January 30, 2007

(19) NGƯỜI VIỆT và GIÁO DỤC MỸ


Nguyễn Bất Ngũ (1-1989)
Không ai phủ nhận Hoa Kỳ là một cường quốc có nền kỹ thuật khoa học vào hàng đầu trên thế giới. Nhưng tại sao vẫn có những chuyên gia về lãnh vực giáo dục, nhất là trong mấy năm gần đây đã phải lên tiếng báo động về nguy cơ đáng ngại "đang đà xuống dốc quá nhanh" của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ xuyên qua kiến thức của học sinh và sinh viên Hoa Kỳ? Nguyên nhân nào đã khiến các học sinh Hoa Kỳ thua kém (có khi xếp vào hạng gần mức giật cờ đỏ!) so với học sinh của các quốc gia khác trên thế giới trong nhiều lãnh vực: Toán, Khoa Học , Sử Ký, Địa lý...?

Liệu chúng ta thấy có đủ khả năng và ý muốn đóng góp phần nào hữu ích trong việc giúp con em mình vượt qua chướng ngại vật mà nền giáo dục Hoa Kỳ đang vướng phải? Ai trong chúng ta, với vai trò phụ huynh đã có kinh nghiệm trợ giúp con em trong những khúc mắc về giáo dục mà chúng đang trực diện? Bao nhiêu phần trăm trong tổng số những anh em trong chúng ta đã giao phó hoàn toàn việc học của con em mình cho cơ sở giáo dục các em đang thọ giáo?

Đề cập đến một lãnh vực thật bao quát, sâu rộng có những khó khăn và gay go, ảnh hưởng đến cả tương lai của một cường quốc như Hoa Kỳ, giáo dục không thôi chính nó đã là một đề tài bao la, rộng lớn đầy phức tạp. Đề tài này đòi hỏi hẳn một cơ quan có tầm vóc rộng lớn. Nhân sự chuyên môn trong ngành giáo dục phải đủ để theo dõi các diễn biến xảy ra mỗi lúc một khác nhau trong hệ thống giáo dục của mỗi tiểu bang Hoa Kỳ, công cũng như tư. Chưa kể ngân khoản dành cho việc chi phí các công trình nghiên cứu đề cập ở trên với những phần hành phải có của nó như thu thập, phân tích, tổng kết... cũng là một vấn đề không nhỏ. Đấy là đã có sự trợ giúp về mặt kỹ thuật tối tân của các ngành viễn thông, điện toán, computer... 
Chúng tôi không có tham vọng, cũng không có đủ mọi dữ kiện và thời gian để thu thập các tài liệu hầu trình bầy mọi khía cạnh của vấn đề. Đưa một đề tài bao quát trong hoàn cảnh hạn chế của một vấn đề được thu hẹp, chúng tôi chỉ xin được nêu lên những gì chúng tôi có được. Hi vọng sẽ có các bổ túc khác về tài liệu giáo dục ở Mỹ của những bạn khác.
oOo
Một tin nhỏ trong tờ Los Angeles Times ngày 23-9-88 có tựa đề: "MỘT CUỘC NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT LÊN TIẾNG BÁO ĐỘNG SỰ NGU DỐT VỀ KHOA HỌC CỦA HỌC SINH MỸ": Hôm qua, 22 tháng 9 năm 1988, một cuộc nghiên cứu cho biết mức độ ngu dốt của học sinh Hoa Kỳ về lãnh vực Khoa Học đến tầm mức báo động đáng ngại. Theo 'The Science Report Card', một dự án được Liên Bang hỗ trợ, và Cơ Quan Trắc Nghiệm Giáo Dục của Princeton, N.J thực hiện cho biết hơn một nửa tổng số học sinh 17 tuổi không thấu hiểu nguyên tắc sơ đẳng cho việc đòi hỏi về thực nghiệm các môn Khoa Học trước khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Chỉ có 7% trong tổng số học sinh đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn đòi hỏi."
oOo
Riêng trong bài tham luận của Joan Beck, bỉnh bút của Chicago Tribune, nêu lên một khía cạnh về mức độ hiểu biết về Địa Lý của học sinh Mỹ đã khiến người ta phải thất vọng. Theo J. Beck, học sinh Mỹ ngày nay là một thế hệ mù tịt về địa dư trên thế giới. Tệ đến mức, nhiều học sinh chả rõ mình đang ở trong khoảnh đất của Mỹ quốc. Với tựa đề :"LOST GENERATION - Geographically, Americans can't get there from here", J. Beck đã đưa ra những nhận xét và các dữ kiện thật bi quan. Đối với đa số quần chúng Hoa Kỳ, chả có gì đáng ngạc nhiên nếu họ không phân biệt được các quốc gia đồng minh trong khối LIÊN MINH PHÒNG THỦ ĐẠI TÂY DƯƠNG (NATO) với các nước đối phương trong khối WARSAW. Các cô cậu học sinh có thể nói Thế Vận Hội kỳ tới sẽ được tổ chức ở Việt Nam hay Iraq. Điều đó có thể tha thứ vì thiếu sự theo dõi thời sự. Nhưng điều nực cười theo tác giả, hỏi về Kha Luân Bố người đã tìm ra châu Mỹ, câu trả lời đã có là hồi đó ông ta dự trù tìm đường đi Âu Châu. Tìm vị trí của Tiểu Bang Nữu Ứơc, có em đã thử cả 37 lần dọc theo phía Đông bản đồ Mỹ Quốc.

J. Beck có vẻ ngạc nhiên khi đặt câu hỏi, đối với những công dân, trong tương lai triển vọng là những nhà lãnh đạo thế giới Tự Do, học sinh Mỹ chả được hướng dẫn kỹ càng về địa lý, như kẻ mù sống trên trái đất. Chúng chả biết đâu là Hy Lạp, đâu là Ba Lan hay Hung Gia Lợi; ngay cả Michigan, N.Jersey hay Massachusetts trên đất Mỹ. Chúng chả rõ ngày nay Pháp, Trung Cộng và Ấn Độ đã có vũ khí nguyên tử. Một em bé 8 tuổi trả lời là Mỹ Quốc có khoảng 1 tỷ đến 2 tỷ dân. Hầu hết các cô cậu đều cho di dân đến từ Cuba. Dân Mỹ thường xuyên liên lạc điện thoại trực tiếp Anh Quốc. Nhưng chỉ có một nửa số học sinh tìm ra được nước Anh trên bản đồ Âu Châu. Có đến 5% chả rõ thủ đô của Mỹ là Hoa Thịnh Đốn.

Cuộc nghiên cứu mới đây do National Geographic Society hướng dẫn, đã làm một cuộc so sánh về kiến thức địa dư của dân chúng Hoa Kỳ so với Nhật, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Ý, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ đã cho biết Mỹ chỉ hơn có Ý và Mễ. Lứa tuổi 18 đến 24 tuổi của dân Mỹ là lứa tuổi kiến thức kém nhứt, đứng hạng bét trong bảng xếp hạng. Những người Mỹ lứa tuổi trên 55 là tương đối hiểu biết...

Vài năm gần đây, hơn 300 cuộc nghiên cứu, thăm dò đã cho thấy sự "ngu dốt" thảm hại của người dân Mỹ về Sử Ký, Địa Lý. Điều nực cười là dù cố gắng làm nhiều cuộc điều tra, người ta vẫn thấy phân nửa người Mỹ trưởng thành không biết tên cái xứ sở mà nhóm Sandinista và Contras đang chống đối nhau và miền đất nào Do Thái và Ai Cập đang thường xuyên tranh chấp.

Lý do nào đã khiến một dân tộc đã từng chiến đấu trong những cuộc đại chiến trên thế giới hơn nửa thế kỷ qua, một dân tộc đã biến đổi ngành du lịch thành một kỹ nghệ chính, một dân tộc cung cấp trụ sở cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc và một dân tộc ở một nơi thu hút hầu hết di dân trên thế giới lại ngu dốt về địa lý như vậy? Theo J. Beck, chính tại hệ thống giáo dục của nhiều trường học đã mang Sử Ký và Địa Lý trộn lẫn vào môn Khoa Học Xã Hội. Từ đấy qua biểu đồ dẫn chứng trong sách, qua các "cua cá nhân" của từng vị giáo sư, Sử Ký và Địa Lý đã chỉ được trích dẫn những đoạn nào xem ra lý thú, màu mè, cảm hứng cá nhân và đôi khi có cả những ý tưởng mông lung không có gì bảo đảm. Chính điều đó đã gieo vào đầu óc họs sinh một ấn tượng giản dị, mờ nhạt của Địa Lý và Sử Ký...
oOo
Báo US News and World Report ngày 28/9/87 đã đề cập đến kiến thức tổng quát học sinh Hoa Kỳ dựa theo cuốn sách "WHAT DO OUR 17-YEAR-OLDS KNOW?" của Diane Ravitch và Chester E. Finn. Điều tác giả tiết lộ trong sách đã căn cứ vào kết quả của một cuộc khảo sát trên toàn quốc Hoa Kỳ tại 7812 trường Trung Học. Trong 5 em, chỉ có một em biết Tân Thế Giới do ai khám phá. Các cô cậu chịu thua không biết trong thế kỷ nào xảy ra trận nội chiến Hoa Kỳ. Chỉ có 31% có thể nhận ra Magna Carta (*). Ngay cả các câu hỏi về những biến cố xẩy ra rất gần, rất nhiều học sinh tỏ ra rất ngớ ngẩn khi bị hỏi. Giáo Sư Ravitch về Sử học và Giáo Dục tại Viện Đại học Columbia tỏ ra vô cùng thất vọng khi nhìn kết quả cuộc trắc nghiệm. Ông tuyên bố: " Sử Ký, Văn Chương, Toán Học, Khoa Học và Mỹ Thuật là những môn học căn bản cho một nền giáo dục trường cửu. Các môn này phải được giảng dạy suốt 13 năm liên tục trước khi các học sinh lên Đại Học".
oOo
Năm 1985, báo Washington Post đăng tải một cuộc gặp gỡ giữa hai nhóm 15 học sinh Mỹ và 15 học sinh Nga để thảo luận về sự đe dọa nguy hiểm của một cuộc chiến tranh nguyên tử. các học sinh Mỹ đã được các trường địa phương tuyển chọn. Còn các học sinh Nga là con cháu của các viên chức ngoại giao và giới truyền thông Nga, được theo học một trường của tòa đại sứ. Trong cuộc thảo luận, một học sinh Nga tên Alexei Palladin, 14 tuổi, nói là Nga và Hoa Kỳ xưa kia đã từng là bạn. Rồi Palladin hỏi các học sinh Mỹ "Các anh biết gì về Đệ II Thế Chiến?". Các học sinh Mỹ ngồi im. Palladin mới gật gù đầu nói: "Có lẽ không ai biết đến cả điều chúng ta đã là đồng minh trong cuộc chiến chống Phát xít".
oOo
Đây chỉ là một dẫn chứng của Tạp Chí American Legion, số tháng 2 năm 1986 nêu lên để vạch rõ cho độc giả thấy cái khiếm khuyết sơ sót của giáo dục Hoa Kỳ. Không có một đoạn sử nào dạy cho học sinh biết âm mưu cấu kết của Nga và Đức trong thời gian Đệ II thế chiến, không ai giảng cho học sinh những Gulag nhốt vô số người vô tội, những cuộc thảm sát ở A Phú Hãn do Nga cầm đầu hay cái nhục nhã của dân Nga phải chịu đựng dưới chế độ độc tài khát máu.

(Hình: Holocausto de Pol Pot www.libreopinion.com)
Bình luận gia John Lofton của tờ Washington Times đã vạch ra cái thiếu sót của một vài sách giáo khoa đã không đề cập đến số người tử vong lên đến hàng triệu ở Trung Cộng khi người Cộng Sản nhân danh để thực hiện cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội. Những sách giáo khoa trên cũng không đề cập đến cuộc thảm sát hàng triệu người Cam Bốt khi Pol Pot lấy được xứ này năm 1975. Khi được hỏi tại sao những sự kiện rõ ràng như vậy không được trình bày trong sách giáo khoa, một bộ sách dầy 765 trang, một trong các tác giả đã trả lời rằng ông lo sợ học sinh sẽ có một ấn tượng thù nghịch CS "mà không hiểu tại sao những chuyện đó đã xảy ra" (!)Một đề mục đã dùng để dạy cho con em người Mỹ "Bình quyền Nam nữ ở Nga là một điều có thực. Phụ nữ nhận thù lao tương xứng cho công việc làm. Họ có quyền kết hôn và có quyền bỏ phiếu khi đến tuổi 18." Theo cựu Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ Gary L. Bauer, điều nêu lên trong sách thật ngớ ngẩn đến bật cười, nhưng sự viện dẫn trong sách không chứng cớ này phổ biến rộng rãi, tầm nguy hiểm của nó không phải nhỏ. Phụ nữ Sô Viết bình đẳng với nam giới trong cuộc bầu cử, đúng, vì chỉ có việc giơ tay chọn đại biểu do đảng CS đưa ra. Trả công tương xứng với việc, đúng , nhưng đồng lương chết đói trong một nền kinh tế Trung Ương tập trung và không một mảy may sở hữu hay có nhiều cơ hội như một nền kinh tế độc lập.
oOo
Trở về với cộng đồng Việt, báo chí Mỹ đã nhiều lần khen ngợi và đề cao thành tích của người Á Đông, trong đó có dân Việt Nam. Giới giáo dục và chính quyền Mỹ vẫn còn thắc mắc muốn tìm hiểu lý do nào khiến con cái người Á Đông học hành xuất sắc tại học đường Mỹ. Người Mỹ muốn tìm hiểu thêm về các ưu điểm của lối giáo dục của người Á Đông ngõ hầu để cải tổ hệ thống giáo dục càng ngày càng xuống dốc của Hoa Kỳ.
Trong một dịp khác, chúng tôi xin trở lại công việc tìm hiểu của người Mỹ về sự thành công của người Á Châu trong lãnh vực học vấn. Và điều nào đã dẫn dắt đến chiều hướng chống bọn da vàng (anti-Oriental sentiment) mà nhiều đại Học Mỹ đang áp dụng và có mòi lan rộng trên nhiều nơi.
oOo
Tóm tắt cho việc tìm hiểu sự khiếm khuyết của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và bổn phận phải khuyến khích, nâng đỡ của giới phụ huynh học sinh . Nhờ truyền thống gia đình còn chặt chẽ, các phụ huynh đã có đủ thẩm quyền để khuyên răn và áp dụng kỷ luật để con cái cố gắng học hành. Những điều thiếu sót đề cập ở trên, khi đã biết, chắc chắn trong vai trò phụ huynh không người nào trong chúng ta lại nhắm mắt làm ngơ, mặc cho con em xoay trở. Chúng ta, người đông phương nói chung đã được hấp thụ bộ môn Đức Dục. Mang điều này áp dụng để hướng dẫn thêm cho con em dù chỉ tương đối và gạn lọc những gì phù hợp trong thời đại mới, đấy cũng là một yếu tố đáng khích lệ cho việc bổ khuyết một lỗ trống đáng ngại, theo ý tưởng riêng của người viết, trong việc giáo dục con em.

-------
(*) Văn bản có từ 1215 xuất xứ tại Anh quốc, còn được gọi là Magna Carta Libertatum được coi có ảnh hưởng đến Dân Luật và Hiến Pháp của các quốc gia dân chủ hiện thời
NGUYỄN BẤT NGŨ (NT1)
Ức Trai số 3 - Nội san Hội Ái Hữu Cựu SVSQ ĐH/CTCT Đà Lạt

No comments: