January 30, 2007

(5) Đêm Thánh Vô Cùng

Gốc tích bản nhạc Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night)
LTS: Cách đây gần 200 năm (bài viết này đăng trong Reader's Digest cuối năm 1993), do một hoàn cảnh đặc biệt, một tu sĩ ở Áo đã phải soạn một bài nhạc thánh ca cho đêm Giáng Sinh năm 1818 để thay thế cây đại phong cầm trong nhà thờ bị hư. Bản nhạc đã bị lãng quên một thời gian dài và ngay chính tác giả đến khi chết đã không biết rằng bản nhạc của mình đã gieo vào lòng mọi người trên toàn cõi địa cầu một âm hưởng tuyệt vời an bình và thánh thiện.
Theo Per Ola và Emily D'Aulaire
(Dạ Ngọc chuyển dịch)

Tuyết đã nhẹ rơi xuống vùng Oberndorf, một làng gần tỉnh Salzburg nước Áo. Dân làng đang giăng đèn kết hoa, kể cả cây trái và các loại hột thực vật ăn được trên các cây thông còn tươi để sửa soạn cho đêm thánh huyền diệu sắp đến. Một chốc nữa, chuông của nhà thờ tân tạo Oberndorf sẽ đổ vang khởi báo cho cuộc thánh lễ nửa đêm bắt đầu, và các con chiên sẽ hát ca, cầu nguyện mừng ngày Chúa ra đời.(Hình:Ngôi nhà thờ bản nhạc được hát lần đầu tiên)

Tuy nhiên, trong nhà thờ Thánh Nicholas, có một người không cảm thấy vui thú tí nào về chuyện sắp đến trong chiều Giáng Sinh năm 1818 này. Linh mục phó xứ Joseph Mohr còn trẻ, 26 tuổi, mới chợt nhận ra cây đàn trong nhà thờ bị hư hại nặng. Đạp mạnh cách nào, cây đại phong cầm cũ kỹ này cũng cứ ì ra. Chàng chán nản quá. Chờ được ông thợ sửa đàn đến, có lẽ thánh lễ bế mạc từ khuya. Đối với tu sĩ phó xứ trẻ tuổi này, một lễ Giáng sinh mà thiếu nhạc là một điều không thể chấp nhận được.
  

Linh mục Mohr vốn là người có bản chất tự nhiên mê nhạc. Từ lúc còn nhỏ, cậu bé con của một quân nhân và người phụ nữ làm nghề khâu vá đã kiếm ra tiền nhờ hát ca và chơi vĩ cầm hoặc Tây ban cầm trong những buổi trình diễn trước công chúng. Lên đến trung học và đại học cũng nhờ số tiền mà cậu kiếm được do việc trình diễn nghệ thuật này. Sự chăm chỉ cộng thêm thiên khiếu của người thanh niên đã khiến một tu sĩ lưu ý và khuyên Mohr nên vào trường dòng. Thụ phong linh mục năm 1815, linh mục Mohr được chuyển về phục vụ giáo xứ Oberndorf năm 1817. Ngoài nhiệm vụ rao giảng các bài thánh vịnh, tu sĩ trẻ này còn khiến mọi người ngạc nhiên về nghệ thuật phối âm, chỉ dùng Tây Ban Cầm chuyển đổi các bản dân ca tầm thường thành các bài thánh vịnh.

Giờ đây trước nỗi lo lắng vì cây đàn đệm của nhà thờ bị hư, vị linh mục trẻ tuổi thấy cần phải rút vào một chỗ yên tịnh để cấp tốc nghiền ngẫm học hỏi. Nhận thấy các bài hát Giáng sinh không phù hợp với tiếng Tây Ban Cầm, ông quyết định làm một loại hát mới. Gò cong người đã lâu trên tờ giấy trắng, cây bút lông của ông vẫn bất động. Chợt trong trí ông hiện ra hình ảnh một gia đình tín đồ mới đây đến nhà thờ xin làm phép lành cho đứa con mới sinh, khiến ông nhớ đến dáng điệu ôm ấp che chở đứa bé sơ sinh của người mẹ trong ngày đông giá lạnh đó và liên tưởng đến một sự lâm bồn khiêm cung khác gần 2000 năm trước.

Không chần chờ, ông bắt đầu viết. Cây bút di động thoăn thoắt như có bàn tay vô hình hướng dẫn. Một điệp khúc lạ lùng, “Stille Nacht, Heilige Nacht" hiện trên giấy: “Silent night, holy night". Dòng chữ giản dị như lời trẻ thơ, ông phó xứ trẻ tuổi đã mô tả ngày Giáng Sinh huyền diệu trong 6 đoạn thơ. Làm như những lời đó chảy thẳng từ thiên quốc xuống.  

Khi ông làm xong, thời gian nửa đêm cũng gần kề. Những dòng thơ phải được phổ nhạc cho đúng giờ hành lễ. Tu sĩ Mohr thấy cần phải nhờ ngay đến ông bạn Franz Xaver Gruber, 31 tuổi, một giáo viên cư ngụ gần giáo xứ, giỏi hơn ông về phổ âm.

Không như Mohr, Gruber đã phải dấu diếm nỗi đam mê âm nhạc của mình. Đối với ông bố thợ dệt khe khắt của Gruber, âm nhạc không mang lại cơm ăn. Vì thế mỗi chiều, Gruber đã phải lén lút mò sang học âm nhạc của một ông thầy trong làng. Gruber học giỏi đến độ, một hôm ông bố chợt nghe con chơi một nhạc cụ, đã đổi thái độ và cho phép Gruber theo học nghệ thuật này.
Nhưng sau đó Franz Gruber đã chọn nghề dạy học làm kế sinh nhai. Ông thầy giáo trong thời gian đó vẫn uớc nguyện trở thành một nhạc trưởng và điều khiển ban thánh ca nhà thờ. Nhiệm sở dạy học tại Arnsdorf, Gruber được nhà thờ St. Nicholas coi như một thân hữu.

Chiều Giáng Sinh đó, theo như các sử gia kể lại cho biết, Mohr đã đến thăm Gruber đang sống chung cùng đại gia đình tại khu vực tân trang của họ phía bắc trường học. Mohr đã kể cho Gruber tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của mình. Cầm bản thảo trong tay, Mohr xin bạn ráng tìm cách phối âm bài hát cho hai giọng ca, rồi cho hợp ca và có đệm Tây Ban Cầm, làm gấp để kịp giờ Thánh lễ nửa đêm.
Khi Gruber đọc những lời của linh mục Mohr, ông như bị chấn động về cái đẹp dung dị trong đó. Ông liền tới dương cầm để soạn nhạc, còn linh mục Mohr hối hả về nhà thờ.
Dùng ba điệu nhạc hòa âm căn bản nhất cho trình diễn đại nhạc hội, nhà soạn nhạc kết cấu một bản nhạc giản dị hồi tưởng du dương lạ lùng. Tới gần khuya, Gruber giao lại cho linh mục Mohr bản nhạc. Không còn giờ tập dượt, hai người chỉ giao hẹn là Mohr sẽ đờn Tây Ban Cầm và hát giọng cao, còn Gruber hát giọng trầm. Sau mỗi đoạn, ca đoàn sẽ lập lại điệp khúc. 
Nửa đêm, các tín hữu đến dự lễ, những tưởng nhà thờ sẽ vang vọng tiếng phong cầm và các bài ca Giáng Sinh cố hữu. Nhưng thay vào đó, ngôi giáo đường vẫn im lìm lặng lẽ, ngay cả khi các giáo hữu đứng chật nơi các hàng ghế. 

Linh mục Mohr bước lên bục giảng, vẫy tay mời nhà giáo Gruber lên đứng cạnh ông. Ôm trong tay cây đàn Tây Ban Cầm, vị phó xứ giải thích cho các tín hữu sự việc, và cho biết dù đờn nhà thờ bị hư, thánh lễ nửa đêm bất cứ giá nào vẫn phải có nhạc, vì vậy ông và Gruber đã sửa soạn sẵn một bài Giáng sinh hợp ca.
Bằng cây đàn, hai người đã cất giọng âm vang nhà thờ. Ca đoàn nhà thờ đã xướng họa trong 4 khúc. Các giáo hữu yên lặng thưởng thức trong niềm thành kính bài thánh ca trong lành như giòng suối Alpine. Sau đó, linh mục Mohr cử hành thánh lễ, mọi người quỳ xuống nguyện cầu. Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ St Nicholas coi như thành công.

Câu chuyện hầu như kết thúc sau đó. Mohr và Gruber sáng tạo bài thánh ca trong một hoàn cảnh bế tắc, coi như có tính cách tạm bợ và chẳng ai nghĩ trình diễn lại nó một lần nữa. Mùa xuân năm đó, người thợ sửa nhạc cụ đã vá víu lại được sự hư hỏng cây nhạc đệm nhà thờ. Ít lâu sau, linh mục Mohr được thuyên chuyển sang một giáo xứ khác. Các năm kế tiếp sau đó, bài thánh ca kia vẫn im vắng, lặng lẽ sau cái đêm mà nó đã rực sáng năm 1818.

Nhưng may mắn thay cho thế giới, cái cây đàn ở nhà thờ St Nicholas lại dở chứng. Năm 1824-1825, các tín hữu đã mướn chuyên viên chế tạo nhạc cụ Carl Mauracher tân trang lại nó. Trong thời gian sửa, Mauracher tình cờ thấy bản nhạc mà Mohr và Gruber soạn
cho năm nào trong bục nhà thờ. Tờ giấy tìm thấy ghi lại quá giản dị, Mauracher phải tìm đến tận gốc là nhà soạn nhạc cũ. Hiểu thấu công việc Mauracher đang làm cho cái đàn đại phong cầm ở nhà thờ Nicholas, Gruber vui vẻ cho Mauracher một bản sao nguyên vẹn "Silent Night".

Lúc rời Oberndorf, Mauracher mang theo bản nhạc. Những người được ông cho nghe bản này đều cảm xúc vì lời lẽ và nhạc điệu du dương. Ít lâu sau gánh hát của các ca sĩ dân ca Tyrolean, thường hay đi trình diễn quanh Âu châu, đã thêm bài "Silent Night" vào trong chương trình đại nhạc hội.  

Trong nhóm đó có ban Strasser Family. Bốn anh chị em ca sĩ có giọng như âm hưởng tiếng hát thiên thần, chuyên trình diễn tại các hội chợ có bầy bán găng tay gia đình họ sản xuất. Khoảng năm 1831 hay 1832 gì đó, các ca sĩ Strasser hát bản "Silent Night" tại một hội chợ ở Leipzig thuộc Đức, khán giả thích quá. Sau đó ít lâu, một báo địa phương in bài này, coi như lần đầu tiên, đặt tên là Tirolerlied, hay có nghĩa là một bài ca Tyrolean. Chả thấy đề cập gì đến Joseph Mohr hay Franz Gruber.
Lời ca điệu nhạc chẳng mấy chốc lan tràn nhanh chóng. Thời gian ngắn sau, bản Silent Night vượt Đại Tây Dương theo chân các ca sĩ gia đình Rainers đến trình diễn tại Mỹ. Tại thành phố New York, trong thời gian 1939 - 1940, ban Rainers đã trình diễn lần đầu bằng Anh ngữ bản Silent Night.

Khán giả mọi nơi bắt đầu thấy bản "Silent Night" đã phổ cập còn hơn là một bản dân ca giản dị. Vài thính giả còn cho nó là một bản nhạc thuộc Haydns. Nhưng ngay tại làng của mình, Mohr và Grubert không hay biết tí gì bản nhạc của họ đang khuấy động nhiều nơi. Linh mục Mohr chết vì sưng phổi năm 1848, trong cảnh nghèo túng không một đồng xu, lúc 55 tuổi. Ông không hề biết bài hát của mình đã vang ca tới nhiều ngõ ngách trên thế giới.

Còn Gruber chỉ được rõ sự thành công của bản nhạc vào năm 1854, khi nhạc trưởng của Vua Frederick William IV nước Đức bắt đầu lùng tìm gốc gác bài hát. Biết điều này, Gruber lúc đó đã 67 tuổi, bèn gửi thư sang Bá Linh trình bày nguyên ủy của bài hát.

Khởi thủy, vài nhà học giả cho là hai anh tầm thường này chỉ mơ mộng hão nhận ẩu bài hát thánh ca phổ thông. Ngay khi Gruber chết năm 1863, nguồn gốc bản thánh ca vẫn còn được đặt ra. Cùng năm này, tu sĩ John Freeman Young, sau đó trở thành Hồng Y giáo phận Florida, đã dịch 3 đoạn của thánh ca sang Anh ngữ mà ngày nay người ta thường hát.

Khi không còn bàn cãi về gốc gác tác giả bài thánh ca, hàng năm việc tưởng niệm Mohr và Gruber là một phần trong thời gian lễ Giáng Sinh khắp nơi tại Áo. Người chuyên khảo về thánh ca là William E. Studwell của Đại Học Northern Illinois đã phát biểu: "Bản Silent Night là bài hát tượng trưng cho Giáng Sinh". 

Thực tế cho thấy, bản thánh ca này đã được hát mọi nơi trên thế giới, từ nguyên gốc là tiếng Đức tới tận Á châu (ngay đến tiếng VN hầu như ai cũng biết bản Đêm Thánh Vô Cùng), và cả tận Phi châu, tất cả đều biểu lộ niềm tâm cảm hoan lạc và an bình. Các ca sĩ Mỹ nổi tiếng từ Bing Crosby đến Elvis Presley đều thu băng tiếng hát của mình với bài thánh ca bất hủ này.
 


Hàng bao năm qua, bài thánh ca giản dị đó đã có mãnh lực thần bí tạo nên an bình thánh thiện. Trong thế chiến thứ nhất, đêm Giáng Sinh 1914, lính Đức trong giao thông hào thuộc trận tuyến Miền Tây, trổi giọng hát bản Silent Night. Phía bên kia giao thông hào, lính Đức vẫn yên chí là khu đất trống không người, bỗng vang vọng giọng hát hòa theo của các chiến sĩ người Anh.

Cùng trong thời gian cuộc chiến đó, tại một trại tù Tây Bá Lợi Á, lính Đức, Áo và Hung tự nhiên trổi giọng lên hát bài Silent Night. Trưởng trại người Nga, mắt rớm lệ, bằng tiếng Đức ngắt quãng bảo các tù nhân: "Đêm nay, lần đầu hơn một năm trong cuộc chiến, tôi có thể tạm quên các anh và tôi là kẻ thù."

Khi Đức xâm chiếm Tiệp năm 1944, một sĩ quan Đức đến thăm một trại mồ côi dịp lễ Giáng Sinh, chợt hỏi có bé nào biết hát "Silent Night" bằng tiếng Đức không. Một em trai và gái ngập ngừng tiến ra, bắt đầu hát "Stille Nacht, heilige Nacht". Vị sĩ quan mỉm cười, nhưng thình lình hai em bé ngưng hát, như chợt nhớ ra điều gì, và nét mặt lộ vẻ kinh hoàng. Trong phần đất đó do Đức kiểm soát, chỉ có ai là người Do Thái mới biết tiếng Đức. (LTS: Biết ai là Do Thái, là lính Đức còng ngay, chờ dẫn đến phòng hơi ngạt). Biết sự khiếp đảm của các em, vị sĩ quan Đức trấn an: "Đừng sợ, đừng sợ!". Bài hát quả đã xúc cảm đến tâm hồn người sĩ quan này.

Bẩy năm sau, một chiều Giáng Sinh, trong trận chiến Triều Tiên, một chàng lính trẻ Hoa Kỳ, tên John Thorness, đang có nhiệm vụ gác, chợt nghe như địch quân đang tiến lại gần. Để tay sẵn sàng trên lãy cò, anh thấy một đám lính Đại Hàn từ trong bóng tối nhô ra. Tất cả đều nhe răng cười. Trong lúc anh lính Hoa Kỳ còn ngỡ ngàng, nhóm lính hát bài "Silent Night" - dĩ nhiên bằng tiếng Đại Hàn - tặng cho anh. Hát xong, họ lẩn lại vào bóng tối.

Người Mỹ có kỷ niệm riêng về "Silent Night", bắt nguồn từ buổi lễ Giáng Sinh đầu tiên tại nhà thờ Congregational ở Reading, Conn. Khi bước vào nhà thờ, vị thày sáu đưa mọi người một cây nến trắng nhỏ. Cuối giờ thánh ca và đọc kinh, đèn nhà thờ được tắt bớt. Vị chủ lễ thắp một ngọn nến từ bàn thờ và đi xuống hàng ghế đầu phía trước. Hai người bên trái và phải dãy ghế đầu đến phiên họ, thắp sáng cây nến của mình rồi truyền cho người bên cạnh. Nếu ngồi cuối, chúng ta sẽ quan sát một giòng ánh sáng bừng lên từ dãy từ dãy. Rồi đại phong cầm trổi lên, mọi người cùng nhau hát lên bản nhạc Giáng Sinh đã khởi xuất từ hàng ngàn dặm xa và hàng trăm năm trước: "Silent night, holy night, All is calm, all is bright..." 
Khi lời cuối chấm dứt, mọi người đứng im trong ánh sáng lung linh của cây nến. Lời ca huyền diệu, du dương và giản dị thấm nhập vào tâm hồn, giống như nó đã thấm nhập vào tâm khảm mọi người trên thế giới kể từ lúc vị tu sĩ trẻ tuổi và người thầy giáo thân hữu hát lần đầu tiên cách đây gần 200 năm.
Silent Night
Silent night, holy night!
All is calm, all is bright.
Round yon Virgin, Mother and Child.
Holy infant so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
Sleep in heavenly peace.
Silent night, holy night!
Shepherds quake at the sight.
Glories stream from heaven afar.
Heavenly hosts sing Alleluia,
Christ the Savior is born!
Christ the Savior is born.
Silent night, holy night!
Son of God love’s pure light.
Radiant beams from Thy holy face.
With dawn of redeeming grace,
Jesus Lord, at Thy birth.
Jesus Lord, at Thy birth.

Đêm thánh vô cùng
(Dịch: Hải Linh )

Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời
Se chữ đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu vô bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền...
Ôi Chúa Thiên đàng
Cảm mến cơ hàn
Nhấp chén phiền
Vương phong trần
Ôi Thiên Chúa thương người đến quên mình
Canh khuya giáng sinh trong chốn cơ hàn
Ơn châu báu vô bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền
*************************************************




Dạ Ngọc
(Tuần báo Vietnam Press 12-1995)

Silent Night 200 năm
Dịp Giáng Sinh năm nay, nhiều sự kiện đang được tổ chức trên khắp thế giới kỷ niệm  “Silent night”, một trong những khúc Noel kinh điển nhất, tròn 200 năm tuổi.
Với giai điệu và ca từ đơn giản nhưng ý nghĩa, mang thông điệp về hòa bình, Silent night đã nhanh chóng gây được tiếng vang và ngân nga trên nhiều quốc gia mỗi dịp Giáng Sinh.
Vào đêm 24/12/1818, ca khúc do Gruber soạn nhạc đã vang lên trong bầu không khí đón Giáng Sinh, với sự thể hiện của chính 2 tác giả. Mohr hát giọng tenor, còn Gruber hát giọng bass và cả hai cùng chơi guitar.
Báo điện tử VTV dẫn lời chia sẻ của ông Michael Gigl (Hội đồng Du lịch Áo) rằng: “Rất ít người biết rằng ca khúc này có nguồn gốc từ Áo. Nó đã được dịch sang hơn 300 thứ tiếng và trở thành một bản hit. Chúng tôi tổ chức sự kiện này tại nhà thờ Trinity vì đây cũng là nơi mà lần đầu tiên ca khúc được giới thiệu tại Mỹ trong đêm Giáng Sinh năm 1839 với sự trình diễn của các ca sĩ đến từ Áo”.
200 nam qua silent night van la ban hit giang sinh kinh dien
Bản nhạc ca khúc Silent night của Franz Gruber. (Ảnh: Thể Thao Văn hóa)
200 nam qua silent night van la ban hit giang sinh kinh dien
Tác giả ca khúc Silent night, Franz Xaver Gruber (phải) và Joseph Mohr. (Ảnh: Tiền phong)
Đến năm 1859, John Freeman Young, một linh mục của nhà thờ Trinity, đã giới thiệu phiên bản tiếng Anh đầu tiên của ca khúc này, với tên gọi Chorale of Salzburg.
Theo Báo Tiền phong, được xem là “ca khúc vì hòa bình thế giới”, Silent Night đã vượt qua khuôn khổ Giáo hội Công giáo, “bám rễ” vào các nền tôn giáo khác. Năm 2011, Silent Night đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Ngay sau đó, Silent night đã trở thành một trong những ca khúc được ghi âm nhiều nhất trên thế giới và trở thành một phần của di sản văn hóa Áo.
200 nam qua silent night van la ban hit giang sinh kinh dien
Nhà nguyện Silent Night ở Oberndorf, Salzburg (Áo).
Năm 1891, ca khúc đã tới Anh, Thụy Điển và Ấn Độ, sau đó là Đông Phi, New Zealand, Nam Mỹ…
Khán giả khắp nơi đều có chung cảm nhận rằng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ đơn giản của bài hát này tạo được sự đồng điệu trong tâm hồn và cảm xúc của nhều người, nhất là trong ngày lễ ý nghĩa.
Nó mang lại cảm giác thoải mái, giúp ta như hòa mình vào không khí ấm cúng của đêm Noel trong thông điệp vĩnh cửu về hòa bình. Silent night đã vang khắp thế giới với hơn 300 ngôn ngữ.
Hiện ở Áo, có 9 bảo tàng ở các thành phố khác nhau đang tham gia vào chương trình mang tên 200 Years Silent Night – Austria’s Peace Message to the World (200 năm Silent night – Thông điệp Hòa bình của Áo gửi tới Thế giới). Triển lãm kéo dài từ 29/9-3/2/2019.
Tại Việt Nam, ngoài phiên bản tiếng Anh, phiên bản lời Việt được nhạc sĩ Hùng Lân soạn với tên gọi Đêm thánh vô cùng từ hơn nửa thế kỷ trước, là phổ biến nhất. Những giai điệu bất hủ này vẫn cứ ngân nga trong mỗi mùa Noel, trở thành ký ức đáng nhớ của nhiều người.
Minh Tú (Tổng hợp)

No comments: