm ơn rồi. ...

Khi... văng tục trở thành "mốt"!
Giới trẻ bây giờ, sành điệu đối với họ không chỉ là cưỡi những "con xế" đắt tiền, mình khoe đầy hàng hiệu, "tiền bao la - tình bát ngát", mà còn... văng tục để chứng tỏ ta đây... sành điệu (!).

Nếu chịu khó nghe kỹ, trong những câu chuyện hàng ngày của các bạn trẻ có vô khối những câu chữ tục tằn đủ loại xen vào. Mà đâu phải chỉ là những câu chuyện của những chú nhóc hè phố, những gã trai bụi đời, dân đầu đường xó chợ... Nói tục bây giờ lan vào cả những nơi hội tụ các quý vị ăn học đầy đủ, làm việc trong các công sở, cơ quan, xí nghiệp, thậm chí cả những cô cậu nam thanh nữ tú đang ngày ngày "mài quần" luyện chữ trên ghế nhà trường.

Từ nhiễm...
Sinh viên (SV) văng tục búa xua, một phần do sống chung với những người lao động nghèo trong những khu nhà trọ bình dân, nhiều khi sáng sớm chưa mở mắt ra đã mơ màng nghe chửi, tối ngày sáng đêm nghe văng tục, lâu dần trở nên quen. Từ vài câu lỡ miệng đến lậm lúc nào cũng chẳng hay. Tuấn (SV ĐHDL Kỹ thuật công nghệ) là một trường hợp như thế. Thời gian đầu mới lên thành phố học, trong lớp chưa ai nghe Tuấn nói một câu chửi thề nào nhưng chỉ sau hai năm "luyện công phu" ở các quán cà phê bóng đá, giờ đổi khác. Cứ một câu Tuấn chơi vào vài chữ "Đ.M". Hôm ngồi thao thao bất tuyện trận Real - Porto cùng đám bạn bên ly cà phê cóc trước cổng trường, Tuấn gân cổ chửi loạn xạ đến nỗi thằng bạn ngứa tai, chịu hết nổi phải khảy một câu: Chửi vừa thôi ba! Tuấn mới chột dạ ngừng nói nhưng rồi giây lát sau lại tỉnh rụi phát biểu: "Nhiễm vào máu rồi mày ơi, hổng chửi hổng chịu được (!)".
Mê đá bóng, SV ở trọ lại không có tivi, Tuấn thường la cà các quán cà phê để thưởng thức những trận cầu khí thế. Những câu văng tục chửi đổng vì một đường bóng không như ý được nạp dần vào đầu, Tuấn nhiễm... tục từ đó.

Nam văng tục nghe đã khó, nhưng nữ văng tục thì thôi rồi, nói theo giọng bình dân: Chỉ có nước thầy chạy. Hà (SV ĐH Bách khoa) dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài bó khuôn mặt hiền lành dễ thương nhưng đã khiến không ít các đấng mày râu khiếp vía khi lỡ dại làm cô... văng tục. Bất kể đi với nam hay nữ, Hà chẳng kiêng khem gì cả, vấp phải cục đá cô cũng làm một phát "Đ.M" rõ to.

Đi đường lỡ có "anh giai" nào vô tình nhìn đểu hoặc buông lời trêu chọc, ngay lập tức những từ ngữ được "lập trình" sẵn phun ra té tát, khiến đối phương dù chai mặt cách mấy cũng phải chuồn êm vì... chịu hổng nổi. Nhiều lần đi chung với các bạn nữ trong lớp, Hà chửi "ác" quá, ai đi đường cũng nhìn, khiến bạn bè phát ngượng. Bạn bè góp ý, Hà biết lỗi, nhưng chỉ xuống giọng: "Tao quen rồi!" rồi đâu lại vào đấy.

Đến muốn là... sành điệu (!?)
Văng tục mà coi là sành điệu thì... hết thuốc chữa. Ấy vậy mà có không ít bạn trẻ nghĩ thế, rồi búa xua văng tục và lấy thế làm thích thú. Mà đâu chỉ văng tục bằng tiếng Việt, thời buổi này mà cái gì cũng bô bô tiếng Việt thì mới chỉ sành điệu có 7 phần thôi, muốn sành điệu "nguyên con" thì phải "chêm" tiếng nước ngoài vào mới ác chiến! Nhưng không phải bạ đâu nói đó mà phải nhập và đúng nơi đúng chỗ mới được. Chửi lề đường, xó chợ ai hiểu, thế nên phải chui vào mấy cái chốn sang sang một tí, có thế mới có người nghe hiểu.

Vào những quán cà phê hạng sang quanh hồ con Rùa hay những quán trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dễ thấy những cô em thời trang, tụm năm túm ba trong các bộ cánh xinh tươi đủ kiểu, cưỡi trên những con @, Dylan, Spacy..., cái alô giắt ngực hay kẹp cạp quần đúng hệ dân chơi thời thượng ngồi nhâm nhi cà phê nói chuyện trần ai.

Thoạt nhìn tưởng cao sang quý phái, nhưng nghe kỹ trong câu chuyện, không ít người trong họ vô tư xả tục, nào là "nhỏ đ... đó, thằng c... kia... chán bỏ m...". Thế vẫn chưa đủ làm người ta kinh hay sao ấy, nên lâu lâu chỉ cần vài giọt nước không may rớt vào quần, ngay tức thì sẽ nghe được những câu chửi đổng: "Oh! Shit..." rõ to, cứ như sợ người khác không nghe được "mỹ từ" ấy không bằng. Chửi xong, mặt còn vênh vênh ra chiều tự đắc ta đây biết tiếng Mỹ! Khốn khổ một điều là không phải ai chửi tiếng nước ngoài cũng hiểu nghĩa, đã không biết, lại nghĩ mình nói tiếng nước ngoài là hay, thế là cứ um sùm lên mà xổ, rồi tưởng sẽ làm người khác nghe kính nể. Thật tội nghiệp! Dân chơi bida cuối đường Cao Thắng nối dài không mấy ai lạ với Đ.hello. Mới gặp ai cũng lầm Đ. là Việt kiều bởi một câu tiếng Việt Đ. hay kèm theo vài từ tiếng Mỹ nghe thật sành điệu. Đánh hụt một trái bi, Đ. phun ngay: "Wát - đờ - heo", rồi "bú - sịt" đủ kiểu. Cái tên Đ. hello cũng từ chuyện gặp ai Đ. cũng 'hello" mà ra. Thế nhưng nếu có ai hỏi lại chúng là gì, hắn chỉ cười xòa, rồi huỵch toẹt bảo rằng "Do đi với mấy tay Việt kiều, thấy tụi nó nói nên bắt chước theo". Bắt chước người khác, học theo cách văng tục để khẳng định cái sự sành điệu của mình kiểu này thì chẳng hiểu sành điệu kiểu gì đây?

Giám đốc cũng văng tục
Không chỉ giới học làm sang như những nhân vật kể trên mới văng tục, các vị giám đốc năng lực, trình độ, bằng cấp đầy mình cũng phèo phèo "Đ.M" tá lả như ai. Nhân viên trong Công ty M.T ai cũng quen với tính tình giám đốc M. Mỗi khi nổi nóng, chẳng cần biết chuyện to, chuyện nhỏ, chỉ cần làm phật ý một tí là sếp văng ra búa xua, toàn những lời lẽ khó chịu nhất. Mỗi khi chửi, vị giám đốc này rất khoái lấy tên súc vật như chó, bò, heo... ra gán cho nhân viên của mình. 

Không chửi bới trong công ty như giám đốc M. Trọng T. - một giám đốc trẻ đang làm việc tại văn phòng đại diện một công ty sữa nước ngoài (N.Z.M) tại TP.HCM. Ở công ty T. làm việc rất tốt, được đồng nghiệp, nhân viên rất kính nể, nhưng khi bước ra bên ngoài, T. chẳng coi ai ra gì cả.

Được đào tạo từ nước ngoài, nói tiếng Anh như gió, nên T. hay dùng tiếng Anh để chửi. Một lần trong Seventeen Salon, T. "fuck" một người mới quen tá lả chỉ vì người cho card này không xứng để T. giữ lại nên vừa chửi (bằng tiếng Anh) vừa giả làm động tác xé tấm card trước mặt mọi người, tỏ ý khinh miệt rõ rệt. Đám bạn đi cùng ai cũng tỏ vẻ ái ngại nhưng cũng không dám làm gì hơn là im lặng, bởi ai cũng biết T. là sếp!
* * *
Hiện tượng văng tục hiện đang phổ biến ở nhiều nơi, ở đủ dạng người. Nhiều người cho rằng văng tục, nói bậy cũng là một cách để giải tỏa bớt những căng thẳng (?). Tuy nhiên, dù gì đi nữa, văng tục chỉ khiến người khác đánh giá thấp mình đi mà thôi.

Tạm gọi là "mốt" vì nó là một phong trào. Trước kia những nhóm bạn rất thân lén lén nói với nhau và vì phép lịch sự các ông không nói trước mặt phụ nữ. Còn người lớn thì tránh nói khi có mặt trẻ em.

Ngày nay thì nhiều người nói tục, trong nhóm bạn, ở quán cà phê, trên bàn tiệc bạn bè và cả ở những buổi chiêu đãi long trọng có quan chức, trên các xe buýt du lịch có micro đàng hoàng. Đàn ông nói tục, thanh niên nói tục nhưng cả các bà cũng không thua kém.

Người ta đem chuyện phòng the, các bộ phận đặc biệt của cơ thể ra làm trò đùa. Người ta nói trây, nói lái, nói tiếng lóng rồi phá lên cười vì xem đó như những phát minh "vĩ đại". Thật ra có những chuyện nghe cười không nổi mà người ta chỉ cười vì nó tục thôi.

Có những chuyện lặp đi lặp lại cả trăm lần. Ấy vậy mà sao nó phổ biến đến thế, nguồn gốc của phong trào này là từ đâu? Có người nói đó là nơi xả xú-páp. Người Việt Nam bị ức chế dữ vậy sao? Vậy thì phải nhờ các nhà phân tâm học làm một cuộc phân tâm tập thể!
......
Ở bữa tiệc nọ có một người nước ngoài. Cả bàn phá lên cười liên tục. Chẳng lẽ để bà ta thắc mắc không biết ai nấy đang cười chuyện gì. Một người ngồi bên cạnh bèn dịch ra. Thú thật, hôm đó tôi muốn chui xuống lỗ phứt cho rồi vì quá xấu hổ. ( Bài của một cô giáo tên OANH)
* * *
Báo Thanh Niên ngày 11 tháng 9-2004, trong bài “Nói tiếng bẩn”, có đoạn như sau có nhắc đến nhà văn Sơn Nam:
“Thứ tiếng trước kia chỉ có đất sống ngoài "giang hồ", nay đang lây lan như một thứ "dịch" ở nhiều thanh niên vẫn được coi là có ăn có học.

Lây lan nhanh
Một lần, người viết có dịp hầu chuyện với nhà văn Sơn Nam về giới trẻ hiện đại, sau rất nhiều khen ngợi, ông già Nam Bộ này buồn rầu: "Miệng mồm tụi nhỏ bây giờ ô uế". Ý là ông trách, trong văn nói của bọn đầu xanh tuổi trẻ, họ xài nhiều từ “bẩn” quá! Một ông cụ người Huế, chạy xích lô ngày 4 buổi đưa đón đám trẻ con tiểu học, thường lắc đầu thở dài: "Tụi con nít bây giờ mới bảy, tám tuổi đã biết đ.m hết rồi". Ông kể thêm, thỉnh thoảng đậu xe trước cổng trường đại học, ông bổ ngửa khi thấy sinh viên những trường "đạo đức" (cách ông nói) như Luật, Khoa học xã hội - nhân văn, Sư phạm... chửi thề văng mạng.

Chỉ một buổi la cà ở quán nước trước các cổng trường, một vài lần viếng thăm ký túc xá, bạn sẽ thấy hai ông già - một học giả, một bình dân - không nói quá về lớp hậu sinh. Họ nói tục, chửi thề như một phần biểu hiện của sức mạnh nam tính. Một câu đôi khi chỉ vỏn vẹn "Đ.m, mày mới nói gì, đ.m?". Những người đã là thanh niên, thì nghĩ rằng thêm những từ đó vào, câu nói sẽ thêm sức nặng, mình sẽ thêm uy lực. Lúc đầu là vô tình bắt chước hoặc vô tình lây nhiễm, vài năm sau, thì đã trở thành một quán tính, một phản xạ vô điều kiện. Hễ cứ mở miệng là phải văng những của nợ ấy ra trước. Đáng sợ một nỗi, họ không chỉ nói tiếng đ.m khi cáu giận, mất kiềm chế, mà trong mọi tình huống, trước mọi đối tượng.

Cô giáo dạy Toán cao cấp V., dạy hợp đồng cho nhiều trường dân lập, cam chịu: "Bây giờ thì tôi đã quen việc nghe sinh viên nói tục, chửi thề ngay trong lớp mà không phản ứng. Bởi nếu nghiêm khắc nhắc nhở, có em còn văng chúng vào ngay giữa mặt mình. Mình là phụ nữ, gặp tình huống đó thì vừa tức giận, vừa xấu hổ vô cùng". Những trường công lập danh giá có lẽ cũng không hơn gì mấy. Tình cờ đứng xem một giờ tập bóng chuyền của sinh viên trường B. giờ học chính khóa hẳn hoi, nghe các bạn thay nhau "đ.m" không nghỉ. Có cảm giác, nếu mỗi từ ô uế ấy các bạn thốt lên là một con cóc xấu xí nhảy ra, thì sân bóng hôm ấy cóc đã nhiều gấp trăm lần người!
Những viên chức văn phòng, rất trẻ và hiện đại, bóng loáng, cũng đồng lòng sử dụng thứ ngôn ngữ này một cách... tự tin và thoải mái. Nhất là vào những buổi sáng, khi những nam đồng nghiệp ngồi ăn sáng, uống cà phê ở hàng quán, bàn tán về trận bóng tối qua. Tất cả những tên gọi thông tục các bộ phận cấm kỵ của cả nam lẫn nữ, cùng phân tro động vật theo miệng họ văng ra tứ phía.
Một nhánh ngôn ngữ ghê rợn nữa là ngôn ngữ thề thốt, cũng đang được giới trẻ "thâm canh, nuôi trồng". Thằng nào nói xạo thằng đó là con chó, tàn đời tuyệt hậu, hộc máu chết liền, xe cán nát thây… Cũng không còn chỉ học sinh, sinh viên cá biệt mới sử dụng. Lan truyền, bắt chước là một đặc điểm nổi bật của học đường. Tất cả những cụm từ đáng sợ đó được các bạn tuôn ra, như một cách thêm sức nặng cho lời nói của mình (những lời nói thường nhẹ hều chữ tín). Các bạn dùng nhiều quá, hóa lậm, đến mức nói gì cũng thề, chưa thề chưa thấy yên tâm.

Nhan sắc, học vị cùng sụp đổ...
Ở chợ Tân Định (TP Hồ Chí Minh), một cô gái môi son tóc tém, cổ đeo điện thoại di động, tay xách cặp văn phòng, đã khiến nhiều người chết sững vì vốn từ "Đan Mạch" dồi dào, phong phú của cô. Tất cả mớ từ bẩn thỉu, gớm ghiếc đó cô dành cho người phụ nữ tranh mua với cô một khúc vải.

Về "lĩnh vực" này, một đạo diễn nổi tiếng cũng từng nhận những kỷ niệm thương đau, từ các cô diễn viên trẻ đẹp như tiên giáng trần của mình. Ông gọi họ là "Nhan sắc sụp đổ". Những người thường có mặt ở sau cánh gà các sân khấu nhạc trẻ, cũng thấm thía điều đó từ miệng các cô ca sĩ đẹp xinh, nổi tiếng. Đến mức phải ước ao "Giá mà những bông hoa ấy chỉ biết hát mà đừng biết nói !". Nữ ca sĩ T. nổi tiếng vì chửi thề nhiều hơn nói cảm ơn, trong một lần đứng sau cánh gà, đã buột miệng chửi một ca sĩ khác khi cô này vô ý giẫm phải vạt áo cô. Không ngờ, chiếc mic ở gần đó chưa tắt, đang ở chế độ echo, thế là ở ngoài, hàng ngàn khán giả nghe rõ tiếng T. vang vọng: "Đ...má...á...á... mày...".

Cổ xúy cho tiếng "bẩn"?
Chuyện khó tin: không chỉ thanh niên, học sinh, sinh viên, người đẹp lậm tiếng "bẩn", mà đến giảng viên đại học cũng... ca ngợi và cổ xúy cho nó(!?). Thầy C.Đ, thạc sĩ Ngôn ngữ học, trong buổi dạy về dạng tiếng nói nôm na ở trường đại học X. đã đứng trên bục giảng, lớn tiếng: "Đ.má, đ.mẹ, con c. (thầy không thèm nói tắt như chúng tôi)... là một phần căn bản, quan trọng, đầy màu sắc, sống động nhất của ngôn ngữ, tại sao lại né tránh nó? Tại sao lại kỳ thị những từ ngữ giúp con người bày tỏ sự tức giận, ghê tởm, giải tỏa stress như vậy? Tại sao lại phải viết là đ.m mà không viết trắng nó ra, hỡi những văn sĩ đạo đức giả? Từ ngữ làm gì có từ sạch và từ bẩn? Tại sao không đưa nó vào từ điển tiếng Việt? Thật bất công! Tôi đang đấu tranh để bộ phận ngôn ngữ này được thừa nhận, trong văn bản, đàng hoàng như lẽ ra nó phải thế". Thầy hô hào như vậy, trò hưởng ứng như vậy, trách gì tiếng bẩn không "xâm lăng" vào trường học?
* * *
Đó là những bài ở VN, còn ở hải ngoại, tác giả Việt Thường trong bài tả về các tướng Cộng sản, có nói đến một trong ba anh em nhà Lê Đức Thọ và sự tục tằn thô lỗ của Đinh Đức Thiện:

“Tướng Ðinh Ðức Thiện khác cả anh là Lê Ðức Thọ và em là Mai Chí Thọ. Ðây là viên tướng chửi tục, nói nhảm nhất trong binh lính của Hồ Chí Minh. ...
Ðinh Ðức Thiện nổi tiếng nói tục và ngang bướng (chắc ỷ anh em, họ hàng làm lớn) đến độ có lần cùng đi công tác chung với Tố Hữu, ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư trung ương cộng đảng phụ trách ủy ban tuyên huấn trung ương, tướng Thiện vẫn chửi lính và nói tục, khiến Tố Hữu quê với thuộc hạ. Tố Hữu lựa lời nói với tướng Thiện : - Bao giờ anh mới bớt nói tục hả anh Thiện? Tướng Thiện cười vào mặt Tố Hữu mà rằng: - Bao giờ anh thôi làm thơ thì tôi bớt nói tục. Tố Hữu bẻ mặt, đánh bài lờ. Và để chứng minh tính cách độc đáo của mình, khi trở về qua Nam-Hà gặp một cuộc họp báo của tỉnh, tướng Thiện cười khà khà :
- Tụi mày chỉ dám đăng thơ của anh Tố Hữu, còn thơ của tao có báo nào dám đăng không?

Rồi Tướng Thiện đọc luôn :
Thế gian nhất đẹp là l...
Nhất ngon là muối, nhất khôn là tiền.
Và thấy cái ảnh của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp các nữ xã viên đang hái chè trên đồi chè Ðào Giã (Phú Thọ) tướng Thiện đề nghị nên chú thích vào tấm ảnh đó như sau :
Em đi lên núi hái chè
Gặp thằng bỏ mẹ nó đè em ra
Nó bóp rồi nó lại xoa
Ngoảnh đi ngoảnh lại nó đút cái mả cha nó vào!
Tất nhiên cả hội nghị cười hề hề, kể cả Lê Ðiền, bí thư tỉnh ủy Nam-Hà, người đang chủ trì cuộc họp báo.
“Nhất khôn là tiền”, quả thật đó là sự mơ ước của tất cả những tụi cộng sản chóp bu từ thời kỳ đó, cho đến sau này là các Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt v.v... Ðương nhiên trong đó có ba anh em nhà Lê Ðức Thọ, Mai Chí Thọ và Ðinh Ðức Thiện!“ (Chân dung các Tướng cộng sản -Việt Thường)
* * *
Để bớt chửi tục hay nói bậy trước công chúng có lẽ người ta nên bắt chước một quốc gia trước kia thuộc Liên Bang Sô Viết dùng biện pháp phạt vạ may ra mới giảm thiểu được. Những ai sử dụng từ ngữ bị đánh giá là tục tĩu nơi công cộng ở Belgorod (Nga) đều bị phạt. Bà Veronika Smernova, người phát ngôn của chính quyền địa phương, giải thích: "Chúng tôi xem việc một người nào đó tuôn ra những lời nói lăng nhục, thóa mạ nơi công cộng như là một hành động gây rối trật tự công cộng". Theo nhật báo Gazeta, phần lớn những người bị phạt là thanh niên dưới 20 tuổi, và mức phạt trung bình 500 rúp (14 euro). Biện pháp này cũng mang lại tác động tích cực, như tiết lộ của bà Smernova: "Từ khi chúng tôi áp dụng biện pháp phạt tiền, tình trạng ăn nói thô tục trong giới trẻ giảm hẳn".


Tạm thời dừng bút nơi đây. Hy vọng Xuân về chúng ta đỡ phải nghe nhiều lời thô lỗ, chửi rủa tục tằn dù cuộc đời quá nhiều việc bất như ý ở mọi chốn mọi nơi khiến người ta đôi lúc không kềm chế được lời ăn tiếng nói.

Thiết Trượng
(Xuân Ất Dậu 2005 )

No comments: